TCCSĐT - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa tuyên bố sẽ giải tán Quốc hội và tiến hành bầu cử sớm vào tháng 10-2017. Đây được xem là một bước đi khôn khéo của ông S. Abe nhằm tận dụng lợi thế về sự tín nhiệm cao của người dân dành cho ông trong thời gian gần đây.

Giải tán Hạ viện và bầu cử sớm ở Nhật Bản - Cơ hội lớn cho LDP

 
 Thủ tướng Nhật Bản S. Abe. Ảnh: The Straits Times

Ngày 25-9, trong một động thái được cho là nhằm giành thắng lợi cho nhiệm kỳ mới, Thủ tướng S. Abe đã kêu gọi tiến hành một cuộc bầu cử sớm. Trước đó, có thông tin cho rằng, cuộc tổng tuyển cử có thể diễn ra vào ngày 22-10 tới. Lý giải cho quyết định kêu gọi bầu cử sớm của Thủ tướng S. Abe, các nhà phân tích cho rằng, ông S. Abe đang tận dụng thời điểm thuận lợi khi tỷ lệ tín nhiệm của cử tri đang tăng lên nhằm tăng khả năng giành thắng lợi cho đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền. Theo thăm dò, tháng 7-2017, tỷ lệ tín nhiệm Thủ tướng S. Abe đã giảm mạnh từ 63,7% xuống còn 36,1%. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ nội các của ông S. Abe chỉ còn 26% - mức thấp nhất kể từ khi ông nắm quyền lực vào năm 2012. Đây được xem là một kết quả khó khăn với đảng LDP - một đảng đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị Nhật Bản suốt hơn 20 năm qua, báo hiệu nhiệm kỳ thứ ba đầy sóng gió của ông S. Abe.

Trong bối cảnh đó, vào đầu tháng 8-2017, Thủ tướng S. Abe đã công bố quyết định cải tổ nội các. Chính quyền mới với sự trở lại của hàng loạt chính trị gia kỳ cựu, từng đảm nhận các chức vụ chủ chốt trong các chính phủ tiền nhiệm, cho thấy chủ ý của Thủ tướng S. Abe nhằm xây dựng một bộ máy ổn định để điều hành đất nước. Quyết định này của Thủ tướng S. Abe được đánh giá giúp ông lấy lại lòng tin của người dân dành cho chính phủ.

Bên cạnh đó, cũng trong tháng 8-2017, trước những căng thẳng liên quan đến các vụ thử tên lửa, hạt nhân của CHDCND Triều Tiên bay qua vùng lãnh thổ của Nhật Bản, LDP đã dần lấy lại uy tín sau khi chính phủ đã có những phản ứng mạnh mẽ đối với Triều Tiên. Nhờ vào cách xử lý cứng rắn đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên như cam kết sẽ nỗ lực hết sức để “bảo đảm sự an toàn và an ninh cho người dân” và nhanh chóng đưa ra những cảnh báo cho người dân, kết hợp với còi báo động và các tin nhắn khẩn cấp, ông S. Abe đã tạo dựng được hình ảnh một Thủ tướng có phẩm chất dân tộc và có khả năng lãnh đạo mạnh mẽ trong thời kỳ khủng hoảng. Cũng nhờ đó mà tỷ lệ ủng hộ ông thời gian gần đây đã tăng lên mức 50% trong một số cuộc thăm dò gần đây.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, Thủ tướng S. Abe sẽ vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Mặc dù tỷ lệ ủng hộ đối với LDP ở thời điểm hiện nay đang tăng lên song các cuộc thăm dò cũng cho thấy, có khoảng 40% cử tri vẫn đang lưỡng lự vì họ vẫn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai. Chưa kể hiện nay, có một đối thủ được đánh giá là khá nặng ký đối với Thủ tướng S. Abe, đó là Thị trưởng Tokyo Y. Koike. Trong một động thái mới nhất, ngày 25-9, bà Y. Koike đã tuyên bố thành lập chính đảng mới, có tên là đảng Hy vọng (PH), và tuyên bố sẽ dẫn đầu đảng này để cạnh tranh với LDP trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, quyết định giải thể Hạ viện để tổ chức bầu cử sớm là một bước đi mạo hiểm bởi nó có thể đặt liên minh cầm quyền của ông S. Abe trước rủi ro có thể mất đi vị trí “đa số tuyệt đối” (tương đương 2/3 ghế) trong Hạ viện. Điều này có thể sẽ khiến Thủ tướng S. Abe gặp khó khăn trong việc thuyết phục Quốc hội thông qua kế hoạch sửa đổi Hiến pháp nhằm tăng cường sức mạnh quân đội Nhật mà ông S. Abe ấp ủ bấy lâu.

