Các chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ

BTV (tổng hợp từ TTXVN)
22:58, ngày 26-01-2017

TCCSĐT - Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 03/CT-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội nhằm hoàn thành cơ bản các mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội đã được đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Thành phố Hồ Chí Minh khắc phục ùn tắc để người dân kịp về quê ăn Tết

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai ngay các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và Lễ hội Xuân 2017.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các bộ có liên quan kiên quyết xóa bỏ tình trạng xe dù, bến cóc, nhất là trong các ngày đầu, ngày cuối dịp nghỉ lễ, Tết; khảo sát và xử lý quyết liệt, triệt để hơn các điểm đen về ùn tắc giao thông, nhất là đối với các vị trí thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường các lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông vận tải, chính quyền địa phương sở tại và lực lượng thanh niên xung phong... ứng trực, phân luồng, hướng dẫn người tham gia giao thông, tránh xảy ra xung đột giao thông tại các vị trí này; huy động tối đa phương tiện phục vụ giao thông trong dịp Tết; kiên quyết không để người dân không kịp về quê ăn Tết vì lý do không có phương tiện giao thông.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về quản lý đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó có nhiệm vụ hạn chế tăng dân số trong khu vực nội đô ở một số khu vực trên địa bàn thành phố; tập trung rà soát lại toàn bộ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển giao thông vận tải đô thị; lưu ý bảo đảm mật độ xây dựng theo quy định; rà soát lại toàn bộ các dự án xây dựng nhà cao tầng trong nội đô; nghiên cứu xây dựng các đô thị vệ tinh vùng nhằm kéo giãn dân số ở khu vực nội đô thành phố; có lộ trình kiểm soát và hạn chế phương tiện cá nhân; tăng cường phát triển giao thông công cộng như xe buýt thường, xe buýt nhanh (BRT)…

Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương có liên quan nghiên cứu triển khai xây dựng các tuyến đường từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ về cảng Long An để giảm lưu lượng phượng tiện về Thành phố Hồ Chí Minh.

Mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất


Thủ tướng cũng yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh phải triển khai đầu tư các bến xe khách, xe tải bảo đảm kết nối đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; các bãi đỗ xe ngầm, nổi phục vụ giao thông tĩnh theo quy hoạch (đặc biệt khu vực trung tâm thành phố để hạn chế đỗ xe dưới lòng đường, vỉa hè, giảm ùn tắc giao thông); tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa giao thông; tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đối với người tham gia giao thông; chỉ đạo các lực lượng chức năng của địa phương phối hợp với các lực lượng của Bộ Công an tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự giao thông trên địa bàn.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương xây dựng các phương án đầu tư, nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25-2-2017.

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn 37 điểm có nguy cơ cao ùn tắc giao thông. Ngoài ra, trên một số tuyến đường hướng tâm, vành đai, xung quanh khu vực bến xe, nhà ga, các tuyến đường ra vào Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất... có lưu lượng giao thông lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm và khi có sự cố giao thông cũng như khi thời tiết xấu.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do việc tổ chức triển khai và quản lý quy hoạch xây dựng chưa tốt, việc kiểm soát dân số đô thị còn nhiều hạn chế, tổ chức không gian đô thị chưa hợp lý, công tác tổ chức giao thông còn nhiều bất cập...

Nâng cao chất lượng, giảm giá nhà ở xã hội

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 03/CT-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội nhằm hoàn thành cơ bản các mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội đã được đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Nâng cao chất lượng, giảm giá thành nhà ở

Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính... để huy động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động và người dân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố để cho người dân, công nhân lao động... được thuê, thuê mua và mua để cải thiện chỗ ở.

Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, tiếp tục nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, có cơ cấu sản phẩm nhà ở phù hợp, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp.

Để nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu, ban hành bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở xã hội, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng vật liệu mới... nhằm giảm giá thành nhà ở xã hội, cơ cấu sản phẩm nhà ở phù hợp, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu về y tế, giáo dục, văn hóa... trong các dự án xây dựng nhà ở và khu công nghiệp; nghiên cứu, đề xuất giải pháp, nguồn lực để giải quyết triệt để vấn đề nhà ở phòng, chống bão, lụt cho các hộ nghèo khu vực miền Trung.

Tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tham gia phát triển nhà ở xã hội


Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới, mạng lưới các cơ sở đào tạo nhất thiết phải kèm theo quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên kèm theo các khu chức năng dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao... theo quy định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các kết cấu hạ tầng thiết yếu như: trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội; đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động; nhất thiết phải sử dụng nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20% trong các dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10ha do các chủ đầu tư nộp và hỗ trợ từ ngân sách địa phương để đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân các khu công nghiệp, người nghèo, người thu nhập thấp tại các đô thị trên địa bàn theo quy định của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Đồng thời, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung đẩy mạnh việc triển khai các Chương trình nhà ở xã hội; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở cho thuê; công khai, minh bạch các đối tượng được hỗ trợ nhà ở xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện các chính sách, chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn./.