TCCSĐT - Sáng 04-01-2017, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trực tuyến “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” nhằm tổng kết công tác năm 2016, triển khai công tác năm 2017. Các đồng chí: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, chủ trì Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, với nỗ lực vượt bậc của ngành khoa học và công nghệ, thời gian qua, khoa học và công nghệ Việt Nam đã có những bước tiến lớn, tham gia tích cực vào giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, bám sát, phục vụ trực tiếp cho các ngành, các lĩnh vực trọng điểm của đất nước, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, ngành sản xuất.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoa học và công nghệ tiếp tục được hoàn thiện với tư tưởng xuyên suốt là lấy doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương thức quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tạo hành lang pháp lý rộng mở, bình đẳng đối với mọi thành phần công lập, ngoài công lập, nhà khoa học Việt Nam trong nước và ở nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã bắt đầu hình thành và đang phát triển nhanh, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới, kinh doanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu. Thị trường khoa học và công nghệ tiếp tục được thúc đẩy phát triển và bước đầu phát huy vai trò cầu nối, gắn kết hoạt động khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh. Các chợ công nghệ và thiết bị, sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức trung gian công nghệ ở quy mô quốc gia, vùng, địa phương đã góp phần quan trọng thúc đẩy cung cầu công nghệ, gia tăng số lượng và giá trị các giao dịch, mua bán công nghệ giữa doanh nghiệp với viện, trường. Hệ thống tiêu chuẩn đo lường chất lượng tiếp tục được củng cố, góp phần tạo môi trường kinh doanh công bằng cho doanh nghiệp và ngày càng hài hòa với các tiêu chuẩn thế giới và khu vực. Hệ thống bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ ngày càng hoàn thiện, phục vụ đắc lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và bảo vệ kết quả hoạt động sáng tạo và phù hợp với cam kết quốc tế.

Các lĩnh vực khoa học và công nghệ đều cùng vào cuộc, có những kết quả rõ rệt, phục vụ trực tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội; chính sách sử dụng, trọng dụng, tôn vinh cán bộ khoa học và công nghệ được ban hành và bước đầu đi vào cuộc sống; hoàn thiện quy định pháp luật để đẩy mạnh việc chuyển đổi tổ chức khoa học và công nghệ sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; phương thức xác định, tuyển chọn nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiếp tục được đổi mới, chuyển dịch theo hướng gắn trách nhiệm về kết quả cuối cùng và thực hiện cơ chế hậu kiểm.

Các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ đã có những tác động tích cực giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ. Việc huy động kinh phí ngoài ngân sách nhà nước để triển khai hoạt động khoa học và công nghệ tiếp tục được quan tâm thực hiện.

Công tác thông tin, truyền thông về khoa học và công nghệ tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh với nhiều hình thức thông tin phong phú, góp phần đưa các cơ chế, chính sách đổi mới về khoa học và công nghệ lan tỏa nhanh chóng, giúp xã hội hiểu hơn về vai trò và những đóng góp của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành khoa học và công nghệ còn nhiều khó khăn, bất cập cần giải quyết. Vì vậy, chưa hình thành được các lĩnh vực khoa học và công nghệ mũi nhọn, đạt trình độ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh bình đẳng với khu vực và thế giới.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thành tựu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của nước ta luôn có đóng góp quan trọng, trực tiếp của khoa học và công nghệ. Bên cạnh những thành tựu mà ngành khoa học và công nghệ đã đạt được, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn nêu ra những tồn tại, hạn chế đang kìm hãm khoa học và công nghệ của đất nước phát triển. Trong đó phải kể đến chỉ số sẵn sàng về khoa học và công nghệ của nước ta chỉ đứng thứ 92/140 quốc gia và vùng lãnh thổ, như vậy còn rất lạc hậu. Thủ tướng cho rằng, đây không phải do lỗi của các nhà khoa học mà do cơ chế của Nhà nước, sự phối hợp của các bộ, ngành chưa thực sự chặt chẽ. Bên cạnh đó, ngành khoa học và công nghệ còn để tình trạng nghiên cứu nhiều thứ, nhiều lĩnh vực nhưng ứng dụng ít.

Để khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ trong năm 2017 cũng như những năm tiếp theo, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cần quan tâm đến 5 yếu tố, đó là: Thể chế, cơ chế; môi trường; con người; nguồn lực; kết cấu hạ tầng và năng lực hội nhập quốc tế của đất nước. Ngoài ra, các yếu tố như năng lực kiến tạo, quản trị của Nhà nước cũng cần được chú trọng. Thủ tướng đề nghị, tinh thần chung là tạo những cơ chế, thể chế thông thoáng để khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ. Bộ Khoa học và Công nghệ cần đề xuất để tháo gỡ các thể chế đang kìm hãm khoa học và công nghệ phát triển.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ cần rà soát, đánh giá lại toàn bộ đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ trên cả nước để có đội ngũ cán bộ khoa học cân đối với một quốc gia gần 100 triệu dân; cần có chiến lược hoạch định khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, trong đó ưu tiên cho khoa học ứng dụng; nghiên cứu khoa học và công nghệ phải gắn với thị trường. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh phải tách khoa học ra khỏi hành chính, tránh tình trạng hành chính hóa khoa học. Quản lý khoa học chỉ nên dựa vào kết quả chứ không dựa vào quá trình.

Thủ tướng cho rằng, xây dựng ngành khoa học và công nghệ ở nước ta có nhiều thuận lợi vì có đội ngũ các nhà khoa học đông đảo, có trình độ chuyên môn cao. Nhưng Thủ tướng cũng yêu cầu cán bộ khoa học và công nghệ không chỉ giỏi khoa học mà còn phải biết làm kinh tế thông qua việc thương mại hóa các nghiên cứu của mình. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẵn sàng lắng nghe để cùng tháo gỡ khó khăn cho ngành khoa học và công nghệ và đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị trong hệ thống bấm sát thực tiễn, lắng nghe cuộc sống. Các bộ cần phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trong nhiều lĩnh vực, cùng chung tay trong phát triển khoa học và công nghệ; quan tâm đến công tác tham mưu, đề xuất chính sách./.