Vất cá rô, vồ săn sắt

Đinh Lề
10:37, ngày 06-04-2010
Tục ngữ có câu: "Bỏ con săn sắt, bắt con cá rô", bỏ ra con mồi nhỏ để bắt được con cá to hơn. Đó là lẽ thường tình.

Nhưng trên thực tế, có không ít trường hợp ngược lại. Hẳn mọi người còn nhớ, cách nay ngót gần 20 năm, có câu chuyện một vị đại diện của hãng hàng không lớn của nước ngoài tại Việt Nam đã sử dụng con bài gây khó dễ cho khách hàng mua vé đặt chỗ trên các chuyến bay của hãng. Mua vé thì dễ, nhưng đăng ký được chữ OK, nghĩa là đặt được chỗ để bay thì rất khó. Lý do mà mọi khách hàng đều gặp đó là "hết chỗ". Vậy, để có chỗ thì khách hàng phải tìm cách móc ngoặc với vị "tổng quản" này, có người phải "biếu quà", gọi là cám ơn anh đã dành chỗ cho em, ít cũng "một tờ xanh", nhiều thì tùy theo tính chất bức xúc và cả túi tiền gọi là "tấm lòng" của hành khách. Nhưng sau một thời gian, cái quy luật của sự đời, "cái kim trong bọc" ấy rồi cũng đã đến ngày lòi ra. Nhiều người phản ảnh, tại sao đăng ký chỗ thì rất khó, thế mà máy bay vẫn trống chỗ, có khi tới cả một vài chục, là chuyện thường gặp.

Một người không biết tính nhẩm cũng đã có thể thấy được, con cá rô bị buộc làm vật hy sinh ở đây là doanh thu, là lợi nhuận của hãng hàng không trong câu chuyện trên. Nhưng con săn sắt bắt được, là tiền quà biếu của hành khách, thì vào túi cá nhân "tổng quản". Sự việc bị phát lộ, và điều hiển nhiên là vị đó bị buộc thôi việc. May mà lúc đó, Luật Chống tham nhũng chưa ra đời.

Mới đây, lại nổi lên câu chuyện rằng, có vị "tổng quản" ngân hàng cũng hành xử bằng những "chiêu bài" tương tự. Khách hàng vay tiền để lo đầu tư, tổ chức sản xuất, kinh doanh, góp phần cho tăng trưởng chung của nền kinh tế, lo tạo công ăn việc làm cho người lao động, thì lại rất khó tiếp cận vốn vay của các ngân hàng. Bởi vậy, muốn vay được tiền doanh nghiệp phải lo lót các “tổng quản” để được làm thủ tục suôn sẻ, được giải ngân ngon lành, giải ngân nhanh.... Nhà nước tìm mọi cách, các đại biểu Quốc hội cũng lo đủ điều để chống nạn cho vay nặng lãi, nạn “tín dụng đen”. Nhưng mấy ai tưởng tượng được rằng “tín dụng đen” vẫn nằm ngay trong "tín dụng trắng" (công khai).

Chuyện là, ngân hàng huy động được tiền mà không cho vay để đầu tư sinh lãi thì ngân hàng sẽ không có doanh thu, không có lợi nhuận. Nhưng một vài cán bộ tha hóa đạo đức đã đang tâm cái lẽ thường tình đó. Gây khó dễ cho khách hàng với mục đích đen tối là được con cá săn sắt vào túi cá nhân, còn chuyện để mất đi con cá rô, mà thậm chí quy mô lớn đó có thể là con cá quả, thì... mặc kệ ai. Trong lúc doanh số của doanh nghiệp, hay của ngân hàng là thu nhập, việc làm, là cuộc sống của hàng trăm, hàng ngàn người lao động của cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp đang cần mẫn hằng ngày vì sự phát triển chung của đất nước.

Không cần nói gì thêm nữa, thì nhiều người cũng đã thấy được đó là những cái "quái thai" xuất hiện trong cuộc sống thường nhật. Nhưng vấn đề là ở chỗ, làm sao để những tệ nạn đó phải bị công luận lên án, tẩy trừ, không còn đất để sinh sôi, nảy nở,... thì mới triệt được tận gốc rễ của nó, làm cho cuộc sống đi vào quỹ đạo của sự văn minh, lành mạnh, trong sáng và minh bạch.q