TCCSĐT - Ngày 18-5-2017, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tiến hành Hội nghị sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và triển khai Kế hoạch Khởi sự doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020.
Tham dự hội nghị có khoảng 150 đại biểu đại diện Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành; Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - chi nhánh Cần Thơ; các doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố.

Báo cáo kết quả một năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ (Nghị quyết số 35/NQ-CP) về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng cho biết: Năm qua, cùng với việc tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết số 35/NQ-CP đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, Ủy ban nhân dân thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết và ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa Chương trình hành động của thành phố để thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP. Thành phố đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong đó tập trung thực hiện các nội dung: cải cách thủ tục hành chính; triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính nhà nước; nâng cao trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ.

Các cơ quan chức năng đã rút ngắn thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Cụ thể, thời gian cấp đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và đầu tư giảm từ 05 ngày xuống còn 03 ngày; thời gian cấp giấy phép xây dựng trong các khu chế xuất và công nghiệp rút ngắn còn 10 ngày; cấp giấy phép tại Sở Xây dựng rút ngắn còn 15 ngày so với quy định là 30 ngày;… Định kỳ hằng tháng, Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình hoạt động, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc khó khăn, giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Thành phố cũng đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với mục tiêu hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; thành lập đường dây nóng của Ủy ban nhân dân thành phố để tiếp nhận và xử lý nhanh những kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động.

Bên cạnh những nỗ lực hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, tại hội nghị, đại diện các cơ quan, doanh nghiệp đã thông tin, phản ánh những khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh. Trong đó, nổi lên là tình trạng nhiều thủ tục hành chính không còn phù hợp nhưng chậm được rà soát, loại bỏ; nhiều văn bản pháp luật liên quan đến thủ tục hành chính thường xuyên thay đổi; việc giảm thủ tục hải quan và rút ngắn thời gian thông quan chưa đạt theo yêu cầu của nhiều doanh nghiệp; công tác rà soát số liệu doanh nghiệp giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh gặp nhiều khó khăn;…

Hội nghị đã thống nhất trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, các địa phương trên địa bàn thành phố cần tăng cường tuyên truyền, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ; xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án”Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Cần Thơ đến năm 2020”; Kế hoạch Khởi sự doanh nghiệp thành phố đến năm 2020. Thành phố sẽ thành lập “Quỹ đầu tư khởi nghiệp” có chức năng hỗ trợ khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, bảo lãnh cho vay hỗ trợ khởi nghiệp; xây dựng “Sàn giao dịch ý tưởng kinh doanh”, tổ chức “Sàn đầu tư khởi nghiệp”; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia và các chương trình hỗ trợ khác của Nhà nước để thực hiện đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thời gian tới, thành phố tiếp tục phát huy mô hình một cửa và một cửa liên thông; đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục có liên quan đến lĩnh vực đầu tư - đất đai - xây dựng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành có liên quan nhiều đến doanh nghiệp và người dân như: thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, tài nguyên và môi trường, kế hoạch và đầu tư, công thương, y tế;…

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố cũng đã triển khai Kế hoạch Khởi sự doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020. Mục tiêu chung của Kế hoạch là xây dựng và tạo lập hệ sinh thái thuận lợi cho khởi nghiệp, khuyến khích thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu trong nhân dân; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp bằng những chính sách, công cụ hỗ trợ đầu tư kinh doanh, các quỹ đầu tư, các tổ chức ươm tạo và phát triển ý tưởng khởi nghiệp, các hoạt động tư vấn, duy trì và phát triển doanh nghiệp.

Theo Kế hoạch này, thành phố Cần Thơ phấn đấu đến năm 2020 xây dựng lực lượng doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, với ít nhất 13.800 doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh. Chỉ tiêu được đề ra là khu vực doanh nghiệp sẽ đóng góp trên 63% GRDP của thành phố; hằng năm có khoảng 30-35% doanh nghiệp thành phố có hoạt động đổi mới, sáng tạo; 20-25% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; giải quyết việc làm cho trên 210.000 lao động.

Để đạt mục tiêu này, Kế hoạch nhấn mạnh 8 hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới là: Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông khởi nghiệp; tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp; tổ chức đào tạo về khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; trợ giúp về tài chính, thuế, hỗ trợ lãi suất; hỗ trợ về thông tin, môi trường pháp lý kinh doanh, tư vấn doanh nghiệp; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; thành lập các tổ chức tác động khởi nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo./.