Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 05 đến 11-6-2017)
TCCSĐT - Không nằm ngoài dự đoán đảng Nền Cộng hòa Tiến bước (REM) của Tổng thống E. Macron đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Hạ viện Pháp vòng một ngày 11-6-2017. Chiến thắng này đã cho thấy sự ủng hộ của đa số lớn nhất mà một tổng thống Pháp có được trong khoảng 60 năm qua, qua đó giúp vị tân Tổng thống thực thi các chương trình cải cách đầy tham vọng của mình, như những gì ông đã cam kết trong quá trình tranh cử.
Cử tri Pháp tiếp tục đặt niềm tin vào tân Tổng thống E. Macron
Đảng Nền Cộng hòa Tiến bước (REM) của Tổng thống E. Macron đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Hạ viện Pháp vòng một. Ảnh: TTXVN
Kết quả cuối cùng cuộc bầu cử Hạ viện Pháp vòng một cho biết đảng REM của Tổng thống E. Macron và các đồng minh đã giành chiến thắng vang dội với 32,32% số phiếu ủng hộ. Ngay sau khi kết quả bầu cử vòng một cuộc bầu cử Hạ viện Pháp được công bố, Thủ tướng Pháp E. Philippe đã bày tỏ vui mừng vì kết quả mà REM và đồng minh giành được trong vòng một, khẳng định: “Nước Pháp đã trở lại”, đồng thời cho rằng kết quả này là sự xác thực cho chiến lược hết sức thuyết phục của ông E. Macron. Theo ông E. Philippe, các cử tri đã gửi đi một thông điệp rõ ràng tại vòng một cuộc bầu cử Hạ viện Pháp rằng họ muốn một Quốc hội với “diện mạo mới”.
Cuộc bầu cử Hạ viện lần này là cuộc chạy đua chưa có tiền lệ trên chính trường Pháp, bởi trước đây, cử tri Pháp thường dành lá phiếu cho chính đảng của tổng thống đắc cử để tạo điều kiện cho chính quyền thực hiện các cam kết tranh cử. Tuy nhiên, mùa bầu cử năm 2017 đang diễn ra không theo tiêu chuẩn thông thường, khi hai đảng phái chính trị truyền thống là đảng Xã hội (PS) và đảng Những người Cộng hòa (LR) từng lãnh đạo nước Pháp trong nhiều thập niên qua bất ngờ thất bại ngay từ vòng một cuộc bầu cử tổng thống. Trong khi đó, đảng REM của đương kim Tổng thống E. Macron chỉ vừa mới được thành lập cách đây một năm. Vì vậy, đảng REM đã nỗ lực hết sức để thực hiện mục tiêu quan trọng là giành được đa số ghế tại Hạ viện nhiệm kỳ mới. Để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện này, Tổng thống E. Macron đã có bước đi khôn khéo là tập trung nhấn mạnh vào giá trị của cải tổ chính trị với những gương mặt mới và quyết tâm thực hiện các chính sách mới mà ông đã cam kết. Bên cạnh đó, bằng việc bổ nhiệm ông E. Phillipe, một chính trị gia cánh hữu, làm Thủ tướng, ông E. Macron đang nỗ lực lôi kéo một bộ phận các thành viên của đảng cánh hữu LR nhằm bảo đảm đa số tại Hạ viện. Tham vọng của ông E. Macron là khai thông sự bế tắc vốn bị các chính đảng truyền thống kìm hãm hay thao túng nhiều năm qua, từ đó khai thác những ưu điểm của cả hai phe phái để thúc đẩy kinh tế phát triển và giải quyết những vấn đề xã hội. Ðây là lần đầu tiên, nước Pháp có một chính phủ hỗn hợp gồm các gương mặt chính trị tả, hữu và trung dung, chấm dứt một giai đoạn dài cánh tả hoặc cánh hữu thay nhau nắm quyền.
Các nhà phân tích cho rằng kết quả cuộc bầu cử Hạ viện này cho thấy, nền chính trị Pháp đang được định hình lại với tương quan mới giữa các lực lượng chính. Với việc REM giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện vòng một, Tổng thống E. Macron đã tiếp tục vượt qua “cuộc sát hạch” quan trọng, mở đường thực thi cương lĩnh “thay đổi” nhằm xây dựng một tương lai tươi đẹp hơn cho nước Pháp và người dân Pháp.
Người dân Campuchia đặt niềm tin vào Đảng cầm quyền
Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử xã - phường. Ảnh: TTXVN
Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử xã - phường tại nước này. Chiến thắng của CPP là một minh chứng cho thấy người dân Campuchia tiếp tục tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền cũng như Thủ tướng Hun Sen.
Ngày 05-6, Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) đã thông báo kết quả ban đầu tại 1.646 xã, phường sau cuộc bầu cử vừa diễn ra ngày 04-6. Theo đó, đảng cầm quyền CPP dẫn đầu và đảng đối lập CNRP đứng ở vị trí thứ hai.
Mặc dù là bầu cử cơ sở, song cuộc bầu cử xã - phường ở Campuchia có tầm quan trọng đặc biệt, được coi là “phép thử” về sự ủng hộ đối với các đảng phái chính trị trước thềm các cuộc bầu cử quốc hội và thượng viện vào năm 2018.
Cuộc bầu cử xã - phường lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị ở Campuchia đã và đang có nhiều biến chuyển, đặc biệt tương quan lực lượng trên chính trường Campuchia đã có sự thay đổi đáng kể sau cuộc bầu cử quốc hội năm 2013 khi CPP chỉ nắm giữ 68 ghế trên tổng số 123 ghế quốc hội, và CNRP nắm giữ 55 ghế còn lại. Sau đại hội bất thường năm 2015 với chủ đề “Cải cách là sự sống còn của dân tộc và của CPP”, Đảng CPP cầm quyền đã kịp thời có những điều chỉnh về các vấn đề chiến lược và nhân sự, hướng đến cải cách sâu rộng, bao gồm cả nâng số ủy viên Ban chấp hành trung ương từ 306 người lên 545 người, với hầu hết là những người mới, ở độ tuổi dưới 50 chiếm 88%,... Và tại cuộc bầu cử xã - phường lần này, CPP đã đưa ra cương lĩnh tranh cử 7 điểm, tập trung vào vấn đề nâng cao quyền lợi và đời sống của người dân, đặc biệt là những đối tượng như phụ nữ, trẻ em, người già, người dân tộc thiểu số; chống tham nhũng và lạm quyền; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội… Với tư cách là một đảng cầm quyền từng đóng vai trò chủ chốt trong cuộc đấu tranh lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot đem lại hòa bình cho Campuchia, nhiều năm qua, CPP đã đồng hành cùng người dân Campuchia trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Những thành tựu đáng ghi nhận mà đất nước Campuchia đạt được trong 38 năm qua kể từ chiến thắng ngày 07-01-1979 lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, như thúc đẩy hòa hợp dân tộc, bảo đảm an ninh xã hội, giảm đói nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, đưa kinh tế phát triển với mức tăng trưởng bình quân 7% nhiều năm liên tiếp, tiến hành thành công công cuộc hội nhập ở cả khu vực và quốc tế… đều mang dấu ấn lãnh đạo của CPP. Hiện nay, Campuchia được cộng đồng quốc tế nhìn nhận là một đất nước hòa bình, ổn định, an ninh vững chắc, đề cao dân chủ, nhà nước pháp quyền, tôn trọng nhân quyền và kinh tế phát triển mạnh. Những thành tựu này chính là điểm cộng mà các cử tri đã dành cho CPP trong cuộc bầu cử xã - phường.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, những vấn đề nan giải trong xã hội Campuchia hiện nay như nạn tham nhũng chưa thể ngăn chặn, dịch vụ công yếu kém, tình trạng bất công gây căng thẳng xã hội, nạn thất nghiệp, môi trường ô nhiễm, rừng bị tàn phá,… sẽ tạo ra những thách thức lớn đối với CPP trong thời gian tới. Cuộc bầu cử xã - phường tại Campuchia có thể coi là “đợt sát hạch” đối với các chính đảng tham gia. Với việc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này, đảng CPP cầm quyền sẽ có lợi thế và uy tín khi bước vào cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào năm tới.
Khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh
Thủ đô Doha của Qatar. Ảnh: TTXVN
Các nước vùng Vịnh đang rơi vào cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng khi một loạt các nước Arab quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Đây được xem là cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) kể từ khi được thành lập từ năm 1981 đến nay.
Ngày 05-6, Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain đã tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc Doha hỗ trợ các nhóm khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ các nước trong khu vực. Để ủng hộ quyết định của các nước này, cũng trong ngày 05-6, Yemen, chính phủ được quốc tế công nhận ở miền Đông Libya và Maldives cũng quyết định cắt đứt mối bang giao với Doha. Saudi Arabia cho biết nước này đóng cửa biên giới với nước láng giềng Qatar để “bảo vệ an ninh quốc gia trước các mối đe dọa của khủng bố và cực đoan”. Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng cáo buộc Doha ủng hộ khủng bố, trong đó có Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB). Hãng tin Bahrain thì thông báo Bahrain cắt đứt các quan hệ ngoại giao với Qatar do quốc gia Arab vùng Vịnh này “làm lung lay an ninh và sự ổn định”, cũng như can thiệp vào công việc của Bahrain. UAE yêu cầu các nhà ngoại giao Qatar rời khỏi UAE trong thời hạn 48 giờ đồng hồ. Trong khi đó, liên minh quân sự Arab do Saudi Arabia đứng đầu chống phiến quân tại Yemen cũng thông báo sẽ chấm dứt tư cách thành viên của Qatar do hầu hết các nước Vùng Vịnh đã cắt đứt quan hệ với Qatar. Liên minh trên cho biết biện pháp này được đưa ra do “âm mưu của Qatar ủng hộ các tổ chức khủng bố ở Yemen, gồm cả Al-Qaeda và Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Ngay sau động thái cắt đứt quan hệ ngoại giao của các nước vùng Vịnh, Bộ Ngoại giao Qatar đã ra tuyên bố bày tỏ “lấy làm tiếc” vì các quyết định này. Bộ Ngoại giao Qatar cho rằng quyết định nói trên của các quốc gia Vùng Vịnh là “vô lý” và dựa trên những cáo buộc “vô căn cứ”. Doha khẳng định đây là một sự “vi phạm chủ quyền”, đồng thời cam kết với người dân nước này rằng động thái trên sẽ “không ảnh hưởng tới cuộc sống bình thường của họ”.
Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ R. Tillerson kêu gọi các nước vùng Vịnh đoàn kết và giải quyết bất đồng. Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Mỹ nêu rõ Washington “khuyến khích các bên ngồi lại với nhau để giải quyết những bất đồng” và “Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) duy trì đoàn kết”. Ông R. Tillerson cũng cho biết, mặc dù tình hình đang rơi vào “thế bế tắc”, nhưng ông mong đợi điều này sẽ không “gây ra bất kỳ tác động lớn nào tới cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực và trên toàn thế giới”.
Theo các nguồn tin ngoại giao của các nước Arab, chính bởi “sự can thiệp của Qatar vào công việc nội bộ của các nước Arab” nên đây là lý do thúc đẩy các nước Arab phải có các động thái chống lại Qatar, bắt đầu bằng việc ngăn chặn các kênh truyền hình, báo chí và đỉnh điểm là chấm dứt quan hệ ngoại giao. Có thể thấy, khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và các nước vùng Vịnh lần này được xem là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) được thành lập từ năm 1981 đến nay. Những gì đang xảy ra sẽ ảnh hưởng tới tình hình chung của khu vực vốn đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng, chiến tranh và nhiều thách thức.
