Hướng tới một hệ thống lương thực APEC bền vững

Tin, ảnh: Huy Vũ
23:06, ngày 19-08-2017

TCCSĐT - Đó là mục tiêu được xác định tại Hội thảo “Tăng cường năng lực quản lý nhằm giảm thất thoát và lãng phí lương thực” diễn ra ngày 19-8, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện của Tuần lễ An ninh lương thực APEC 2017 tại thành phố Cần Thơ.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của khoảng 100 đại biểu là các nhà quản lý, hoạch định chính sách của các bộ, ngành trong nước; các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, nhà khoa học đến từ các viện, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học và đại biểu của các nền kinh tế thành viên APEC.

Trong các phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung: Những nguyên tắc thực hành nhằm gia tăng số lượng và giảm thất thoát, lãng phí lương thực; chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp quản lý lương thực từ khu vực tư nhân; giới thiệu những dự án của các nền kinh tế APEC nhằm giảm thất thoát, lãng phí lương thực; nâng cao nhận thức và những bước đi cần thiết để xây dựng chính sách và kế hoạch hành động hướng tới phát triển hệ thống lương thực bền vững;… Trong đó, những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trao đổi, chia sẻ là: Đổi mới cách thức giảm thất thoát, lãng phí lương thực theo chuỗi giá trị; những chương trình phát triển hệ thống lương thực bền vững thông qua hoạt động dự trữ, bảo quản sau thu hoạch; tiết kiệm trong ăn uống để giảm lãng phí lương thực theo Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP); tăng cường hợp tác công - tư để phát triển vững chắc chuỗi giá trị nông nghiệp và lương thực toàn cầu; đổi mới công nghệ giảm thất thoát sau thu hoạch;…

Cùng ngày, tại thành phố Cần Thơ tiếp tục diễn ra các hội thảo: “Xây dựng hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thích ứng - Tiếp cận liên ngành sử dụng thông tin khí hậu phục vụ an ninh lương thực bền vững” do Trung tâm Khí hậu APEC (PPSTI) chủ trì; “Thách thức đối với an ninh lương thực và tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở khu vực APEC” do Nhóm công tác về chính sách an ninh lương thực (PPFS) chủ trì và “Công nghệ sinh học nông nghiệp chuyển sang kỷ nguyên số” do Nhóm công tác về công nghệ sinh học nông nghiệp (HLPDAB) chủ trì. Tại các cuộc hội thảo này, các đại biểu tập trung thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, hiểu biết về vai trò của thông tin thời tiết, khí hậu đến hệ thống lương thực toàn cầu; tác động của thời tiết và khí hậu đến hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thích ứng; phương thức sử dụng hiệu quả thông tin thời tiết, khí hậu trong việc xây dựng hệ thống sản phẩm nông nghiệp bền vững; quản lý tài nguyên nước và những thách thức với các nền kinh tế trong khu vực; ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp trong sản xuất…

Tại Hội thảo “Xây dựng hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thích ứng - Tiếp cận liên ngành sử dụng thông tin khí hậu phục vụ an ninh lương thực bền vững”, một nội dung được đa số đại biểu nhất trí là trong thời gian tới phải tiếp tục chú trọng nhiều hơn đến ấn đề đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu nhằm giúp các nền kinh tế APEC tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững. Bảo đảm an ninh lương thực gắn với phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ giúp các nền kinh tế APEC ứng phó hiệu quả hơn với các tác động bất lợi đang ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Một trong những yêu cầu cấp thiết được đặt ra là các nền kinh tế APEC cần phải tăng cường hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực khí tượng thủy văn để hỗ trợ an ninh lương thực trong khu vực.

Tại Hội thảo “Thách thức đối với an ninh lương thực và tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở khu vực APEC”, vấn đề được nhiều đại biểu cùng chia sẻ là: “Nước không chỉ là tài nguyên của một quốc gia mà là tài nguyên xuyên biên giới của các nền kinh tế. Do đó, cần khẩn trương xây dựng và thực hiện các chiến lược quản lý tổng hợp, tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế trong quản lý tài nguyên nước”. Các đại biểu đã tập trung để thảo luận nội dung này và đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng cường sự liên kết giữa khu vực tư nhân và công cộng, nâng cao trách nhiệm xã hội của khu vực tư nhân đối với tài nguyên nước, đề cao vai trò của Chính phủ và người dân trong việc quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước.

Tại Hội thảo “Công nghệ sinh học nông nghiệp chuyển sang kỷ nguyên số”, nhiều đại biểu thống nhất trong thời gian tới cần phải có các chính sách tốt hơn nhằm khuyến khích ứng dụng các công nghệ mới để phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó công nghệ sinh học đóng vai trò quan trọng là công cụ để nâng cao năng suất và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp./.