Nhưng dù sao, trong bối cảnh sự tín nhiệm của người dân dành cho chính phủ đang tăng lên, cộng với việc phe đối lập chưa thực sự có đủ sức mạnh để cạnh tranh quyền lực với đảng cầm quyền, các nhà phân tích vẫn nhận định, quyết định giải tán Hạ viện vào thời điểm này vẫn là một thời cơ tốt để Thủ tướng S. Abe quyết định xây dựng lại nền tảng chính trị tại Hạ viện nhằm hỗ trợ thuận lợi cho đảng cầm quyền điều hành đất nước.

Mong manh thỏa thuận hạt nhân Iran

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: iranreview.org

Vấn đề hạt nhân của Iran đang là một chủ đề được nhiều nước chú ý bởi Iran vừa thực hiện 1 vụ bắn tên lửa đúng thời điểm kỳ họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra ở tại New York (Mỹ) vào tuần cuối tháng 9.

Có thể thấy, động thái trên khiến cho mối quan hệ giữa Iran với Mỹ và các nước phương Tây vốn đang rơi vào tình trạng căng thẳng lại càng trở nên căng thẳng hơn. Không những vậy, những tranh cãi nảy lửa giữa Iran và Mỹ những ngày gần đây đang làm dấy lên những nghi ngại về việc thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân Iran được các cường quốc ký kết năm 2015 đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Thỏa thuận hạt nhân Iran có tên là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) được Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc cùng với Đức) hồi tháng 7-2015 và đã chính thức có hiệu lực vào tháng 01-2016, mở đường cho việc bãi bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Iran để đổi lấy việc Iran hạn chế các hoạt động hạt nhân của mình.

Tuy nhiên, trên thực tế, ngay từ khi còn tranh cử, Tổng thống Mỹ D. Trump đã nhiều lần coi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 là điều tồi tệ và bày tỏ ý định lật ngược những cam kết. Trong thời gian qua, Mỹ đã liên tục có những biện pháp trừng phạt đối với Iran với lý do nước này phát triển các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hỗ trợ khủng bố. Đặc biệt, Luật áp đặt các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Iran (cùng với Nga và CHDCND Triều Tiên) đã được Tổng thống D. Trump chính thức ký ban hành vào ngày 02-8-2017. Kể từ thời điểm đó, cuộc đối đầu giữa hai nước ngày càng gia tăng khiến dư luận thật sự lo ngại về tương lai của thỏa thuận JCPOA.

Trong bối cảnh đó, việc Tổng thống D. Trump thể hiện lập trường gay gắt nhằm vào Iran tại cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra ngày 23-9 là điều đã được dự đoán trước. Quan điểm của Mỹ dường như tiếp tục được thể hiện rõ hơn qua tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ R. Tilleson ngay trước thềm cuộc gặp đầu tiên với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Theo đó, ông R. Tillerson cho rằng, thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 cần phải thay đổi theo hướng tăng cường các hoạt động giám sát bổ sung, ngăn chặn hiệu quả hơn nguy cơ phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Tehran. Tuy nhiên, quan điểm này của Mỹ đến nay lại không nhận được sự ủng hộ của các đồng minh thuộc Liên minh châu Âu (EU). Mới đây, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU, bà F. Mogherini đã nói rõ, không cần thương lượng lại thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1, đồng thời cho biết các bên tham gia đều đang tuân thủ văn bản trên. Thậm chí, trong tuyên bố ngày 19-9, một số chính trị gia và đại diện giới quân sự châu Âu còn đưa ra lập luận rằng, bất kỳ hành động đơn phương nào của Mỹ gây nguy hại cho thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng trong quan hệ Mỹ - châu Âu, làm hủy hoại lập trường quốc tế của Mỹ và niềm tin của châu Âu đối với Washington.