Thách thức về hội nhập và phát triển đối với tương lai châu Á
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Trong hai ngày 05 và 06-6, tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã diễn ra Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23 với chủ đề “Chủ nghĩa toàn cầu giữa ngã tư đường - Bước đi tiếp theo của châu Á” do Tập đoàn Nikkei Inc tổ chức.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các xu thế, yếu tố ảnh hưởng lớn tới tương lai của châu Á như làn sóng chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân túy, quan hệ giữa các nước lớn và thay đổi trật tự thế giới, sự phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc và khu vực Nam Á, tình hình an ninh của châu Á. Các đại biểu cũng trao đổi các biện pháp mà các nước châu Á cần thực hiện trong bối cảnh mới để duy trì hòa bình, ổn định và bảo đảm phát triển bền vững tại mỗi quốc gia và cả châu lục. Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Nikkei Inc, Naotoshi Okada đã đặt câu hỏi để duy trì sự ổn định và sự phát triển bền vững của khu vực, các nước châu Á cần làm gì để ngăn chặn xu thế chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, đồng thời bày tỏ tin tưởng các nhà lãnh đạo, các chuyên gia sẽ có các giải pháp về vấn đề này. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong cảnh báo quan điểm đang gia tăng, cho rằng sự hội nhập kinh tế tại phương Tây không phải là mối quan tâm của châu Á. Ông nhấn mạnh hiện là thời điểm châu Á cần phải gánh vác vai trò thực hiện thương mại tự do và bình đẳng, gặt hái các thành quả của toàn cầu hóa mang lại và định hình một chương trình toàn cầu mới. Ông kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản, hai cường quốc kinh tế hàng đầu châu Á, hợp tác để cùng dẫn dắt sự hội nhập kinh tế và tự do thương mại trong khu vực. Cựu Thủ tướng Singapore cũng kêu gọi Nhật Bản gánh vác vai trò tiên phong trong việc xúc tiến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và mở cửa cho Trung Quốc gia nhập thỏa thuận này.
Thủ tướng Nhật Bản S. Abe cho rằng, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là một thể chế thương mại đa phương khác với sự tham gia của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 nước thành viên ASEAN. Ông cho rằng, RCEP có thể trở thành một hiệp định chất lượng cao bằng việc xây dựng những quy định như của TPP. Đối với TPP, Thủ tướng S. Abe khẳng định sẽ không bao giờ từ bỏ nỗ lực để thực thi hiệp định này. Tại Hội nghị, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cam kết ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy toàn cầu hóa, tự do thương mại và hội nhập khu vực. Ông khẳng định cùng với RCEP, ASEAN sẽ thúc đẩy sự gắn kết mang tính chất toàn cầu với các đối tác hiệp định tự do thương mại cũng như các nước khác. ASEAN hướng tới thương mại với thế giới theo cách thức mở. Ông nhấn mạnh trong bối cảnh xu thế chống lại toàn cầu hóa và tự do thương mại đang gia tăng, ASEAN được xem là động lực cho một khu vực mở.
Các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức, hội nghị Tương lai châu Á lần này đã cho thấy sự kiên định của khu vực nhằm khẳng định toàn cầu hóa, duy trì hòa bình, ổn định và bảo đảm phát triển bền vững là một xu thế không thể đảo ngược và châu Á vẫn là khu vực phát triển năng động của thế kỷ XXI.
Sự sụp đổ của đồng euro là điều không dễ xảy ra
Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN
Đồng euro vẫn được ưa chuộng tại châu Âu, bởi nó không chỉ là một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất của sự hội nhập châu lục mà còn tạo thuận lợi cho các trao đổi kinh tế.
Sự ủng hộ đối với đồng euro tại Khu vực đồng chung châu Âu (Eurozone) vẫn là bất biến trong 10 năm qua, bất chấp tình trạng suy thoái sâu sắc tại châu Âu. Các cuộc khảo sát Eurobarometer - thước đo toàn diện nhất đối với dư luận của công chúng trong Liên minh châu Âu (EU) - cho thấy: Tỷ lệ ủng hộ này đã đứng ở mức 70% trong năm 2007, thời điểm trước khủng hoảng, và sau đó giảm xuống mức 62% vào năm 2013, ngay sau khi kịch bản Grexit (Hy Lạp rời khỏi Eurozone) đầu tiên xuất hiện, và đến cuối năm 2016 thì tăng trở lại mức kỷ lục 70%. Như vậy, hơn 2/3 số công dân Eurozone ủng hộ đồng tiền chung châu Âu và con số này đã không thay đổi nhiều trong những năm qua.
