Chuyến thăm tới ba nước Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, Cộng hòa Liên Bang Đức và Ai-Len, của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhằm tăng cường quan hệ chính trị, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, đồng thời tạo những bước chuyển mạnh mẽ hơn trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam với các nước này…

Theo chương trình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm chính thức Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ai-len trong 3 ngày: từ ngày 3 đến 5-3-2008; thăm Cộng hoà Liên bang Đức từ ngày 6 đến 8-3-2008 và Ai-len từ ngày 9 đến 10-3-2008.

Chuyến thăm chính thức ba nước Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, Cộng hòa Liên bang Đức và Ai-len của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng diễn ra trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới: ổn định chính trị - xã hội được giữ vững; kinh tế đạt mức tăng trưởng cao và liên tục trong nhiều năm; quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng; hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế và khu vực. Cùng với việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, và là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 – 2009, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định và nâng cao.

Cả ba nước Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, Cộng hòa Liên bang Đức và Ai-len đều là những nước có nền kinh tế phát triển. Cộng hòa Liên bang Đức là nền kinh tế đứng thứ 3 trên thế giới; Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len là nền kinh tế đứng thứ 6 thế giới; Ai-len từ một nước lạc hậu của châu Âu đã trở thành một nước công nghiệp phát triển và là hình mẫu cho các nước đang phát triển nghiên cứu, học hỏi. Tình hình chính trị nội bộ của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, Cộng hòa Liên bang Đức và Ai-len nhìn chung ổn định. Cả ba nước đều chủ trương tăng cường quan hệ với Đông Nam Á, đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam và coi trọng việc phát triển quan hệ với Việt Nam.

Về quan hệ hai nước Việt Nam – Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len. Trong thời gian qua, quan hệ giữa hai nước phát triển tích cực và toàn diện, nhất là trong các lĩnh vực: kinh tế, thương mại và đầu tư. Quan hệ chính trị phát triển tích cực với đỉnh cao là chuyến thăm Anh của Chủ tịch nước Trần Đức Lương (năm 2004) và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (năm 2005).

Trong quan hệ kinh tế - thương mại, Anh hiện là một trong những nhà tài trợ hàng đầu cho Việt Nam, đứng đầu EU về viện trợ không hoàn lại (khoảng 100 triệu USD/năm). Thương mại hai chiều tăng liên tục, đạt 1,9 tỉ USD năm 2007. Về đầu tư trực tiếp, Anh đứng thứ 3 trong EU với hơn 1,4 tỉ USD, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dầu khí. Nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu của Anh đang hoạt động mạnh tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau như dầu khí, khai thác khoáng sản, tài chính ngân hàng, viễn thông, động cơ máy bay. Hợp tác giáo dục đào tạo song phương đang được đẩy mạnh với chương trình hỗ trợ đào tạo sau đại học, liên kết đào tạo giữa các trường đại học, giảng dạy tiếng Anh…

Cộng đồng người Việt Nam tại Anh có khoảng 30.000 – 40.000 người, sống tập trung tại các thành phố lớn như Luân đôn (London), Man-chét-xtơ (Manchester), Bớc-ming-ham (Birmingham), Nót-tinh-ham (Nottingham) … Nghề nghiệp chủ yếu là buôn bán và dịch vụ nhỏ. Nói chung, đại đa số người Việt Nam tại Anh có cuộc sống ổn định và hoà nhập tốt với xã hội.

Quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Cộng hòa Liên bang Đức đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao. Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm Đức năm 2001 và 2004; Tổng thống và Chủ tịch Hội đồng liên bang Đức thăm Việt Nam năm 2007.

Trong quan hệ kinh tế - thương mại, Cộng hòa Liên bang Đức là đối tác lớn nhất của Việt Nam trong EU; kim ngạch hai chiều đạt hơn 3 tỉ USD trong năm 2007. Nhiều tập đoàn lớn của Đức hiện đang hoạt động và kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam. Tuy nhiên, FDI của Đức còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai bên. Đức cũng là nhà tài trợ ODA quan trọng đối với Việt Nam (với cam kết khoảng 120 triệu USD cho tài khóa 2006 – 2007).

Cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức là một cộng đồng tương đối lớn, với khoảng gần 100.000 người (chiếm 1,2% lượng người nước ngoài sinh sống tại Cộng hòa Liên bang Đức). Chính quyền sở tại cũng đã có những chính sách về nhập quốc tịch, lưu trú và không phân biệt đối xử (hiện nay đã có khoảng 20% người Việt Nam sinh sống tại Đức được nhập quốc tịch Đức). Cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức là cộng đồng có tiềm năng chất xám lớn, có nhiều người làm việc trong các công ty, tập đoàn lớn của Đức, đồng thời cũng là cộng đồng có tiềm năng kinh tế mạnh mẽ, với nhiều hoạt động kinh tế sôi nổi.

Việt Nam và Ai-len mới thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1996, tới nay quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước đang có những bước phát triển tích cực. Trong lần tham gia Hội nghị cấp cao ASEM 5 tại Việt Nam tháng 10 năm 2004, Thủ tướng Ai-len đã quyết định mở Đại sứ quán thường trú tại Hà Nội.

Trong quan hệ kinh tế - thương mại, hiện nay trao đổi thương mại hai chiều giữa hai nước còn khiêm tốn (khoảng 60 triệu USD/năm), và Ai-len cũng chưa có dự án đầu tư trực tiếp nào tại Việt Nam; tuy nhiên, Việt Nam cũng là nước châu Á duy nhất trong danh sách ưu tiên nhận ODA của Ai-len.

Chuyến thăm tới ba nước lần này của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là nhằm tăng cường quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam với khu vực EU, tăng cường quan hệ chính trị, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Chuyến thăm cũng nhằm tạo những bước chuyển mạnh mẽ hơn trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam với các nước này, đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu và có hiệu quả, khuyến khích tăng cường đầu tư; trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy và cụ thể hoá các nội dung hợp tác kinh tế; bàn các phương hướng mới nhằm nâng cao hiệu quả của sự hợp tác nhiều mặt, nhất là hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật, cũng như hợp tác giáo dục – đào tạo và du lịch; trao đổi kinh nghiệm để phát triển kinh tế, thu hút thêm đầu tư nước ngoài; trao đổi các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam làm ăn sinh sống ở nước sở tại. Đây cũng là dịp để lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và các nước bạn thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.