Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2016 và triển vọng năm 2017

Nguyễn Anh Tuấn PGS, TS, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, Bộ Ngoại giao
21:48, ngày 23-03-2017

TCCS - Kinh tế thế giới nói chung và kinh tế châu Á - Thái Bình Dương nói riêng trong năm 2016 và 2017 phải đối mặt với nhiều bất ổn. Tuy nhiên, nếu so sánh với nền kinh tế thế giới thì kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vẫn ít biến động hơn(1). Ngân hàng trung ương các nước đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ổn định kinh tế thế giới và kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Từ chỗ chỉ chú trọng kiểm soát tình hình lạm phát trong nước, giờ đây ngân hàng trung ương các nước còn là những nhà quản lý rủi ro toàn cầu.

Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2016

Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2016 tăng chậm, ở mức thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009. Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2016 có bốn đặc điểm nổi bật: 1- Tăng trưởng thấp; 2- Thương mại và đầu tư thấp; 3- Lãi suất thấp (thậm chí thiểu phát) do các nước áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng; 4- Lạm phát thấp. Trong tiến trình đó, vốn vẫn là động lực chính trong tăng trưởng của kinh tế nhiều nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương lâu nay, trong khi thương mại tăng thấp hơn mức tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2016(2). Do vậy, tiến trình toàn cầu hóa (thường được biểu hiện qua cường độ hoạt động giao thương) dường như đang mất đà.

Kinh tế Mỹ

Theo OECD, năm 2016, nền kinh tế lớn nhất thế giới này tăng khoảng 1,8% do trong những tháng cuối năm kinh tế Mỹ phát triển tương đối tốt, thể hiện rõ nhất trong việc gia tăng số lượng việc làm. Tính trung bình cả năm 2016, mỗi tháng nền kinh tế Mỹ tạo ra khoảng 180.000 việc làm mới và đến cuối năm 2016, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ chỉ còn 4,9%(3). Trên cơ sở đó, ngày 14-12-2016, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản lên thêm 0,25%, từ biên độ 0,25% - 0,5% lên 0,5% - 0,75% (đây là lần đầu tiên FED nâng lãi suất trong vòng một năm qua). Chủ tịch FED Gia-nét Y-en-len (Janet Yellen) cho biết, quyết định tăng lãi suất lần này của FED “cần được hiểu là lòng tin của người tiêu dùng vào nền kinh tế Mỹ đã được củng cố”. Chi tiêu cho tiêu dùng (đóng góp hơn 60% cho tăng trưởng của kinh tế Mỹ) tiếp tục giúp sức cho tăng trưởng của nền kinh tế. FED còn cho biết có nhiều khả năng trong năm 2017 sẽ tiếp tục tiến hành một số đợt nâng lãi suất nữa, lên mức 1,4% vào cuối năm 2017 và 2,1% vào cuối năm 2018.

Tuy có nhiều điểm sáng trong năm 2016, nhưng kinh tế Mỹ vẫn phải đối phó với một số vấn đề, như: 1- Tổng số nợ công và tư của nước này hiện là 67.000 tỷ USD (bằng khoảng trên 3 lần GDP của Mỹ); 2- Có tới 95 triệu người dân nằm ngoài lực lượng lao động (bị dôi dư không tận dụng được khả năng); 3- Số người thất nghiệp lên tới 15 triệu người; 4- Khoảng 43 triệu người dân thuộc diện cùng khốn, 43 triệu người dân cần phiếu thực phẩm, 31 triệu người dân vẫn chưa có bảo hiểm y tế...

Kinh tế Trung Quốc

Năm 2016, kinh tế Trung Quốc được Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình miêu tả bằng hai từ “xuất sắc” và “khó quên” với sự khởi đầu thành công của kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (giai đoạn 2016 - 2020)(4). Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 6,6% - mức tăng cao hàng đầu thế giới, cho dù thị trường chứng khoán của Trung Quốc bị đánh giá là một trong những thị trường chứng khoán có diễn biến xấu nhất trong năm 2016, với chuỗi “bong bóng” tài sản ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó, phải kể đến những thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế thứ hai thế giới, như: 1- Cải cách quốc phòng, quân đội mang tính đột phá; 2- Cải cách sâu rộng hệ thống hành chính tư pháp công và thúc đẩy mạnh mẽ chiến dịch chống tham nhũng, thanh lọc tác phong, lối sống thiếu lành mạnh trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc; 3- Những thành tựu về lĩnh vực khoa học, thể thao và các vấn đề an sinh xã hội.