Kể từ khi ra đời cách đây 15 năm, từ ngày 01-01-2002, sự đánh giá về tầm quan trọng của đồng euro giữa các nước Eurozone và các quốc gia ngoài khu vực luôn có sự trái ngược. Ở bên ngoài, tâm lý nhìn chung cho rằng đồng euro là một sai lầm lớn, không hiệu quả và sẽ bị sụp đổ. Nhưng ở bên trong khu vực Eurozone, đa số người dân đều ủng hộ đồng tiền chung. Đối với các công dân EU, đồng euro mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, thương mại và việc rời khỏi đồng tiền chung sẽ đưa đến những phí tổn của quá trình thay đổi tiền tệ cũng như nhiều mối lo ngại khác. Mặc khác, xét về khía cạnh lịch sử và văn hóa, đồng euro dường như là loại tiền tệ chung đã tạo nên những mối ràng buộc xã hội và một bản sắc chung, vốn không được các nước bên ngoài EU đánh giá đúng mức. Đó chính là lý do tại sao các công dân châu Âu có quan điểm tích cực về đồng euro và vẫn trung thành với đồng tiền chung này.
Theo giới quan sát, bất kỳ quốc gia nào muốn rời khỏi Eurozone, từ bỏ đồng euro đều sẽ phải đối mặt với những tổn thất nặng nề về kinh tế, chính trị, pháp lý và kỹ thuật. Một ví dụ điển hình là Italia - quốc gia có nợ công vào khoảng 130% GDP, lớn thứ ba thế giới xét về mặt số lượng, sau Mỹ và Nhật Bản - sẽ ngay lập tức bị hạ cấp tín nhiệm và mức lãi suất mà họ sẽ phải chi trả cho lần phát hành trái phiếu kế tiếp sẽ là rất cao. Khả năng Italia vỡ nợ khi đó sẽ gần như không thể tránh khỏi.
Bên cạnh những khó khăn kinh tế, một quốc gia rời khỏi Eurozone cũng sẽ phải đối mặt với những hậu quả chính trị tiêu cực. Nếu sự ra đi này không được thương lượng với các đối tác còn lại trong Eurozone và mang lại những điều khoản có lợi, thì tác động về mặt ngoại giao sẽ gây nên những tổn thất nặng nề. Quốc gia rời khỏi Eurozone sẽ bị coi như “kẻ phản bội dự án hội nhập của châu Âu” và có khả năng là nước này sẽ bị loại khỏi EU. Xét về phương diện pháp lý, cách duy nhất để rời khỏi Eurozone là rời EU do trong các hiệp ước không hề có quy định nào đối với việc này. Những trở ngại pháp lý khác sẽ là việc phải tái định giá toàn bộ các hợp đồng trong nước theo đồng tiền mới, đồng thời thanh toán các hợp đồng quốc tế và những khoản vay, nợ được ký hoặc phát hành ở nước ngoài định giá bằng đồng euro theo đồng tiền mới yếu hơn nhiều./.
Thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác về bảo tồn và phát huy giá trị đô thị di sản  (14/06/2017)
Giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong xây dựng nông thôn mới ở nước ta  (14/06/2017)
Quản trị kinh tế hướng tới một nhà nước kiến tạo  (14/06/2017)
Trung Quốc và Đức lần đầu tiên đối thoại an ninh cấp cao  (14/06/2017)
Sự cố môi trường biển: Hoàn thành chi trả bồi thường trước 30-6-2017  (14/06/2017)
Chủ tịch nước khen ngợi tập thể, cá nhân tích cực hiến máu tình nguyện  (14/06/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên