TCCSĐT - Ngày 29-12, tiếp tục ngày thứ hai Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 và họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2016, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Trong phiên họp sáng 29-12, một số bộ trưởng đã phát biểu về tình hình công tác quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực phụ trách. Mở đầu phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu một số nội dung liên quan đến công tác phân cấp quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực; thành lập huyện đảo Thổ Chu; xét tuyển vị trí việc làm đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số vào các cơ quan nhà nước sau khi ra trường;...

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu về ngân sách nhà nước. Theo Bộ trưởng, kết quả ấn tượng là thu ngân sách nhà nước đến thời điểm này đạt 100,7% dự toán, riêng ngân sách địa phương vượt 15%, dự tính đến hết năm vượt khoảng 70.000 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng, tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt chỉ tiêu, giá dầu giảm làm thất thu ngân sách trên 2.000 tỷ, khí làm giảm thu 1.000 tỷ, khối ngân hàng thương mại giảm nộp ngân sách 20% do trích lập dự phòng; thua lỗ các dự án lớn thuộc các doanh nghiệp nhà nước ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nhờ những biện pháp tích cực, chủ động như trong chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá trốn thuế… Bộ đã thực hiện nhiều biện pháp như phong tỏa tài khoản, công khai doanh nghiệp nợ thuế, tăng cường kiểm tra với gần 82.000 doanh nghiệp, kiến nghị tăng thu 14.500 tỷ đồng, đến nay thu được 9.200 tỷ; phạt 607 tỷ đồng đối với doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế; tăng thu khoảng 2.000 tỷ đồng; thu 6.600 tỷ đồng theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước… nên đến hết tháng 11-2016, thu hồi 42.000 tỷ đồng nợ đọng thuế và số còn nợ đọng thấp hơn thời điểm năm 2015. Số nợ thuế hải quan chỉ còn 1%.

Hiện tại, Bộ Tài chính đang đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử. Đối với công tác kiểm tra chuyên ngành, công tác một cửa quốc gia, Bộ Tài chính đã rà soát, bãi bỏ 92 thủ tục hành chính; triển khai khai thuế điện tử đến 100% chi cục thuế. Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức 36/283 thủ tục hành chính của 10/14 bộ và mục tiêu đến năm 2020 cơ bản phải kết nối hết các thủ tục hành chính. Thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu giảm 35 giờ, nhập khẩu giảm 32 giờ, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) là tiết kiệm khoảng 600 triệu USD.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu một số nội dung liên quan đến đấu tranh phòng chống gian lận thương mại, lành mạnh hóa thị trường, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh trật tự, an ninh kinh tế, bảo đảm an toàn các công trình trọng điểm,... tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Theo Bộ trưởng, lần đầu tiên, Bộ đã đề xuất Bộ Chính trị ban hành văn bản về đảm bảo an ninh kinh tế; liên tục mở các đợt cao điểm về đấu tranh phòng chống tội phạm. Trong năm 2016 đã triệt phá hơn 1.000 các băng ổ nhóm tội phạm núp bóng các công ty, doanh nghiệp (siết nợ, đòi nợ thuê, khai thác khoáng sản, kinh doanh vận tải, can thiệp vào công tác đấu thầu, hoạt động của doanh nghiệp,...). Phát hiện hơn 16.000 vụ vi phạm trật tự về quản lý kinh tế; 224 vụ phạm tội tham nhũng, xử lý nhiều vụ tham nhũng lớn; gian lận thuế VAT; chống buôn lậu, gian lận thương mại; xử lý hơn 17.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, giải quyết bức xúc của người dân về môi trường trên địa bàn; giải quyết các vụ việc đình công, lãn công; xử lý vi phạm trật tự trong phòng cháy chữa cháy; đẩy mạnh cải cách hành chính trong những lĩnh vực liên quan đến người dân, doanh nghiệp...

Bộ trưởng Tô Lâm kiến nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước về di dân, di cư để bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đời sống dân sinh, nhất là ở những khu công nghiệp, các thành phố lớn với tinh thần "phát triển phải đi liền với ổn định",...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tham luận về sự phối hợp giữa các bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước; điều hành lạm phát, điều hành giá;... góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước dự kiến, năm 2017 phải điều hành lãi suất linh hoạt, bám sát các cân đối vĩ mô, tiền tệ; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất trung, dài hạn; kiểm soát quy mô tín dụng hợp lý bảo đảm an toàn, hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn; tập trung tín dụng cho những lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ...

Ngân hàng Nhà nước kiến nghị một số vấn đề như kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát; trong điều hành vĩ mô hết sức hạn chế trong sử dụng công cụ tiền tệ; triển khai gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao; phát hành trái phiếu Chính phủ; tăng cường công tác thông tin truyền thông trong lĩnh vực tiền tệ, ngăn chặn tin đồn thất thiệt... để ổn định thị trường;...

Cũng trong buổi sáng 29-12, Hội nghị đã nghe nhiều tham luận của các bộ trưởng, trưởng ngành về tình hình lĩnh vực công tác được giao.

Theo chương trình, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sẽ tiếp tục làm việc hết ngày 29-12./.