TCCSĐT - Hưởng ứng Ngày Dân số thế giới (11-7) năm 2009 với chủ đề “Đối phó với khủng hoảng kinh tế: Đầu tư cho sức khoẻ phụ nữ là lựa chọn sáng suốt”, hôm nay, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức họp báo và đưa ra lời kêu gọi đầu tư cho sức khoẻ phụ nữ và bảo đảm tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng tới những thành quả đã đạt được về cải thiện sức khoẻ phụ nữ và giảm nghèo. Phụ nữ và trẻ em gái đang phải chịu tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế này. Để giúp bảo vệ quyền được chăm sóc y tế của phụ nữ và trẻ em gái, cần thiết phải đầu tư xã hội, đặc biệt là sức khoẻ sinh sản.

Mỗi năm, cả thế giới mất 15 tỉ USD giá trị sản phẩm do nguyên nhân tử vong ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai và khi sinh nở. Trong khi đó, chỉ cần chi 6 tỉ USD là đã đủ cung cấp các dịch vụ y tế cần thiết để cứu sống họ. Phần lớn các trường hợp tử vong ở bà mẹ đều có thể phòng ngừa được thông qua phổ cập tiếp cận chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Các hệ thống y tế cần được tăng cường để cung cấp dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, hộ sinh và cấp cứu sản khoa. Việc này không chỉ bảo đảm tính mạng cho phụ nữ mà còn cải thiện năng suất lao động của thế giới.

Tại Việt Nam, công tác dân số - sức khoẻ sinh sản được Đảng và Nhà nước xác định là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống con người.
 
Trong những năm qua, công tác này đã đạt được một số kết quả như: quy mô gia đình ít con ngày càng được chấp nhận rộng rãi; số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã đạt mức sinh thay thế. Qua đó, góp phần giảm bớt sức ép về gia tăng dân số đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái được tiếp cận thuận tiện và hiệu quả hơn với các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm và các dịch vụ xã hội khác.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn về dân số, đó là quy mô dân số lớn khoảng 86,5 triệu người (là nước đông dân thứ 13 trên thế giới); mức sinh đã giảm nhưng tiềm ẩn những nguy cơ thiếu bền vững; mật độ dân số cao (257người/km­2), gấp 6 lần mức trung bình của thế giới; tỷ số giới tính khi sinh đã vượt mức bình thường (112nam/100 nữ); tình trạng di dân tăng nhanh, dân số lưu động ngày càng lớn và diễn biến phức tạp. Chỉ số phát triển con người từng bước được cải thiện, nhưng vẫn ở mức thấp, xếp thứ 105/177 nước trên thế giới; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em còn cao; các yếu tố về tầm vóc, thể lực, chiều cao, cân nặng và sức bền của thanh thiếu niên còn thấp xa so với nhiều nước trên khu vực; tình trạng bệnh dịch, nhất là nhiễm khuẩn đường sinh sản, các bệnh lây qua đường tình dục, và nhiễm HIV/AIDS còn rất cao. Tư tưởng muốn có đông con và phải có con trai để nối dõi tông đường và phụng dưỡng bố mẹ khi về già còn rất nặng nề trong nhiều gia đình.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ giai đoạn 2006-2010, Việt Nam lập kế hoạch giảm tỷ suất chết bà mẹ xuống còn 60 trên 100.000 ca sinh cho đến năm 2010. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa nhằm đạt được thành tựu này cũng như mục tiêu phát triển thiên niên kỷ là giảm 75% tỷ suất chết bà mẹ vào năm 2015. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tạo ra một thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc duy trì tiến triển vững chắc này. Đã có sự gia tăng về tỷ lệ chết bà mẹ, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn trong thời gian gần đây.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Bá Thủy, Thứ trưởng Bộ Y tế, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hoá gia đình, cho biết: “Các nỗ lực chung của chúng ta nhằm đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ cần phải được coi như là một ưu tiên then chốt. Chúng ta cần cùng nhau hợp lực nhằm thúc đẩy vị thế của người phụ nữ và bảo đảm tất cả mọi người đều được tiếp cận sức khoẻ sinh sản vào năm 2015. Dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ sức khoẻ phụ nữ, bà mẹ và trẻ em”.

Ông Bruce Campbell, đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), thay mặt Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng: “Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chúng ta cần bảo vệ những thành tựu đã đạt được bằng việc tăng cường nguồn lực dành cho sức khoẻ sinh sản, bao gồm cả kế hoạch hoá gia đình. Điều này sẽ giúp mang lại nhiều tiến bộ hơn cho phụ nữ và gia đình”. Ông cũng nhấn mạnh: Đầu tư vào giáo dục và y tế cho trẻ em gái đã góp phần tăng năng suất lao động, sản lượng nông nghiệp và thu nhập quốc dân. Không có sự đầu tư nào sáng suốt hơn là đầu tư vào quyền chăm sóc sức khoẻ và giáo dục cho trẻ em gái vị thành niên và phụ nữ. Sự đầu tư này sẽ tác động trở lại nền kinh tế và xã hội.
 
Để duy trì thành tựu đã đạt được của mục tiêu Thiên niên kỷ số 5 (về sức khoẻ bà mẹ), cần phải:

Thứ nhất, nỗ lực hết sức để cải thiện chất lượng dịch vụ làm mẹ an toàn cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi.

Thứ hai, củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng và thái độ của những nhân viên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh; ưu tiên để bảo đảm những ca sinh đẻ được thực hiện bởi những người đã được đào tạo; tăng cường hệ thống chuyển tuyến tới các cơ sở y tế có khả năng can thiệp những biến chứng sản khoa, nhằm tránh được những cái chết bi thương và không cần thiết của các bà mẹ.

Thứ ba, có sự lãnh đạo vững mạnh ở tất cả các cấp; tăng ngân sách quốc gia dành cho chăm sóc sức khoẻ phụ nữ và tăng hỗ trợ phát triển quốc tế cho những vùng được xác định có tỷ suất chết bà mẹ cao.

Nhân ngày Dân số thế giới, Bộ Y tế và Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam cam kết hỗ trợ y tế và mang lại cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người./.