Ngày 22-6-2017, Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Nga, Alexey Gruzdev cho biết, Nga đã khôi phục hợp tác kinh tế ở cấp chính phủ với 2/3 các nước trong Liên minh châu Âu (EU). Hãng tin Nga RIA dẫn lời Thứ trưởng Gruzdev nhấn mạnh việc đối thoại kinh tế chính thức với EU bị đóng băng không ngăn cản được các cuộc tiếp xúc song phương với các nước châu Âu.
Đề cập đến cuộc gặp mới đây với đại sứ một số nước EU tại Moskva, ông cho biết đã có một cuộc đối thoại thẳng thắn và các doanh nghiệp châu Âu đã mệt mỏi với những hạn chế chỉ gây ra những thiệt hại lớn.

EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga hồi tháng 7 và tháng 9-2014 với cáo buộc về vai trò của Nga trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.Tháng 12-2016, EU gia hạn các biện pháp trừng phạt thêm 6 tháng đến ngày 31-7-2017.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, trong 3 năm qua, các nước phương Tây đã thiệt hại tới 100 tỷ USD sau khi áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine, cao gấp đôi mức tổn thất kinh tế của Nga.

Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên hợp quốc chuyên nghiên cứu tác động của các biện pháp trừng phạt đơn phương, Idriss Jazairy, cho biết tính trung bình, các biện pháp trừng phạt gây thiệt hại cho các nước áp dụng lệnh trừng phạt 3,2 tỷ USD/tháng. Trong khi đó, Nga mất khoảng 52-55 tỷ USD, tương đương 1% Tổng sản phẩm quốc nội của nước này.

Kể từ năm 2014, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Nga chậm lại trong bối cảnh giá dầu thấp và các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt chống Nga với cáo buộc Moskva có liên quan đến cuộc khủng hoảng ở quốc gia láng giềng Ukraine.

Số liệu chính thức cho thấy năm 2016, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga giảm 0,2%, thấp hơn mức suy giảm 2,8% của năm 2015. Lạm phát của Nga đã ghi nhận mức thấp kỷ lục với 5,4% trong năm 2016, sau khi tăng lên mức 12,9% của năm 2015.

Hiện Nga đặt mục tiêu tăng trưởng từ 1,5-2% và lạm phát mục tiêu là 4% trong năm 2017./.