TCCSĐT - Những năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tích cực thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa trong toàn quân. Nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo, mang lại giá trị thiết thực đã trực tiếp cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội, thắt chặt tình cảm quân dân, tiếp thêm niềm tin của nhân dân đối với những người lính Bộ đội Cụ Hồ.

Tết quân dân - Nét đẹp văn hóa của lực lượng vũ trang Cần Thơ

Được tổ chức từ năm 2007, mô hình “Tết quân dân” ra đời từ việc xâu chuỗi các hoạt động của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ mỗi dịp Xuân về như tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo; giúp đỡ nhân dân phát quang các tuyến đường; thi gói bánh tét, tổ chức giao lưu văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, các trò chơi với thanh niên địa phương… Những hoạt động giản đơn, gần gũi này đã mang lại hiệu quả tích cực, làm chuyển biến nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quốc phòng, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân, tạo được sự tin cậy, yêu mến của nhân dân đối với các chiến sĩ.

Để triển khai mô hình, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thành phố tổ chức nhiều cuộc khảo sát, chọn lựa địa bàn có ý nghĩa lịch sử, nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, vùng căn cứ kháng chiến, chú trọng đến những khó khăn của địa phương và nhu cầu cần thiết trong đời sống của nhân dân để đưa vào nội dung các hoạt động. Nhiều lớp tập huấn, bổ sung kiến thức về phong tục, tập quán, nếp sống, thói quen sinh hoạt của nhân dân địa phương đã được mở cho các cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác tổ chức để giúp hòa nhập tốt hơn vào sinh hoạt của người dân trên địa bàn đóng quân.

Đại tá Phạm Ngọc Quang, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ cho biết: Bên cạnh những hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân đón Tết mỗi dịp chuẩn bị năm mới, nội dung của chương trình “Tết quân dân” hằng năm đều được mở rộng, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; vận động nhân dân vùng sâu, vùng xa xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, các tệ nạn xã hội như cờ bạc, đá gà, số đề, mê tín dị đoan…. Đặc biệt là các hoạt động giúp nhiều trẻ em dân tộc Khmer thoát mù chữ, chống tái mù chữ, góp phần nâng cao dân trí, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt các tiêu chí nông thôn mới. Cán bộ, chiến sĩ đã kết hợp lồng ghép, vận động giáo dân Công giáo, tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo luôn chấp hành tốt quy định của pháp luật về thờ tự, tín ngưỡng, phát huy vai trò của chức sắc, chức việc…; thông qua các trò chơi, chương trình giao lưu để tái hiện nét đẹp văn hóa ẩm thực của địa phương, nhất là đối với các sản phẩm đặc trưng vùng miền của đồng bào dân tộc, tôn giáo như: thi gói bánh tét, gói bánh gai, đổ bánh xèo, làm cốm đẹp, thi cắm hoa, trang trí mâm ngũ quả ngày Tết…

Bằng nguồn kinh phí trích từ ngân sách địa phương và nguồn vận động từ các nhà tài trợ, đến nay,11 chương trình “Tết quân dân” đã được tổ chức tại Cần Thơ. Qua đó, quân và dân trên địa bàn thành phố đã đóng góp hàng ngàn ngày công lao động để chỉnh trang, vệ sinh môi trường; xây tặng 197 căn nhà Tình đồng đội, nhà Đại đoàn kết; trên 10.700 lượt người được tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí; hơn 600 suất học bổng được trao cho học sinh nghèo vượt khó; bê tông hóa trên 31 km đường giao thông nông thôn… Mô hình “Tết quân dân” được Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ thống nhất đưa vào nội dung chính trong kế hoạch tổ chức các ngày lễ lớn, kỷ niệm của thành phố hàng năm. Tết quân dân được Bộ Tư lệnh Quân khu 9 chọn là mô hình dân vận khéo, tổ chức rút kinh nghiệm để toàn lực lượng vũ trang Quân khu học tập và làm theo.

