TCCSĐT - Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại thành phố Bonn (Đức) trong hai ngày 16 và 17-02 được coi là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7-2017, nơi G20 tìm ra hướng tháo gỡ những thách thức để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tiến tới mục tiêu góp phần định hình một thế giới kết nối.

G20 khẳng định vai trò định hình một thế giới kết nối

 
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 tại Bonn (Đức). Ảnh: TTXVN

Kể từ Hội nghị thượng đỉnh G20 tháng 9-2016 ở Trung Quốc, thế giới chứng kiến nhiều biến đổi khôn lường, nền kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, khiến tốc độ tăng trưởng chậm chạp, thương mại và đầu tư toàn cầu gặp nhiều khó khăn, trong khi G20 vẫn trong giai đoạn định hình hướng phát triển sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Bên cạnh đó, kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11-2016 với một loạt quyết sách phản đối quá trình toàn cầu hóa và chủ trương xem xét lại các hiệp định thương mại tự do đa phương của tân Tổng thống Mỹ D. Trump đã “phủ bóng đen” lên hệ thống kinh tế - tài chính thế giới. Chủ nghĩa dân túy có xu hướng thắng thế tại nhiều nước, đặc biệt là những nước đang chuẩn bị bước vào các cuộc bầu cử quan trọng ở châu Âu, cũng khiến làn sóng phản đối quá trình toàn cầu hóa lan rộng, đồng thời khiến nhiều quốc gia quay sang những biện pháp bảo hộ thương mại trong nước, vốn bị coi là rào cản đối với động lực tăng trưởng. Việc nước Anh lựa chọn một kịch bản “Brexit cứng”, rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và giảm quan hệ xuống chỉ còn ở mức các thỏa thuận thương mại đơn thuần, được dự báo sẽ gây thiệt hại đáng kể cho cả nước Anh lẫn EU, hai thành viên chủ chốt của G20,… là những diễn biến xấu đối với việc tái khẳng định vai trò của G20 đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

Trước bối cảnh trên, Đức - quốc gia hiện giữ chức Chủ tịch G20 đã chọn chủ đề xuyên suốt chương trình nghị sự của các hội nghị năm nay là “Định hình một thế giới kết nối”, trong đó ưu tiên 3 trọng tâm gồm: tạo dựng nền tảng tự cường, tăng cường tính bền vững và tăng cường tính trách nhiệm. Mục tiêu hàng đầu vẫn là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, chống biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải, chống dịch bệnh, y tế, an sinh xã hội. G20 cũng ưu tiên thúc đẩy thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, hỗ trợ các nước châu Phi, hợp tác xử lý các thách thức di cư quốc tế, lao động - việc làm, bình đẳng giới…

Với quy mô chiếm 2/3 dân số thế giới, 85% GDP toàn cầu và 80% thương mại quốc tế, G20 đang nỗ lực khẳng định khả năng và tầm ảnh hưởng lớn trong việc hoạch định và dẫn dắt nền kinh tế thế giới. Cùng với sự kết nối và phối hợp với các thể chế quốc tế khác, G20 đang tiếp tục đóng góp tích cực vào việc tái lập và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy kinh tế thế giới vượt qua khủng hoảng. Tuyên bố chung của Hội nghị nêu cao vai trò của cơ chế hợp tác đa phương giải quyết mọi thách thức toàn cầu. Theo đó, Hội nghị đạt được những thỏa thuận: Đánh giá môi trường hòa bình, ổn định là điều kiện tiên quyết đối với phát triển bền vững; đưa ra các biện pháp ngăn ngừa và giảm thiểu các bất ổn, xung đột; kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, phát huy vai trò của các tổ chức quốc tế, trong đó Liên hợp quốc là trung tâm, trong việc xử lý các thách thức đang nổi lên như đói nghèo, dịch bệnh, bất bình đẳng xã hội, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, khủng hoảng di cư...

Khẳng định bảo đảm phát triển bền vững, bao trùm, bảo đảm không ai và không khu vực nào bị bỏ lại ở phía sau là phương thức tốt nhất để duy trì bền vững hòa bình, ổn định; kêu gọi quốc tế có hành động cụ thể, có trách nhiệm để thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc; nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác toàn cầu và khu vực, huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; kêu gọi các nước phát triển tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển, thực hiện đúng khuyến nghị của Liên hợp quốc về mục tiêu cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho các nước đang phát triển... Hội nghị nhấn mạnh ODA và hỗ trợ phát triển nói chung không phải là “sự hào phóng” hay lòng tốt một chiều mà chính là đáp ứng cả lợi ích của các nước phát triển.