Sở dĩ châu Âu không ủng hộ việc Mỹ áp đặt trừng phạt Iran là bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran rõ ràng có tác động đến EU. Sau một năm gỡ bỏ các biện pháp thắt chặt kinh tế nhằm vào Iran, các nước châu Âu đã trở thành các nhà tiêu thụ dầu mỏ chính của Iran. Theo đánh giá của EU, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Iran có thể gây thiệt hại cho lợi ích kinh tế và năng lượng của EU, đồng thời kéo theo những hậu quả không lường trước được. Vì vậy, trong bối cảnh thế giới đang thúc đẩy các cơ hội đàm phán ngoại giao để ngăn chặn nỗ lực theo đuổi vũ khí hạt nhân, việc hủy bỏ thỏa thuận với Iran không những gây thiệt hại kinh tế cho các nước liên quan, mà còn có thể kích động bất ổn ở Trung Đông, cũng như gây ra hệ lụy xấu đối với việc giải quyết cuộc khủng hoảng tên lửa đạn đạo và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Do đó, điều cần làm lúc này là Mỹ và Iran không nên từ bỏ các nỗ lực ngoại giao trong quan hệ giữa hai nước.

Cải cách EU: Những đề xuất đầy tham vọng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

 
 Tổng thống Pháp E. Macron. Ảnh: cncb.com

Với mục tiêu tìm phương hướng phát triển cho EU trong thời gian tới, ngày 26-9, trong bài phát biểu tại Đại học Sorbonne ở thủ đô Paris, Tổng thống Pháp E. Macron đã đưa ra một tầm nhìn đối với tương lai châu Âu, bao gồm các đề xuất nhằm “cải cách sâu rộng” EU, cũng như thúc đẩy đoàn kết và hợp tác nội khối.

Sau 4 tháng nhậm chức, Tổng thống E. Macron đã bắt đầu khởi động tiến trình tái thiết EU mà ông đã ấp ủ từ khi còn tham gia tranh cử. Theo ý tưởng của Tổng thống E. Macron thì EU trong tương lai sẽ là “một EU dân chủ và chủ quyền, với các tốc độ phát triển khác nhau”. Tổng thống E. Macron nhận định, EU hiện đang trong giai đoạn “quá yếu, chậm chạp và thiếu hiệu quả”, do vậy, việc duy trì một châu Âu thống nhất và đoàn kết là cách duy nhất để các nước trong khu vực tham gia giải quyết hiệu quả những thách thức lớn hiện nay.

Theo đó, Tổng thống Pháp đề xuất thành lập một lực lượng phản ứng nhanh quy tụ quân đội của các nước thành viên cho EU vào năm 2020. Lực lượng này có thể hoạt động như “một đối tác của quân đội các quốc gia”. Ông E. Macron cũng kêu gọi xây dựng một cơ chế thuế mới đối với các tập đoàn công nghệ lớn như Facebook và Apple, vốn bị cho là đang trả quá ít thuế doanh nghiệp tại châu Âu. Đồng thời, Tổng thống Pháp cho rằng cần xây dựng một cơ quan chuyên trách của châu Âu phụ trách vấn đề khủng hoảng người di cư.

Về vấn đề kinh tế, nhà lãnh đạo Pháp nhận định, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cần có ngân sách riêng và một bộ trưởng tài chính để cung cấp và quản lý tài chính cho các hoạt động đầu tư chung, bảo đảm ổn định trước những chấn động kinh tế. Ông cũng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất đối với EU hiện nay là giảm tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ hiện đang ở mức cao 20%. Ông E. Macron đã đề xuất châu Âu cần có một mức thuế doanh nghiệp chung vào năm 2020 và những thành viên từ chối áp dụng cơ chế này sẽ bị cắt hỗ trợ từ Brussels.

