Chỉ đạo, quyết định mới của Chính phủ

BTV/chinhphu.vn
21:27, ngày 29-06-2017

TCCSĐT - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư.

Chương trình được thực hiện với tổng mức vốn thực hiện 306.660 tỷ đồng từ năm 2016 đến hết năm 2020 với 3 nhiệm vụ chính: hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp; hỗ trợ phòng chống giảm nhẹ thiên tai; hỗ trợ ổn định đời sống dân cư.

Cụ thể, Chương trình sẽ thực hiện nâng cấp các cơ sở giống ở Trung ương và địa phương; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ cho một số vùng sản xuất giống trọng điểm; sản xuất giống gốc, giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng, cây đầu dòng, giống cụ kỵ, giống ông bà, đàn hạt nhân; hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư về các lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư (xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc; xây dựng cơ sở sấy lúa, ngô, khoai, sắn, chế biến cà phê; xây dựng cơ sở chế tạo thiết bị cơ khí bảo quản, chế biến nông sản).

Hỗ trợ củng cố, tu bổ hệ thống đê sông, đê biển; công trình phòng, chống úng ngập, triều cường; hỗ trợ đầu tư bảo đảm an toàn hồ chứa, khắc phục thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn và cung cấp nước ngọt trên các đảo đông dân cư; bố trí sắp xếp ổn định dân cư cho hộ dân tộc thiểu số còn du canh du cư.

Mục tiêu chung của Chương trình là hỗ trợ ngành trồng trọt và chăn nuôi thực hiện tái cơ cấu theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, bền vững, góp phần đạt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất (GTSX) bình quân hằng năm ngành trồng trọt từ 2,5 - 3%, chăn nuôi từ 4 - 5%; chủ động phòng, chống giảm nhẹ thiên tai và ổn định đời sống dân cư nông thôn.

Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng giống xác nhận (hoặc tương đương) đối với cây trồng đạt trên 70%; đối với bò thịt, tỷ lệ bò lai đạt 70%; đối với lợn và gia cầm, tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật đạt khoảng 90%. Diện tích cây trồng áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến được cấp chứng nhận đạt từ 25 - 30 nghìn ha, diện tích cây trồng được ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm từ 400 - 500 nghìn ha; số lượng lợn chăn nuôi theo quy trình Viet Gahp đạt 5%, gà đạt 15%.

Đồng thời, hỗ trợ 2.000 hợp tác xã thành lập mới và tổ chức lại 90% hợp tác xã nông nghiệp hiện có phù hợp với Luật Hợp tác xã năm 2012; củng cố, tu bổ khoảng 650 km đê biển và 550 km đê sông; chủ động phòng chống và hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra; sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo an toàn 1.150 hồ chứa nước vừa và nhỏ; đáp ứng đủ nước ngọt phục vụ nhu cầu thiết yếu cho dân cư trên 12 đảo lớn, có đông dân cư sinh sống; ổn định đời sống cho 11.500 hộ tại các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng; các hộ sau tái định cư công trình thủy lợi, thủy điện.

Tập trung tháo gỡ nút thắt chính về giao thông vùng đồng bằng song Cửu Long

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi kiểm tra các công trình, dự án kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Để đáp ứng yêu cầu giao thông vận tải của vùng đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành, địa phương rà soát các dự án đầu tư, sắp xếp thứ tự ưu tiên để cân đối với khả năng đáp ứng về nguồn lực. Trong đó tập trung tháo gỡ được các nút thắt chính về giao thông của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể, đối với tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, đặc biệt là Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận và Dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ: Đây là 2 dự án trọng điểm, có ý nghĩa quyết định tháo gỡ nút thắt, kết nối giao thông giữa khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, tạo ra tuyến giao thông đối ngoại của Vùng, góp phần phần nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để sớm triển khai dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, phấn đấu hoàn thành trong năm 2019; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trên tinh thần công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân trong Vùng, đưa toàn tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ vào hoạt động trước năm 2020.

Với 2 cụm dự án chính thuộc tuyến N2: Cụm dự án cầu Cao Lãnh và đoạn tuyến kết nối tới cầu Vàm Cống, yêu cầu phải hoàn thành trong năm 2017; cụm dự án từ cầu Vàm Cống đến tỉnh Kiên Giang, phải hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2018. Ngoài ra, cần triển khai các dự án nâng cấp Quốc lộ 30 để kết nối giữa tuyến N2 với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ và Quốc lộ 1.

Đối với tuyến Quốc lộ 60, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương nghiên cứu phương án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi và cầu Rạch Miễu 2, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đối với tuyến Phụng Hiệp - Cà Mau, Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương nghiên cứu phương án đầu tư, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu giao kết nối giao thông trong Vùng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Giao thông vận tải chủ động làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương có liên quan để tổng hợp nhu cầu đầu tư của các địa phương trong Vùng và cả nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kế hoạch phân bổ hợp lý vốn đầu tư.

Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các địa phương trong Vùng tổ chức thực hiện việc nạo vét các cửa sông, cửa biển, luồng lạch, giao thông thủy nội địa để nâng cao năng lực vận tải của đường thủy nội địa trong Vùng; phối hợp với các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan có liên quan sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng dự án cảng than nhằm đáp ứng yêu cầu về vận tải than cho các nhà máy nhiệt điện ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh giải ngân, tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông đang thực hiện hoặc đã được phê duyệt.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu vật liệu thay thế cát xây dựng truyền thống và cát san nền để đáp ứng nhu cầu cát cho đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương rà soát lại quy hoạch liên quan đến hoạt động khai thác cát, sỏi ở lòng sông, cửa sông, các luồng lạch, khu vực cảng biển; thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch (nếu thấy cần thiết), làm cơ sở cho việc cấp phép khai thác cát, sỏi theo đúng quy định của pháp luật, gắn với việc bảo vệ bờ sông, bờ biển, chống sạt lở đất.

Ủy ban nhân dân các địa phương có liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải và Nhà đầu tư làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư đối với các Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn.

Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và các bộ, ngành liên quan, các Nhà đầu tư, đơn vị tư vấn phải nâng cao trách nhiệm, năng lực trong quá trình triển khai các Dự án; tăng cường phối hợp với các địa phương có liên quan, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn trong thi công, không gây ô nhiễm môi trường; bảo đảm đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ của nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân trong Vùng./.