Nhấn mạnh việc hỗ trợ các nước châu Phi duy trì hòa bình, ổn định và phát triển sẽ đóng góp quan trọng vào củng cố môi trường hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới; khẳng định các cam kết của các nước G20 về hỗ trợ các nước châu Phi, như thúc đẩy công nghiệp hóa, giáo dục - đào tạo, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường...

Mỹ và Canada: khẳng định quan hệ láng giềng

 
 Thủ tướng Canada Justin Trudeau gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: washingtontimes.com

Trong bối cảnh các tuyên bố chính sách của chính quyền Mỹ, đặc biệt là về bảo hộ kinh tế, thương mại đang gây ra không ít lo ngại cho Canada khi thương mại song phương của nước này với Mỹ chiếm gần 25% GDP, cuộc gặp giữa Thủ tướng Canada Justin Trudeau với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 13-02-2017 được đánh giá là quan trọng đối với Canada trong quan hệ láng giềng giữa hai nước.

Chuyến thăm chính thức Mỹ của Thủ tướng J. Trudeau lần này đã đạt được thành công về nhiều mặt và phần nào khiến các doanh nghiệp Canada yên tâm hơn về các thỏa thuận thương mại với Mỹ. Với cam kết vì “những lợi ích chung sâu sắc”, Mỹ và Canada đã nhất trí thúc đẩy mối quan hệ thương mại, “xây dựng các nhịp cầu” kinh tế qua biên giới. Tổng thống D. Trump nói rằng, “nước Mỹ may mắn có một nước láng giềng như Canada”, đồng thời đánh giá cao cơ hội thiết lập thêm các nhịp cầu kinh tế với Ottawa vì hai bên đều nhận thức được rằng, Mỹ và Canada sẽ mạnh mẽ hơn khi sát cánh cùng nhau trong lĩnh vực thương mại thế giới.

Đây cũng là dịp Thủ tướng J. Trudeau tái khẳng định, Mỹ và Canada “sẽ mãi là đối tác quan trọng nhất của nhau” và “cuộc hội đàm với Tổng thống D. Trump đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ song phương đối với người dân hai nước”. Một loạt thỏa thuận đạt được, đó là hai nước xúc tiến dự án cầu Gordie Howe nối thành phố Windsor (Canada) và Detroit (Mỹ), dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL; đẩy nhanh thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới; thảo luận về cách thức để tiếp tục tạo công ăn việc làm tốt cho người dân ở cả hai nước. Ngoài ra, Mỹ ủng hộ kế hoạch của Canada về việc đấu thầu thay thế phi đội tiêm kích CF-18 bằng 18 chiếc F-18 Super Hornet. Mỹ cũng đánh giá cao đóng góp quân sự của Canada, bao gồm nỗ lực chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và sự hiện diện ở Latvia.

Tuy nhiên, dù đã nhất trí được về nhiều vấn đề quan trọng như tăng cường hợp tác quân sự và thương mại, nhưng hai bên vẫn có nhiều bất đồng, trong đó có chính sách về di trú. Quan điểm của Canada đưa ra là Ottawa sẽ tiếp tục chào đón người tị nạn song song với việc bảo đảm an ninh. Trong khi đó, Tổng thống D. Trump lên tiếng bảo vệ lệnh cấm người tị nạn vào Mỹ và tuyên bố sẽ quyết tâm theo đuổi chính sách này.

Về Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) - một thỏa thuận ba bên giữa Mỹ, Canada, Mexico và đang là chủ đề gây tranh cãi sau khi Tổng thống D. Trump tuyên bố muốn đàm phán lại thỏa thuận này để bảo đảm lợi ích cho Mỹ - Thủ tướng J. Trudeau mong muốn Tổng thống D. Trump sẽ loại bỏ các biện pháp bảo hộ trong bất cứ nội dung thay đổi nào của NAFTA, bởi các biện pháp như vậy gây phương hại đối với chính người dân Mỹ. Theo số liệu của Chính phủ Canada, khoảng 9 triệu việc làm tại Mỹ phụ thuộc vào thương mại với Canada. Canada hiện là bạn hàng lớn nhất của 35/50 bang của Mỹ, trong đó chủ yếu là các bang ở miền Trung - Tây Mỹ, khu vực vốn giúp mang lại chiến thắng cho Tổng thống D. Trump trong cuộc bầu cử vừa qua. Tuy nhiên, Tổng thống D. Trump đã trấn an Canada rằng, điều ông băn khoăn nhất là về thỏa thuận với Mexico, trong khi ngợi khen quan hệ thương mại giữa Mỹ và Canada là “rất nổi trội”.

Hội nghị An ninh Munich: Thử thách sự gắn kết Mỹ và các nước đồng minh châu Âu

 
 Hội nghị An ninh Munich 2017. Ảnh: sputniknews.com

Trong ba ngày, từ ngày 17 đến ngày 19-02-2017, tại thành phố Munich (Đức) đã diễn ra Hội nghị An ninh quốc tế với sự tham dự của các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới, các nhà ngoại giao và giới chức quốc phòng.

Diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và NATO đang trở nên bấp bênh sau khi Tổng thống Mỹ D. Trump tuyên bố Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) - tổ chức suốt 70 năm qua luôn được xem là trụ cột cho an ninh của châu Âu - đã trở nên lỗi thời và chỉ trích các chính sách của Thủ tướng Đức A. Merkel. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) hiện đang gặp nhiều vấn đề nội tại, từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, tâm lý hoài nghi vào tương lai của châu Âu, cho tới việc nước Anh quyết định rời khỏi EU hay còn gọi là Brexit... Những yếu tố này dường như đang đẩy cả EU vào giai đoạn khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử. Châu Âu hiện muốn làm rõ quan điểm của Washington, đặc biệt là các chính sách của Nhà Trắng đối với Nga, lập trường với Trung Quốc, hướng giải quyết tình hình Syria, cuộc chiến chống khủng bố… Chính vì vậy, tại hội nghị lần này, tương lai quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận. Theo đó, các vấn đề “nóng” ảnh hưởng tới hòa bình và an ninh toàn cầu được đưa ra, như cuộc chiến chống khủng bố, cuộc khủng hoảng tại Ukraine, cuộc xung đột ở Syria, thỏa thuận hạt nhân Iran, chính sách của Mỹ đối với NATO, quan hệ Mỹ - EU, Mỹ - Nga,...

Với bài phát biểu được mong đợi tại Hội nghị, Phó Tổng thống Mỹ M. Pence cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ và sát cánh với EU, cùng hợp tác trên cơ sở của những lý tưởng chung và duy trì các cam kết với liên minh quân sự NATO. Tuy nhiên, Phó Tổng thống M. Pence cũng yêu cầu phải có sự chia sẻ công bằng hơn trong việc gánh vác trách nhiệm chung trong NATO và cho rằng, việc các quốc gia thành viên NATO không tăng chi tiêu quốc phòng có thể làm xói mòn những giá trị cốt lõi của khối hiệp ước quân sự này. Mặc dù khẳng định lập trường ủng hộ NATO và châu Âu, Phó Tổng thống Mỹ cũng không quên đề cập tới mối quan hệ với Nga, quốc gia đang giữ vai trò ngày càng nổi bật trong các vấn đề quốc tế. Ông M. Pence khẳng định, chính quyền mới tại Mỹ vẫn đang tìm kiếm các biện pháp mới để thống nhất lập trường chung với Nga.

Trước những tuyên bố trên của Phó Tổng thống M. Pence, dường như các đồng minh châu Âu chưa thực sự an lòng. Nhiều quan chức còn băn khoăn rằng, liệu nước Mỹ có thực sự đồng hành với châu Âu trong mọi vấn đề. Cựu Phó tổng thư ký NATO A. Vershbow bày tỏ lo ngại, liệu những phát biểu đó có thực sự là một chính sách hay không, còn Bộ trưởng Quốc phòng Pháp lại tỏ ra thất vọng. Chưa kể, tại phiên bế mạc, Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich, ông W. Ischinger đã cảnh báo, các nước châu Âu sắp tổ chức bầu cử cần cẩn trọng, tránh thể hiện những chính sách thể hiện lập trường ủng hộ hoặc phản đối chính quyền mới tại Mỹ. Ông W. Ischinger nhấn mạnh, các quốc gia châu Âu cần giảm bớt nguy cơ xuất hiện chia rẽ trong các chiến dịch tranh cử, liên quan tới quan điểm ủng hộ hoặc phản đối yêu cầu các nước này tăng cường chi tiêu quốc phòng của Mỹ. Bên cạnh đó, ông W. Ischinger cũng đề xuất các quốc gia châu Âu là thành viên NATO chi 3% GDP cho quốc phòng, hỗ trợ phát triển, cứu trợ nhân đạo, cũng như thiết lập cơ chế giải quyết khủng hoảng trên toàn thế giới.

Có thể thấy, dù Mỹ đã cam kết sẽ vẫn đứng về phía các đồng minh lâu năm, ủng hộ sự duy trì của NATO. Song, không thể phủ nhận rằng, một số thay đổi về cách nhìn nhận của chính quyền Tổng thống D. Trump đối với các vấn đề hiện nay của thế giới nói chung và châu Âu nói riêng đang thử thách sự gắn kết, việc củng cố niềm tin của NATO. Dẫu vậy, những ràng buộc về lợi ích khiến khối liên minh không dễ bị hủy hoại bởi cả châu Âu và Mỹ vẫn cần sự hợp tác nhằm bảo đảm an ninh, cũng như củng cố vai trò và ảnh hưởng toàn cầu.

Đàm phàn hòa bình Libya: tiến triển tích cực

 
 Lực lượng trung thành với Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya gác tại một trạm kiểm soát ở thành phố Sirte. Ảnh: THX/TTXVN

Các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Libya và lực lượng đối lập đã kết thúc ngày 15-02 với việc các bên đạt được “nhận thức chung” có thể tạo nền tảng cho một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 6 năm qua ở Libya. Đây cũng là lần đầu tiên hai phe phái đối địch tại Libya gặp nhau tại thủ đô Cairo (Ai Cập). Theo đó, Ủy ban Hòa giải Ai Cập khẳng định, các bên có thể cụ thể hóa nhiều bước nhằm hướng tới một nghị quyết, bao gồm cả việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Libya vào năm 2018.

Các cuộc hòa đàm Libya ở Cairo có sự tham dự của người đứng đầu Chính phủ được Liên hợp quốc công nhận tại Libya Fayez Serraj và chỉ huy quân đội quyền lực nhất của phe đối lập ở quốc gia Bắc Phi, Tướng Khalifa Haftar, Chủ tịch Quốc hội được cộng đồng quốc tế thừa nhận của Libya Aguila Saleh. Ngoài ra, cuộc hòa đàm của Ủy ban Hòa giải Ai Cập do Ngoại trưởng Sameh Soukry và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội, Trung tướng Mahmoud Hegazi chủ trì.

Tại cuộc hòa đàm, các bên đã đề cập tới những bất đồng lớn hiện nay như thành lập và quyền hạn của Hội đồng Tổng thống, vị trí của Tướng K. Haftar, thủ lĩnh của lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) và sự mở rộng ghế thành viên trong Hội đồng Nhà nước tối cao - cơ quan trên thực tế giữ chức năng của Thượng viện - có trụ sở tại Tripoli. Quân đội Ai Cập cũng tuyên bố 4 bước để có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Libya. Một là, các phe phái sẽ thành lập một ủy ban chung gồm 15 thành viên từ Quốc hội và Hội đồng Nhà nước tối cao để thảo luận về sự phân bố quyền lực cho nhà nước Libya thống nhất. Hai là, Quốc hội sẽ đề xuất sửa đổi hiến pháp cần thiết để thực hiện thỏa thuận chính trị Libya được ký vào năm 2015 do Liên hợp quốc làm trung gian - còn được gọi là thỏa thuận Skhirat, bao gồm cả những đề xuất được điều chỉnh tại một hội nghị cũng được tổ chức tại Cairo vào tháng 12-2016. Sau đó, Quốc hội sẽ thông qua những sửa đổi và đề xuất này với sự đồng thuận của Ủy ban phân bổ quyền lực. Ba là, các bên sẽ tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống, dự kiến diễn ra chậm nhất là tháng 02-2018. Bốn là, các phe phái tại Libya sẽ thống nhất với nhau để xác định một Tổng thống lâm thời cho đến khi các cuộc bầu cử được tổ chức.

Cách đây 6 năm, “Mùa xuân Arab” đã nổ ra từ những giận dữ của người dân Libya nhằm phản đối chính quyền của Tổng thống M. Gaddafi, nhà lãnh đạo cầm quyền 42 năm ở nước này. Lybia liên tiếp chìm trong bất ổn, đối mặt với xung đột, chia rẽ, suy thoái kinh tế, chính biến diễn ra. Cho đến nay, bức tranh xung đột ở Libya vẫn chưa thể giảm màu “nóng”, bởi vậy, cộng đồng quốc tế hy vọng, việc Chính phủ Libya và lực lượng đối lập đạt được “nhận thức chung” lần này sẽ là “chìa khóa” mở ra cánh cửa hòa bình cho Libya./.