TCCSĐT - Ngày 21-9, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị sơ kết giai đoạn I Kế hoạch Hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc.

Tham dự Hội nghị có PGS, TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công Thương; Bộ Tài nguyên và Môi trường; TS. Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam; ông JongHa Bae - Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam; cùng đại diện các cục, vụ, viện, sở y tế các tỉnh và các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.

Ngày 21-6-2013, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2174/QĐ-BYT về Kế hoạch động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 -2020 với mục tiêu: Nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế về kháng thuốc; tăng cường, hoàn thiện hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc; bảo đảm cung ứng đầy đủ các thuốc có chất lượng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; tăng cường sử dụng thuốc an toàn, hợp lý; tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn; tăng cường sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn trong trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.

Ngày 24-6-2015, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển ở Việt Nam đã ký kết Văn bản thỏa thuận đa ngành về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam.

Thời gian qua, Bộ Y tế cùng các bộ liên quan đã phối hợp triển khai Kế hoạch hành động quốc gia và văn bản thỏa thuận cam kết đa ngành về phòng, chống kháng thuốc. Các kết quả đạt được như: Tổ chức định kỳ tuần lễ truyền thông phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam vào tháng 11 hằng năm; xây dựng hệ thống giám sát kháng thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh; ban hành và khởi động đề án kiểm soát kê đơn và kháng thuốc theo đơn; tăng cường sử dụng thuốc an toàn hợp lý hiệu quả; hoàn thiện các quy chế chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị; quy trình kỹ thuật trong khám, chữa bệnh…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 2803/QĐ-BNN-TY, ngày 07-7-2016 về “Kế hoạch quản lý và giám sát nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu để sản xuất thuốc thú y giai đoạn 2016 - 2020”; ban hành lộ trình cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi với mục đích kích thích sinh trưởng (tại Thông tư số 06/2016/TT-BNNPTNT, ngày 31-5-2016, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); ban hành lộ trình cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi với mục đích phòng bệnh cho động vật (Nghị định số 39/2017/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản); thực hiện giám sát tồn dư hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng, chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định số 2625/QĐ-BNN-TY, ngày 21-6-2017.... Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã vào cuộc triển khai các hoạt động cụ thể trong phòng, chống kháng thuốc.

Phát biểu tại Hội nghị, PGS, TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, tình trạng kháng thuốc kháng sinh gây tác động lớn đến nền kinh tế, sự phát triển chung của xã hội không chỉ riêng đối với Việt Nam, mà còn tác động đến tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay. Theo báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của Tổ chức Y tế thế giới được tổng hợp từ 114 quốc gia trên khắp các khu vực cho thấy: người bệnh phải nằm viện lâu hơn và số lượng tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi. Tại châu Âu, số ngày nằm viện tăng 2,5 triệu ngày, số lượng tử vong 25.000 người/năm; ở Thái Lan, con số này tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người/năm; ở Mỹ khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm. Điều này tác động đến kinh tế, xã hội rất lớn (ở Mỹ, chi phí trực tiếp hơn 20 tỷ USD/năm và chi phí gián tiếp hơn 30 tỷ USD/năm), đặc biệt ở các nước nghèo, kém phát triển.

Trước thực trạng kháng thuốc ngày càng trầm trọng, nhân Ngày sức khỏe thế giới 07-4-2011, để ứng phó với vấn đề này, WHO đã lấy khẩu hiệu: “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” để kêu gọi các quốc gia cùng chung tay phòng, chống kháng thuốc.

Việt Nam được WHO đánh giá cao về những nỗ lực và đóng góp của Việt Nam cho công cuộc phòng, chống kháng thuốc chung trên toàn thế giới. Việt Nam là một trong 6 nước đầu tiên thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc; Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đối tác phát triển là WHO, FAO, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU),… đang tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống kháng thuốc từ nay đến năm 2020 (Kế hoạch năm 2013 mới chỉ có sự tham gia của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho phù hợp với tình hình thực tế và phù hợp với văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời cụ thể hóa vào chương trình kế hoạch hằng năm của từng bộ, ban, ngành, các đơn vị từ Trung ương đến địa phương.

Đối với Việt Nam, sự cam kết đa ngành này được thể hiện trong “Văn bản thỏa thuận cam kết đa ngành về phòng, chống kháng thuốc” được ký kết vào tháng 6-2015 giữa Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức quốc tế (WHO, FAO, OUCRU) và các đối tác phát triển (Mỹ, Nhật Bản, Anh, …).

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành liên quan, các tổ chức xã hội nghề nghiệp cùng với sự tham gia tích cực của người dân, cán bộ y tế, cán bộ chuyên môn công cuộc kháng thuốc của Việt Nam chắc chắn sẽ thu được kết quả tích cực./.