1. Khái quát chung

- Hy Lạp là nước ở Đông - Nam Âu, nằm trên bán đảo Ban-căng, có diện tích: 131.944 km2, dân số: 10.688.058 người (7-2006), gồm 95% là người Hy Lạp, còn lại là các dân tộc khác.

- Các vị lãnh đạo chủ chốt :

+ Tổng thống: Ka-rô-lốt Pa-pao-li-át (Karolos PAPOULIAS) trúng cử 3-2005.

+ Thủ tướng: Cốt- xtát Ca-ra-man-lít (Kostas Karamanlis)

+ Ngoại trưởng: Pê-trốt Mô-vi-lia-tít (Petros Molyviatis).

Hy Lạp cổ đại có nền văn hoá phát triển rực rỡ, là kho tàng thần thoại, là xứ sở của nhiều nhà sử học, triết học, kiến trúc, thiên văn, nhà thơ. Là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại. Hy Lạp là một nước sớm hình thành quốc gia dân tộc. Cuối thế kỷ thứ IV trước công nguyên, dưới thời Alếc-xan-đơ-rơ de Ma-xê-đôn, Hy Lạp là một đế quốc hùng mạnh, đất nước rộng lớn kéo dài từ biển E-giê đến vùng Cáp-ca-dơ Trung Á.

Từ năm 146 trước công nguyên đến đầu thế kỷ thứ 19, Hy Lạp lần lượt bị các đế quốc La Mã, Bi-zăng-tin, Ô-tô-man thống trị. Nhân dân Hy Lạp nhiều lần nổi dậy chống xâm lược, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của nông dân vùng Pa-lô-pôn-nét-si (Nam Hy Lạp) nổ ra ngày 25-9-1821. Sau đó nhờ thắng lợi của Nga trong chiến tranh Nga - Thổ (1827 - 1829), Hy Lạp được công nhận độc lập năm 1830 dưới sự bảo trợ của Anh, Nga, Pháp. Ngày 25-3-1821 được lấy làm ngày Quốc khánh của Hy Lạp.

Tháng 4-1924, Hy Lạp bãi bỏ chế độ quân chủ, thiết lập chế độ Cộng hoà. Năm 1936, chế độ Cộng hoà bị thay thế bằng chế độ độc tài của tướng Mê-ta-xát.

Từ 1946 - 1949, tại Hy Lạp xảy ra nội chiến giữa một bên là lực lượng Hoàng gia thân Anh và một bên là những người cộng sản và kháng chiến cũ. Kết cục lực lượng của những người cộng sản và kháng chiến cũ thất bại. Từ 1950 - 1967 là thời ký khủng hoảng chính trị triền miên và gay gắt trong nội bộ chính quyền tư sản. Ngày 21-4-1967, phái quân sự làm đảo chính, lập chế độ phát xít, mở ra thời kỳ đàn áp gay gắt phong trào dân sinh, dân chủ, cấm mọi đảng phái chính trị hoạt động.

Ngày 24-7-1974 Côn-xtan-tin Ka-ra-ma-lit (lưu vong ở Pháp) trở về Hy Lạp thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời. Tháng 12-1974 tổ chức trưng cầu ý dân, lập lại chính thể Cộng hoà. Từ đó đến nay, hai đảng chính là Đảng Phong trào xã hội Pa-sốc và Đảng Dân chủ mới thay nhau cầm quyền.

2. Chế độ chính trị

1. Hy Lạp theo chế độ Cộng hoà Đại nghị, Quốc hội có một Viện gồm 300 ghế.

2. Đảng cầm quyền hiện nay: Đảng Dân chủ mới (New Democracy) do Thủ tướng Kostas Karamanlis đứng đầu: 165/300 ghế.- Đảng đối lập: Đảng Phong trào Xã hội (PASOK) do ông George Papandreou đứng đầu : 117/300 ghế.

- Đảng Cộng sản Hy Lạp hoạt động hợp pháp trong khuôn khổ nhà nước pháp quyền, có 11 ghế trong Quốc hội và có ảnh hưởng nhất định trong các tầng lớp lao động ở Hy Lạp.

3. Kinh tế

Hy Lạp có nền kinh tế công - nông nghiệp khá phát triển. Thế mạnh kinh tế Hy Lạp là vận tải đường biển và du lịch. Từ 19-6-2000, nhờ áp dụng các biện pháp kinh tế tài chính có hiệu quả, Hy Lạp đã đạt các tiêu chí và được gia nhập khu vực đồng Euro. Hiện nay, Hy Lạp là một trong những nước có tốc độ phát triển cao nhất ở EU (4% năm 2003). Tuy nhiên, Hy Lạp vẫn gặp nhiều thách thức như: việc giảm nợ nhà nước, lạm phát, thất nghiệp, cơ cấu lại nền kinh tế bao gồm cả việc tư nhân hóa một số các công ty nhà nước, tăng lương và giảm thiếu tính quan liêu.

4. Quan hệ Việt Nam - Hy Lạp

Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 15-4-1975. Tháng 2, năm 2006, Hy Lạp đã mở Đại sứ quán tại Việt Nam. Hiện nay Đại sứ Việt Nam tại Italia kiêm nhiệm Hy Lạp.

Gần đây, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển tích cực. Chính phủ Hy Lạp đánh giá cao công cuộc đổi mới của Việt Nam và bày tỏ mong muốn phát triển quan hệ nhiều mặt với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại.
 
Giữa hai nước đã có một số chuyến thăm và làm việc:
 
Tháng 5-1996, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Mộng Giao đã đi thăm và làm việc tại Hy Lạp.

Tháng 11-1996, Thứ trưởng Bộ Thương mại Nguyễn Xuân Quang thăm Hy Lạp và ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, công nghiệp và công nghệ giữa hai nước.

Tháng 8-1997, Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Hy Lạp thăm chính thức Việt Nam nhằm tìm hiểu tình hình và khả năng tăng cường hợp tác song phương.

Tháng 2-1998, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm thăm hữu nghị chính thức Hy Lạp.

Tháng 10-2004, Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Petro Moliviatis tham dự Hội nghị Cấp cao ASEM 5 tại Hà Nội.

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Trung Thành thăm và làm việc tại Hy Lạp từ 28-2 - 1-3-2005.

Thủ tướng Hy Lạp thăm chính thức Việt Nam ngày 26 - 27-5-2007.

Việt Nam đã ủng hộ Hy Lạp ứng cử vào ghế Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khoá 2005-2006, Hy Lạp cũng ủng hộ Việt Nam ứng cử vào ghế Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khoá 2008-2009.

Mối quan hệ kinh tế Việt Nam - Hy Lạp đến nay còn rất hạn chế. Hy Lạp chưa cấp ODA cho Việt Nam, cũng như chưa thực hiện dự án đầu tư trực tiếp nào tại Việt Nam.

Kim ngạch thương mại hai chiều, đơn vị 1.000 USD

2001

2002

2003

2004

2005

Tổng kim ngạch

22.058

37.172

43.053

46.546

59.938

Xuất khẩu

21.132

34.339

41.954

44.951

55.085

Nhập khẩu

926

2.833

1.099

1.595

4.853