Chiều 19-5, tại Nhà Quốc hội, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ trì buổi họp báo, thông báo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Thông tin tại cuộc họp, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 22-5-2017 tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội.

Theo chương trình dự kiến, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 22,5 ngày (không kể ngày nghỉ) và họp phiên bế mạc vào ngày 21-6-2017.

Theo thông lệ, kỳ họp đầu năm, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác.

Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Quản lý ngoại thương; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật Thủy lợi; Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật Cảnh vệ; Luật Du lịch (sửa đổi); Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.

Các nghị quyết sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Nghị quyết về thi hành Bộ luật Hình sự; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; Nghị quyết về Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào; Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, gồm: Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật Thủy sản (sửa đổi); Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội dành khoảng 6,5 ngày để xem xét, thảo luận và quyết định về các báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Quốc hội sẽ thảo luận về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành Tiểu dự án để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016.

Các đại biểu Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2018; Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Điểm mới tại Kỳ họp thứ 3 là Quốc hội nâng thời gian chất vấn từ 2,5 ngày lên 3 ngày.

Tại buổi họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời nhiều nội dung báo chí quan tâm.

Về trường hợp xin thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội của ông Võ Kim Cự, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi có kết luận của Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đại biểu Võ Kim Cự đã có đơn xin thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội vì lý do sức khỏe. Căn cứ khoản 2, Điều 38 Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đồng ý cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Cự.

Theo Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Quốc hội có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác. Việc chấp nhận đại biểu Quốc hội xin thôi làm nhiệm vụ do Quốc hội quyết định, trong thời gian Quốc hội không họp thì do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Liên quan đến việc dự án Luật Biểu tình vẫn chưa được trình tại kỳ họp lần này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, Hiến pháp năm 2013 đã quy định về quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền biểu tình, quyền thành lập Hội và việc thể chế từ Hiến pháp ra luật là vấn đề quan trọng.

Vừa qua, trong Chương trình xây dựng luật cũng đưa ra dự án Luật Biểu tình nhưng khi trình lên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy dự án Luật này chưa đảm bảo chất lượng và đã đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện. “Việc xây dựng Luật Biểu tình phải dựa vào thực tế, bảo đảm chất lượng và hiệu quả”, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Cũng tại buổi họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã giải đáp các câu hỏi của phóng viên về vấn đề bầu bổ sung, chuyển sinh hoạt đoàn đại biểu Quốc hội đối với một số đại biểu; việc tạo điều kiện để báo chí tác nghiệp trong thời gian diễn ra kỳ họp.../.