Tuy nhiên, trong năm 2016 Trung Quốc phải sử dụng một biện pháp quan trọng để điều tiết nền kinh tế, đó là việc Quốc vụ viện Trung Quốc đang xem xét áp dụng các biện pháp nhằm “kiểm soát nghiêm ngặt” các dự án đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc. Đối tượng chính của các biện pháp kiểm soát này là những vụ mua bán với giá trị hợp đồng từ 10 tỷ USD trở lên, đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước vào những tài sản trên 1 tỷ USD hoặc đầu tư của bất kỳ công ty Trung Quốc nào ở nước ngoài mà không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính.

Những biện pháp kiểm soát này được xem xét trong bối cảnh làn sóng mua bán, thâu tóm đang dâng cao của các công ty Trung Quốc. Điều đó cho thấy sự lo lắng của Trung Quốc về việc nguồn vốn chảy ra nước ngoài và đồng nhân dân tệ (NDT) đang suy yếu(5). Trong tháng 10-2016, tỷ giá đồng NDT so với đồng USD đã hạ xuống mức thấp nhất kể từ 8 năm qua. Điều này cũng góp phần làm dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc giảm xuống còn 3.120 tỷ USD vào cuối tháng 11-2016.

Giá trị những vụ thâu tóm của các công ty Trung Quốc ở nước ngoài trong năm 2016 đã đạt 212,7 tỷ USD. Tuy nhiên, điều khiến Chính phủ Trung Quốc lo ngại chính là làn sóng đầu tư này có thể là vỏ bọc cho việc chuyển tiền ra nước ngoài. Nhiều thập niên qua, đầu tư nước ngoài là lực đẩy quan trọng cho nền kinh tế Trung Quốc, thế nhưng giờ đây đang có dấu hiệu cho thấy tiền của Trung Quốc bắt đầu được chuyển ra nước ngoài trong khi tăng trưởng chững lại, còn sức mua của người dân và các dịch vụ vẫn chưa đủ mạnh để tạo động lực mới cho nền kinh tế. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết sẽ sử dụng các biện pháp kiềm chế rủi ro để quản lý các nguồn vốn ra, vào Khu vực thương mại tự do Thượng Hải, nhằm bảo đảm nguồn vốn vào sẽ vượt quá nguồn vốn ra.

Kinh tế Nhật Bản

Nền kinh tế Nhật Bản gần như không tăng trưởng trong quý II năm 2016 cho dù Chính phủ nước này đã áp dụng chính sách chi tiêu mạnh mẽ. GDP của Nhật Bản chỉ tăng 0,2% trong quý II so với cùng kỳ năm 2015, thấp hơn dự báo của thị trường là sẽ tăng khoảng 0,7%, và là mức sụt giảm đáng kể so với mức tăng 2% trong quý I năm 2016(6). Tuy nhiên, trong quý IV năm 2016 kinh tế Nhật Bản tăng trưởng tương đối khả quan do sự suy yếu của đồng yên Nhật (JPY) sau chiến thắng của ông Đô-nan Trăm trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (ngày 8-11-2016) và kinh tế toàn cầu được cải thiện. Quyết định tăng lãi suất chuẩn của FED tại cuộc họp ngày 13 và 14-12-2016 cũng khiến đồng JPY bị mất giá mạnh so với đồng USD. Ngày 15-12-2016, đồng JPY tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2-2016, giao dịch ở mức 118,2 JPY/USD, thấp hơn 8,2% so với giá trị quan sát được trong cùng ngày của tháng 11-2016. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2015, đồng JPY vẫn tăng 2,9% so với đồng USD.

Đồng JPY giảm mạnh phản ánh kỳ vọng từ các chính sách của tân Tổng thống Mỹ Đ. Trăm sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Mỹ thông qua gói kích thích tài chính mạnh hơn và FED sẽ tăng lãi, qua đó mở rộng chênh lệch lãi suất Mỹ - Nhật Bản. Tình trạng này trái ngược với các động thái quan sát hồi đầu năm 2016. Tại thời điểm đó, triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn đã khiến đồng JPY tăng mạnh lên mức cao nhất kể từ gần ba năm qua. Nếu duy trì sự mất giá của đồng JPY có thể thúc đẩy xuất khẩu, dẫn đến cải thiện thu nhập của doanh nghiệp, lạm phát cao, đầu tư và sản xuất hoạt động mạnh hơn. Tuy nhiên, với các kế hoạch và chính sách chưa rõ ràng của ông Đ. Trăm sẽ khiến các nhà phân tích khó dự đoán sự lên xuống của đồng JPY trong những tháng tới(7).

Kinh tế Ấn Độ

Năm 2016, kinh tế Ấn Độ đạt mức tăng trưởng GDP là 7% (thấp hơn dự báo 7,5% trước đây và thấp hơn so với tốc độ tăng 7,6% của năm 2015) do đầu tư có xu hướng sụt giảm, nông nghiệp phát triển chậm và chịu sự tác động tiêu cực của việc Chính phủ nước này thu hồi tiền giấy mệnh giá 500 ru-pi (tương đương 7,5 USD) và 1.000 ru-pi vào tháng 11-2016. Điều này cho thấy, kinh tế Ấn Độ đã chững lại trong nửa cuối năm 2016. Bởi vậy, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) đã quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống còn 6,25%/năm, mức thấp nhất trong 6 năm qua nhằm thúc đẩy kinh tế Ấn Độ tăng trưởng mạnh hơn. Đây là động thái đầu tiên của Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia Ấn Độ (MPC) sau khi Thống đốc U. Pa-ten (Urjit Patel) nhậm chức vào đầu tháng 9-2016. Việc cắt giảm lãi suất trên đã được tính đến kể từ khi tỷ lệ lạm phát của nước này giảm mạnh, từ mức 6,07% (tháng 7-2016) xuống còn 5,05% (tháng 8-2016). Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu đến quý IV của năm tài khóa 2016 - 2017, lạm phát chỉ còn 5% nhằm hỗ trợ tăng trưởng. RBI cũng cho biết, Chính phủ Ấn Độ đã thông báo các biện pháp giúp kiểm soát giá lương thực tăng cao trong những tháng tới.

Các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á

Năm 2016, các nước đang phát triển trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có tốc độ tăng trưởng trung bình 5,8%, còn các nước trong khu vực Đông Nam Á duy trì mức tăng trưởng ổn định 4,5%. Trong đó, tại In-đô-nê-xi-a, tốc độ tăng trưởng sẽ tăng dần đều từ 4,8% (năm 2015) lên 5% (năm 2016). Tại Ma-lai-xi-a, tăng trưởng lại sụt giảm từ 5% (năm 2015) xuống còn 4,2% (năm 2016) do cầu thế giới về dầu mỏ và sản phẩm chế tạo suy giảm. Pa-pua Niu Ghi-nê sẽ giảm mức tăng trưởng xuống còn 2,4% năm 2016 trong khi tăng trưởng năm 2015 đạt 6,8%. Nguyên nhân là do giá cả và sản lượng quặng đồng và khí hóa lỏng đều giảm. Trái lại, Cam-pu-chia, Lào và Mi-an-ma vẫn sẽ tăng trưởng tốt. Trong khi đó, các nền kinh tế Nam Á có tốc độ tăng trưởng cao hơn khu vực Đông Nam Á, đạt mức 6,6%. Năm 2016, Mông Cổ có tốc độ tăng trưởng là 2,3%.

Dự báo bức tranh kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2017

Tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và kinh tế châu Á - Thái Bình Dương nói riêng trong năm 2017 được dự báo sẽ phục hồi nhẹ, song còn tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn, như: 1- Tốc độ tăng trưởng chậm tại các nền kinh tế phát triển; 2- Suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc và một số nền kinh tế mới nổi; 3- Thương mại toàn cầu yếu và dòng vốn giảm; 4- Sự kiện Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, và châu Âu chưa thoát khỏi nhiều vấn đề nan giải cả về kinh tế lẫn xã hội; 5- Tình hình tài chính tiền tệ và giá cả hàng hóa, trong đó đặc biệt là giá dầu mỏ biến động phức tạp.

Bên cạnh đó, kinh tế châu Á - Thái Bình Dương sẽ còn phụ thuộc vào động thái của các nền kinh tế lớn, như: 1- FED nâng lãi suất lên 25 điểm cơ bản sẽ khiến GDP toàn cầu thấp hơn 0,4 điểm phần trăm, GDP thực tế của Mỹ giảm khoảng 0,5 điểm phần trăm; 2- Giá dầu mỏ cao hơn giúp thúc đẩy GDP của các nước xuất khẩu dầu mỏ tăng, trong khi đó các nước nhập khẩu dầu mỏ, như Xin-ga-po, Hàn Quốc và In-đô-nê-xi-a sẽ có mức giảm GDP lớn nhất trong khoảng 0,25 - 0,5 điểm phần trăm do các nước sản xuất và xuất khẩu dầu chủ chốt trong và ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đồng ý cắt giảm sản lượng(8); 3- Giá chứng khoán giảm 6% do đợt bán tháo mạnh trong thị trường chứng khoán thế giới “tạo nên lực cản đáng kể với tăng trưởng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương” trong năm 2017(9); 4- Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại (nếu Trung Quốc tăng trưởng chậm lại 1 điểm phần trăm, GDP toàn cầu (không gồm Trung Quốc) sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm; các nền kinh tế mới nổi có quan hệ kinh tế, tài chính mật thiết với Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất); 5- Đồng NDT bị phá giá cũng làm cho kinh tế các nước bị ảnh hưởng, tuy nhiên nó gây ra ít lo ngại hơn so với việc kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại.

Với những diễn biến nêu trên, nhiều khả năng kinh tế thế giới năm 2017 có mức tăng trưởng đạt 3,3%(10), trong khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới năm 2017 chỉ tăng 3,2% và quy mô của ba nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương nằm trong tốp 10 nền kinh tế lớn nhất.

Kinh tế Mỹ

Năm 2017, dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn đạt mức 2,2% và tới năm 2018 có mức tăng trưởng là 3% dựa trên giả định nền kinh tế Mỹ chưa chịu nhiều ảnh hưởng từ sự kiện Brexit, lãi suất sẽ được tăng một cách dần dần, tình hình ngân sách cũng như tài chính doanh nghiệp được cải thiện; thị trường nhà đất tiếp tục hồi phục; nhu cầu của thị trường trong nước sẽ giúp bù đắp áp lực suy giảm tăng trưởng từ việc đồng USD mạnh lên, tăng trưởng chậm của các đối tác thương mại và sản xuất công nghiệp suy yếu(11).

Bên cạnh đó, sau khi Tổng thống đắc cử Đ. Trăm(12) tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-1-2017, người ta còn hy vọng vào những chính sách mới của tân Tổng thống Mỹ có lợi cho sản xuất, như: 1- Việc cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp lớn nhằm kích thích đầu tư, từ đó tạo ra nhiều việc làm và kích thích tiêu dùng; 2- Cam kết chi 550 tỷ USD để nâng cấp kết cấu hạ tầng yếu kém nhằm vực dậy nền kinh tế Mỹ. Những chính sách này của Mỹ sẽ đem lại cho kinh tế thế giới một “cú huých” mạnh, giúp nền kinh tế toàn cầu có những chuyển động tích cực. Do vậy, chính sách lãi suất cao hơn có thể được áp dụng ở Mỹ trong năm 2017.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố hậu thuẫn cho đà tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2017, có thể thấy vẫn có một số yếu tố cản trở: làn sóng phản đối hội nhập kinh tế quốc tế đang gia tăng có thể khiến việc trì hoãn hoặc thậm chí việc Chính phủ Mỹ hủy bỏ thông qua một số hiệp định thương mại quan trọng, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP),...

Kinh tế Trung Quốc

Trung Quốc tiếp tục quá trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng chậm nhưng bền vững hơn, tốc độ tăng trưởng sẽ giảm nhẹ xuống còn 6,2% (năm 2017) và 6,3% (năm 2018) do nền kinh tế tiếp tục quá trình tái cân đối theo hướng tăng trưởng dựa trên tiêu dùng, phát triển dịch vụ, tăng cường giá trị gia tăng và Chính phủ thực hiện cắt giảm dư thừa công suất sản xuất công nghiệp(13). Các ưu tiên trước mắt của Trung Quốc, bao gồm: đẩy nhanh cải cách doanh nghiệp và kiểm soát tốt tăng trưởng tín dụng; giảm thiểu rủi ro tích tụ về tài chính trong nước và ngoài nước; duy trì một khoảng đệm tài khóa và mở rộng nguồn thu ngân sách...

Trung Quốc cũng sẽ từ từ nâng nền kinh tế lên trong chuỗi giá trị bằng cách tự sản xuất và lắp ráp nhiều sản phẩm mà nước này đã từng phải nhập khẩu với mục tiêu tăng khả năng tự cấp. Tuy nhiên, do việc thoái vốn gần đây và “cú sốc” trong cán cân thanh toán nên có thể đưa tới động thái vội vàng tự do hóa chế độ tiền tệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, làm cho đồng NDT có thể mất giá cho dù khả năng này là rất khó trong 12 tháng tới. Dù vậy, các chuyên gia kinh tế vẫn cảnh báo các đầu tư cần chuẩn bị cho tình trạng đồng NDT suy yếu nếu trường hợp này xảy ra(14). Nếu vậy, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phát triển chậm lại, và điều đó sẽ tác động đáng kể, lâu dài tới nền kinh tế toàn cầu và cuối cùng tác động lên cả hệ thống kinh tế quốc tế trong nhiều thập niên tới. Cùng với đó, thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng nhu cầu của Trung Quốc giảm sau nhiều thập niên tăng trưởng kỷ lục.

Kinh tế Nhật Bản

Kinh tế Nhật Bản được dự báo tiếp tục trì trệ trong năm 2017 do những bất ổn trong nội tại nền kinh tế và sẽ chỉ đạt mức 2,2%(15). Tiêu dùng cá nhân thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao và tình trạng thiếu lao động do ảnh hưởng của sự già hóa dân số là những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến những nỗ lực chính sách của Chính phủ Nhật Bản. Bên cạnh đó, nhu cầu của thị trường thế giới sụt giảm nhiều sẽ có ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu cho dù Nhật Bản vẫn tiếp tục duy trì chính sách đồng JPY yếu. Tuy nhiên, việc thi hành chính sách đồng JPY yếu sẽ có ảnh hưởng đến sản xuất trong nước bởi một lượng lớn hàng hóa phục vụ cho sản xuất phải được nhập khẩu.

Thêm vào đó, lạm phát ở Nhật Bản có thể tăng làm thay đổi dòng vốn do giá dầu mỏ có xu hướng tăng lên cao hơn và đồng JPY yếu hơn. Điều đó buộc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) phải hành động bằng cách nâng lãi suất mục tiêu của trái phiếu 10 năm lên. Động thái trên có thể có tác động đến toàn cầu vì cả lạm phát và lãi suất trái phiếu toàn cầu có mối tương quan cao. Ngoài ra, cuộc bầu cử ở Nhật Bản trong năm 2017 sẽ là phép thử đối với Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê và có nhiều khả năng ông sẽ chiến thắng, uy tín của ông S. A-bê sẽ được củng cố. Điều này đồng nghĩa với việc bất cứ sự kiện nào làm hỏng sự ổn định này cũng sẽ tạo ra “cú sốc” lớn đối với thị trường.

Kinh tế Ấn Độ

Ấn Độ được dự báo tăng trưởng ấn tượng ở mức 7,5% - 7,8% năm 2017 do những kỳ vọng về sự hồi phục của ngành nông nghiệp do có thời tiết thuận lợi, những cải cách về thanh toán dịch vụ dân sự hỗ trợ cho tiêu dùng, việc tăng những đóng góp tích cực từ hoạt động xuất khẩu, sự phục hồi của đầu tư tư nhân trong thời gian trung hạn, những chính sách thúc đẩy kinh tế, như việc thông qua thuế hàng hóa và dịch vụ (GST). Cho dù đạt được thành công gần đây trong việc giảm nghèo nhưng những thành quả này của Ấn Độ vẫn còn bấp bênh.