Đánh giá về những đề xuất cải cách EU của Tổng thống E. Macron, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker ngày 26-9 đã ca ngợi bài diễn văn của ông E. Macron “mang đậm chất châu Âu”, đồng thời nhấn mạnh, châu Âu “cần sự dũng cảm”. Tuy nhiên, để thực hiện việc thay đổi này thì không dễ dàng. Thách thức đầu tiên đó là mặc dù có chung nhận thức về sự cần thiết phải cải tổ EU nhưng sự chia rẽ hiện tại trong nội bộ EU chắc chắn sẽ khiến cho việc đạt được đồng thuận gặp nhiều khó khăn. Một số nước thành viên như Ba Lan, Hungary, Romania… cho rằng, việc tồn tại một EU với các tốc độ phát triển khác nhau sẽ làm suy yếu tư tưởng cốt lõi của châu Âu là “coi trọng các thành viên của Liên minh như nhau”. EU hiện nay đang tồn tại mâu thuẫn trong sự phát triển kinh tế quá chênh lệch giữa Tây Âu và Đông Âu, hay quan niệm khác biệt về mức đóng góp và phần được hưởng giữa các nước giàu và các nước kém hơn. Với 27 nước thành viên thì việc tìm được một giải pháp dung hòa được lợi ích của tất cả các bên là vô cùng khó khăn do 27 thành viên này chênh lệch về trình độ phát triển, trình độ quản lý, quy mô nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng di cư chưa có hồi kết cũng đang được xem là một trong những thách thức lớn nhất với tương lai của Lục địa già. Hiện EU cần một chính sách quyết liệt hơn để buộc các nước thành viên phải chung tay gánh vác trách nhiệm xử lý khủng hoảng nhập cư. Ngoài ra, một thách thức khá lớn trước mắt mà EU cần phải đối mặt, đó chính là tiến trình Brexit. Thách thức đặt ra là EU phải tìm kiếm một kịch bản có lợi cho những quốc gia còn lại nếu như không muốn chứng kiến những kịch bản tương tự như Brexit sẽ tạo nên hiệu ứng domino với sự ra đi của Hà Lan (Nexit) hay Đan Mạch (Dexit)…

Như vậy, có thể thấy, những đề xuất của Tổng thống E. Macron mới chỉ đang ở mức độ khởi đầu và còn không ít nội dung cần cụ thể hóa. Trong quá trình thảo luận, phương án này khó tránh khỏi phải có những điều chỉnh nhằm dung hòa lợi ích của tất cả các thành viên.

Hậu bầu cử Quốc hội Đức: Những khó khăn đối với Liên đảng CDU/CSU

 
 Thủ tướng Đức A. Merkel. Ảnh: Getty

Không nằm ngoài dự đoán, đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) vẫn khẳng định vị trí dẫn đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức. Với kết quả này, bà A. Merkel tiếp tục tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 trên cương vị Thủ tướng. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, Liên minh CDU/CSU cũng như Thủ tướng A. Merkel sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức sau bầu cử.

Phát biểu sau khi kết quả chính thức của cuộc bầu cử được công bố, Thủ tướng A. Merkel tuyên bố những tuần tới sẽ là khoảng thời gian khó khăn nhưng CDU/CSU sẽ thành công với trách nhiệm của mình trước người dân Đức.

Cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang Đức được đánh giá có ý nghĩa quan trọng hàng đầu tại châu Âu trong năm 2017, bên cạnh cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan hồi tháng 3 và cuộc bầu cử Tổng thống Pháp hồi tháng 5. Không chỉ quan trọng đối với nước Đức, cuộc bầu cử này còn góp phần định hình tương lai của EU, nhất là khi những vấn đề mà EU đang phải đương đầu cũng tác động mạnh mẽ tới đời sống chính trị - xã hội của nước Đức và sẽ là thách thức liên minh cầm quyền CDU/CSU sau cuộc bầu cử.

Ngay trước cuộc bầu cử, kết quả các cuộc thăm dò ý kiến cử tri đều ủng hộ liên đảng Liên minh CDU/CSU, vốn đã liên tiếp cầm quyền qua 3 nhiệm kỳ. Nhìn vào tương quan lực lượng trên chính trường Đức, có thể thấy việc liên đảng CDU/CSU của đương kim Thủ tướng A. Merkel tiếp tục giành chiến thắng là điều dễ hiểu. Thực tế cho thấy, trong suốt 12 năm cầm quyền, liên minh CDU/CSU dù liên minh với đảng nào cũng đều đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đưa nước Đức vượt qua nhiều khó khăn từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015, cũng như “cú sốc” Brexit năm 2016. Bất chấp việc thế giới và khu vực trải qua nhiều biến động và khủng hoảng, kinh tế Đức vẫn tăng trưởng ấn tượng với thặng dư thương mại năm 2016 đạt mức cao kỷ lục và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất kể từ thời điểm nước Đức thống nhất, hiện chỉ còn 4,3%. Nhờ kinh tế phát triển, nước Đức có điều kiện giải quyết tốt phúc lợi xã hội, nâng cao mức sống cho đa số người dân. Những thành công này cho thấy, nước Đức đang ở vào giai đoạn thịnh vượng và trở thành đầu tàu quan trọng nhất của EU.

