Chiều 05-6, tại Tokyo, Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam, đồng thời chứng kiến lễ trao hàng loạt hợp đồng, giấy chứng nhận, thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá 22 tỷ USD giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Nhật Bản.

 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với các đại biểu tham dự hội nghị

Hội nghị này là sự kiện đặc biệt có sự tham dự của Thủ tướng hai nước và cũng là hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại Nhật Bản.

Là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong khuôn khổ chương trình thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam, Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam đã diễn ra sôi động và hết sức hiệu quả. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe đã phát biểu, khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác, đầu tư vào Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản. Thủ tướng dẫn báo cáo vừa được JETRO công bố gần đây cho biết môi trường đầu tư ở Việt Nam đã nhận được đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản; 90% doanh nghiệp Nhật Bản tin rằng mở rộng kinh doanh tại Việt Nam giúp họ tăng doanh thu. Đến hết năm 2016, Nhật Bản có hơn 3.200 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 42 tỷ USD, chiếm 15% tổng FDI vào Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thông tin về những lĩnh vực công nghiệp Việt Nam đặt trọng tâm phát triển vượt bậc gồm điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông thủy sản, đóng tàu, môi trường, tiết kiệm năng lượng, sản xuất ôtô và phụ tùng ôtô…; đồng thời mong muốn nhà đầu tư Nhật Bản sớm đầu tư vào các lĩnh vực này.

“Tôi tin tưởng rằng không có gì có thể ngăn cản được một kỷ nguyên mới về sự thân tình, gần gũi, tin cậy trong hợp tác phát triển giữa hai nước chúng ta", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất, giảm chi phí giao dịch, ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, đồng thời trao cơ hội tham gia và đóng góp của mọi thành phần kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân - động lực quan trọng phát triển nền kinh tế.

Về cơ hội đầu tư cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động mua bán và sáp nhập gắn với cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước lớn trong các lĩnh vực: vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch, xây dựng. Đây là cơ hội lớn để các nhà đầu tư Nhật Bản trở thành đối tác chiến lược của doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang khẩn trương hoàn thiện cơ chế thúc đẩy hình thức đầu tư hợp tác công-tư trong phát triển hạ tầng theo hướng chú trọng thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia với tỷ lệ góp vốn linh hoạt, cơ chế thông thoáng. Đây cũng chính là thế mạnh của nhà đầu tư Nhật Bản. Ngoài ra, với việc thúc đẩy khởi nghiệp, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp trên toàn cầu, Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư mạo hiểm của Nhật Bản bỏ vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam thông qua đơn giản hóa các thủ tục.

Cơ hội thuận lợi cũng đến với nhà đầu tư hai nước khi theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Nhật Bản, mức thuế bình quân đối với hàng Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản giảm dần xuống 2,8% vào năm 2018, trong khi thuế suất bình quân đối với hàng nhập khẩu từ Nhật vào Việt Nam sẽ giảm dần còn 7%.

Dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Một quốc gia muốn độc lập cần phải mạnh và muốn mạnh thì cần có bạn bè, đối tác" và châm ngôn của người Nhật: "Để đạt được những thành công vĩ đại, chúng ta không phải chỉ hành động mà còn phải mơ ước, không phải chỉ biết lập kế hoạch mà còn phải tin tưởng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Việt Nam đã xây dựng quan hệ hữu nghị, tích cực hội nhập quốc tế và Nhật Bản chính là một đối tác chiến lược mà chúng tôi rất tin tưởng. Tôi tin rằng mối quan hệ gắn bó bền chặt giữa hai nước Việt Nam-Nhật bản sẽ là nền tảng đem đến sự phát triển và phồn thịnh cho hai quốc gia".

Phát biểu tại hội nghị này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân đều đang phát triển rất mạnh mẽ, theo đúng tinh thần đối tác chiến lược sâu rộng mà sự kiện nổi bật là chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam lần đầu tiên của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản mới đây mang ý nghĩa lịch sử, đưa quan hệ hợp tác hai nước lên tầm cao mới.

Cho biết đây là lần thứ năm gặp gỡ, tiếp xúc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Shinzo Abe tin tưởng chắc chắn rằng dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam-Nhật Bản sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, nhất là sau khi hai nhà lãnh đạo nhất trí những nội dung thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.

 
 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại Hội ngh

Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp Nhật Bản và khẳng định, hai nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ cho các hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam thông qua các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, cải thiện môi trường đầu tư cũng như đào tạo nguồn nhân lực. Hai nước sẽ tiếp tục hợp tác về nhiều mặt để thúc đẩy hơn nữa tự do thương mại. Thủ tướng Shinzo Abe cũng cho biết sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công sự kiện APEC Việt Nam 2017.

Với tinh thần cởi mở, thẳng thắn và chân thành, đánh giá cao môi trường đầu tư thuận lợi của Việt Nam, nhưng đồng thời các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đưa ra một số vấn đề mong muốn chính phủ sớm có biện pháp tháo gỡ. Những lĩnh vực được đông đảo nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm tại thị trường Việt Nam là tài chính, ngân hàng, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao…

Theo bà Yuri Sato, Phó Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO), kết quả khảo sát hàng năm của JETRO cho thấy cứ ba doanh nghiệp Nhật Bản thì có một doanh nghiệp mong muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam. “Đó là do doanh nghiệp Nhật Bản tăng trưởng doanh thu khi đầu tư vào Việt Nam và đánh giá thị trường Việt Nam rất triển vọng, bà Yuri Sato nói.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sumitomo, ông Nakamura, cho rằng các doanh nghiệp Nhật Bản đang mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trên cơ sở tin tưởng sâu sắc vào sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, nhất là sau chuyến thăm Việt Nam của Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản.

Cũng theo ông Nakamura, nếu trước đây các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào sản xuất và xuất khẩu tại Việt Nam thì gần đây tập trung vào thực phẩm và hàng gia dụng có xu hướng tăng. Tuy nhiên, Việt Nam cần giải quyết vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể đảm nhiệm vị trí quản lý điều hành doanh nghiệp còn thiếu, nhất là tăng cường các cơ sở đào tạo về quản lý kinh doanh, tiếng Nhật. Các doanh nghiệp cũng đề cập đến những vấn đề về phát triển công nghiệp phụ trợ còn yếu dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa của nhiều ngành còn thấp so với nhiều nước trong khu vực; vấn đề về thuế, phí, một số vấn đề về bảo hiểm lao động; chi phí nhân công tăng; sự thiếu minh bạch trong thực hiện các thủ tục hành chính…

Sau khi cùng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trực tiếp đối thoại, trao đổi với các nhà đầu tư, kết luận hội nghị, trên tinh thần cầu thị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tiếp thu các vấn đề mà các nhà đầu tư Nhật Bản nêu ra và cho biết chính phủ sẽ giải quyết một cách thỏa đáng trong quá trình xây dựng chính sách trong thời gian tới.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu doanh nghiệp hai bên đã có các hoạt động kết nối kinh doanh (B2B), đặc biệt đã chứng kiến lễ trao 36 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác MOU trị giá trên 22 tỷ USD; trong đó có dự án Điện Nghi Sơn 2, trị giá gần 3 tỷ USD; dự án Trung tâm thương mại Aeon Hà Đông trị giá 200 triệu USD; sân golf Sakura Hải Phòng, trị giá 40 triệu USD; dự án hợp tác của Vietjet Air - trị giá 38 triệu USD; thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn TH và Tập đoàn ITEC của Nhật Bản về xây dựng Tổ hợp Y tế và chăm sóc sức khỏe công nghệ cao.

 
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến việc ký kết một số văn kiện hợp tác
của các công ty Việt Nam-Nhật Bản

Trước đó, trưa cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự cuộc tọa đàm bàn tròn với các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Công thương (Vietinbank) và Ngân hàng Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU), Nhật Bản tổ chức.

Tham gia buổi tọa đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có đại diện lãnh đạo các tập đoàn, thương hiệu hàng đầu của Nhật Bản trong các lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, xăng dầu, tài chính-ngân hàng, thương mại và bán lẻ của Nhật Bản như Canon, Panasonic, Nipro Corporation, Taisei Corp, Tokyo Gas, Idemitsu, Taiyo Nippon Sanso, Hitachi Zosen, Aeon, Fast Retail, Mitsubishi UFJ Leasing…

Trong buổi tọa đàm, đại diện lãnh đạo các tập đoàn, thương hiệu hàng đầu của Nhật Bản đã có dịp báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn Việt Nam các hoạt động đầu tư kinh doanh hiện nay tại Việt Nam, đồng thời đề xuất với Thủ tướng những ý tưởng nhằm tiếp tục hoàn thiện hơn môi trường kinh doanh cho quá trình này và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Phát biểu chào mừng các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản tham dự buổi tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là dịp để các bộ, ngành Việt Nam lắng nghe, tiếp thu ý kiến, đề xuất của các nhà đầu tư Nhật Bản từ đó làm cơ sở đề ra các giải pháp giải quyết một số vấn đề vướng mắc về môi trường đầu tư; đồng thời góp phần vào việc hoạch định chính sách của tương lai phát triển nền kinh tế Việt Nam. Thủ tướng đánh giá cao những đề xuất thảo luận tại buổi tọa đàm liên quan đến việc phát triển tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất công nghiệp của Việt Nam; phát triển công nghiệp hỗ trợ; thúc đẩy phát triển hạ tầng; mở rộng bán lẻ ở thị trường tiệm cận 100 triệu dân của Việt Nam…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề, cùng với việc Việt Nam tích cực đổi mới cải cách, hoàn thiện chính sách, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư Nhật Bản cần đẩy nhanh tiến độ triển khai, xúc tiến triển khai các dự án đầu tư vào Việt Nam. Trên cơ sở thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, Việt Nam sẽ tích cực giải quyết các yếu kém về chính sách, chia sẻ lợi ích chiến lược với nhà đầu tư nước ngoài; đảm bảo hài hòa về lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Chiều tối cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp lãnh đạo hai tập đoàn là Mitsubishi và Công ty Dầu khí Mitsui. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Mitsubishi và Mitsui với thương hiệu và lĩnh vực kinh doanh đa dạng của mình sẽ tiếp tục đầu tư, thực hiện các dự án kinh doanh trong các lĩnh vực mà hai tập đoàn có thế mạnh, phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam./.