TCCSĐT - Ngày 13-5-2017, các cuộc họp liên quan trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM-2) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tiếp tục diễn ra tại Hà Nội.
Trong ngày diễn ra các cuộc họp: Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC) Hội nghị lần thứ 6 của Diễn đàn hợp tác an toàn thực phẩm (FSCF) ; Hội nghị mạng lưới các trung tâm nghiên cứu APEC (ASCC) ; Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI): Nhóm bạn của Chủ tịch về thuận lợi hóa thương mại ; Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI): Bạn của chủ tịch (FotC) về FTAAP ; Bạn của Chủ tịch (FotC) về Đô thị hóa - Hội thảo về việc xây dựng phương pháp đo đạc và nhận thức tính bền vững của các thành phố trong khu vực APEC ; Đào tạo quản lý dự án...

Cùng ngày tiếp tục các cuộc họp của Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực (HRDWG): Hội thảo về "Kết nối Giáo dục và Khởi nghiệp: Thanh niên, Phụ nữ và Vận động viên" ; Mạng lưới giáo dục (HRDWG EDNET) ; Họp chuẩn bị cho Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số ; Hội thảo nâng cao nhận thức và hợp tác khu vực về kỹ năng, năng lực làm việc trong khu vực APEC .

Qua 28 năm hình thành và phát triển kể từ năm 1989, APEC tiếp tục khẳng định vai trò là cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế hàng đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tập trung vào 3 trụ cột hợp tác chính: Tự do hóa thương mại và đầu tư; Thuận lợi hóa kinh doanh; Hợp tác kinh tế-kỹ thuật. Bên cạnh đó, các đại biểu từ 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) cũng đã tham dự và thảo luận nhiều nội dung quan trọng đóng góp cho Hội nghị SOM2.

Tăng cường giáo dục toàn diện các vận động viên

Tại Hội thảo về “Kết nối giáo dục và khởi nghiệp: Thanh niên, Phụ nữ và Vận động viên”, bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh, APEC được thành lập nhằm mục tiêu xây dựng Cộng đồng APEC năng động, hài hòa, phát triển bền vững. Hiện nay, APEC đã tập trung vào chính sách kết nối giáo dục và khởi nghiệp cho thanh niên, phụ nữ và các vận động viên, đặc biệt là cho các nữ vận động viên, những người cần nhiều quan tâm từ cộng đồng.

Đánh giá cao những ý tưởng đến từ các nền kinh tế thành viên APEC trong việc thúc đẩy và hỗ trợ nữ vận động viên đã hết tuổi nghề phát triển đi lên trong cuộc sống, bà Lê Thị Hoàng Yến cho rằng, điều này cũng đóng góp vào sự phát triển chung của các nền kinh tế thành viên APEC. Đại biểu tham dự Hội thảo về “Kết nối giáo dục và khởi nghiệp: Thanh niên, Phụ nữ và Vận động viên” đã thảo luận các chính sách quan trọng của Chính phủ trong việc tăng cường giáo dục toàn diện đối với các vận động viên, đặc biệt là các nữ vận động viên; chia sẻ những bài học về thanh niên khởi nghiệp trong các nền kinh tế thành viên APEC; thảo luận bàn tròn về những nội dung sẽ được Mạng lưới chính sách thể thao APEC công bố vào tháng 4, 7, 10-2018.

Giải quyết các vấn đề về môi trường

Hội thảo về việc xây dựng phương pháp đo đạc và nhận thức tính bền vững của các thành phố trong khu vực APEC do Nhóm Bạn của Chủ tịch tổ chức nhằm xây dựng, tăng cường hiểu biết về các phương pháp đo đạc và nhận thức tính bền vững của các thành phố trong khu vực APEC để giải quyết các vấn đề về môi trường gây ra bởi quá trình đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Tại Hội thảo, các đại biểu đã được tìm hiểu nhiều bài học kinh nghiệm từ một số nền kinh tế thành viên APEC như: Việt Nam, Nhật Bản, Singapore…

Bà Lee Lai Choo, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững các thành phố châu Á cho rằng, điều quan trọng nhất trong các giải pháp bảo đảm tính bền vững của các thành phố trong khu vực APEC là yếu tố con người. Các Chính phủ phải có chính sách kết nối với người dân, đưa họ tham gia chặt chẽ vào tiến trình phát triển đô thị bền vững. Theo bà Lee Lai Choo, người dân Singapore đã thực sự tham gia tiến trình này bằng những việc cụ thể như: dọn sạch các bãi biển hàng năm và nhiều chiến dịch khác. Chính phủ Singapore đã kết nối với doanh nghiệp, người dân, tạo thành 3 trục quan trọng trong phát triển đô thị bền vững, bảo vệ môi trường.

Chủ đề khởi nghiệp làm “nóng” hội nghị SOM 2 APEC 2017

Nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực sâu rộng hơn cũng như triển khai chương trình nghị sự dài hạn của APEC về tự do hóa thương mại và đầu tư, ngày hôm nay 13/5, Ủy ban Thương mại và Đầu tư đã tổ chức đồng thời ba hoạt động, gồm Nhóm bạn Chủ tịch về t huận lợi hóa thương mại, Nhóm b ạn của Chủ tịch về Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương và cuộc họp toàn thể của Ủy ban vào buổi chiều.

Cũng trong khuôn khổ Ủy ban Thương mại và Đầu tư đã diễn ra Hội thảo của Nhóm b ạn Chủ tịch về Đô thị hóa về " Xây dựng phương pháp đo đạc và nhận thức tính bền vững của các thành phố trong khu vực APEC". Hiện nay châu Á - Thái Bình Dương đang đi đầu thế giới về tốc độ đô thị hóa. Trong tình hình đó, việc hình thành các chính sách phát triển hạ tầng cơ sở đô thị hiệu quả và bền vững cũng như các biện pháp triển khai các chính sách này là một ưu tiên hàng đầu và cũng là một thách thức phát triển đối với nhiều thành viên APEC.

Tiểu nhóm Mạng lưới giáo dục thuộc Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực có hai hoạt động, trong đó nổi lên các nội dung về thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong giáo dục và đào tạo nhằm mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng , đáp ứng những yêu cầu của nền kinh tế số trong thế kỷ XXI .

Cũng trong khuôn khổ Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực, Hội thảo "Kết nối Giáo dục và Khởi nghiệp: Thanh niên, Phụ nữ và Vận động viên" đã được tổ chức. Đây là một trong những sáng kiến góp phần vào bảo đảm tính bao trùm về kinh tế và xã hội của các thành viên APEC. Để chuẩn bị cho Đối thoại chính sách cao cấp về đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số - một trong những hoạt động quan trọng nhất diễn ra trong dịp Hội nghị SOM 2 - các đại biểu Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực đã nhóm họp ngày hôm nay . Tại cuộc họp, các thành viên trao đổi kỹ lưỡng công tác chuẩn bị cả về tổ chức và nội dung của Đối thoại vào ngày 15-5 tới.

Hội nghị Mạng lưới các Trung tâm nghiên cứu APEC (ASCC)

Sau hai ngày làm việc 12 và 13-5, Hội nghị Mạng lưới các Trung tâm nghiên cứu APEC (ASCC) do Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức đã kết thúc. Đây là hội nghị thường niên của Mạng lưới các Trung tâm nghiên cứu APEC, quy tụ các học giả, các viện nghiên cứu ở châu Á - Thái Bình Dương để chia sẻ về những vấn đề lớn trong khu vực, đề xuất các biện pháp thúc đẩy hợp tác và các khuyến nghị nhằm cụ thể hóa các nội dung ưu tiên của APEC trong năm 2017.

Hội nghị đã tiến hành 7 phiên thảo luận về triển vọng khu vực châu Á - Thái Bình Dương; vai trò và tính năng động của APEC trong tình hình mới; thúc đẩy tự cường và tăng trưởng bền vững, bao trùm ở các nền kinh tế thành viên; tăng cường phát triển nguồn nhân lực và đổi mới công nghệ ở châu Á - Thái Bình Dương; phương hướng thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực sâu rộng hơn; các chính sách để tạo thuận lợi cho di chuyển lao động trong APEC; vấn đề nâng cao năng lực và tính cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Chia sẻ đánh giá về cục diện thế giới và khu vực, các đại biểu cho rằng những diễn biến mới nổi lên gần đây có thể đặt ra nhiều thách thức cho tăng trưởng kinh tế khu vực, việc hoàn tất mục tiêu Bogor cũng như xây dựng tầm nhìn APEC sau 2020.

Trong bối cảnh đó, các thành viên APEC cần có cách tiếp cận tổng thể, tạo cơ sở để xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với các nền kinh tế và các doanh nghiệp. Hội nghị đã gợi mở nhiều ý tưởng, biện pháp nâng cao sự năng động của APEC, khẳng định vai trò không thể thiếu trong cấu trúc khu vực đang định hình, là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới. Các ý kiến trong Hội nghị đã nêu bật vị thế của châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu, với tỷ trọng GDP khu vực trong GDP toàn cầu đạt tới 53,9% (vào năm 2015) và tập hợp 5 trong số 10 nền kinh tế thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất thế giới.

Các đại biểu cũng tập trung trao đổi về các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững ở các nền kinh tế thành viên trong bối cảnh gia tăng nhiều thách thức lớn như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và năng lượng, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia… Hội nghị đề xuất nhiều khuyến nghị thúc đẩy nền kinh tế tự cường, thân thiện môi trường hướng tới phát triển bền vững, đề cao vai trò của APEC trong hoàn tất các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 và các biện pháp quản lý khủng hoảng. Các diễn giả nhấn mạnh vai trò then chốt của nguồn nhân lực và sáng tạo công nghệ trong thúc đẩy khả năng cạnh tranh và triển vọng phát triển kinh tế của các nền kinh tế thành viên, cho rằng thời đại công nghệ số càng đòi hỏi cách tiếp cận mới đối với giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Các đại biểu đề xuất nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác giáo dục và khoa học công nghệ nhằm gia tăng trao đổi thương mại và liên kết khu vực.

Trao đổi về triển vọng của liên kết kinh tế khu vực, Hội nghị đánh giá những mặt thuận lợi và không thuận lợi, triển vọng của những sáng kiến liên kết kinh tế khu vực, gợi mở hướng liên kết kinh tế khu vực vừa bảo đảm sự bền vững và công bằng xã hội, nhất là trong bối cảnh xu hướng hoài nghi toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.

Mạng lưới các Trung tâm nghiên cứu APEC là mạng lưới gồm hơn 50 trung tâm nghiên cứu của 21 thành viên, được thành lập theo sáng kiến của các nhà lãnh đạo APEC năm 2006 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các viện nghiên cứu và tăng cường phối hợp giữa các học giả về các vấn đề hợp tác khu vực. Là nền kinh tế chủ nhà, Việt Nam hiện đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng điều hành của Cơ quan hỗ trợ nghiên cứu chính sách của Ban Thư ký APEC và chủ trì tổ chức Hội nghị thường niên của Hội nghị Mạng lưới các Trung tâm nghiên cứu APEC.

Thông tin về Cuộc thi phát triển phần mềm APEC (APEC App Challenge)

Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM -2) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và các cuộc họp liên quan, từ ngày 18 đến ngày 19-5, những nhà phát triển phần mềm và web xuất sắc của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, sẽ đến Hà Nội tham dự Cuộc thi phát triển phần mềm APEC (APEC App Challenge), trong vòng 24 giờ lập trình để phát triển và hoàn thiện một ứng dụng miễn phí trên điện thoại di động hoặc web nhằm giải quyết một thách thức của khu vực.

“Cuộc thi phát triển phần mềm APEC” là một sáng kiến của Diễn đàn APEC, do Bộ Công Thương Việt Nam, Quỹ châu Á và Google phối hợp tổ chức trong khuôn khổ các sự kiện hướng tới Hội nghị các Bộ trưởng Phụ trách Thương mại lần thứ 23 (MRT 23) vào tháng 5 tại Hà Nội. Việc lồng ghép cuộc thi trong khuôn khổ Hội nghị các Bộ trưởng Phụ trách Thương mại lần thứ 23 sẽ khuyến khích sự tương tác và học hỏi giữa các nhà hoạch định chính sách của APEC với những người tham gia cuộc thi từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tạo ra lớp học sáng tạo cho những doanh nhân trẻ trong lĩnh vực phần mềm.

Ngày 17-5 tới, các nhóm sẽ đến Hà Nội để tham dự cuộc thi lập trình tiếp sức kéo dài thâu đêm, trong đó các nhà phát triển và thiết kế phần mềm từ các nền kinh tế APEC sẽ lập trình để phát triển và hoàn thiện một ứng dụng miễn phí trên điện thoại di động hoặc trên web phục vụ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa muốn mở rộng kinh doanh của họ thông qua thương mại qua biên giới. Ban Giám khảo sẽ công bố người thắng cuộc vào sáng 19-5. Dự kiến Bộ trưởng Công Thương Việt Nam sẽ tham dự và trao giải cho đội thắng cuộc trong Lễ trao giải chính thức tại Hội thảo APEC về Thương mại và Đổi mới vào buổi chiều cùng ngày.

Chủ đề của cuộc thi phát triển phần mềm này đặc biệt quan trọng đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp và thu hút tới 2/3 lực lượng lao động của khu vực. Mặc dù Internet giúp cắt giảm đáng kể các chi phí xuất khẩu cho các doanh nghiệp này tại những nền kinh tế phát triển, các doanh nghiệp trong khu vực vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức và lợi nhuận từ thương mại quốc tế vẫn rất khó đạt được. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Indonesia đóng góp tới gần 60% GDP nhưng tổng đóng góp hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp này chỉ chiếm có 16%.

Các chủ doanh nghiệp nhỏ ở những nền kinh tế đang phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải đối mặt với hàng loạt thách thức khi muốn tiếp cận với thương mại qua biên giới gồm cả cơ sở vật chất, tài chính lẫn các quy định pháp luật nước sở tại (chẳng hạn như các rào cản phi thuế quan). Do vậy, xuất khẩu từ trước đến nay không phải là một lựa chọn cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa nhưng những ứng dụng kỹ thuật số đã và đang giảm thiểu đáng kể chi phí xuất khẩu. Điều này có nghĩa đây là lần đầu tiên doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có thể xem xét tiếp cận thị trưởng xuất khẩu và tận dụng lợi thế của chuỗi giá trị toàn cầu.

Cuộc thi phát triển phần mềm là một nỗ lực đặc biệt nhằm tạo ra sự học hỏi và chia sẻ những ý tưởng mới trong cộng đồng APEC, đồng thời xây dựng những giải pháp làm việc có khả năng giúp các doanh nghiệp nhỏ vượt qua những rào cản đang tồn tại. Mục tiêu của cuộc thi nhằm nêu bật những phương pháp mới để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm cho các nền kinh tế trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, mang lại các chính sách thúc đẩy sáng tạo và đổi mới trong việc giải quyết những vấn đề thương mại./.