Nhìn lại có thể thấy, cuộc khủng hoảng người di cư bùng phát từ năm 2015, vốn gây xáo trộn đối với xã hội Đức nói riêng và châu Âu nói chung, là biến cố lớn khiến CDU và cá nhân Thủ tướng A. Merkel bị sụt giảm uy tín trong suốt 12 năm cầm quyền. Việc nước Đức mở cửa đón hơn một triệu người tị nạn trong năm 2015 và năm 2016 đã khiến cuộc sống của người dân Đức bị đảo lộn, kèm theo đó là những nguy cơ về khủng bố và tội phạm. Nhưng nhờ vào thỏa thuận ngăn chặn người di cư bất hợp pháp giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với các biện pháp thắt chặt an ninh, vấn đề cũng dần được kiểm soát và uy tín của bà A. Merkel cũng như CDU đã phần nào được phục hồi.

Trong khi đó, dù đã có hàng loạt giải pháp quyết liệt chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm nay, đối thủ chính của CDU/CSU là đảng Xã hội Dân chủ (SPD) vẫn tỏ ra bế tắc. Trên thực tế, uy tín của SPD đã giảm mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây. Nếu như trong cuộc bầu cử năm 2005, SPD dưới sự lãnh đạo của cựu Thủ tướng G. Schröder còn giành được 34,2% phiếu bầu, chỉ kém 1% so với CDU/CSU, thì đến năm 2013, tỷ lệ ủng hộ SPD tụt xuống còn 25,7% so với 41,5% của CDU/CSU, buộc SPD phải tham gia chính phủ “đại liên minh” với CDU/CSU.

Cuối tháng 01-2017, quyết định lựa chọn ông M. Schulz, cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu, làm Chủ tịch đồng thời là ứng cử viên thủ tướng của đảng, đã mang lại một "luồng gió mới" cho SPD. Tỷ lệ ủng hộ của cử tri dành cho SPD qua các cuộc thăm dò dư luận đã tăng cao, có thời điểm đảng này đã bắt kịp và thậm chí vượt lên trên liên minh CDU/CSU. Tuy nhiên, “hiệu ứng Martin Schulz” cũng dần qua đi khi SPD không đưa ra được cương lĩnh tranh cử đủ sức thuyết phục khiến cử tri Đức có thể thay đổi, còn CDU/CSU nhìn chung vẫn đang đảm đương tốt nhiệm vụ lãnh đạo đất nước.

Ngoài ra, việc SPD tham gia vào chính phủ “đại liên minh” với CDU/CSU phần nào đã khiến tiếng nói của đảng này trở nên yếu ớt dưới "cái bóng" quá lớn của Thủ tướng A. Merkel. Điều này được phản ánh rõ nét qua quá trình vận động tranh cử của các đảng và đặc biệt qua cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa hai ứng cử viên thủ tướng là bà A. Merkel và ông M. Schulz.

Tuy nhiên, dù liên minh cầm quyền CDU/CSU tiếp tục giành chiến thắng nhưng kịch bản hậu bầu cử ở Đức vẫn là một câu hỏi lớn. Với việc đảng SPD tuyên bố rút khỏi liên minh cầm quyền để trở thành đảng đối lập, nhiều khả năng sau khi giành thắng lợi, liên đảng CDU/CSU sẽ bắt tay với các đảng FDP và đảng Xanh để thành lập liên minh mới mà người Đức gọi là Liên minh Jamaica.

Với chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang lần này, liên minh cầm quyền CDU/CSU sẽ không chỉ dẫn dắt nước Đức trong 4 năm tới, mà còn dẫn dắt cả EU trong bối cảnh môi trường quốc tế bất ổn và khủng hoảng như hiện nay. Trong vai trò là đầu tàu của EU và ngày càng can dự tích cực vào nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, Đức, cùng với Pháp đang nỗ lực củng cố EU trước nguy cơ tan rã từ việc nước Anh rời khỏi liên minh, giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công, vấn đề tự do thương mại, cuộc chiến chống khủng bố, cuộc khủng hoảng người di cư, hay mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với chính quyền của Tổng thống Mỹ D. Trump. Và đây chính là những thách thức mà liên minh cầm quyền CDU/CSU cần phải vượt qua./.