TCCSĐT - Sáng 29-6, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố các số liệu thống kê, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, tình hình lao động việc làm, tình hình giá cả trong cả nước 6 tháng đầu năm 2017.

Cuộc họp có sự tham gia của ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê; ông Đậu Ngọc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thống kê tổng hợp, Tổng cục thống kê; cùng với các lãnh đạo đơn vị; đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư; đại diện các bộ, ngành liên quan và đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí.

Chủ trì buổi họp báo, ông Nguyễn Bích Lâm thông báo về một số nội dung quan trọng trong tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017 của Việt Nam. Cụ thể: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2017 ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,15%; quý II đã khởi sắc hơn quý I với tốc độ tăng 6,17%), trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,81%, đóng góp 2,0 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 2,59 điểm phần trăm.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành thủy sản có mức tăng cao nhất với 5,08% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 5,33%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,66% và 7,01% của cùng kỳ năm 2015 và năm 2016; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng 10,52%, tương đương với mức tăng cùng kỳ năm trước; ngành xây dựng tăng trưởng khá với tốc độ 8,50%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Đối với khu vực dịch vụ, mức đóng góp của nhóm ngành bán buôn và bán lẻ vào mức tăng chung là cao nhất, tăng 7,10% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng tăng 8,90%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm cùng với hoạt động kinh doanh bất động sản đều phát triển ở mức lần lượt là 7,66% và 3,86% (mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây).

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2017, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,06%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,76%; khu vực dịch vụ chiếm 41,84%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,34%.

Phân tích về tình hình phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cho thấy, đối với nông nghiệp, diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm nay ước tính đạt 3.077,4 nghìn ha, giảm 5,7 nghìn ha so với vụ đông xuân năm 2016. Riêng tại đồng bằng sông Hồng giảm 10,1 nghìn ha; đồng bằng sông Cửu Long giảm 16,3 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm tăng so với cùng kỳ năm trước: chè đạt 455,6 nghìn tấn, tăng 0,2%; cao su đạt 334,5 nghìn tấn, tăng 4,4%,… Diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 100,5 nghìn ha, tăng 5,2% so với 6 tháng đầu năm 2016. Hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản những tháng đầu năm có nhiều tăng trưởng. Ước tính tổng sản lượng tính đến hết tháng 6-2017 đạt 3.328,8 nghìn tấn, tăng 4,2% và diện tích nuôi trồng thủy sản cũng đạt 907,9 nghìn ha, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2% cùng thời điểm năm 2016.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tính đến tháng 6-2017 ước tính tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 4,3%, quý II tăng 7,8%). Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 5 tháng đầu năm 2017 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động của doanh nghiệp tích cực. Cho đến nay, cả nước có 61.276 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 596,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12,4% về số doanh nghiệp và tăng 38,4% về số vốn đăng ký. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 5.443 doanh nghiệp, giảm 1,2%; số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là 37.907 doanh nghiệp, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2016. Đa phần các doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II năm nay tốt hơn quý trước. Cùng chung nhận định đó với dự báo về xu hướng quý III, các doanh nghiệp cho rằng, tình hình sản xuất sẽ khá lạc quan và ổn định.

Đối với hoạt động dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm đạt 1.924,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%) so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hành khách 6 tháng đầu năm 2017 ước tính đạt 189,5 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2016. Ngành du lịch ghi nhận số lượng khách quốc tế tính tới nay ước tính đạt 6.206,3 nghìn lượt người, tăng 30,2%.

Thu, chi ngân sách Nhà nước: Từ đầu năm đến thời điểm giữa tháng 6-2017, tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính đạt 500,9 nghìn tỷ đồng, bằng 41,3% dự toán năm. Tổng chi ngân sách Nhà nước ước tính đạt 533,4 nghìn tỷ đồng, bằng 38,4% dự toán năm. Về đầu tư phát triển, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện sau 6 tháng đầu năm theo giá hiện hành ước tính đạt 674,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước và bằng 32,8% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 242,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,9% tổng vốn và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 260,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,7% và tăng 14,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 171,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,4% và tăng 9,6%.

Về xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ: kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 6 ước tính đạt 17,8 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước, tăng 20,9% so vơi cùng kỳ năm trước. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 6 đạt 100,5 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2017 ước tính đạt 6,4 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ đạt 8,2 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), trong tháng 6 giảm 0,17% so với tháng trước. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 4,15% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,52%. Chỉ số giá vàng tháng 6-2017 tăng 0,25% so với tháng trước; tăng 3,16% so với tháng 12-2016. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6-2017 giảm 0,07% so với tháng trước; giảm 0,11% so với tháng 12-2016.

Tình hình các mặt đời sống dân cư, lao động việc làm và an sinh xã hội: Dân số trung bình năm 2017 của cả nước ước tính 93,7 triệu người, bao gồm dân số thành thị 32,9 triệu người, chiếm 35,1%; dân số nông thôn 60,8 triệu người, chiếm 64,9%; dân số nam 46,2 triệu người, chiếm 49,3%; dân số nữ 47,5 triệu người, chiếm 50,7%.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước đến thời điểm ngày 01-7-2017 ước tính là 54,5 triệu người, tăng 162,2 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2016. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tương ứng là 2,28%, trong đó khu vực thành thị là 3,22% và khu vực nông thôn là 1,81%.

Đời sống dân cư 6 tháng đầu năm nhìn chung ổn định. Các địa phương tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và công tác an sinh xã hội. Theo báo cáo sơ bộ, tổng kinh phí huy động từ ngân sách Trung ương, các tỉnh, thành phố và các tổ chức, cá nhân cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo đến tháng 6-2017 ước tính đạt 4.175 tỷ đồng.

Về giáo dục - đào tạo, tính đến nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được công nhận đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và giáo dục tiểu học mức độ 1. Tại kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay đã ghi nhận số thi sinh đăng ký dự thi là 866 nghìn người, tương ứng với 2.364 điểm thi và 36.832 phòng thi.

Với kết quả tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2017, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, trong 6 tháng cuối năm 2017, các ngành, các cấp, các địa phương cần chung tay tiếp tục nỗ lực, phấn đấu thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, các chỉ thị của Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017./.