Thủ tướng dự Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017
Tham dự Diễn đàn còn có lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương; đại sứ các nước tại Việt Nam và lãnh đạo các tổ chức quốc tế; đại diện các tổ chức doanh nghiệp trong các nền kinh tế APEC; các nhà đầu tư, doanh nghiệp, ngân hàng và đại diện hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài…
Phát biểu mở đầu Diễn đàn, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết: “nói đến Đà Nẳng là nói đến một thành phố trẻ, năng động; một thành phố xanh, sạch, đẹp; một điểm đến du lịch hấp dẫn ở miền Trung Việt Nam”.
Cơ sở hạ tầng của thành phố Đà Nẵng được đầu tư đồng bộ và hiện đại nhất ở khu vực miền Trung với cảng container có công suất 12 triệu tấn hàng hóa; sân bay quốc tế có khả năng tiếp nhận 12 triệu lượt khách và 50.000 tấn hàng hóa mỗi năm; 6 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao và 1 khu công nghệ thông tin tập trung đang hoạt động.
Hạ tầng công nghệ thông tin của Đà Nẵng hiện đại nhất cả nước. Liên tục 8 năm liền (từ năm 2009 đến năm 2016), thành phố luôn dẫn đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Index).
Đà Nẵng cũng là trung tâm giáo dục, đào tạo của miền Trung với hệ thống đào tạo khá toàn diện gồm 24 trường đại học và cao đẳng, 19 trường trung học chuyên nghiệp và 59 trung tâm dạy nghề. Nguồn nhân lực dồi dào chiếm 70% dân số, trẻ và có tay nghề cao là một lợi thế lớn của Đà Nẵng trong thu hút đẩu tư.
“Môi trường đầu tư và kinh doanh tại Đà Nẵng không ngừng được cải thiện theo hướng thông thoáng, minh bạch với các chính sách khuyến khích đầu tư hấp dẫn”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho biết.
Thành phố Đà Nẵng được cộng đồng doanh nghiệp bình chọn là nơi có môi trường kinh doanh tốt nhất Việt Nam với 7 lần dẫn đầu cả nước về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), dẫn đầu các địa phương về Chỉ số Cải cách hành chính - PAR INDEX từ năm 2013 đến 2016, và 6 năm liền thuộc nhóm các địa phương có thứ hạng cao nhất về Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) từ năm 2011-2016.
“Tại Diễn đàn đầu tư 2017 hôm nay, thành phố Đà Nẵng mong muốn giới thiệu với quý vị quan khách và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước triển vọng phát triển của Thành phố với các cơ hội đầu tư mới, các chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể”, Bí thư Trương Quang Nghĩa nói.
Đây cũng còn là dịp để các doanh nghiệp đề xuất ý kiến đối với lãnh đạo Chính phủ cũng như lãnh đạo Thành phố để có sự chỉ đạo và các giải pháp tháo gỡ những rào cản, vướng mắc trong quá trình đầu tư và kinh doanh. Thành phố Đà Nẵng mong muốn được đón tiếp ngày càng nhiều du khách và nhà đầu tư đến thăm và quyết định đầu tư, kinh doanh tại thành phố.
Tại Diễn đàn, đại diện một số tổ chức, doanh nghiệp đánh giá cao môi trường kinh doanh của Đà Nẵng, một điểm sáng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và nêu nhiều kiến nghị, góp ý cho thành phố.
Theo bà Mary Tarnowka, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh, việc Đà Nẵng là một trong những tỉnh, thành phố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao nhất của Việt Nam chứng minh rằng sự lãnh đạo giỏi có thể tạo ra sự khác biệt thực sự.
“Các công ty Hoa Kỳ rất chú ý quan tâm đến PCI và sử dụng chỉ số này để xác định các tỉnh, thành, đối tác tiềm năng triển khai hoạt động kinh doanh”, bà nói.
Nhận ra triển vọng đầy hứa hẹn và tiềm năng của Đà Nẵng, Giám đốc điều hành EuroCham, bà Almut Roesner cho biết, EuroCham trở thành phòng thương mại lớn đầu tiên của nước ngoài thành lập một văn phòng đại diện tại Đà Nẵng vào tháng 11-2016.
Trong những năm qua, EuroCham đã thực hiện hơn 10 sự kiện tại Đà Nẵng, bao gồm những sự kiện quy mô lớn thường niên như Diễn đàn Kinh tế, giới thiệu Sách Trắng… “Sự thành công của các công ty châu Âu tại Đà Nẵng đang thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào thành phố năng động này trong bối cảnh EVFTA sự kiện sẽ được phê chuẩn vào năm tới”, bà bày tỏ. “EuroCham sẽ tiếp tục hỗ trợ Đà Nẵng trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu tại Việt Nam và ASEAN”.
Ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Văn phòng Jetro Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản đang kỳ vọng rất lớn vào Việt Nam và một thành phố Đà Nẵng đang trên đà tăng trưởng. Để thúc đẩy đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản, điều cấp bách là phải tăng cường hơn nữa việc xây dựng quan hệ tin tưởng giữa Nhật Bản và Việt Nam, ông góp ý.
Là nhà đầu tư nhiều năm vào Đà Nẵng với dự án du lịch nổi tiếng, Tổng giám đốc Tập đoàn Sungroup Đặng Minh Trường cho rằng, để Đà Nẵng tiếp tục khẳng định được vị thế trong mắt nhà đầu tư, thu hút được nhiều “con sếu lớn” thì thành phố cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, nâng cao trình độ nguồn nhân lực. Nghiên cứu áp dụng các chính sách hỗ trợ, xã hội hóa mạnh mẽ đối với các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài, các lĩnh vực hoạt động mang tính cộng đồng cao, các địa bàn, khu vực khó khăn khi triển khai dự án.
Chia sẻ với tư cách Thủ tướng Chính phủ và cũng là người con quê hương, từng công tác ở đây nhiều nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi số vốn đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, cam kết đầu tư, thỏa thuận cho vay vốn đầu tư với tổng giá trị gần 1 tỷ USD. Đây là dấu ấn thành công của diễn đàn lần này.
Thủ tướng cho rằng, Đà Nẵng là một trong những đầu tàu của cả nước, có tiềm năng trở thành cực tăng trưởng của toàn miền Trung và Tây Nguyên tương tự như vai trò của TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội ở hai miền Nam và Bắc của nước ta. Tuy vậy, Đà Nẵng chỉ trở thành đầu tàu tăng trưởng nếu biết tổ chức công việc và phấn đấu quyết liệt. Nếu không đầu tàu đó sẽ thuộc về các tỉnh khác.
Thủ tướng cho biết, Đà Nẵng nằm giữa 3 di sản thế giới là Cố đô Huế, Hội An, Mỹ Sơn. Bản thân Đà Nẵng có nhiều danh thắng tuyệt đẹp là Ngũ hành sơn, Bà Nà, Sơn Trà, đèo Hải Vân, sông Hàn, bờ biển Mỹ Khê. Nếu Đà Nẵng biết kết hợp các tài nguyên du lịch này, một lần nữa khẳng định sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng cho các sản phẩm du lịch của Đà Nẵng nói riêng và toàn vùng miền Trung.
“Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam tựa như 'môi với răng'. Dù chia tách hành chính, nhưng phải hiệp đồng, hợp tác chặt chẽ về chiến lược, về ý chí trong việc xây dựng và phát triển. Đặc biệt là phát triển du lịch trên một hành lang kinh tế chung của cả ba tỉnh và rộng hơn là vùng duyên hải miền Trung và 5 tỉnh Tây Nguyên. Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có sức cạnh tranh trên bình diện khu vực và quốc tế”, Thủ tướng nói.
Đà Nẵng định vị trở thành thành phố đáng sống như Đại hội Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng đã xác định. Tuy nhiên, Đà Nẵng cần xác định nội hàm thành phố đáng sống của riêng mình là gì. Với những nét độc đáo riêng có, Đà Nẵng không nhất thiết sao chép hay lặp lại mô hình đô thị đâu đó mà phải tạo ra sự khác biệt để nơi này thực sự trở thành một dấu ấn đậm nét, một nơi phải trải nghiệm trên bản đồ du lịch thế giới.
