Hội nghị Thượng đỉnh G20: Vấn đề hay giải pháp?
TCCSĐT - Bước vào tuần đầu của tháng 7-2017, chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 12 diễn ra tại Hamburg (Đức) “nóng lên” bởi sự bất đồng trong nhiều vấn đề then chốt của thế giới giữa Mỹ và các nước thành viên G20. Do vậy, đề cập đến những chủ đề chính như mâu thuẫn trong vấn đề biến đổi khí hậu, thương mại tự do, di cư,… tuyên bố cuối cùng của Hội nghị năm nay có một số điểm khác biệt.
“Định hình một thế giới kết nối”
Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới đang có những biến chuyển phức tạp, sự chia rẽ giữa Mỹ với các thành viên khác trong G20, cùng với đó là những vấn đề lớn toàn cầu như tăng trưởng, thương mại, tài chính quốc tế, biến đổi khí hậu, di cư, việc làm… Do đó, Hội nghị được đánh giá là cơ hội để lãnh đạo các nước lớn vượt qua bất đồng, tìm tiếng nói chung trong nhiều vấn đề liên quan tới ổn định và phát triển toàn cầu.
Với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối”, Hội nghị tập trung vào 3 nội dung chính, đó là: bảo đảm sự ổn định, tạo nền tảng tự cường cho tương lai và cam kết trách nhiệm, với 2 nghị trình chính là biến đổi khí hậu và thương mại tự do. Nhưng thứ tự kết quả đạt được có những đảo ngược nhất định.
Năm nay, châu Phi đóng vai trò nổi bật khi trở thành tâm điểm của Hội nghị G20. Chủ đề về thúc đẩy nền kinh tế châu Phi được nước chủ nhà Đức đặc biệt quan tâm và đưa vào chương trình nghị sự nhằm giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của việc di cư hàng loạt từ các nước kém phát triển sang các nước phát triển, ngoài ra còn nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng đôi bên. Đức muốn các nước châu Phi hợp tác với các nước G20 và các tổ chức cho vay quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) để cải thiện nền kinh tế vĩ mô và thu hút đầu tư tư nhân nhiều hơn vào châu lục này.
Kết quả là, phiên thảo luận về các chủ đề quan hệ đối tác với châu Phi, di cư và y tế đã đạt được thống nhất. Các nước G20 nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong ứng phó với các dịch bệnh, đồng thời ủng hộ tăng cường vai trò của Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế thế giới trong cảnh báo, phòng, chống các dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh xuyên biên giới. Hội nghị cũng hoan nghênh cách tiếp cận “Một sức khỏe” và kêu gọi các nước cùng chung tay hạn chế sử dụng kháng sinh trên người, cây trồng và vật nuôi. Bên cạnh đó, G20 chú trọng tới việc tăng cường hợp tác quản lý di cư, hỗ trợ người di cư và tị nạn tiếp cận tài chính, hòa nhập vào xã hội sở tại, tạo điều kiện cho người di cư đóng góp vào phát triển ở cả nước nhận, nước trung chuyển và nước xuất phát di cư. Ủng hộ Sáng kiến “Thỏa thuận hợp tác với châu Phi”, trong đó nhất trí tăng cường hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào các nước châu Phi để thúc đẩy phát triển kinh tế, chống đói nghèo và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Cuối cùng “hợp tác với châu Phi” đã trở thành một phần trong chiến lược chống nhập cư của Liên minh châu Âu (EU).
Đối với vấn đề kinh tế số và việc làm, các nhà lãnh đạo G20 nhất trí ủng hộ trao đổi tự do thông tin, đồng thời tuân thủ quyền riêng tư và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử. Các sáng kiến của Đức về đào tạo kỹ năng cho phụ nữ, tạo việc làm cho thanh niên để đáp ứng các yêu cầu mới về lao động, việc làm trong bối cảnh thế giới đang diễn ra cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng được hoan nghênh tại Hội nghị. Việc ủng hộ thành lập Quỹ doanh nghiệp nữ để thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp nữ, hỗ trợ tiếp cận các nguồn hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, qua đó tăng cường vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế được thông qua. Hội nghị cũng khẳng định tăng cường hợp tác phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy các chuỗi giá trị và sản xuất toàn cầu.
Tuyên bố chung về ngăn chặn tài trợ khủng bố được coi là điểm sáng đạt được tại Hội nghị năm nay. Tại Hội nghị lần này, các nước đã ra tuyên bố chung nhất trí đẩy mạnh các nỗ lực ngăn chặn tài trợ khủng bố. Khẳng định cam kết hành động mạnh mẽ để chặn đứng nguồn tài chính của các nhóm và tổ chức khủng bố. Một trong những giải pháp được nêu ra là hỗ trợ hệ thống tài chính quốc tế chống lại việc tài trợ cho khủng bố và tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin. G20 cũng hối thúc các nước ủng hộ Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF) - tổ chức quốc tế được thành lập năm 1989, gồm 37 quốc gia thành viên, ngăn chặn hiệu quả các nguồn tài trợ khủng bố.
So với Hội nghị Thượng đỉnh ở Hàng Châu (Trung Quốc) thời điểm cuối năm 2016, lãnh đạo các nước G20 tại Hamburg lần này phải đối mặt với một thế giới phức tạp hơn nhiều. Thỏa hiệp về thương mại, chống biến đổi khí hậu dường như có kết quả không như mong muốn. Tất cả các nước, ngoại trừ Mỹ, đều coi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là “không thể đảo ngược”, nhưng Mỹ vẫn bảo lưu ý kiến của mình về Hiệp định này. Trong tuyên bố được lãnh đạo 20 nền kinh tế thành viên nhất trí, 19 thành viên của G20 công nhận quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu. Như vậy chỉ có riêng Mỹ sẽ tiếp tục thực thi chính sách năng lượng dựa vào than đá, dầu mỏ và xuất khẩu khí đốt từ đá phiến, chính sách này đi ngược với mục tiêu của Liên hợp quốc về phát triển kinh tế, đồng thời với giảm dần mức phát thải công nghiệp.
Về vấn đề thương mại, dù làm mới lại cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ, G20 lần đầu tiên nhấn mạnh quyền của các quốc gia trong việc bảo vệ thị trường của mình bằng “các công cụ phòng vệ thương mại hợp pháp”. Đây có thể coi là một động thái nhượng bộ của G20 với Tổng thống Mỹ D. Trump. Có thể thấy, từ trước tới nay, diễn đàn G20 luôn cổ súy cho thương mại tự do, lần này do phải tính tới quan điểm của Mỹ, thiên về hướng bảo hộ mậu dịch, Tuyên bố chung đã phải nhấn mạnh vai trò của các biện pháp tự vệ trong thương mại. Một thực tế cho thấy, Mỹ đã giành được một nhượng bộ là việc nhìn nhận quyền sử dụng các công cụ hợp pháp để bảo vệ thương mại. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử G20, vấn đề này được nêu ra. Nhưng không chỉ mình Mỹ hài lòng, mà nhiều nước châu Âu khác cũng muốn trong tương lai sẽ tự vệ được trước nguy cơ bán phá giá, chủ yếu là từ Trung Quốc.
Đối mặt với khó khăn, G20 cần một tầm nhìn
Kể từ Hội nghị Thượng đỉnh G20 đầu tiên tại Washington (Mỹ) vào năm 2008, thương mại luôn là nội dung được ưu tiên hàng đầu trong các chương trình nghị sự. Từ kết quả trên cho thấy, sự khác biệt ngày càng gia tăng giữa Mỹ và các nước thành viên khác về thương mại và biến đổi khí hậu đã biến Hội nghị năm nay từ một sự kiện ngoại giao thường niên trở thành một trong những hội nghị “sóng gió” nhất trong lịch sử diễn đàn quốc tế đa phương này.
Các nhà lãnh đạo G20 đặt ra những mục tiêu cao nhưng bất chấp những tuyên bố lớn lao, những thành tựu mà G20 đạt được là hữu hạn. Các rào cản trong thương mại thế giới vẫn còn đó. Thỏa thuận Paris về khí hậu không thay đổi, song đã không còn Mỹ trong thỏa thuận này. Rủi ro trên các thị trường tài chính đã tăng lên, các nước G20 không có chiến lược cố kết. Mỹ tiếp tục có cách tiếp cận đơn phương, không tính đến những ưu tiên của các nước G20. EU đang theo đuổi chính sách tài chính của riêng mình, không có sự phối hợp với chính sách của các nước G20 khác. Các chính phủ G20 không thể nhất trí về các nguyên tắc chung. Thậm chí còn xuất hiện quan điểm khá bi quan khi cho rằng, Hội nghị Hamburg đã không đưa ra được bất kỳ sự cải thiện có ý nghĩa nào đối với nguyên trạng. G20 có biểu hiện xung đột công khai đối với các biện pháp theo xu hướng bảo hộ mà Chính quyền Trump có thể thực hiện. Ngược lại, dù Chính quyền Trump không nhất quán trong lời nói và hành động, nhưng họ lớn tiếng và nhất quán trong vấn đề kinh tế. Các ưu tiên của Tổng thống Mỹ D. Trump đối với các thỏa thuận song phương đang tiếp tục làm xói mòn G20.
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động chính trị - an ninh phức tạp, cùng với tốc độ tăng trưởng GDP của các nền kinh tế mới nổi đang chậm lại, sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển vẫn hết sức mong manh. Rõ ràng, thách thức của G20 trong giải quyết những vấn đề toàn cầu là không hề nhỏ. Dù G20 đã đạt được những kết quả nhất định nhưng kết quả Hội nghị cũng phơi bày khoảng cách lớn trong cách tiếp cận các vấn đề nổi cộm của thế giới hiện nay. Nhưng dẫu vậy, Hội nghị G20 cũng đã thể hiện nỗ lực hợp tác của cộng đồng quốc tế vì sự phát triển chung của nhân loại.
Thực tế là G20 đã bị chia rẽ về việc họ cần thoát khỏi tình trạng khó khăn của mình như thế nào. Nhưng G20 vẫn thực sự cần thiết hơn bao giờ hết việc đạt được sự nhất trí nào đó tốt hơn là không đạt được gì và Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là một minh chứng cụ thể. Kết thúc Hội nghị, 19 trong số các nước thành viên G20, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, đã có sự đồng lòng chưa từng thấy trong hồ sơ về khí hậu mà không cần đến Mỹ. Tuyên bố của G20 đã gọi Hiệp định này là “không thể đảo ngược”. Giới chuyên gia quốc tế đều có chung nhận định rằng, “nếu G20 không thể giải quyết được các vấn đề toàn cầu, sẽ không có thực thể nào đủ sức giải quyết”.
Cuối cùng, để giải quyết những vấn đề chính trên thế giới hiện nay, cần phải có một “tầm nhìn rộng hơn” vượt xa các vấn đề cụ thể. Hơn lúc nào hết, cần phải có các giải pháp đa phương cho những vấn đề mà nhân loại ngày nay đang phải đối mặt. Việc cơ bản dung hòa và thỏa hiệp những khác biệt về lợi ích giữa các nước trong các vấn đề chung được xem là cốt lõi thành công của G20 vừa qua. Chỉ thông qua hành động phối hợp, G20 mới có thể tiến triển hướng tới tăng trưởng kinh tế cân bằng, bền vững và mang tính dung nạp. Một giải pháp hiệu quả chỉ có thể đạt được nếu mục tiêu cuối cùng của tiến trình này được lên kế hoạch một cách rõ ràng. Vấn đề này được nhắc đến trong tuyên bố chung của Hội nghị, đó là: “Thế giới cần những thể chế tài chính và kinh tế toàn cầu mạnh, hiệu quả và mang tính đại diện. Và chúng ta sẽ tiếp tục củng cố các thể chế này”./.
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của cấp ủy các cấp khu vực các tỉnh, thành phố phía Nam hiện nay  (19/07/2017)
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của cấp ủy các cấp khu vực các tỉnh, thành phố phía Nam hiện nay  (19/07/2017)
Lễ ký Biên bản bàn giao, tiếp nhận hệ thống năng lượng sạch và hệ thống chiếu sáng trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1  (18/07/2017)
Misubishi Motors muốn phát triển sản phẩm ôtô điện tại Việt Nam  (18/07/2017)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên