TCCSĐT - Nhân kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, kiều bào và đông đảo bạn bè quốc tế đã có những hoạt động kỷ niệm thiết thực, ý nghĩa.

Xúc động hoạt động kỷ niệm sinh nhật Bác tại Pháp

Ngày 19-5, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 127 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều hoạt động gồm lễ dâng hương trước bàn thờ Bác tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, lễ đặt hoa tại số 9 ngõ Compoint và trước tượng Bác tại công viên Montreau, thành phố Montreuil, ngoại ô Paris. Đến dự lễ kỷ niệm có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đang có chuyến thăm và làm việc tại Pháp. Đông đảo bà con người Việt tại Pháp, bạn bè Pháp, cán bộ và nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp đã tham dự hoạt động kỷ niệm trên.

Sau lễ dâng hương, đoàn đại biểu do Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Hòa Bình và Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn đã tới đặt hoa trước cửa nhà số 9, ngõ Compoint, thuộc quận 17, Paris. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và hoạt động trong giai đoạn từ 14-7-1921 đến 14-3-1923. Căn phòng nơi Bác ở trọ nằm trên tầng 3 của ngôi nhà cũ kỹ trong ngõ cụt thuộc một khu phố nghèo ở Paris. Căn phòng chỉ rộng 9m², vừa đủ kê chiếc giường cá nhân, một bàn nhỏ và một chiếc ghế. Để chống chọi với cái giá lạnh của mùa Đông nước Pháp trong những năm tháng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới tên gọi Nguyễn Ái Quốc vẫn thường đặt một viên gạch vào bếp lò của chủ nhà sáng ra trước khi đi làm, và đến chiều về, lấy viên gạch ra, bọc ra ngoài bằng những tờ báo cũ rồi để trên giường để sưởi ấm.

Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn cho biết tòa nhà cũ nát sau này đã bị chính quyền thành phố Paris dỡ bỏ. Vào năm 1983, chính quyền thành phố Paris và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã một gắn tấm biển bên ngoài tòa nhà mới được xây tại vị trí của cũ. Tấm biển ghi: “Tại đây, từ năm 1921-1923, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã sống và chiến đấu vì độc lập và tự do cho nhân dân Việt Nam và các dân tộc bị áp bức”.

Tiếp đó, đoàn đại biểu đã đến đặt hoa trước tượng Bác trong viên công viên Montreau tại thành phố Montreuil. Tại đây, đã diễn ra buổi lễ trang trọng với sự có mặt của lãnh đạo thành phố Montreuil, đại diện lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp (PCF) và nhiều hội đoàn hữu nghị Pháp-Việt. Trước khi buổi lễ bắt đầu, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm, thể hiện lòng thành kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, người chiến sĩ cộng sản đã trọn đời đấu tranh cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Tại đây, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Hòa Bình đã xúc động phát biểu: “Nước Pháp là điểm đặt chân đầu tiên của Hồ Chí Minh trong hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Người đã đi qua nhiều thành phố của Pháp, từ Marseille đến Paris, Montreuil, Le Havre, Tours… Người cũng đã có mặt tại nhiều nước thuộc nhiều châu lục trên thế giới. Con đường cứu nước đó đã đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh từ một thanh niên yêu nước trở thành một chiến sĩ cộng sản, suốt đời đấu tranh cho những tư tưởng và giá trị thiêng liêng là độc lập, tự do, bình đẳng, bác ái. Những giá trị đó cùng với tư tưởng về con đường cách mạng của Người đã trở thành nguyên tắc cơ bản dẫn dắt thành công cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay”.

Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Hòa Bình cũng cho rằng buổi lễ đặc biệt có ý nghĩa khi được tổ chức tại thành phố Montreuil, một địa danh đã trở nên hết sức gần gũi đối với mỗi người Việt Nam, nơi có Không gian Hồ Chí Minh - là nơi lưu giữ nhiều kỷ vật thiêng liêng của Bác trong suốt thời gian hoạt động tại Pháp.

Bí thư Trung ương Đảng cũng nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết Việt-Pháp đang phát triển rất tốt đẹp, đã trở thành quan hệ đối tác chiến lược. Đây là kết quả của quan hệ đã được khởi nguồn từ mối quan hệ lịch sử mà chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đặt những nền móng đầu tiên. Không gian Hồ Chí Minh cùng với tượng đài Bác tại công viên Montreau là minh chứng sống động cho tình hữu nghị và sự hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Pháp.

Về phần mình, Thị trưởng thành phố Montreuil, Patrick Bessac (Pa-trích Béc-xắc) đã mở đầu bài phát biểu bằng những vần thơ được trích từ tập thơ Nhật ký trong tù của Bác. Theo ông, những vần thơ “Thân thể ở trong lao; Tinh thần ở ngoài lao; Muốn nên sự nghiệp lớn; Tinh thần càng phải cao”, đã đi sâu vào tâm thức người Việt Nam, trở thành lời kêu gọi tất cả mọi chiến sĩ cộng sản trên toàn thế giới thể hiện sự dấn thân, quyết tâm vượt qua các thử thách để thực hiện ước mơ cao đẹp về một thế giới hòa bình và tự do.

Thị trưởng Bessac cũng nhấn mạnh dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã giành được chiến thắng có ý nghĩa quyết định trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954). Chiến thắng đó đã là hồi chuông cáo chung của chủ nghĩa thực dân, là nguồn cổ vũ động viên vô cùng to lớn đối với các dân tộc bị áp bức đứng lên bẻ gãy xiềng gông nô lệ. Theo ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một danh nhân mà tên tuổi và sự nghiệp được nhắc đến rất nhiều bên cạnh rất nhiều các danh nhân khác trên thế giới như Jawaharlal Nehru (Gia-oa-hác-lan Nê-ru), Nelson Mandela (Nen-xơn Man-đê-la)… Đối với những người cộng sản Pháp, ngày hôm nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục là nguồn động viên to lớn cho để thực hiện cuộc cách mạng chưa hoàn thành vì tiến bộ nhân loại.

Tiếp sau buổi lễ, các đại biểu đã thăm Không gian Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Lịch sử sống của thành phố Montreuil. Được tận mắt chứng kiến nhiều hiện vật và tư liệu quý về Bác Hồ đang được lưu giữ tại đây với sự trân trọng của các bạn Pháp như cánh cửa bằng gỗ và tấm biển căn nhà số 9 ngõ Compoint, chiếc bồn rửa mặt trong căn phòng trước đây của Bác, tấm thẻ đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, những bức thư mà Bác viết cho các lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp..., Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Hòa Bình đã xúc động cảm ơn chính quyền và nhân dân thành phố Montreuil, cán bộ và nhân viên Bảo tàng Lịch sử sống đã chăm lo, giữ gìn, bảo quản các kỷ vật đó; căn dặn cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện đang công tác tại Pháp, kiều bào tại Pháp tiếp tục đóng góp vào việc giữ gìn và bảo tồn các hiện vật và các địa danh nhằm phát huy các giá trị lịch sử cho các thế hệ mai sau.

Kỷ niệm 127 năm ngày sinh Bác Hồ tại quê hương của Cách mạng Tháng Mười Nga

Mở đầu cho loạt hoạt động kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và chào đón 100 năm cuộc Cách mạng Tháng 10 vĩ đại, ngày 18-5, Viện Hồ Chí Minh ở Saint Petersburg (Xanh Pê-téc-bua, Liên bang Nga), đã tổ chức hội thảo khoa học “Hồ Chí Minh và 100 năm Cách mạng Tháng Mười tại Nga”. Tham dự hội thảo là các sinh viên, thạc sĩ của Khoa Phương Đông học trường Đại học Tổng hợp St. Peterburg, các nhà nghiên cứu nước ngoài. Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, dẫn đầu đoàn đại biểu học viện tham dự và đóng góp năm tham luận cho hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư Vladimir Kolotov (Vla-đi-mia Cô-lô-tốp), Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, đã ôn lại cả chặng đường ra đi tìm nước cứu nước, cả cuộc đời hoạt động của Bác Hồ, trong đó thành phố Saint Peterburg là chặng dừng chân đầu tiên của Bác trên quê hương của Lê nin. Nước Nga và Cách mạng Tháng Mười đã đưa Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác Lênin và chọn đây là kim chỉ nam cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam. Năm 2017 là năm nước Nga kỷ niệm 100 năm cuộc Cách mạng vô sản vĩ đại, còn Việt Nam kỷ niệm 127 năm ngày sinh vị lãnh tụ kính yêu mà cuộc đời hoạt động đã được rất nhiều học giả Nga và Việt Nam nghiên cứu và viết sách cho đến tận ngày nay.

Trong tham luận của mình với tựa đề Cách mạng Tháng Mười Nga với Hồ Chí Minh và Hồ Chí Minh với Cách mạng Tháng Mười Nga, Giáo sư Lê Quốc Lý chỉ ra rằng cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cách mạng thế giới, trong đó có cách mạng Việt Nam. Trong quá trình đi tìm đường cứu nước, với nhạy cảm chính trị của mình, qua phân tích lịch sử, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin là con đường cứu nước duy nhất đúng cho dân tộc mình. Từ vai trò người tìm đường, Hồ Chí Minh đã trở thành người mở đường, dẫn đường cho cả dân tộc Việt Nam đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong các tham luận khác, các giáo sư, tiến sĩ của Việt Nam đã đưa ra những phân tích về tầm vóc và ý nghĩa về giá trị trường tồn của Cách mạng Tháng Mười Nga, đặc biệt là về tầm nhìn của Hồ Chí Minh trong quá trình chọn lựa một hệ tư tưởng cho Cách mạng Việt Nam kể từ buổi ban đầu còn khủng hoảng về đường lối và khẳng định hơn 100 năm qua tấm gương của Bác, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn mãi mãi trường tồn.

Nghiên cứu về Bác là nội dung lớn, có dung lượng quan trọng nhất trong ngành Việt Nam học tại Nga nói chung và Saint Petersburg, cái nôi của ngành này tại Nga, nói riêng. Các tham luận mà các em sinh viên ngành Việt Nam học đọc tại hội thảo đã cho thấy mối quan tâm thực tiễn của thế hệ trẻ tại Nga đối với vị lãnh tụ dân tộc của Việt Nam. Với kiến thức ban đầu về tiếng Việt và đất nước Việt Nam, các em đã dày công tìm tòi các tư liệu còn chưa được khai thác về hoạt động của Hồ Chí Minh tại Nga. Đáng chú ý là mối quan tâm của các em trong so sánh các tư liệu bằng tiếng Nga về tiểu sử Hồ Chí Minh, với vốn tiếng Việt và tiếng Nga các em đã góp sức hoàn thiện cả các tư liệu đã được khai thác rất lâu.

Cũng tại Saint Petersburg, ngày sinh Hồ Chí Minh đã được kỷ niệm trang trọng trong ngày 19-5. Đông đảo sinh viên Việt Nam đang theo học tại Saint Petersburg, đại diện Hội người Việt tại Saint Petersburg, bà con cộng đồng đã đến đặt hoa tại tượng đài Hồ Chủ tịch trong khuôn viên Viện Hồ Chí Minh. Mang tấm lòng biết ơn và kính yêu đến bên Người ngay hôm nay còn có các cựu chiến binh Nga, đại diện chính quyền thành phố, lãnh đạo và sinh viên khoa Việt Nam học trường Đại học Tổng hợp Saint Petersburg. Nhân dịp kỷ niệm 127 năm ngày sinh Hồ Chí Minh, Thống đốc tỉnh Saint Petersburg Gheorghi Poltavchenko (Ghê-oóc-ghi Pôn-táp-tren-cô) đã gửi thư chúc mừng Viện Hồ Chí Minh cùng toàn thể các sinh viên ngành Việt Nam học.

Kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cuba

Ngày 19-5, Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba và Viện Cuba Hữu nghị với các dân tộc (ICAP) đã tổ chức lễ dâng hoa tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô La Habana nhân 127 năm ngày sinh của Người.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Nguyễn Trung Thành nhắc lại cũng trong ngày này, nhân dân Cuba đang kỷ niệm 122 năm ngày Anh hùng dân tộc José Martí (Hô-xê Mác-ti) ngã xuống khi chiến đấu giành độc lập cho đất nước.

Đại sứ Nguyễn Trung Thành nhấn mạnh sự tương đồng giữa hai người con ưu tú của Việt Nam và Cuba ở tinh thần yêu nước, tư tưởng giải phóng và giành độc lập tự chủ cho dân tộc, cũng như vai trò quyết định trong lịch sử mỗi quốc gia như nhà lãnh đạo tư tưởng và thành lập các chính đảng là lực lượng dẫn dắt cách mạng tại mỗi nước.

Hướng tới những cột mốc đáng nhớ sắp tới trong lịch sử quan hệ song phương, Đại sứ Nguyễn Trung Thành đề xuất những hành động thiết thực giúp truyền ngọn lửa cách mạng và tình đồng chí thủy chung, son sắt, mẫu mực giữa nhân dân hai nước cho các thế hệ trẻ; trong đó có việc tăng sức lan tỏa của hình ảnh và tấm gương Hồ Chí Minh - người vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt ấy – qua những công trình cụ thể.

Chia sẻ quan điểm trên, Phó Chủ tịch ICAP Alicia Corredera (A-li-xi-a Cô-rê-đê-ra) nhấn mạnh vai trò lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ với đất nước Việt Nam mà với cả phong trào giải phóng các dân tộc bị áp bức trên thế giới, đồng thời bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ những sáng kiến nhằm lan tỏa hình ảnh, tư tưởng của Người cũng như tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Cũng trong dịp này, thiếu nhi tại khu phố quận Công viên Hòa bình, nơi đặt tượng Bác tại thủ đô La Habana, đã biểu diễn một số điệu múa và bài hát bằng tiếng Việt để tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại sứ Nguyễn Trung Thành cũng thăm phòng truyền thống của khu phố, nơi có một không gian riêng dành cho Việt Nam và Hồ Chí Minh.

Nhân ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều nhật báo, chương trình phát thành và truyền hình Cuba đã đưa tin bài về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó hãng thông tấn nhà nước Prensa Latina và nhật báo Granma –cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba và là nhật báo có số lượng phát hành lớn nhất đảo quốc Caribe này - đã có bài viết khẳng định nhân dân ta đã hoàn thành giấc mơ của Người về một đất nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”./.