TCCSĐT - Ngày 08-12-2017, Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza cho biết nước này có hơn 3 tỷ USD bị phong tỏa trong hệ thống tài chính quốc tế do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ông Arreaza đưa ra thông tin trên tại cuộc họp với các quan sát viên quốc tế trước thềm cuộc bầu cử địa phương vào ngày 10-12.
Trong tuyên bố ám chỉ việc Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng trước thông qua các lệnh trừng phạt tương tự chống Venezuela, Ngoại trưởng Venezuela chỉ trích EU "lệ thuộc" vào Washington. Quan chức này cũng xác nhận cuộc bầu cử tổng thống Venezuela sẽ diễn ra trong năm 2018 và sự hiện diện của các quan sát viên quốc tế sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng.

Hồi tháng 8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh mẽ về mặt tài chính nhằm vào Venezuela, trong đó cấm công dân Mỹ hoặc những người sống ở Mỹ giao dịch đối với các khoản nợ mới và trái phiếu của Chính phủ Venezuela cũng như của tập đoàn dầu khí nhà nước PDVSA. Sắc lệnh cũng cấm các khoản chi trả cổ tức cho Chính phủ Venezuela.

Tháng trước, EU cũng đã thông qua các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Venezuela.

Venezuela đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng và tình trạng bạo lực leo thang căng thẳng do phe đối lập kích động kể từ tháng 4 vừa qua, khiến hơn 120 người thiệt mạng và hơn 1.400 người bị thương.

Kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này cũng đang rơi vào suy thoái với lạm phát ở mức 3 con số, trong khi lương thực và thuốc men thiếu trầm trọng.

*** Trước đó, ngày 07-12, Quốc hội Venezuela (do phe đối lập nắm quyền) đưa ra báo cáo cho biết lần đầu tiên lạm phát tại quốc gia Nam Mỹ này lên tới bốn con số, với giá tiêu dùng tăng 1.369% từ tháng 01 đến tháng 11-2017. Cơ quan lập pháp Venezuela cũng ước tính lạm phát năm 2017 có thể lên tới 2.000%, theo đó cuộc khủng hoảng kinh tế Venezuela càng trở nên sâu sắc, hàng nghìn hộ gia đình không có đủ thu nhập để đối phó với giá cả hàng hóa tăng lên hàng tuần.

Từ đầu năm nay, Quốc hội Venezuela bắt đầu đưa ra các tính toán về lạm phát tại nước này thông qua việc thu thập các dữ liệu riêng của mình do không có các số liệu chính thức do Ngân hàng Trung ương công bố. Theo số liệu của Quốc hội, giá hàng hóa tại Venezuela trong tháng 11 tăng ¨chóng mặt,¨ với mức 56,7% so với mức 45,5% ghi nhận trong tháng 10.

Các chuyên gia kinh tế nhận định Venezuela đã chính thức bước vào siêu lạm phát kể từ khi tỷ lệ làm phát hàng tháng đã vượt quá 50% trong ba tháng và duy trì tỷ lệ lạm phát hàng năm ba chữ số trong ba năm liên tiếp. Tổng thống Nicolas Maduro cáo buộc các doanh nghiệp tủy tiện tăng giá nhằm gây bất ổn chính phủ của ông.

Theo số liệu chính thức, thanh khoản tiền tệ của Venezuela tăng 14% trong tuần thứ 3 của tháng 11, mức tăng cao nhất kể từ khi ngân hàng trung ương bắt đầu ghi nhận số liệu này vào năm 1940.

*** Mới đây, Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P cho biết Venezuela đã không thể thanh toán 183 triệu USD tiền lãi suất định kỳ đối với hai loại trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 và 2028. Thời gian ân hạn 30 ngày đối với đợt thanh toán này đã kết thúc vào ngày 08-12. Theo đó, S&P đã hạ xếp hạng tín nhiệm đối với các trái phiếu này từ mức CC xuống mức D.

Giá dầu giảm và nạn tham nhũng đã làm suy yếu nền kinh tế, dẫn đến siêu lạm phát và tình trạng thiếu hụt "kinh niên" lương thực và dược phẩm tại quốc qua Nam Mỹ này. Quốc hội Venezuela cũng đã công bố báo cáo cho biết lần đầu tiên lạm phát tại quốc gia Nam Mỹ này đã lên tới bốn con số, với giá tiêu dùng trong tháng 11-2017 tăng 1.369% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều hãng xếp hạng tín nhiệm giá toàn cầu cũng đã tuyên bố Venezuela và công ty dầu mỏ quốc doanh PDVSA “vỡ nợ một phần." PDVSA hiện đem lại nguồn thu nhập chính cho Venezuela. Mặc dù có dự trữ dầu mỏ lớn nhất thế giới, song Venezuela đang phải vật lộn với gánh nặng nợ, ước tính lên tới 150 tỷ USD.

S&P cũng cho biết cuộc khủng hoảng tài chính và xã hội ngày càng trầm trọng tại Venezuela đã đặt “mức tín nhiệm” của tập đoàn dầu mỏ Citgo thuộc Venezuela, có trụ sở tại Mỹ, vào tình trạng rủi ro./.