Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Công
10:51, ngày 06-04-2010
Ngày 5-4, Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Công quốc tế lần thứ nhất đã diễn ra trọng thể tại Hủa Hin (Thái-lan) với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ bốn quốc gia thành viên là Việt Nam, Thái-lan, Lào, Cam-pu-chia; các nước đối thoại là Trung Quốc, Mi-an-ma; các quốc gia và các tổ chức tài trợ quốc tế.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Hội nghị quốc tế về quản lý tài nguyên nước xuyên quốc gia được tổ chức ngay trước Hội nghị cấp cao này đã đưa ra nhiều đánh giá, khuyến nghị quan trọng. Sự tham gia của đông đảo đại diện của các chính phủ, giới doanh nghiệp, học giả, các tổ chức phi chính phủ tham gia hội nghị chứng tỏ sự quan tâm của khu vực và quốc tế đối với sự phát triển bền vững tại lưu vực sông Mê Công. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Hiệp định Mê Công 1995 với việc thành lập Ủy hội sông Mê Công đã mở ra một chương mới trong hợp tác Mê Công. Hiệp định đã đưa ra tầm nhìn chiến lược và những nguyên tắc cơ bản về sử dụng công bằng, hợp lý nước và tài nguyên nước trong lưu vực sông Mê Công, xác định những lĩnh vực hợp tác và quy định cụ thể về các hoạt động phát triển chung trong lưu vực. Thực tế hợp tác Mê Công 15 năm qua cho thấy, Hiệp định Mê Công là xu thế của sự hợp tác của các dân tộc chung sống trong lưu vực và được sự ủng hộ tích cực của cộng đồng quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong thời gian tới, lưu vực sông Mê Công đứng trước nhiều thách thức. Sự phát triển năng động, nhanh chóng ở lưu vực sông Mê Công đang gia tăng sức ép đối với các nguồn tài nguyên, trong đó có tài nguyên nước. Cùng với đó là những tác động bất lợi khó lường của biến đổi khí hậu và hiểm họa ô nhiễm môi trường. Trên tinh thần này, Thủ tướng nhất trí với tầm nhìn và những định hướng ưu tiên đã đề ra trong Tuyên bố chung của hội nghị với chủ đề "Ðáp ứng nhu cầu, bảo đảm cân bằng: Hướng tới phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công" và đề nghị các quốc gia cần tập trung đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước, nghiên cứu xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu đối với toàn lưu vực sông Mê Công, để từ đó đề ra kế hoạch hành động ứng phó chung, đồng thời hoàn thiện các khung pháp lý và thiết lập cơ chế cụ thể để phối hợp thực hiện các bộ thủ tục về sử dụng nguồn nước đã được Ủy hội thông qua và hoàn tất bộ thủ tục về bảo đảm chất lượng nguồn nước, tăng cường năng lực về mọi mặt cho Ủy hội sông Mê Công cả về đội ngũ cán bộ, tổ chức và cơ sở vật chất. Ðối với các nước đối thoại là Trung Quốc và Mi-an-ma, Thủ tướng đánh giá cao việc Trung Quốc mới đây đã cung cấp thêm số liệu thủy văn trong mùa khô để các nước trong lưu vực có thêm cơ sở đánh giá hiện trạng dòng chảy của sông Mê Công và mong muốn hai nước xem xét tích cực việc trở thành thành viên đầy đủ của Ủy hội để cùng với tất cả các nước ven sông Mê Công hợp tác sử dụng bền vững và có trách nhiệm nguồn tài nguyên nước vì sự phồn vinh chung trong khu vực. Ðối với các đối tác phát triển, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật để giúp triển khai các hoạt động trên những lĩnh vực ưu tiên đã được xác định trong Tuyên bố chung của Hội nghị, cũng như Chiến lược phát triển lưu vực 2011-2015 của Ủy hội sông Mê Công.
Thủ tướng nhấn mạnh, sông Mê Công có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam bởi đồng bằng sông Cửu Long là nơi sản xuất lúa gạo và nhiều loại nông sản, thủy sản chính, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của Việt Nam và nhiều nước khác trong và ngoài khu vực. Là quốc gia ở cuối nguồn, Việt Nam thấy rõ những biến chuyển của sông Mê Công do tác động của tự nhiên và con người. Vào mùa khô này, Việt Nam, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, đang phải chịu tác động kép của hạn hán cùng với sự xâm nhập mặn nặng nề và gay gắt nhất từ trước đến nay, ảnh hưởng lớn tới đời sống của hàng triệu người dân và sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam coi trọng hợp tác Mê Công và luôn tham gia tích cực, chủ động và xây dựng trong các hoạt động của Ủy hội, đồng thời cam kết sẽ phối hợp các nước trong việc thực hiện các tầm nhìn của Ủy hội, thực hiện đầy đủ Hiệp định Mê Công, thúc đẩy hợp tác với các đối tác chiến lược, tiếp tục phát huy "tinh thần hợp tác Mê Công" nhằm chung sức xây dựng sông Mê Công không chỉ là dòng sông kết nối các nền văn hóa, dòng sông của tình đoàn kết và hữu nghị, mà còn là dòng sông của hợp tác, phát triển và hội nhập.