Bên cạnh đó, những rủi ro “làm sụt giảm tăng trưởng đáng kể” của Ấn Độ trong ngắn hạn, như tình trạng bất ổn định của môi trường toàn cầu, biến động về giá hàng hóa, việc Anh rút khỏi EU ảnh hưởng tới thương mại toàn cầu, sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc có thể làm trì hoãn sự phục hồi nhu cầu từ bên ngoài. Đồng thời, việc Chính phủ Ấn Độ đặt ra các mục tiêu tham vọng nhằm tăng nguồn thu nhưng nếu những mục tiêu này không đáp ứng được thì có nguy cơ chi tiêu xã hội có thể bị cắt giảm để đáp ứng các mục tiêu tài khóa hoặc có thể làm cho các mục tiêu tài khóa không đạt được, từ đó làm giảm mức độ tin cậy của chính sách tài chính.

Kinh tế các nền kinh tế đang nổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Nhìn chung, các nền kinh tế đang nổi đang phải đối mặt với một giai đoạn khó khăn. Các nền kinh tế đang nổi dễ bị tổn thương bởi sự mất giá thường xuyên của đồng nội tệ so với USD (giá trị USD vẫn đang ở mức cao), dự trữ ngoại hối giảm, nợ ngoại tệ của doanh nghiệp cao và sự sụt giảm của giá nguyên liệu thô. Rủi ro cũng có thể tới từ việc kinh tế Trung Quốc hay Nhật Bản tăng trưởng chậm hơn dự kiến. USD tăng giá, nghĩa là gánh nặng về các khoản nợ bằng USD của các doanh nghiệp sẽ lớn hơn.

Các nền kinh tế mới nổi trong cả khu vực Đông Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ tăng trưởng 5,7% giai đoạn 2017 - 2018, trong khi các nước Đông Nam Á chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 4,6% trong năm 2017, còn các nền kinh tế Nam Á sẽ có mức tăng là 7,3%. Trong số các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á, viễn cảnh cho Phi-líp-pin có vẻ sáng nhất với tốc độ tăng trưởng dự kiến là 6,4%; Việt Nam sẽ phục hồi và đạt 6,3% trong năm 2017. Tại In-đô-nê-xi-a, tốc độ tăng trưởng sẽ tăng dần đều lên 5,5% trong năm 2017 và 2018 nhưng điều đó còn phụ thuộc vào việc liệu đầu tư công có tăng hay không, môi trường đầu tư có được cải thiện hay không, cũng như thu ngân sách có tăng hay không. Viễn cảnh tăng trưởng suy yếu đáng kể tại các nền kinh tế nhỏ, nhất là tại các nước xuất khẩu nguyên vật liệu, như Mông Cổ và Đông Ti-mo có mức tăng trưởng dự kiến sẽ chỉ đạt 0,1% do giá khoáng sản xuất khẩu thấp, chính phủ buộc phải kiểm soát nợ và giải quyết các rủi ro về bền vững tài khóa. Tuy tốc độ tăng trưởng của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương được dự báo là không cao như trước đây và còn phải đối mặt với một số khó khăn trong năm 2017, nhưng vẫn được xem là khả quan trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn.

Tóm lại, dự kiến tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vẫn sẽ mạnh trong ba năm tới là do nhu cầu vẫn sẽ duy trì ở mức cao trong toàn khu vực, trong khi giá nguyên vật liệu sẽ giữ ở mức thấp và mang lại lợi ích cho các nước nhập khẩu và làm cho lạm phát giữ ở mức thấp trong hầu hết các nước trong khu vực. Tuy nhiên, các nước trong khu vực vẫn phải đối mặt với một số thách thức đáng kể, trong đó có tình trạng tăng trưởng ì ạch tại các nền kinh tế phát triển, viễn cảnh không mấy sáng sủa tại hầu hết các nền kinh tế đang phát triển và thương mại toàn cầu bị đình trệ. Bởi vậy, các nước cần thực hiện các biện pháp nhằm giảm yếu kém về tài khóa và tài chính. Trong dài hạn, các nước phải gỡ bỏ các hạn chế để tăng trưởng bền vững và hòa nhập, kể cả các biện pháp, như khắc phục yếu kém về kết cấu hạ tầng, giảm bớt tình trạng suy dinh dưỡng và thúc đẩy hội nhập tài chính.

Thương mại thế giới năm 2017 được dự báo sẽ phục hồi ở mức 4,6% do kỳ vọng từ hiệu ứng mang lại từ một loạt hiệp định thương mại tự do quan trọng. Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang đứng trước những thách thức không nhỏ với hai sự kiện đáng chú ý là Brexit và bầu cử Tổng thống Mỹ, sẽ có thể là nhân tố cản trở đà hồi phục của thương mại thế giới. Hơn nữa, sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ và nguy cơ trả đũa thương mại có thể làm mất đi phần lớn tác động tích cực của các sáng kiến về chính sách tài khóa đối với tăng trưởng của từng quốc gia cũng như cả thế giới, đẩy các nước châu Á - Thái Bình Dương lâm vào tình trạng tài chính khó khăn.

Thêm vào đó, để thúc đẩy phát triển bền vững trong năm 2017 và các năm tiếp theo, các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần giải quyết những bất cập về kết cấu hạ tầng bằng cách cơ cấu lại chi tiêu công, tăng cường hợp tác công - tư và tăng cường hiệu quả đầu tư công. Bên cạnh đó, các nước trong khu vực cần cải cách cơ cấu nhằm tăng năng suất, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ nhu cầu nội địa mới có thể giúp duy trì động lực tăng trưởng của khu vực. Ngoài ra, các nước cần áp dụng công nghệ vào dịch vụ tài chính để tăng cường mức độ hòa nhập tài chính./.

----------------------------------------

(1) Đây là kết luận của nghiên cứu được Giám đốc Kinh tế toàn cầu Đa-vít Hen-xlây (David Hensley) thuộc Ngân hàng JPMorgan Chase (Niu Oóc, Mỹ) đưa ra. Nghiên cứu của ông Đ. Hen-xlây đo độ lệch chuẩn của tăng trưởng GDP hằng quý, hằng năm tại các thị trường đang phát triển và phát triển chính, cùng với một số khu vực được chọn lựa. Xem: Báo Thanh Niên Online, ngày 21-7-2016

(2) Theo bà Ca-thơ-rin Man (Catherine Mann) - nhà kinh tế trưởng của OECD, nếu hoạt động thương mại có thể quay trở lại mức tăng như những năm 1990 và 2000, tăng trưởng kinh tế có thể hồi phục về mức trước khủng hoảng tài chính (BNEWS.VN, ngày 24-9-2016)

(3) Trung Việt: “Kinh tế Mỹ khả quan, FED sẽ tăng lãi suất”, Thời báo Kinh tế Việt Nam, số ra ngày 16 và 17-12-2016

(4) Tập Cận Bình: “Thông điệp năm 2017 của Tập Cận Bình”, VnExpress, ngày 1-1-2017

(5) Hiện nay, giá trị các khoản đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc đạt 145,9 tỷ USD chỉ trong 9 tháng đầu năm 2016, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Thương vụ gây chú ý nhất là việc Tập đoàn Hóa chất quốc gia Trung Quốc thương lượng mua lại Syngenta AG - một tập đoàn Thụy Sĩ chuyên sản xuất hóa chất công nghiệp. Vụ mua bán này dự kiến trị giá 43 tỷ USD

(6) Số liệu được công bố sau khi Chính phủ Nhật Bản đưa ra gói kích thích kinh tế lớn mới trị giá 28.000 tỷ JPY (265 tỷ USD)

(7) Tờ Focus Economics cho biết, các chuyên gia dự báo đồng JPY giao dịch ở mức 117,7 JPY/USD vào cuối năm 2017 và 119,4 JPY/USD trong năm 2018

(8) Giá dầu thế giới năm 2017 được dự báo sẽ hồi phục do thỏa thuận đóng băng và giảm sản lượng của các nước OPEC và các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt ngoài OPEC từ cuối 2016 trong khi nhu cầu dầu vẫn có xu hướng tăng ở một số nền kinh tế đang nổi, đặc biệt là Ấn Độ. Ngày 30-11-2016, các nước OPEC đưa ra kế hoạch cắt giảm sản lượng từ 33,6 triệu thùng/ngày xuống còn 32,4 triệu thùng/ngày (giảm 1,2 triệu thùng/ngày), theo đó A Rập Xê-út giảm 486.000 thùng xuống còn 10,1 triệu thùng/ngày; I-rắc giảm 210.000 thùng xuống còn 4,4 triệu thùng/ngày; UAE giảm 139.000 thùng xuống còn 2,9 triệu thùng/ngày; I-ran giảm còn 3,8 triệu thùng/ngày. Tới ngày 12-12-2016, 11 nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt ngoài OPEC cũng tuyên bố cắt giảm sản lượng từ ngày 1-1-2017, theo đó Nga cam kết cắt giảm 300.000 thùng/ngày; 10 nước còn lại, gồm: A-déc-bai-gian, Ca-dắc-xtan, Ô-man, Mê-hi-cô, Xu-đăng, Nam Xu-đăng, Ba-ren, Ghi-nê xích đạo, Bru-nây và Ma-lai-xi-a cam kết cắt giảm 300.000 thùng/ngày

(9) Thu Thảo: “Người thắng, kẻ bại trong 6 kịch bản kinh tế thế giới”, Báo Thanh Niên Online, ngày 9-9-2016

(10) Triển vọng kinh tế thế giới 2017 và một số tác động tới kinh tế Việt Nam, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), ngày 28-11-2016

(11) Cùng với đó, với nhận định kinh tế Mỹ có thể hưởng lợi từ chính sách tăng cường chi tiêu công và cắt giảm thuế của của Tổng thống đắc cử Mỹ Đ. Trăm, OECD cho rằng kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng 2,3 % năm 2017, cao hơn mức dự kiến tăng 2,1% trước đó. Năm 2018, kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng 3%. Xem: Anh Quân: “OECD nâng dự báo kinh tế thế giới năm 2017”, Tin kinh tế, TTXVN, ngày 29-11-2016

(12) Ông Đ. Trăm được Tạp chí Forber (Mỹ) đánh giá có khối tài sản trị giá 3,7 tỷ USD với hơn 500 doanh nghiệp khác nhau trong các lĩnh vực kinh doanh của mình

(13) Theo ông Xtin Gia-cốp-xen (Steen Jakobsen) thuộc Ngân hàng Saxo (Đan Mạch), Trung Quốc có thể tạo gói kích thích tài chính, tiền tệ khổng lồ, vốn có thể mở cửa các thị trường vốn, kích thích tăng trưởng khu vực dịch vụ và thực hiện thành công đợt xoay chuyển nền kinh tế từ chỗ phụ thuộc vào công nghiệp, kết cấu hạ tầng sang thiên về dịch vụ, tiêu dùng. Khi đó, tình hình lạc quan sẽ giúp chỉ số Shanghai Composite lên đến 5.000 điểm, hơn khoảng 55% so với ngưỡng hiện thời. Hơn nữa, tổng chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc trong 15 năm tới sẽ lớn hơn tổng chi tiêu của người tiêu dùng châu Âu. Xem: Thu Thảo: “10 dự báo “thái quá” về kinh tế thế giới năm 2017”, Báo Thanh Niên Online, ngày 11-12-2016. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Kinh tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc vừa đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2017 giảm xuống còn 6,5% và có thể thoát đáy từ năm 2018. Xem: Trung Việt: “Kinh tế châu Á ít biến động trong năm 2017”, Thời báo Kinh tế Việt Nam, ngày 15-12-2016

(14) Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã thực hiện nhiều động thái để giữ giá trị đồng NDT ở mức cao, đồng thời sử dụng dự trữ ngoại hối để bảo vệ giá trị đồng tiền này cho dù việc phá giá có quản lý đã là chuyện thường ngày đối với đồng NDT. Xem: Thu Thảo, tài liệu đã dẫn, Báo Thanh Niên Online, ngày 10-12-2016; Mai Phương: “10 dự báo kinh tế thế giới 2017”, Báo Thanh Niên Online, ngày 22-11-2016

(15) Tuy nhiên, kinh tế Nhật Bản vẫn còn sáng hơn kinh tế Hàn Quốc do những bất ổn trong và ngoài Hàn Quốc, nhất là sự bất ổn chính trị cũng như quyết định của hãng điện tử Samsung về việc ngừng sản xuất dòng điện thoại Galaxy Note 7. Xem: Trung Việt: tài liệu đã dẫn, Thời báo Kinh tế Việt Nam, ngày 15-12-2016