8 vấn đề cốt lõi
Theo đó, Thủ tướng cho rằng, cần thực hiện 8 vấn đề cốt lõi. Trước hết phải có chiến lược đi tắt đón đầu, tăng cường sức mạnh kinh tế, tức phải tăng được quy mô của nền kinh tế, tăng thu nhập của người dân, giải quyết việc làm cho người dân. Nền kinh tế thành phố trực thuộc Trung ương mà GDP chỉ bằng 1,5% cả nước thì còn quá nhỏ. Chính vì vậy phải có ước mơ, hành động để trả lời câu hỏi diện tích Đà Nẵng gần bằng Singapore, vậy chúng ta làm gì để phát triển một đô thị văn minh, trật tự, phát triển như Singapore trên một số lĩnh vực. Đó cũng là câu hỏi đặt ra khi Thủ tướng làm việc với lãnh đạo Đà Nẵng cách đây hơn nửa năm.
Cốt lõi thứ hai là phải tạo vốn vật chất, tức là phải nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống, sân bay, cảng biển, viễn thông… Nhất là giải quyết vấn đề ở phía tây rộng lớn nhưng còn hoang sơ.
Thứ ba là thúc đẩy hệ thống tài chính, tăng độ sâu của hệ thống tài chính, tăng hiệu quả phân bổ vốn và hiệu quả năng suất vốn, cả về quy mô vốn, tài chính vi mô, đa dạng hóa dịch vụ ngân hàng.
Thứ tư là phải cải thiện chất lượng, tăng cường hiệu quả của thể chế và năng lực quản trị Nhà nước. Đây là yêu cầu lớn đối với cấp ủy chính quyền của Đà Nẵng.
Thứ năm là phát huy tính đa dạng nét Á Đông độc đáo của yếu tố văn hóa, gìn giữ di sản, tạo ra những trải nghiệm xã hội tinh tế, sâu sắc cho người dân và du khách.
Thứ sáu, phải gây dựng vốn con người và thu hút tài năng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bảo đảm người dân được hưởng nền giáo dục tiên tiến, nâng cấp hệ thống chăm sóc y tế chất lượng cao, thu hút tài năng của Việt Nam đến Đà Nẵng.
Thứ bảy, phải vun đắp và bảo vệ các điều kiện tài nguyên và môi trường, giữ cho môi trường trong lành, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, kiểm soát chất lượng nguồn nước, không khí, quản lý chất thải… Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng với gần 8 tỷ USD thông qua gần 1.000 dự án đầu tư tại đây, thì vấn đề kiểm soát chất thải, nước thải đặt ra vô cùng gay gắt. Không giữ được điều này, chúng ta mất Đà Nẵng, mất thu hút du khách gần xa.
Thứ tám, phải làm cho thành phố ngày càng độc đáo, không ngừng thu hút sự sáng tạo trong truyền thông về hình ảnh của một thành phố giàu bản sắc làm lưu luyến du khách trên toàn thế giới. Đà Nẵng nên nghiên cứu đề xuất đường bay thẳng từ châu Âu, Hoa Kỳ đến Đà Nẵng để biến nơi đây thành trung tâm hội nghị quốc tế, trung tâm tài chính kinh doanh và công nghệ cũng như lan tỏa sang các tỉnh lân cận.
Đà Nẵng cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam nhanh chóng triển khai Đô thị đại học Đà Nẵng và các trường đại học khác. Đặc biệt các trường dạy nghề, nguồn lực con người chất lượng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - chìa khóa thành công của thành phố.
Thủ tướng lưu ý cái gốc của xúc tiến đầu tư chính là chính sách nhất quán, cơ chế hành chính thông thoáng và minh bạch, chính quyền luôn sẵn sàng đối thoại, phát huy tinh thần “3 đồng hành, 5 hỗ trợ”, là đối tác tin cậy của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đà Nẵng cần nỗ lực để giữu vững vị trí đứng đầu chỉ số PCI cả nước, hơn thế nữa còn cần đi từ con số đến hành động, hướng đến cạnh tranh với các thành phố trong khu vực và các tiêu chuẩn OECD.
Đà Nẵng phải sớm kiện toàn bộ máy tổ chức theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả theo tinh thần Hội nghị Trung ương 6, cần có chiến lược để trở thành hình mẫu tốt cho tư duy không cần một chính quyền lớn chỉ cần một chính quyền hiệu lực, hiệu quả, tức là có khả năng quản trị tốt, không phụ sự tin yêu của người dân và doanh nghiệp, sự kỳ vọng của các nhà đầu tư.
8 điều cần làm ngay
“Gần đây, Đà Nẵng có những bước thăng trầm, những điều không mong muốn, qua diễn đàn này, tôi hy vọng niềm vui, niềm hạnh phúc và cả may mắn sẽ luôn đến với Đà Nẵng”, Thủ tướng bày tỏ và cho biết, thể hiện điều đó qua con số 8, cùng với con số 6, những con số may mắn thể hiện khát vọng không ngừng tiến lên của Đà Nẵng thân yêu.
Theo đó, Thủ tướng cho rằng 8 điều mà Đà Nẵng cần làm ngay, một là sớm khắc phục các yếu kém về lãnh đạo, chỉ đạo, sớm kiện toàn bộ máy, tổ chức, nâng cao ý chí của các cơ quan liên quan, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể cần tạo ra sinh khí, truyền động lực mới cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, khuyến khích các nhân tố tích cực, các nhân tố mới.
Hai là, tích cực thúc đẩy cải cách, loại bỏ yếu kém, trì trệ trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; thay đổi sắp xếp, cấu trúc lại bộ máy, tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả theo tinh thần Hội nghị Trung ương 6 vừa qua.
Thứ ba, những quyết sách sai, không phù hợp trước đây thì cần phải sửa lại với thái độ cầu thị, lắng nghe ý kiến của các bên có liên quan, đặc biệt là người dân; làm theo lời dạy của Bác Hồ, việc gì có lợi cho dân thì làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh.
Thứ tư, phát huy dân chủ, dám nghĩ, dám làm, khuyến khích tinh thần doanh nhân vốn chảy trong huyết quản của người dân xứ Quảng và tinh thần phụng sự trong cán bộ, công chức.
Thứ năm, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội đã đề ra trong những tháng cuối năm 2017, tạo đà cho việc thực hiện sớm các chỉ tiêu kế hoạch 2018.
Thứ sáu, tiếp tục theo đuổi các giá trị công, các kế hoạch phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm phúc lợi cho người dân, nhất là hành chính công và dịch vụ công. Thủ tướng lưu ý một số chỉ số của Đà Nẵng trong PCI còn thấp, còn chậm, chưa phải tiên tiến, ví dụ như tiếp cận đất đai…
Thứ bảy, sớm hoàn thành một cách chu tất để tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC, tận dụng cơ hội quý giá này để quảng bá và giới thiệu về đất nước, con người Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Thứ tám, Chính phủ và chính quyền Đà Nẵng tiếp tục khẳng định nhất quán với quan điểm bảo hộ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
8 việc nên tránh
Con số tiếp theo mà Thủ tướng nêu ra là 8 việc Đà Nẵng nên tránh.
Một là, cấu trúc lại tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả nhưng cần tránh những xáo trộn quá lớn, ảnh hưởng đến công việc.
Hai là sửa những cái sai nhưng đồng thời tránh thay đổi các chính sách lớn một cách đột ngột để tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư tốt hơn.
Ba là, tránh đùn đẩy trách nhiệm trong xử lý các bất cập, khiếm khuyết giữa các cơ quan, đơn vị, giữa địa phương với Trung ương để phát huy tinh thần cầu thị, dám chịu trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, một tinh thần sáng tạo, chứ không thể là một tinh thần né tránh.
Bốn là, tránh tạo ra tâm lý e dè trong giới đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp.
Năm là, tránh làm mất niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về môi trường sống, môi trường kinh doanh tại Đà Nẵng.
Sáu là, có thể chúng ta làm phiến diện hoặc không làm gì đều mang đến sự hoài nghi và suy đoán của người dân về các nỗ lực cải cách. Đà Nẵng cần tránh rơi vào hai thái cực này.
Bảy là, trong xử lý mối quan hệ giữa chính quyền với doanh nghiệp, chính quyền cần trên quan điểm “con dại, cái mang”, hành xử sai của chính quyền cấp dưới, kéo theo nhà đầu tư, doanh nghiệp sai theo thì chính quyền phải chịu trách nhiệm đầu tiên.
Thứ 8, tiếp tục khẳng định tránh hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự; thậm chí tránh kiểm tra chồng chéo, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
6 điều nhắn gửi
Con số may mắn tiếp theo mà Thủ tướng đề cập là 6 điều nhắn gửi đến chính quyền, đối với Thành ủy cũng như các nhà đầu tư. Trong đó, có 2 điều đối với chính quyền, đó là phải đặt người dân luôn ở vị trí trung tâm, được hưởng lợi nhiều hơn từ thành quả phát triển, mà Liên Hợp Quốc có nói “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Cho nên, trong mọi hoạch định về kinh tế xã hội, phải chú trọng mục tiêu tạo nhiều công ăn việc làm cho giới trẻ, tạo điều kiện khởi nghiệp cho người dân. Vì vậy, những bãi tắm cộng đồng, những làng nghề truyền thống phải chăng ta nên giữ gìn.
Điều nhắn gửi thứ hai đối với Đà Nẵng, đó là một thành phố đa văn hóa mà người tài, người dân Việt Nam ở mọi miền tổ quốc, không chỉ khách du lịch bốn phương, các nhà khoa học, nhà đầu tư mọi quốc tịch luôn ấn tượng về Đà Nẵng, đây là điều khó giữ trong bối cảnh cạnh tranh, biến đổi khí hậu, tác động của môi trường xã hội, môi trường tự nhiên hiện nay.
Đối với nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị 4 việc. Một là phải có chiến lược lâu dài, triển khai dự án đúng tiến độ, tức là phải làm thật, thể hiện rõ quan điểm hai bên cùng thắng. Thành phố cần xem xét thu hồi các tài nguyên và ưu đãi đã cấp cho các nhà đầu tư kém cỏi để tái phân bổ lại cho các nhà đầu tư xứng đáng hơn.
Thứ hai là phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Điều này cực kỳ quan trọng đối với thành phố Đà Nẵng khi mũi nhọn phát triển là du lịch như đã nêu. Chúng ta cần những nhà đầu tư tốt, tuân thủ pháp luật, quan tâm đến lợi ích cộng đồng và môi trường.
Thứ ba, thực hiện đầy đủ chế độ cho người lao động, quan tâm xây dựng môi trường làm việc tốt hơn nhằm giúp tăng năng suất và tái sản xuất sức lao động.
Thứ tư, Thủ tướng đề nghị nhà đầu tư hưởng ứng tinh thần Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động vì người dân và doanh nghiệp; nói là làm, đã ký kết thì thực hiện, không tạo ra chi phí không chính thức.
Nhân đây, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương một số doanh nghiệp lớn ở Đà Nẵng hoặc ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư tại Đà Nẵng, đã làm nhanh và tốt các công trình phục vụ APEC, đặc biệt là Trung tâm Hội nghị quốc tế Ariyana, nơi diễn ra hội nghị, chỉ thi công 22 tháng, chất lượng tốt, đáng được biểu dương.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị chính quyền thành phố dưới sự lãnh đạo của tân Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa và Chủ tịch UBND Huỳnh Đức Thơ, cần tập trung toàn bộ nguồn lực để Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra thành công, để lại dấu ấn tốt đẹp về hình ảnh cũng như người dân thành phố Đà Nẵng nói riêng, người dân Việt Nam nói chung trong lòng các nhà chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và bạn bè quốc tế.
“Với lịch sử hào hùng của TP. Đà Nẵng luôn đi lên bằng ý chí can trường và tinh thần sáng tạo, ham học hỏi, tôi có niềm tin vững chắc về một tương lai khởi sắc của Đà Nẵng”, Thủ tướng bày tỏ.
“Tôi hy vọng các doanh nhân và các nhà đầu tư có mặt tại diễn đàn này sẽ chọn Đà Nẵng là nơi đất lành chim đậu, bằng trí tuệ và tài lực của mình hợp lực cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố đưa con tàu Đà Nẵng vươn ra biển lớn”./.
Hàn Quốc và Triều Tiên không đàm phán trực tiếp tại St. Petersburg'  (15/10/2017)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự khai mạc IPU-137  (15/10/2017)
Thanh Hóa tuyệt đối không chủ quan, tập trung tìm người mất tích  (15/10/2017)
Quốc hội Iran quan tâm thúc đẩy hợp tác với Quốc hội Việt Nam  (15/10/2017)
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay