Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 08 đến 14-5-2017)
TCCSĐT - Ngày 10-5, trong buổi tiếp Ngoại trưởng Nga S. Lavrov tại phòng Bầu Dục ở thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ D. Trump nhấn mạnh mong muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp hơn với Nga, đồng thời nêu khả năng mở rộng hợp tác nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria và nhiều điểm nóng khác trên thế giới. Tổng thống D. Trump đã kêu gọi Moscow “kiềm chế” chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Iran - một đồng minh chủ chốt của Damascus. Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh cần phải hợp tác để chấm dứt cuộc xung đột ở Syria.
Tân Tổng thống Hàn Quốc: Kỳ vọng của người dân vào chính phủ mới
Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: TTXVN
Phát biểu trước những người ủng hộ tại quảng trường Gwanghwamun ở thủ đô Seoul, ông Moon Jae-in tuyên bố: “Tôi sẽ là Tổng thống của toàn thể nhân dân Hàn Quốc” và cuộc bầu cử này là “một chiến thắng vĩ đại”. Chính trị gia 64 tuổi cũng cam kết sẽ đoàn kết đất nước Hàn Quốc được cho là đang bị chia rẽ sâu sắc trong bối cảnh đối mặt với nhiều thách thức.
Chiến thắng vang dội của ông Moon Jae-in tại cuộc bầu cử Tổng thống lần này cho thấy, cử tri Hàn Quốc đang đặt kỳ vọng rất lớn vào một chính phủ mới, đặc biệt sau một thời gian dài đất nước bị rối ren và bất ổn. Việc ông Moon Jae-in luôn duy trì được tỷ lệ ủng hộ ổn định suốt thời gian qua và giành chiến thắng cũng là điều dễ hiểu vì trong số các ứng cử viên, ông tỏ ra có kinh nghiệm dày dặn và uy tín chính trị cao hơn. Tuy nhiên theo các nhà phân tích, Tổng thống mới của Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với các thách thức lớn về đối nội và đối ngoại.
Về đối nội, những bê bối chấn động liên quan tới các tập đoàn gia đình trị khiến người dân Hàn Quốc xuống đường biểu tình rầm rộ đòi cải cách quan hệ nhà nước - doanh nghiệp theo hướng một nền kinh tế thị trường công bằng và minh bạch cùng với một hệ thống chính trị “sạch”. Điều này có nghĩa là tổng thống mới sẽ cần có những thay đổi chính trị sâu sắc hơn để dập tắt sự bất mãn của người dân.
Bên cạnh đó, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á cũng đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái. Đặc biệt, sau tác động của các đòn trả đũa kinh tế của Trung Quốc khi Hàn Quốc đồng ý cho Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Trong khi đó, những nguy cơ từ bên ngoài, như khả năng Mỹ thực hiện một chính sách thương mại theo hướng bảo hộ hơn sẽ có thể gây thêm tác động tiêu cực đến kinh tế nước này. Rõ ràng kinh tế là bài toán có quá nhiều ẩn số đang chờ tân Tổng thống Moon Jae-in.
Các vấn đề đối ngoại cũng khiến Tổng thống mới của Hàn Quốc phải đau đầu. Một vấn đề được dư luận Hàn Quốc quan tâm hàng đầu là sự điều chỉnh chính sách của ông Moon Jae-in đối với Triều Tiên. Tân Tổng thống với chủ trương hướng tới cách tiếp cận mang tính hòa giải hơn với Bình Nhưỡng, qua đó kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Chính vì vậy, khi trở thành nhà lãnh đạo Hàn Quốc, ông Moon Jae-in được cho là sẽ thúc đẩy nhiều hơn nữa các cuộc đối thoại với Triều Tiên nhằm tiến tới một giải pháp cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Trong khi đó, tuy THAAD là bằng chứng mới nhất của mối quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn, nhưng tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ D. Trump, đề cập đến việc buộc Seoul phải trả 1 tỷ USD chi phí triển khai THAAD, đã khiến người dân nước này bất bình và đặt câu hỏi về quan hệ đồng minh lâu năm này. Chính vì vậy, với chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống lần này, cử tri Hàn Quốc đã trao cho ông một cơ hội và quyền lực thực sự để xem xét lại THAAD. Tổng thống mới sẽ phải tìm cách giải thoát Hàn Quốc khỏi thế mắc kẹt và sớm tìm ra một bước đi khôn khéo để vừa cân bằng quan hệ với nước lớn, trong khi bảo đảm ngăn chặn mọi nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia.
Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp: “Luồng sinh khí mới”
Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: TTXVN
Ngày 07-5, cuộc bầu cử đầy kịch tính của nước Pháp đã khép lại với chiến thắng thuộc về ứng cử viên theo đường lối ôn hòa Emmanuel Macron. Ở tuổi 39, ông E. Macron đã trở thành tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp và được kỳ vọng sẽ mang lại “luồng sinh khí mới” để vực dậy một nước Pháp không những đang bị chia rẽ sâu sắc mà còn phải đối mặt với khó khăn kinh tế và bất ổn an ninh.
Phát biểu trước đám đông hàng chục nghìn người, Tổng thống đắc cử E. Macron cảm ơn những người ủng hộ đã đi cùng ông trong chặng đường gian khó vừa qua: “Chúng ta đã làm được điều chưa từng có tiền lệ, với một mức độ chưa từng có. Tất cả mọi người đều nói rằng điều đó là không thể. Nhưng họ chưa biết thế nào là nước Pháp. Cảm ơn các bạn vì sự quyết tâm và cả những khó khăn mà các bạn đã vượt qua. Các bạn đã chiến thắng. Nước Pháp đã chiến thắng”.
Ông E. Macron cũng bày tỏ lời cảm ơn tới những người đã bỏ phiếu cho ông mà chưa hẳn đã chia sẻ các quan điểm của ông và cho rằng đó là hành động “bảo vệ nền cộng hòa Pháp chống sự cực đoan”. Ông cũng thể hiện sự tôn trọng đối với những cử tri đã bỏ phiếu cho ứng cử viên Marine Le Pen “vì niềm tin” và cam kết rằng sẽ làm hết sức để người dân Pháp “không còn lý do để bỏ phiếu cho những tư tưởng cực đoan” trong 5 năm tới.
Đề cao sự đoàn kết, thống nhất của cả dân tộc Pháp, ông E. Macron cam kết bảo vệ nước Pháp và hành động xứng đáng với niềm tin của người dân. Theo ông, châu Âu và thế giới đang mong đợi nước Pháp có những việc làm nhằm bảo vệ những “tư tưởng Ánh sáng” vốn đang bị đe dọa ở nhiều nơi, bảo vệ các quyền tự do, bảo vệ những người bị áp bức. Ông E. Macron nói: “Thế giới đang nhìn chúng ta. Họ chờ đợi chúng ta mang đến một niềm hy vọng mới, một chủ nghĩa nhân bản mới, một thế giới an toàn hơn, một thế giới nơi tự do được bênh vực, một thế giới tăng trưởng cao hơn, công bằng hơn, bảo vệ sinh thái tốt hơn”. Tổng thống đắc cử Pháp cũng cho rằng, nhiều trách nhiệm nặng nề đang chờ đón ở phía trước và các trách nhiệm đó sẽ bắt đầu ngay ngày hôm sau. Đó là phải hình thành được một đa số thực sự và mạnh mẽ trong trong Quốc hội, thiết lập được yêu cầu đạo đức trong đời sống công, bảo vệ sức sống của nền dân chủ, chấn hưng kinh tế, sao cho mỗi người dân, thông qua giáo dục và việc làm, có một chỗ đứng trong xã hội. Bên cạnh đó, ông cho rằng cần phải đổi mới châu Âu.
Cuối cùng, ông E. Macron cam kết sẽ chiến đấu với tất cả sức lực của mình để chống lại sự chia rẽ đã làm nước Pháp suy yếu, sẽ phục vụ nước Pháp với tất cả sự tận tụy, lòng quyết tâm và sự khiêm nhường vì các giá trị “tự do, bình đẳng, bác ái”.
Trước kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Pháp lần này, Tổng thống Pháp F. Hollande nhấn mạnh chiến thắng của ông E. Macron cho thấy đa số người Pháp mong muốn đoàn kết dựa trên những giá trị của nền Cộng hòa. Thủ tướng Pháp B. Cazeneuve cũng cho rằng, người Pháp đã quyết định tiếp tục để nước Pháp nằm ở trái tim của châu Âu.
Báo động tình trạng nhân đạo tồi tệ ở Tây Mosul
Cảnh đổ nát sau các cuộc không kích ở Mosul, Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN
Chiến dịch giành lại Tây Mosul của quân đội Iraq đang cho thấy những bước tiến đáng kể khi quân đội Iraq vừa tiếp tục giải phóng thêm được khu vực Harmat ở Tây Mosul từ tay Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tuy nhiên, người dân thường Iraq tại đây đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo sâu sắc.
Kể từ tháng 4-2014, IS bắt đầu đẩy mạnh hoạt động tấn công và kiểm soát nhiều khu vực ở Iraq, nhất là các vùng lãnh thổ của người Hồi giáo dòng Sunni. Trong 3 năm qua, với sự hỗ trợ của liên quân do Mỹ dẫn đầu, các lực lượng vũ trang tại Iraq đã không ngừng nỗ lực giành lại lãnh thổ bị IS kiểm soát. Đây là một cuộc chiến khó khăn với không ít hy sinh. Theo thống kê, khoảng 15.000 người đã thiệt mạng trong các chiến dịch quân sự. Nhưng đổi lại, họ đã giải phóng được hơn 90% diện tích lãnh thổ Iraq khỏi sự kiểm soát của IS. Đến tháng 01-2017, quân đội Iraq đã tiêu diệt được khoảng 1.500 tên khủng bố và giành lại được khu vực Đông Mosul từ tay IS. Ngày 19-02-2017, quân đội Iraq tiếp tục triển khai chiến dịch quân sự nhằm giành lại khu vực phía Tây thành phố Mosul. Ngày 08-5, quân đội Iraq đã tiếp tục đạt được bước tiến mới ở khu vực Tây Bắc Mosul.
Mặc dù chiến dịch giải phóng Tây Mosul của quân đội Iraq đã đạt được những thành tích đáng kể, song chiến dịch này cũng đang đặt ra một thách thức lớn, đó là tình trạng khủng hoảng nhân đạo ở đây. Kể từ tháng 02-2017, đã có khoảng 435.000 người sống ở khu vực phía Tây thành phố Mosul phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Trong phát biểu ngày 08-5, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc S. Dujarric cho biết, hơn 403.000 người đã phải rời bỏ khu vực phía Tây Mosul, trong khi 31.000 người khác có thể trở lại những khu dân cư mà quân đội chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát ở đây. Cũng theo ông S. Dujarric, người dân Iraq tại các khu vực mà IS chiếm đóng ở phía Tây Mosul đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ, thiếu lương thực, thực phẩm nghiêm trọng. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng gia tăng đáng báo động. Thực tế này đòi hỏi cộng đồng quốc tế đẩy mạnh hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Mosul. Theo ước tính, có khoảng 95.000 người được cấp các suất ăn nhanh miễn phí từ các tổ chức nhân đạo tại một số khu vực lân cận ở Tây Mosul, trong đó hơn 70.000 người tại 11 khu vực phụ cận được phát lương khô. Chưa hết, người ta còn cho rằng, tội ác của IS không chỉ dừng ở các cuộc đánh bom. Một báo cáo của Liên hợp quốc đã từng cho rằng, IS có thể đang tàng trữ cũng như thực hiện các vụ tấn công hóa học tại khu vực xung quanh thành phố Mosul. Những thách thức đó cho thấy sẽ còn rất nhiều khó khăn ở phía trước đối với chính quyền Iraq.
Nga - Mỹ nỗ lực cải thiện quan hệ
Ngoại trưởng Nga S. Lavrov gặp Tổng thống Mỹ D. Trump. Ảnh: rferl.org
Nhằm tìm kiếm giải pháp “phá băng” trong quan hệ Nga - Mỹ, Ngoại trưởng Nga S. Lavrov đã thực hiện chuyến thăm Mỹ. Với chuyến thăm này, Ngoại trưởng S. Lavrov đã trở thành quan chức cấp cao nhất của Nga hội kiến Tổng thống Mỹ kể từ khi ông D. Trump nhậm chức hồi tháng 01-2017, và ông cũng là quan chức cấp cao nhất của Điện Kremlin đến thăm Nhà Trắng trong nhiều năm trở lại đây.
Ngày 10-5, trong buổi tiếp Ngoại trưởng Nga S. Lavrov tại phòng Bầu Dục ở thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ D. Trump nhấn mạnh mong muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp hơn với Nga, đồng thời nêu khả năng mở rộng hợp tác nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria và nhiều điểm nóng khác trên thế giới. Tổng thống D. Trump đã kêu gọi Moscow “kiềm chế” chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Iran - một đồng minh chủ chốt của Damascus. Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh cần phải hợp tác để chấm dứt cuộc xung đột ở Syria.
Về phần mình, Ngoại trưởng S. Lavrov cho biết, Nga tìm kiếm sự ủng hộ của Washington đối với kế hoạch thiết lập các vùng an toàn tại Syria. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cũng bày tỏ hy vọng với vai trò là những đối tác chính trong tiến trình ngoại giao nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Syria, Nga và Mỹ sẽ hợp tác cùng nhau cũng như cùng các bên liên quan khác, đặc biệt là các đối tác trong khu vực.
Phát biểu sau cuộc gặp, Tổng thống D. Trump nhận định, hai bên đã có một cuộc trao đổi “rất tốt đẹp”. Về phần mình, Ngoại trưởng S. Lavrov cho biết, Tổng thống D. Trump đã xác nhận rõ rằng, ông quan tâm đến việc xây dựng mối quan hệ “thực chất” và “cùng có lợi” với Moscow.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng S. Lavrov cũng có cuộc gặp với người đồng cấp nước chủ nhà R. Tillerson để thảo luận một loạt vấn đề, bao gồm tình hình Syria, cuộc khủng hoảng tại Ukraine và một số vấn đề cùng quan tâm. Ngoại trưởng R. Tillerson đánh giá chuyến thăm Washington của Ngoại trưởng S. Lavrov sẽ là cơ hội để hai bên tiếp tục các cuộc đối thoại và trao đổi quan điểm song phương, vốn được Washington và Moskcow đề cập một tháng trước khi ông R. Tillerson tới thăm Nga. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga đã miêu tả cuộc gặp này là hiệu quả và “có tính xây dựng”.
Các nhà phân tích cho rằng, chuyến thăm Mỹ của Ngoại trưởng Nga lần này tiếp tục là tín hiệu cho thấy quan hệ giữa hai cường quốc đang dần được cải thiện.
Hợp tác thương mại Trung Quốc - châu Phi tăng mạnh
Ảnh minh họa. Ảnh: oeildafrique.com
Ngày 11-5, Bộ Thương mại Trung Quốc công bố báo cáo cho biết, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và các nước châu Phi đã đạt 38,8 tỷ USD trong quý I-2017, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là lần đầu tiên kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi tăng trở lại kể từ năm 2015.
Trong 3 tháng đầu năm 2017, khối lượng hàng hóa của Trung Quốc nhập khẩu từ châu Phi đã tăng 46% lên mức hơn 18,4 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước châu Phi lại giảm xuống còn 20,5 tỷ USD, thấp hơn 18% so với cùng kỳ năm 2016.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Sun Jiwen cho rằng, hợp tác trao đổi kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi tăng trưởng mạnh chủ yếu là do Bắc Kinh đã thực hiện 10 chương trình, kế hoạch hợp tác vốn được thông qua tại Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi tổ chức ở thành phố Johannesburg (Nam Phi) vào cuối năm 2015, bao gồm việc triển khai các chính sách mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực cùng nhiều ưu đãi về vay vốn.
Về đầu tư, trong quý I-2017, mức đầu tư trực tiếp phi tài chính của các doanh nghiệp Trung Quốc vào châu Phi cũng đạt hơn 750 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2016. Ông Tôn Kế Văn khẳng định hai bên đều mong muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trong năm 2017 cũng như trong tương lai.
Từ lâu, châu Phi đã trở thành mối quan tâm đặc biệt và nằm trong chiến lược ngoại giao của Trung Quốc. Tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) ngày 05-12-2015, ở thành phố Johannesburg của Nam Phi, Trung Quốc và châu Phi đã nhất trí đưa quan hệ hai bên từ đối tác chiến lược song phương lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Trung Quốc luôn đánh giá cao tầm quan trọng của châu Phi bởi đây là châu lục giàu tài nguyên, đặc biệt là nhiên liệu và khoáng sản, những thứ mà nền kinh tế phát triển nhanh của Trung Quốc rất cần để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Ý thức được những thế mạnh của châu lục này, từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã triển khai mạnh mẽ chính sách của mình tại đây. Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, kim ngạch trao đổi thương mại Trung - Phi đã tăng hơn 30% trong những năm gần đây và đã vượt ngưỡng 100 tỷ USD, bỏ xa Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với các quốc gia châu Phi đã tăng 22 lần trong 14 năm qua, từ 10 tỷ USD năm 2000 lên 220 tỷ USD năm 2014, 300 tỷ USD năm 2015 và 149,1 tỷ USD năm 2016. Hiện Trung Quốc và các quốc gia châu Phi đang phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 400 tỷ USD vào năm 2020. Các khoản đầu tư của Trung Quốc tại châu lục này cũng tăng lên tới gần 20 tỷ USD. Hiện hơn 3.000 doanh nghiệp Trung Quốc đang có mặt tại châu Phi. Không những vậy, mới đây Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn cam kết hỗ trợ các quốc gia châu Phi 60 tỷ USD.
Giới phân tích cho rằng, việc Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược đầu tư vào châu Phi được xem là một bước đi nhanh nhằm khẳng định vị trí và giành ảnh hưởng trước những nước lớn như Mỹ hay Nhật Bản tại lục địa Đen./.
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 08 đến ngày 14-5-2017  (15/05/2017)
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, ngừa tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong xuất khẩu lao động  (15/05/2017)
Thủ tướng: Dân mất niềm tin vì chậm xử lý cán bộ sai phạm  (15/05/2017)
Thủ tướng: Dân mất niềm tin vì chậm xử lý cán bộ sai phạm  (15/05/2017)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 08 đến ngày 14-5-2017)  (15/05/2017)
Việt Nam tham gia lễ hội Tháng Di sản châu Á-Thái Bình Dương  (14/05/2017)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên