Bước đi đơn phương nguy hiểm
TCCSĐT - Hơn 50 quả tên lửa Tomahawk mà quân đội Mỹ tấn công một căn cứ không quân của Syria rạng sáng 07-4 có thể ví như một mồi lửa, không chỉ làm chao đảo quốc gia Trung Đông vốn chìm trong bạo lực này, mà còn kích hoạt “thùng thuốc súng” của những mâu thuẫn giữa các bên và các cường quốc trên thế giới trong vấn đề Syria.
Cảnh hoang tàn sau vụ tấn công của Mỹ vào Syria. Ảnh: ABC News/TTXVN
Châm ngòi “đối đầu”
Căng thẳng đang leo thang với tốc độ khó lường khi cuộc chiến chống khủng bố tại Syria, với sự hỗ trợ của cả Nga và Mỹ, vẫn chưa có hồi kết và các vòng đàm phán hòa bình ở cả Geneva (Thụy Sĩ) lẫn Astana (Kazakhstan) nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông này đã bước sang năm thứ 7 mới chỉ dừng lại ở những cam kết trên giấy. Cuộc xung đột Syria có nguy cơ ngày càng trầm trọng và các bên liên quan có thể lâm vào thế đối đầu.
Quyết định của Tổng thống Mỹ ra lệnh tấn công căn cứ quân sự của chính quyền Syria bằng tên lửa hành trình được Washington giải thích là để “đáp trả” một vụ tấn công nghi có sử dụng vũ khí hóa học ở ở Idlib hôm 04-4, làm hơn 80 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Mỹ và các nước phương Tây một mực đổ lỗi cho quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường, trong khi Bộ Quốc phòng Nga khẳng định quân đội Syria đã không kích trúng kho vũ khí hóa học của phe đối lập nước này. Bất chấp cho tới thời điểm này chưa có bất kỳ kết quả điều tra chính thức nào về nghi vấn sử dụng vũ khí hóa học trên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng chưa tìm được tiếng nói chung về một dự thảo nghị quyết liên quan đến việc điều tra vụ tấn công, song Mỹ đã đơn phương có hành động quân sự nhằm vào quân đội chính quyền của Tổng thống Syria Basha al-Assad.
Cùng với những thiệt hại đầu tiên cả về người và của tại Syria, vụ tấn công bằng tên lửa của Mỹ thực sự đã đẩy cục diện cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này vào thế nguy hiểm trong bối cảnh các vòng đàm phán hòa bình nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria vẫn đang được cả Liên hợp quốc, Nga, Mỹ... nỗ lực xúc tiến. Triển vọng giải quyết hòa bình cuộc xung đột dai dẳng ở Syria lại trở nên xa vời khi phe đối lập ở nước này ngay lập tức hối thúc Mỹ tiến hành thêm các vụ tấn công tương tự nhằm vào quân đội Syria. Trong khi đó, chính phủ Syria kịch liệt lên án, coi các cuộc không kích bằng tên lửa của Mỹ vào các khu vực quân sự của nước này là phục vụ mục đích của “các nhóm khủng bố vũ trang” và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Một liên minh quốc tế chống khủng bố tại Syria, với sự tham gia của cả lực lượng chính phủ lẫn phe đối lập, cùng các đối tác quốc tế như Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran... đang được hình thành, có nguy cơ tan rã bởi những bất đồng phát sinh sau vụ tấn công của Washington.
Những phản ứng trái chiều
Căng thẳng cũng nảy sinh giữa các nước có vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Cùng với một số nước phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ ủng hộ Washington. Cùng quan điểm với Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Israel B. Netanyahu tuyên bố hoàn toàn ủng hộ “thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng” từ cuộc không kích của Mỹ để đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại nước láng giềng Syria. Ông cho biết, quân đội Israel đã được Mỹ thông báo trước về cuộc không kích bằng tên lửa nhằm vào căn cứ không quân của Syria.
Trên trang mạng Twitter, Chủ tịch Hội đồng châu Âu D. Tusk nhận định cuộc không kích đã chứng minh “giải pháp cần thiết” đối với các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học. Ông D. Tusk đồng thời tuyên bố, EU sẽ hợp tác với Mỹ trong nỗ lực nhằm chấm dứt các “hành động tàn ác” tại Syria.
Thủ tướng Australia M. Turnbull đã gọi vụ tấn công tên lửa của Mỹ nhằm vào căn cứ quân đội Syria là “một phản ứng thích hợp” và để ngỏ khả năng Canberra có thể tham gia một cuộc tấn công quân sự mở rộng do Mỹ dẫn đầu nhằm vào lực lượng của Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Với quan điểm đối lập, phản ứng gay gắt, Nga và Iran ngay lập tức lên án hành động của Mỹ. Hãng tin ISNA của Iran dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này B. Qasemi cho biết, Tehran lên án mạnh mẽ “các hành động tấn công đơn phương”. Theo quan chức trên, hành động của Mỹ sẽ thúc đẩy chủ nghĩa khủng bố tại Syria và sẽ làm phức tạp thêm tình hình tại Syria nói riêng và khu vực nói chung.
Trước khi Mỹ thực hiện vụ tấn công vào căn cứ quân sự ở Syria, Nga đã nhiều lần cảnh báo về những hậu quả tiêu cực nếu Mỹ tấn công quốc gia Trung Đông này. Bộ Ngoại giao Nga đã phân tích kỹ lưỡng tình hình và khẳng định việc cho rằng chính quyền Syria sở hữu vũ khí hóa học là không thực tế. Bộ Ngoại giao Nga dẫn xác nhận của Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) của Liên hợp quốc rằng Syria đã tiêu hủy hoàn toàn kho vũ khí hóa học của mình, do đó, lý do quân đội Syria tấn công hóa học tại tỉnh Idlib là lý do hoàn toàn bịa đặt. Ngược lại, Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích Washington đã làm ngơ sự thực chính lực lượng khủng bố đã sử dụng vũ khí hóa học tại Iraq, Aleppo, gián tiếp tiếp tay cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế trong việc thực hiện các cuộc tấn công mới có sử dụng vũ khí sát thương hàng loạt. Giới lãnh đạo Nga nhấn mạnh đây là hành động khiêu khích, thể hiện “chính sách hai mặt” của Mỹ cũng như việc Washington áp dụng “tiêu chuẩn kép”. Có thể thấy rõ cuộc không kích này đang làm tổn hại quan hệ Nga - Mỹ vốn đang trong thời kỳ nhạy cảm. Moscow đã lập tức quyết định đình chỉ thỏa thuận an toàn bay tại Syria của nước này với Mỹ. Tuy nhiên, người phát ngôn tổng thống Nga D. Peskov cho biết, Nga vẫn sẽ duy trì các kênh liên lạc kỹ thuật và quân sự mở với Washington, song không trao đổi bất kỳ thông tin nào thông qua những kênh này. Phát biểu với báo giới, ông D. Peskov cho rằng, sau các cuộc không kích của Mỹ, nguy cơ xảy ra các vụ đụng độ giữa máy bay của Nga và Mỹ sẽ cao hơn rất nhiều. Nhà ngoại giao này cũng cáo buộc các cuộc không kích của Mỹ chỉ có lợi cho IS tự xưng và các nhóm khủng bố khác tại Syria.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết hệ thống phòng không của Syria sẽ được tăng cường sau vụ không kích của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng I. Konashenkov nhấn mạnh, “để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng nhất tại Syria, các biện pháp phức hợp sẽ được thực thi trong thời gian sắp tới để tăng cường và nâng cao tính hiệu quả của lực lượng vũ trang Syria”. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng đánh giá tính hiệu quả của các cuộc không kích của Washington là “vô cùng thấp”, khi chỉ có 23 trong số 59 quả tên lửa đánh trúng mục tiêu, trong khi chưa rõ liệu 36 quả khác rơi ở vị trí nào. Cũng theo Bộ này, cho đến nay đã ghi nhận 4 binh sỹ Syria thiệt mạng trong vụ không kích, 6 người bị thương và 2 người mất tích. Ngoài ra, 6 máy bay chiến đấu của Syria cũng bị phá hủy. Trong khi hãng thông tấn SANA của Syria cùng ngày cho biết, vụ không kích của Mỹ đã làm 9 dân thường thiệt mạng, trong đó có 4 trẻ em. Theo SANA, những người thiệt mạng là dân thường tại các ngôi làng gần căn cứ quân sự bị tấn công. Ngoài ra, 7 người khác bị thương và nhiều nhà cửa xung quanh khu vực bị không kích bị phá hủy nghiêm trọng.
Trước sự việc trên, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình nhà nước Syria, Bộ trưởng Thông tin nước này R. Turjman cho biết, chính quyền Syria đang tham vấn với các đồng minh của mình là Nga và Iran, đồng thời cho biết sẽ sớm có một hành động chính trị.
Chưa rõ Mỹ có thể đạt được mục đích khi tiến hành tấn công quân đội Syria hay không, song rõ ràng động thái này của Washington đang khiến bối cảnh khu vực thêm phức tạp, không chỉ Syria mà cả Trung Đông có thể rơi vào vòng xoáy bất ổn mới./.
“Hà Nội cần cân nhắc khi xây nhà cao tầng trong nội đô”  (07/04/2017)
Các đại sứ quán Việt Nam tích cực bảo hộ công dân tại nước ngoài  (07/04/2017)
Trong tháng 4-2017, dự kiến tiếp nhận 130.000 đơn vị máu đáp ứng nhu cầu cấp cứu, điều trị bệnh  (07/04/2017)
Đồng chí Lê Duẩn - Nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng  (07/04/2017)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gặp mặt, động viên đồng bào Khmer nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây  (07/04/2017)
Thụy Điển ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc  (07/04/2017)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên