Kỷ niệm trọng thể 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào
TCCSĐT - Sáng 18-7, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (05-9-1962 - 05-9-2017) và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18-7-1977 - 18-7-2017).
Tham dự Lễ kỷ niệm, về phía Việt Nam có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.
Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào do đồng chí Phăn-Khăm Vị-pha-văn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước dẫn đầu, cùng đông đảo cán bộ, lưu học sinh Lào đang học tập, công tác tại Việt Nam đã tham dự Lễ kỷ niệm.
Tham dự buổi lễ còn có đại diện Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Hội hữu nghị Việt Nam - Lào; Ban Liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào; các cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các tướng lĩnh, cựu chiến binh, nhân sỹ, trí thức và đại diện các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Các đồng chí: nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Trong diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ cách đây 55 năm, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam và Lào bước vào giai đoạn khó khăn, ác liệt, nhưng với những thắng lợi quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao của cách mạng Lào, Hiệp định Giơ-ne-vơ 1962 về Lào đã được ký kết, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho cách mạng hai nước Lào và Việt Nam. Với thời cơ và điều kiện thuận lợi đó, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 05-9-1962. Ðây là sự kiện lịch sử trọng đại, là dấu mốc rất quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Sau khi hai nước được giải phóng hoàn toàn vào năm 1975, để đưa quan hệ Việt Nam - Lào phát triển toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu, hai nước đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào ngày 18-7-1977, trong đó nhấn mạnh: “Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị không gì lay chuyển được giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào, tình đồng chí vĩ đại giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào được tôi luyện trong mấy chục năm đồng cam cộng khổ, cùng chiến đấu, cùng chiến thắng kẻ thù xâm lược, cùng hợp tác và giúp đỡ nhau xây dựng đất nước là một truyền thống quý báu, một sức mạnh vô địch của hai dân tộc, hai Đảng...”. Hiệp ước đó đã trở thành cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để không ngừng củng cố và phát triển quan hệ giữa hai nước, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.
Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh mối quan hệ giữa hai nước là mối quan hệ phát triển bền vững từ quan hệ truyền thống thân thiết trở thành quan hệ đặc biệt do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng và cùng các đồng chí Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước dày công vun đắp. Đó là mối quan hệ thể hiện những ước vọng tha thiết của nhân dân hai nước là đoàn kết, giúp nhau chống kẻ thù chung, xây dựng quan hệ bình đẳng, tự chủ, hữu nghị, hợp tác cùng có lợi giữa hai quốc gia. Đó là mối quan hệ hợp tác toàn diện, bền vững mang tính xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, các chặng đường, bước trước chuẩn bị cho bước sau tiếp tục phát triển đưa tới những thắng lợi lịch sử của hai nước Việt Nam, Lào trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội hiện nay.
Trong bối cảnh hiện nay, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Những bài học lịch sử của mối quan hệ mẫu mực Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, những tư tưởng chỉ đạo và nội dung hợp tác nêu trong bản Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vẫn còn nguyên giá trị, mãi mãi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tiến trình phát triển của mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước. Quan hệ giữa hai nước đang ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực với nhiều hình thức hợp tác phong phú, đa dạng trên các kênh Đảng, Nhà nước và nhân dân; giữa các ngành và các địa phương; cả hợp tác song phương và đa phương. Hai nước Việt Nam và Lào đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Nhân dân hai nước đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội của mỗi Đảng và cùng nhau phấn đấu xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân hai nước có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Để tăng cường hợp tác toàn diện, đưa quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam lên tầm cao mới, hai bên cần tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách và tổ chức chỉ đạo thực hiện có hiệu quả những thỏa thuận, mục tiêu chiến lược đã đặt ra với tầm nhìn rộng hơn, toàn diện và lâu dài hơn nhằm không ngừng củng cố, tăng cường và phát triển hơn nữa mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào.
Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Phăn-khăm Vị-pha-văn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước CHDCND Lào nhấn mạnh, trải qua gần nửa thế kỷ của liên minh chiến đấu và thắng lợi, sự gắn bó thân thiết, tình yêu thương nồng nàn, tin tưởng thực sự anh em đã làm nảy sinh tình đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc, là nguồn lực kỳ diệu và là yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng ở hai nước. Đồng chí Phăn-khăm Vị-pha-văn bày tỏ sự vui mừng về mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước được củng cố với những nguyên tắc mới được thể hiện qua việc ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào - Việt Nam. Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào - Việt Nam là cơ sở pháp lý cho việc phát huy quan hệ hữu nghị vĩ đại và mối quan hệ đặc biệt truyền thống giữa hai dân tộc Lào và Việt Nam trong tình hình mới.
Đồng chí Phăn-khăm Vị-pha-văn bày tỏ sự vui mừng khi trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế diễn biến đan xen, vừa có cơ hội vừa có thách thức, mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển cả về chiều sâu vừa mang tính đồng bộ về nhiều mặt và hiệu quả cao, đáp ứng tốt hơn lợi ích của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước. Đồng chí Phăn-khăm Vị-pha-văn khẳng định tình hữu nghị, tình yêu thương giữa hai dân tộc Lào - Việt Nam mãi mãi thủy chung trong sáng không bao giờ phai. Tình hữu nghị vĩ đại trong mối quan hệ đặc biệt và sự hợp tác toàn diện sẽ được củng cố, tăng cường tới mãi mai sau. Sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước sẽ tiếp tục được vun đắp, không ngừng đơm hoa kết trái, góp phần xứng đáng cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác toàn diện vì hạnh phúc và phồn vinh của các dân tộc trên thế giới. Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào nguyện giữ gìn mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt được vun đắp bằng biết bao xương máu của các anh hùng, chiến sĩ, nhân dân hai nước nhiều thế hệ, để mối quan hệ thủy chung, trong sáng đó mãi mãi được tiếp nối, phát triển, xứng đáng với câu nói của Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn: “Tình hữu nghị anh em và tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào là tâm hồn quý báu, là tài sản vô giá”.
Tại Lễ Kỷ niệm, đại diện các chuyên gia quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, 97 tuổi, bày tỏ: “Là những người may mắn và hạnh phúc được thử thách và trưởng thành trong sự nghiệp vĩ đại của hai dân tộc, chứng kiến sự gắn bó keo sơn bền chặt và không ngừng phát triển mối quan hệ Việt - Lào, chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc tới Đảng và Nhà nước Việt Nam đã quan tâm, chỉ đạo sát sao, đến Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào đã thương yêu, cưu mang, giúp đỡ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế.” Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương mong muốn, nhân dân hai nước tiếp tục đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đạt được nhiều mục tiêu mà hai Đảng, hai Nhà nước đã đặt ra; thế hệ trẻ hai nước tiếp bước cha anh, phát huy truyền thống quan hệ đặc biệt Việt - Lào.
Đại diện sinh viên Lào đang học tập tại Việt Nam, sinh viên Vị-lay-sắc Phăn-đà-nụ-vông hứa sẽ cùng nhau đoàn kết, học tập, trau dồi kiến thức, cùng với trí tuệ, năng lực của mình đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, phát triển đất nước. Việc xây dựng đất nước Lào phát triển phồn vinh và thịnh vượng cũng chính là góp phần xây dựng mối quan hệ hữu nghị Lào - Việt Nam ngày càng bền chặt.
Thay mặt thế hệ trẻ Việt Nam, sinh viên Nguyễn Thạch Thảo phát biểu thể hiện ý thức sâu sắc về trách nhiệm của thế hệ trẻ hai nước trong việc kế thừa, gìn giữ phát huy hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt Nam - Lào, nỗ lực phấn đấu để mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Lào được truyền mãi đến các thế hệ mai sau./.
Giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường ở nước ta hiện nay  (18/07/2017)
Quy hoạch Khu Kinh tế Vân Đồn là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt  (18/07/2017)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 10 đến ngày 16-7-2017)  (17/07/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại tỉnh Sơn La  (17/07/2017)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên