TCCSĐT - Các hoạt động mua bán vũ khí trên chợ đen trực tuyến đang ngày càng gia tăng, tiếp tay cho những đối tượng có tư tưởng cực đoan dễ dàng có được phương tiện để tiến hành các vụ tấn công khủng bố. Sự tồn tại của loại hình giao dịch này đang đặt toàn thế giới đứng trước một bài toán khó trong bối cảnh các phần tử khủng bố xuất hiện ngày càng nhiều.

Báo động mối nguy hiểm từ thị trường vũ khí chợ đen

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: Crime Russia

Trong một nghiên cứu về quy mô giao dịch bất hợp pháp các loại súng đạn và chất nổ trên chợ đen trực tuyến, các chuyên gia nghiên cứu của Đại học Manchester và Viện Nghiên cứu phi lợi nhuận (RAND) của châu Âu có trụ sở tại Anh đã đưa ra lời cảnh báo về tình trạng mua bán vũ khí trên “chợ đen” trực tuyến đang gia tăng và nguy cơ loại hình này trở thành “kẻ tiếp tay” cho hoạt động khủng bố. Đây là nghiên cứu đầu tiên tìm hiểu về quy mô giao dịch bất hợp pháp các loại súng đạn và chất nổ trên chợ đen trực tuyến. Theo một người phát ngôn của Đại học Manchester, số liệu trên được thu thập từ hồi năm 2016 đối với trên 12 cryptomarket - một loại chợ đen hội tụ nhiều đối tượng buôn bán và do các quản trị viên của chợ đen điều hành.

Nghiên cứu cho thấy, có đến 60% vũ khí được mua bán trên chợ đen trực tuyến xuất xứ từ Mỹ. Bất kỳ ai cũng có thể truy cập vào chợ đen trực tuyến và chỉ trong vài phút có thể tiếp cận với nhiều người bán hàng, trong đó chủ yếu hoạt động phi pháp. Chợ đen trực tuyến cho phép giao dịch bất hợp pháp ở mức độ toàn cầu, xóa bỏ khoảng cách địa lý giữa người bán và người mua, trong khi lại bảo mật thông tin cá nhân cho những đối tượng ẩn danh này. Những đặc điểm này khiến chợ đen trực tuyến trở nên hấp dẫn đối với nhiều người buôn bán các mặt hàng bất hợp pháp. Các trang web đen mua bán vũ khí vốn không thuộc danh mục cho phép của các nước sở tại. Cũng khó có thể tìm kiếm chúng trên Google hay các công cụ tìm kiếm khác.

Nghiên cứu cũng cảnh báo, kiểu buôn bán này có nguy cơ trở thành nguồn cung cấp vũ khí cho những nhóm nhỏ như các băng đảng tội phạm hoặc các đối tượng khủng bố hoạt động theo hình thức “con sói đơn độc”. Điển hình như đối tượng khủng bố trong vụ xả súng tại Munich (Đức), hồi cuối năm 2016 đã sử dụng vũ khí được mua từ chợ đen trực tuyến. Ngoài ra, lợi dụng tình hình bất ổn tại Trung Đông, những kẻ buôn lậu đã hình thành nên những chợ mua bán vũ khí hoạt động tấp nập. Các tổ chức thánh chiến tại Trung Đông đã sử dụng trang mạng xã hội Facebook như công cụ rao bán vũ khí hạng nặng.

Thời gian qua, giới chức trách Mỹ và châu Âu cũng đã thực hiện các hoạt động rà soát các trang web đen. Các nhà chức trách Mỹ và châu Âu đã bắt tay triển khai một chiến dịch truy quét lớn nhắm vào hoạt động buôn bán hàng cấm (ví dụ như ma túy, vũ khí và thông tin cá nhân nhạy cảm) đang bùng nổ trên các trang mạng trực tuyến. Cuối tháng 7-2017, Bộ Tư pháp Mỹ và Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol) đã đóng cửa AlphaBay và Hansa, 2 thị trường bất hợp pháp khổng lồ trên web đen.

Mới đây, trang mạng xã hội Facebook đã đưa ra một lệnh cấm các tổ chức buôn bán vũ khí trái phép trên mạng trá hình thành các nhóm xã hội để thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, lệnh cấm này có thể sẽ không phát huy được hiệu quả bởi nếu xóa được các trang web đen trên Facebook cũng không thể ngăn chặn việc các nhóm tội phạm, các tay súng thánh chiến tạo nhóm và rao hàng trực tiếp trên ứng dụng Messenger. Như vậy, câu chuyện tìm kiếm giải pháp hữu hiệu cho việc kiểm soát các thương vụ vũ khí trên “chợ đen” trực tuyến chưa thể kết thúc trong ngày một ngày hai.

Nỗ lực thúc đẩy đàm phán hòa bình Trung Đông

 
 Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres và Thủ tướng Israel B. Netanyahu. Ảnh: un.org

Từ ngày 28 đến 30-8-2017, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres đã có chuyến thăm Israel và Chính quyền Dân tộc Palestine. Chuyến thăm này là một nỗ lực ngoại giao nhằm khôi phục cuộc đàm phán hòa bình dường như đang bế tắc. Đây cũng là chuyến thăm lần đầu tiên của Tổng Thư ký A. Guterres đến khu vực này kể từ khi nhậm chức hồi tháng 01-2017.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã có các cuộc hội đàm với Thủ tướng Israel B. Netanyahu và Tổng thống R. Rivlin ở Jerusalem. Sau đó, ông A. Guterres đã tới thành phố Ramallah để gặp Tổng thống Palestine M. Abbas và thăm Dải Gaza, nơi Liên hợp quốc đang điều phối các chương trình viện trợ nhân đạo để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang gia tăng.

Nội dung nghị sự trong chuyến thăm của Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres là tập trung vào các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel - Palestine vốn bế tắc từ tháng 4-2014 cũng như cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza. Theo đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc thúc đẩy Israel và Palestine tiến gần hơn việc đàm phán trở lại về cuộc xung đột kéo dài nhiều thập niên. Tổng Thư ký A. Guterres bày tỏ cam kết mạnh mẽ của Liên hợp quốc cũng như cá nhân ông đối với việc hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước, tái khẳng định không có phương án thay thế nào cho cuộc khủng hoảng Trung Đông. Tổng Thư ký cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải tạo điều kiện để lãnh đạo các bên bình tĩnh, tránh kích động và bạo lực để tiến tới đàm phán.

Đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine do Mỹ làm trung gian gần đây nhất đã chấm dứt vào tháng 3-2014. Kể từ đó tới nay, tất cả các bên đều không đạt được bước tiến nào vì quan điểm trái ngược. Hai bên không tìm được tiếng nói chung trong các tranh cãi mấu chốt bao gồm: đường biên giới cho nhà nước Palestine trong tương lai, các khu định cư của người Do Thái tại Bờ Tây, trong đó có Đông Jerusalem, số phận người tị nạn Palestine tại các vùng đất do Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, quy chế đối với thành phố Jerusalem, vấn đề trao trả tù nhân…. Chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Israel B. Netanyahu cho rằng, con đường duy nhất để Palestine được công nhận Nhà nước độc lập là thông qua đàm phán với Israel. Còn Palestine lại muốn tiến trình hòa bình được thông qua bằng những nỗ lực đa phương.

Theo các nhà phân tích, một trong những lý do quan trọng nhất Liên hợp quốc cũng như cộng đồng quốc tế không thể chấp nhận việc Israel tiếp tục chính sách định cư tại Đông Jerusalem và Khu Bờ Tây, những vùng lãnh thổ của Palestine bị nước này chiếm đóng là bất hợp pháp. Đây là rào cản lớn nhất đối với hòa bình giữa Israel và Palestine, song lại là một chính sách mà Israel không dễ dàng từ bỏ. Tuy nhiên, chuyến thăm của Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres đã không tìm kiếm được sự thỏa hiệp. Tổng Thư ký A. Guterres vẫn không thể chia sẻ được điều mà ông gọi là “giấc mơ một ngày nhìn thấy tại vùng đất Thánh 2 Nhà nước chung sống trong hòa bình và an ninh”. Vì vậy, giấc mơ hòa bình cho Trung Đông vẫn là bài toán khó.

Anh - Nhật Bản củng cố lòng tin, nâng tầm quan hệ song phương

 
 Thủ tướng Anh T. May và Thủ tướng Nhật Bản S. Abe. Ảnh: relocatemagazine.com

Trong ba ngày từ 30 đến 01-9-2017, Thủ tướng Anh T. May đã thực hiện chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi năm ngoái. Chuyến thăm nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), đồng thời được cho là biểu thị tình đoàn kết với Nhật Bản trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên vừa phóng một tên lửa đạn đạo bay qua miền Bắc Nhật Bản trước khi rơi xuống Thái Bình Dương.

Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng T. May và Thủ tướng Nhật Bản S. Abe đã thảo luận về các vấn đề song phương và khu vực, trong đó có tương lai hiệp định tự do thương mại giữa hai quốc gia thời hậu Brexit, bởi theo quy định của EU các cuộc đàm phán chính thức về tự do thương mại giữa Anh với các nước sẽ chỉ được thực hiện khi Anh đã rời khỏi EU.

Thủ tướng T. May đã khẳng định quan điểm về cách thức phát triển mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước sau khi Anh rút khỏi EU, đồng thời tái khẳng định với các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Anh về sự quan tâm và ủng hộ của Chính phủ Anh dành cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe cũng bày tỏ sự tin tưởng về mối quan hệ kinh tế Anh - Nhật Bản thời hậu Brexit.

Về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Thủ tướng Anh và Thủ tướng Nhật Bản cam kết sẽ phối hợp hành động và gia tăng hợp tác với các nước khác nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các biện pháp trừng phạt nhằm vào chương trình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa mới nhất bay qua lãnh thổ Nhật Bản của Bình Nhưỡng, đồng thời kêu gọi Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong vấn đề này.

Từ lâu, Nhật Bản và Anh đã là đối tác, đồng minh trên nhiều phương diện và các hoạt động quốc tế. Do đó, chuyến thăm của Thủ tướng Anh tới đất nước Mặt trời mọc được kỳ vọng sẽ là “làn gió mới” làm sâu sắc hơn mối quan hệ chiến lược giữa hai quốc gia. Trước hết, với Nhật Bản, cuộc hội đàm giữa Thủ tướng T. May và Thủ tướng S. Abe sẽ là một tín hiệu trấn an các doanh nghiệp Nhật Bản tại Anh trước những lo ngại về tương lai đầu tư khi Anh rời khỏi thị trường chung châu Âu. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng hiểu rằng bất chấp cuộc khủng hoảng Brexit, Anh vẫn giữ vị thế là một trung tâm tài chính lớn trên thế giới và có thể mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp của xứ sở Mặt trời mọc.

Còn đối với Anh, trong bối cảnh các công ty Nhật Bản có thể giảm các khoản đầu tư nếu cảm thấy Brexit có khả năng cản trở các hoạt động kinh doanh của họ ở Anh và EU, chuyến thăm là cơ hội vàng để nhà lãnh đạo Anh truyền tải thông điệp tích cực đến doanh nghiệp Nhật Bản. Thêm vào đó, sự kiện Brexit sẽ buộc Thủ tướng T. May và những chính trị gia ủng hộ tìm kiếm những đối tác và thị trường tiềm năng khác cho các doanh nghiệp của Anh, thông qua khởi động đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nền kinh tế lớn ở châu Á như Trung Quốc và Nhật Bản.

Các nhà phân tích cho rằng, sau Brexit, nước Anh sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng T. May là một bước đi khôn khéo nhằm củng cố lòng tin của Tokyo và nâng tầm quan hệ song phương, đồng thời thể hiện cam kết của London nhằm tiếp tục duy trì vị thế kinh tế và ảnh hưởng chính trị trên trường quốc tế.

Nhiều cơ hội thắng cử cho Thủ tướng Đức Angela Merkel

 
 Thủ tướng Đức Angela Merkel tại buổi họp báo. Ảnh: ABC News

Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa tổ chức một cuộc họp báo mùa Hè trong bối cảnh chỉ chưa đầy một tháng nữa sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại Đức. Tại đây bà đã chia sẻ về nhiều vấn đề của châu Âu như khủng hoảng Ukraine, nhập cư… Bên cạnh đó, bà cũng ủng hộ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga.

Tại cuộc họp báo mùa Hè ngày 29-8, Thủ tướng A. Merkel đã nêu ra một loạt vấn đề quan trọng của châu Âu như cuộc khủng hoảng người di cư, Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), Hiệp ước Schengen, quan hệ giữa Đức với Thổ Nhĩ Kỳ… Về quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, bà A. Merkel bày tỏ mong muốn có quan hệ tốt hơn với chính quyền Ankara mặc dù hiện nay đang là giai đoạn phức tạp trong quan hệ giữa hai nước. Về tình hình Eurozone, Thủ tướng A. Merkel đánh giá các số liệu hiện nay cho thấy tất cả các nước thành viên Eurozone đều đạt tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, bà A. Merkel cũng bày tỏ ủng hộ đề xuất của Bộ trưởng Tài chính W. Schaeuble biến Cơ chế Bình ổn châu Âu thành Quỹ Tiền tệ châu Âu vì điều này có thể làm cho châu Âu ổn định hơn.

Về vấn đề người di cư vốn đang được dư luận Đức đặc biệt quan tâm, Thủ tướng A. Merkel đã kêu gọi tiếp tục gia hạn các biện pháp kiểm soát biên giới giữa các nước thành viên EU trong khu vực tự do đi lại Schengen, vốn sẽ hết hiệu lực vào tháng 11-2017 tới. Bà cũng khẳng định, việc mở cửa biên giới đối với người tị nạn là một quyết định quan trọng và chính xác trong “trong tình huống nhân đạo ngoại lệ”. Theo bà, “các quốc gia châu Âu chỉ có thể sống trong thịnh vượng và an toàn nếu chúng ta cùng nhau nhìn vào bức tranh tổng thể”.

Một vấn đề không kém phần quan trọng được đề cập trong cuộc họp báo mùa hè lần này của Thủ tướng A. Merkel, đó là mối quan hệ với Nga. Bà A. Merkel ủng hộ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga, bởi theo bà điều này sẽ có lợi cho cả nền kinh tế Nga và Đức, song phải đi kèm với một số điều kiện. Cụ thể, việc tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn là vô cùng quan trọng và việc thực hiện Thỏa thuận Minsk về Ukraine là điều kiện để dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga. Có thể dễ dàng nhận thấy, thông qua những tuyên bố và khẳng định mạnh mẽ về Thỏa thuận Minsk mang đậm tính chất “xử lý khủng hoảng”, nữ Thủ tướng Đức đang thể hiện rõ ý chí quyết tâm của mình là tìm ra một hướng đi tích cực cả về chính trị lẫn kinh tế với Nga, từ đó phát triển nền kinh tế của Đức, và khẳng định vị thế của chính bà trong lòng người dân.

Nhìn chung, đánh giá về cuộc họp báo lần này của Thủ tướng A. Merkel, giới truyền thông cho rằng, những bước đi trong chính sách của bà đang cho thấy bà có đủ quyết tâm để vững vàng đưa nước Đức trở nên phát triển hơn nếu tiếp tục đắc cử với vị trí người đứng đầu đất nước. Hiện nay, khi mà chỉ còn 4 tuần nữa là đến cuộc bầu cử Đức (dự kiến vào ngày 24-9 tới), các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy, đảng Liên đoàn Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) thuộc phái bảo thủ của bà A. Merkel có thể nhận được khoảng 38% số phiếu, nhiều hơn đảng Dân chủ Xã hội (SPD) thuộc phái trung tả của cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) M. Schulz với tỷ lệ khoảng 22%. Điều này mang lại cơ hội để bà A. Merkel hầu như nắm chắc cơ hội tiếp tục giữ chiếc ghế Thủ tướng Đức ở nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp.

Những ngày đầu cầm quyền nhiều thách thức của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

 
 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: France 2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trải qua 100 ngày đầu nắm quyền với khá nhiều khó khăn và thách thức. Mặc dù sự tín nhiệm của công chúng đối với ông có phần suy giảm song nhiều người cho rằng, 100 ngày đầu của Tổng thống E. Macron không hẳn chỉ là sóng gió, ông cũng đã biến được những điều đã cam kết khi tranh cử trở thành hiện thực.

Điểm sáng có thể thấy trong chính sách đối ngoại của Tổng thống E. Macron, đó là trong 100 ngày đầu cầm quyền, Tổng thống E. Macron đã có những nỗ lực lớn để thúc đẩy vị thế của Pháp trong EU và trên thế giới. Sự kiện Tổng thống E. Macron đón tiếp Tổng thống Nga V. Putin ở điện Versailles vào cuối tháng 5-2017, mời Tổng thống Mỹ D. Trump tham dự lễ duyệt binh trên Đại lộ Champ - Élysées vào ngày Quốc khánh Pháp (14-7) hay tới Italia hồi tháng 6-2017 dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước phát triển (G20)… cho thấy nỗ lực của ông chủ Điện Élysée trong việc đưa nước Pháp trở lại vị trí trung tâm trên trường quốc tế.

Đáng chú ý trong chuyến công du tới Italia, Tổng thống E. Macron đã nhận được nhiều sự tán thưởng của cộng đồng quốc tế khi thể hiện tốt diện mạo nguyên thủ của một quốc gia trụ cột trong EU. Hình ảnh nhà lãnh đạo trẻ tuổi, lịch thiệp trong giao tiếp nhưng kiên quyết bảo vệ lợi ích của đất nước đã khiến ông E. Macron ghi điểm trong mắt nhiều nguyên thủ quốc gia khác. Đặc biệt hơn, Tổng thống Pháp cũng nhanh chóng dẹp tan những tin đồn về sóng gió trong mối quan hệ Mỹ - Pháp sau khi Nhà Trắng tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu (COP-21). Quan trọng hơn cả, giữa những bất ổn liên quan đến vấn đề Brexit, cam kết của Tổng thống E. Macron với châu Âu và mối giao tình gần gũi cùng Thủ tướng Đức A. Merkel ngay sau khi ông vừa nhậm chức (hồi giữa tháng 5-2017) đã gieo hy vọng cho nhiều người về sự hồi sinh của trục Pháp - Đức, nền tảng đã xây dựng nên EU ngày nay.

Ngoài ra, ông E. Macron cũng tích cực vận động để Paris có thể giành quyền đăng cai Thế vận hội 2024 và trở thành trung tâm tài chính của châu Âu thay cho London.

Mặc dù thể hiện được hình ảnh của nước Pháp trên trường quốc tế, song Tổng thống E. Macron cũng đã phải đối mặt với không ít sóng gió trong lòng nước Pháp. Môt loạt các cải cách của ông đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt. Lên nhậm chức trong bối cảnh nền kinh tế Pháp đang dần cải thiện từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Tổng thống E. Macron đã cam kết thúc đẩy cải cách sâu rộng đất nước với trọng tâm hướng đến là Luật lao động, Luật chống khủng bố và đạo đức hóa đời sống chính trị. Đến nay, ông E. Macron đã hiện thực hóa được những cam kết của mình khi dự luật về cải cách lao động đã được Quốc hội Pháp thông qua. Tuy nhiên, dự luật cải cách lao động này cũng đã vấp phải sự phản đối của các tổ chức công đoàn và người lao động Pháp vì cho rằng dự luật mới đã đi quá xa, quá ưu ái giới chủ và đe dọa các quyền cơ bản của người lao động.

Sau đó, dự luật nhằm làm trong sạch bộ máy chính trị quốc gia mà ông theo đuổi cũng đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên việc này cũng được cho là xóa bỏ nhiều đặc quyền của các nghị sĩ nên cũng đã gặp phải sự phản kháng từ chính các nghị sỹ trong Quốc hội Pháp.

Bên cạnh đó, kế hoạch cắt giảm ngân sách của ông E. Macron cũng được cho là không hề thuận lợi khi rơi vào một cuộc tranh cãi với Tướng Pierre de Villiers, Tổng Tư lệnh quân đội Pháp, và chính điều đó khiến vị Tướng này đi đến quyết định từ chức. Điều này cũng khiến uy tín của ông E. Macron sụt giảm bởi trước đó ông đã hứa sẽ giữ nguyên khoản ngân sách này.

Sau đó nữa là sự phản đối và khiếu nại của nhiều nhóm người dân khác nhau về các vấn đề thuế, đặc biệt là những người về hưu phản đối việc tăng thuế đối với họ. Thị trưởng, đặc biệt là của các thành phố nhỏ và các khu định cư, đã chỉ trích gay gắt việc Tổng thống E. Macron quyết định cắt giảm trợ cấp.

Nhìn chung, tổng kết lại 100 ngày đầu cầm quyền của Tổng thống E. Macron, các nhà phân tích cho rằng, ông đã gặp phải không ít điều trắc trở. Tuy nhiên, cải cách tức là phải thay đổi và đã thay đổi thì luôn có những người bị ảnh hưởng về quyền lợi. Vì vậy, những bước đi đầu tiên để cải cách của Tổng thống E. Macron vấp phải sự phản đối cũng là điều dễ hiểu./.