Với lực lượng vũ trang thành phố Cần Thơ, mỗi chương trình được tổ chức hằng năm là cơ hội để cán bộ, chiến sĩ được giao lưu, nâng cao đời sống tinh thần; tiếp tục thể hiện vai trò, trách nhiệm với nhân dân; tăng cường hơn nữa mối quan hệ đoàn kết gắn bó quân - dân; góp phần đổi mới cách nghĩ, cách làm trong thực hiện công tác dân vận. “Tết quân dân” cũng là cầu nối giúp thắt chặt hơn mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt quân - dân. Chương trình thay đổi suy nghĩ, cách hành động của các tầng lớp nhân dân địa phương để từng bước nâng cao nhận thức nhằm thực hiện tốt các yêu cầu về xây dựng nếp sống văn minh ở đô thị và diện mạo mới ở nông thôn; giúp xóa bỏ các hủ tục, thói quen chưa tốt cũng như tôn tạo, bảo vệ, duy trì các giá trị văn hóa vùng miền tốt đẹp tại Cần Thơ.

Bồi dưỡng, nâng cao y đức của người thầy thuốc

Bệnh viện Quân y 103 (phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) là bệnh viện thực hành của Quân đội, trực thuộc Học viện Quân y, là bệnh viện đa khoa hạng I. Trải qua 67 năm xây dựng, trưởng thành, Bệnh viện đã có bước phát triển nhanh về quy mô, tổ chức biên chế, chức năng nhiệm vụ và số lượng, chất lượng của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ. Song với số lượng bệnh nhân và học viên ngày càng quá tải, đối tượng phục vụ đa dạng, cường độ lao động cao, đặc thù công việc nhạy cảm và tác động mặt trái của cơ chế thị trường dễ dẫn đến nảy sinh các hiện tượng tiêu cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các y, bác sĩ.

Ý thức được những vấn đề này, Bệnh viện Quân y 103 luôn xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên theo tiêu chuẩn con người mới; gắn với bồi dưỡng y đức của người thầy thuốc là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt. Thực hiện xây dựng môi trường văn hóa tại Bệnh viện nói riêng, trong Quân đội nói chung là động lực, mục tiêu hoàn thiện nhân cách của người quân nhân cách mạng, người thầy thuốc mẫu mực; góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, đào tạo, điều trị, nghiên cứu khoa học cũng như các nhiệm vụ khác.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Sử, Chính ủy Bệnh viện Quân y 103 nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn ý thức rằng, người bệnh khi đến viện ngay từ đầu đã gửi gắm tính mạng, niềm tin vào người thầy thuốc. Chúng tôi cũng luôn xác định, y đức của người thầy thuốc thể hiện ở động cơ, tinh thần thái độ, trách nhiệm cao trong phục vụ, ở hành vi, trình độ, chất lượng khám và điều trị… Để làm tốt vấn đề này, Bệnh viện đã, đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp mang lại hiệu quả thiết thực”. Theo đó, Ban Giám đốc Bệnh viện đã đề ra chương trình, kế hoạch hành động xây dựng đội ngũ; bồi dưỡng, xây dựng y đức, thực hiện nếp sống văn minh trong bệnh viện; chú trọng giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, thực hiện khẩu hiệu “Tất cả vì sức khỏe và tính mạng, vì sự hài lòng của người bệnh”.

Bệnh viện đã lắp đặt nhiều hòm thư góp ý tại các khoa, tầng, khu điều trị; thiết lập đường dây nóng nhằm giải quyết kịp thời các ý kiến đóng góp và thắc mắc của đối tượng phục vụ. Bên cạnh đó, những buổi sinh hoạt hội đồng bệnh nhân thường xuyên được tổ chức, giúp tư vấn, động viên người bệnh, kịp thời tiếp nhận phản hồi để rút kinh nghiệm, hoàn thiện quy trình khám chữa bệnh. Đồng thời, để phục vụ người bệnh tốt nhất, Bệnh viện đã phát huy dân chủ trong việc đóng góp ý kiến thống nhất hệ thống quy định về 84 lỗi phạm để các tập thể, cá nhân tự giác chấp hành, cũng như tạo cơ sở xử lý các hiện tượng vi phạm; bổ sung nội quy bệnh viện, bảng tiêu chuẩn văn hóa giao tiếp trong khám và điều trị cho bệnh nhân.

Những nỗ lực của đội ngũ lãnh đạo, y bác sĩ tại Bệnh viện đã đem lại chuyển biến tích cực trong cách nhìn của nhiều bệnh nhân. Ông Nguyễn Trung Vân, quê Phú Thọ, một bệnh nhân đang điều trị thoát vị đĩa đệm tại Khoa nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, ông hài lòng về thái độ chăm sóc người bệnh của các y tá, điều dưỡng và an tâm về trình độ chuyên môn của các bác sĩ tại đây. “Tôi đã từng đi chữa ở nhiều nơi nhưng vẫn thường xuyên bị hành hạ bởi những cơn đau kéo dài. Từ khi sang chữa ở Bệnh viện 103, tuy chậm nhưng bệnh đã có dấu hiệu thuyên giảm. Bệnh của tôi cần điều trị lâu dài nên tôi muốn chọn một cơ sở khám chữa bệnh mà các y, bác sĩ đều tận tình, thái độ phục vụ tốt”, ông Vân chia sẻ.

Hoạt động bồi dưỡng, xây dựng y đức của Bệnh viện còn thể hiện ở nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, tạo chất lượng, hiệu quả, an toàn trong điều trị của các y, bác sĩ và việc tranh thủ các nguồn lực đầu tư, mua sắm phương tiện, trang thiết bị máy móc hiện đại đáp ứng nhu cầu khám và điều trị; không ngừng xây dựng đội ngũ cán bộ, thầy thuốc “sáng về y đức, giỏi về y thuật”, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải như người mẹ hiền”, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội, nhân dân, tạo niềm tin cho người bệnh.

Nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho bộ đội

Lữ đoàn pháo binh 40, Quân đoàn 3 hiện đóng quân tại xã Đăk Yá, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Tại địa bàn nơi đơn vị đóng quân, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 45%, trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Điều kiện thời tiết nơi đây khá khắc nghiệt, trình độ nhận thức của cán bộ, chiến sĩ không đồng đều, tỷ lệ hạ sĩ quan, binh sĩ là người dân tộc thiểu số trong Lữ đoàn tương đối đông. Do đó, việc xây dựng môi trường cũng như các thiết chế văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho bộ đội được các cấp ủy Đảng trong Lữ đoàn luôn coi trọng với phương châm “Trên dưới cùng lo, cùng làm”.

Hằng năm, ngoài việc bảo đảm của cấp trên, các cơ quan, đơn vị trong Lữ đoàn đã chủ động trích quỹ vốn của đơn vị hàng trăm triệu đồng để mua sắm thêm vật tư trang bị phục vụ cho hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần của chiến sĩ. Hiện nay, 100% đầu mối đại đội, tiểu đoàn và tương đương có đầu đĩa DVD, dàn hát karaoke, sân bóng chuyền, cầu lông, nhà vòm, hệ thống bảng tin, truyền thanh nội bộ… Các thiết chế văn hóa được củng cố và đi vào hoạt động đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, để đẩy mạnh phong trào học tập chính trị, các cơ quan, đơn vị đã trích quỹ đầu tư mua sắm 100 bộ “bàn học chiến sĩ”. Việc tiếp nhận, cấp phát, luân chuyển sách, báo, vật tư đảm bảo đúng tiêu chuẩn, hệ thống âm thanh đáp ứng cho bộ đội tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ vào thứ tư và các ngày nghỉ hàng tuần.

Đại tá Trịnh Bá Năm, Chính ủy Lữ đoàn 40 cho biết: Nắm chắc đặc điểm tâm sinh lý của hạ sĩ quan, chiến sĩ, hàng tháng tại các khu vực chung, câu lạc bộ thanh niên các đơn vị đều tổ chức sinh nhật đồng đội. Các buổi tọa đàm, diễn đàn thanh niên, hái hoa dân chủ…diễn ra thường xuyên, tập trung vào các vấn đề mới, nhạy cảm, những vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm. Đặc biệt, bằng nhiều cách làm và hình thức cụ thể như vận động, tuyên truyền, nêu cao tính gương mẫu của đội ngũ cán bộ chủ trì…, Lữ đoàn đã thực hiện thành công mô hình “Môi trường đơn vị không khói thuốc”. Các hoạt động sôi nổi, bổ ích đã thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ nhiệt tình tham gia, tạo sân chơi giáo dục, rèn luyện cho bộ đội hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ.

Cùng với định hướng xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, phong trào xây dựng môi trường văn hóa tại các đơn vị đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa nhiều mặt, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ; góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội trong toàn quân, xây dựng Quân đội vững mạnh./.