Ðồng tình với ý kiến phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ý kiến phát biểu của Thủ tướng các nước Thái-lan, Lào và Cam-pu-chia đều khẳng định cam kết mạnh mẽ của các nước thành viên Ủy hội sông Mê Công trong việc tiếp tục hợp tác và thúc đẩy phát triển bền vững, sử dụng, bảo vệ và quản lý hiệu quả tài nguyên nước và tài nguyên liên quan của hạ lưu sông Mê Công và đồng ý với những Tuyên bố Hủa Hin, trong đó nhìn nhận về những thành tựu, cơ hội và thách thức, tầm nhìn của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, lĩnh vực ưu tiên hành động và định hướng. Theo đó, các nhà lãnh đạo ghi nhận những tiến bộ đạt được trong mở rộng hợp tác giữa Ủy hội sông Mê Công quốc tế với các đối tác quốc tế, khu vực và quốc gia, đồng thời đánh giá cao việc Trung Quốc chia sẻ số liệu khí tượng - thủy văn về tình hình hạn hán hiện nay và hy vọng sự hợp tác này sẽ tiếp tục được duy trì. Những người đứng đầu chính phủ bốn nước cam kết thúc đẩy hợp tác để giải quyết những thách thức cấp bách trong lưu vực Mê Công, bao gồm: Giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản do lũ lụt, kết hợp xem xét tính bền vững trong phát triển thủy điện, bảo đảm quản lý hiệu quả nước cho nông nghiệp, chuẩn bị các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu để giải quyết những nguy cơ cao về đói nghèo và mất an ninh lương thực trong các cộng đồng dễ bị tổn thương, quản lý sự suy giảm chất lượng nước, quản lý hiệu quả hơn nguồn thủy sản tự nhiên hiếm có của lưu vực và hạn chế các rủi ro liên quan phát triển giao thông đường thủy trong lưu vực,... Các nhà lãnh đạo bốn nước cũng ghi nhận Tầm nhìn hiện tại của lưu vực sông Mê Công: "Một lưu vực sông Mê Công thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội và lành mạnh về môi trường"; Tầm nhìn của Ủy hội sông Mê Công quốc tế: "Một tổ chức lưu vực sông có tầm cỡ trên thế giới, tự chủ về tài chính, phục vụ cho các quốc gia Mê Công đạt được tầm nhìn của Lưu vực"; Sứ mệnh của Ủy hội sông Mê Công quốc tế: "Thúc đẩy và điều phối sự quản lý và phát triển bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan khác vì lợi ích chung của các nước và phúc lợi của người dân".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng các nước Thái-lan, Lào, Cam-pu-chia mong muốn Ủy hội sông Mê Công quốc tế tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như: Phê chuẩn và thực hiện Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước; tăng cường các nỗ lực để bảo vệ hiệu quả người dân khỏi nguy cơ lũ lụt, hạn hán và nước biển dâng, trong đó bao gồm thiết lập các hệ thống dự báo và cảnh báo trên toàn lưu vực; hỗ trợ một khuôn khổ pháp lý quốc tế nhằm khuyến khích vận tải và thương mại đường thủy; nghiên cứu và giải quyết các mối đe dọa đến sinh kế do biến đổi khí hậu; giám sát và áp dụng các biện pháp cải thiện chất lượng nước ở các khu vực ưu tiên của lưu vực; sử dụng bền vững hiện tại và trong tương lai nguồn tài nguyên nước và tài nguyên liên quan, đa dạng thủy sinh, đất ngập nước và tài nguyên rừng trong lưu vực,...
Các nhà lãnh đạo bốn nước khẳng định tinh thần đoàn kết và cam kết chính trị cao nhất trong thực hiện Hiệp định Mê Công và cam kết cùng nhau hợp tác để đạt được sự quản lý tổng hợp tài nguyên nước bền vững, phục vụ phát triển, tăng trưởng kinh tế và xóa đói, giảm nghèo và cải thiện sinh kế trong lưu vực sông Mê Công, đồng thời mở rộng các nỗ lực trong bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của lưu vực Mê Công vì mục tiêu quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên của lưu vực.
* Trước thềm Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Công, trong hai ngày 2 và 3-4 đã diễn ra Hội nghị quốc tế về Quản lý nguồn nước xuyên biên giới trong tình hình mới. Hội nghị quy tụ hơn 300 đại biểu đến từ các nước lưu vực sông Mê Công và chín lưu vực sông quốc tế khác, đại diện các tổ chức quốc tế, cùng nhiều chuyên gia về nguồn nước. Các đại biểu nhất trí rằng, việc bảo vệ và chia sẻ hợp lý, công bằng lợi ích do nguồn nước sông Mê Công đem lại là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế, xã hội của toàn lưu vực và thông qua các cơ chế hợp tác của Ủy hội sông Mê Công. Các đại biểu cũng thảo luận và khuyến nghị các biện pháp cụ thể nhằm bảo đảm sản xuất lương thực và năng lượng bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy sự tham gia của các thành phần kinh tế trong phát triển cơ sở hạ tầng và tăng cường vai trò của các tổ chức lưu vực sông quốc tế.
Chiều 5-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Ðoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã rời Hủa Hin, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Công.
“Vũng kép lầy”  (06/04/2010)
Đảng bộ Hậu Giang với công tác phát triển đảng trong thanh niên  (06/04/2010)
Vất cá rô, vồ săn sắt  (06/04/2010)
Tuyên bố chung về hợp tác giữa Việt Nam và Myanmar  (04/04/2010)
Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2010  (03/04/2010)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên