Trong vòng 5 năm tới, để duy trì tốc độ tăng trưởng 7%-8%/năm, Việt Nam cần khoảng 16 tỉ USD/năm để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong khi nguồn vốn từ FDI, ODA cũng như ngân sách nhà nước không thể đủ. Vì vậy, “mở cửa” cho hình thức “Đối tác công - tư” (PPP) sẽ không chỉ giúp hiện thực hóa khả năng “gọi” vốn vào những dự án công cộng thiết yếu, mà còn giúp Việt Nam giảm gánh nợ công.

* Lợi ích “3 trong 1”

Tại Hội nghị cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 2011 đang diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã khẳng định: Việc Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chính thức có hiệu lực từ ngày 15-1-2011 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc thu hút mạnh mẽ hơn nữa các nguồn vốn từ khu vực kinh tế tư nhân để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình nên những khoản vay ưu đãi và viện trợ đang dần bị cắt giảm và mức độ ưu đãi về lãi suất cũng thay đổi. Trong khi đó, các nguồn tài chính truyền thống như phát hành trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài và vốn ODA đều làm phát sinh nợ quốc gia. Vì vậy, thúc đẩy việc đầu tư theo hình thức PPP vào các dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu sẽ không chỉ là mang lại lợi ích về nguồn vốn mà còn là trình độ công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến của khu vực tư nhân, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư và nhất là kiểm soát nợ công trong hạn mức an toàn.

Thực tế tại nhiều nước đang phát triển trong khu vực châu Á như Ấn Độ, Xinh-ga-po, Phi-líp-pin cho thấy: hình thức đầu tư PPP là xu hướng phổ biến mang lại sự cải thiện rõ rệt hệ thống giao thông công cộng, khả năng cung cấp nước sạch, nguồn điện. Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm Thống đốc Ngân hàng đại diện cho Phi-líp-pin tại ADB, ông Xê-da Pu-ri-si-ma (Cesar Purisima) khẳng định: “Mô hình PPP là cốt lõi của chiến lược phát triển Phi-líp-pin”.

* Còn đó thách thức

Theo Quy chế đầu tư thí điểm PPP được phê duyệt, tổng giá thị phần tham gia của Nhà nước sẽ không vượt quá 30% tổng mức đầu tư của dự án, 70% còn lại sẽ là vốn của khu vực tư nhân.

Phó Chủ tịch phụ trách hoạt động đồng tài trợ và khu vực kinh tế tư nhân của ADB Lac-xim Ven-ka-ta-cha-lam (Lakshmi Venkatachalam) cho biết: Thách thức lớn với các dự án PPP trong xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các nước đang phát triển trong khu vực chính là phải xây dựng được các quy tắc bảo đảm hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa nhà nước với các nhà đầu tư tư nhân.

Vì vậy, các định chế tài chính phát triển trên toàn thế giới cần thúc đẩy hơn nữa việc áp dụng các mô hình chia sẻ rủi ro cho hình thức PPP, cũng như giúp thiết lập môi trường pháp lý và thị trường phù hợp nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các nước đang phát triển. Đồng quan điểm này, Bộ trưởng Xê-da Pu-ri-si-ma (Cesar Purisima) cho rằng: mấu chốt quan trọng để triển khai thành công dự án PPP là hợp đồng phải được xây dựng chặt chẽ, quy trình đấu thầu phải minh bạch và cởi mở, để bảo đảm không xảy ra tham nhũng.

* “Mở cửa” cho PPP

Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, khung chính sách PPP của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tiếp thu thông lệ quốc tế, đáp ứng các hiệu quả kinh tế, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà đầu tư tư nhân trong nước cũng như nước ngoài, phân chia trách nhiệm, quản lý rủi ro hợp lý, bảo đảm lợi ích hài hòa của các bên gồm: Nhà nước - tư nhân - người sử dụng dịch vụ. Đặc biệt, Chính phủ cũng chủ trương triển khai chương trình PPP theo một danh mục các dự án xác định, bảo đảm cung cấp tới các nhà đầu tư các dự án đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, tạo nên một thị trường PPP thương mại thực sự tại Việt Nam. Theo đó, Chính phủ chủ trương thực hiện một số dự án thí điểm, ưu tiên vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội như: đường bộ, cầu, hầm, phà đường bộ; cảng hàng không, biển, sông; điện; hệ thống cung cấp nước sạch, hệ thống thoát nước… Đó là những ngành dịch vụ công có nguồn thu từ người sử dụng, để từ đó có nguồn thu cho nhà đầu tư.

Về phía ADB, Ngân hàng hoàn toàn ủng hộ mô hình PPP và sẵn sàng làm “bên thứ ba” hỗ trợ triển khai các dự án phát triển hạ tầng thiết yếu tại các nước đang phát triển trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Với tiềm lực về tài chính, uy tín và kinh nghiệm trong 45 năm hoạt động, ADB sẽ tìm ra tiếng nói chung cũng như các giải pháp cân bằng, bảo đảm hài hòa lợi ích tổng thể giữa doanh nghiệp và chính phủ, tạo nên sự đồng thuận cần thiết trong quá trình thực hiện các dự án PPP về cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Bên cạnh đó, ADB cũng khuyến nghị áp dụng nhiều hơn những công cụ giảm thiểu rủi ro, bao gồm cả bảo lãnh để thu hút sự tham gia của khối tư nhân vào việc hỗ trợ dự án tại các nền kinh tế đang nổi lên. Không có những công cụ như vậy, các công ty tư nhân và các định chế tài chính có thể sẽ không sẵn sàng đầu tư. Ngoài ra, mô hình tài trợ theo quan hệ PPP cần phải được xây dựng lại và thay đổi nhằm giải quyết những vấn đề đang xuất hiện trong hoàn cảnh hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu./.