Cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 3 Quốc hội XIV
Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 5, chiều 19-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
Kỳ họp thứ 2 tạo dấu ấn mạnh mẽ
Báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV nêu rõ: Kỳ họp đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành khối lượng công việc lớn trong chương trình nghị sự, bao gồm công tác lập pháp, thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát tối cao.
Đây cũng là kỳ họp tạo dấu ấn mạnh mẽ với cử tri bởi tính tranh luận, góp phần giúp các phiên họp sôi nổi và tập trung hơn.
Thành công của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV tiếp tục khẳng định tinh thần trách nhiệm, tư tưởng đổi mới không ngừng của Quốc hội trên cơ sở luôn lắng nghe, lấy lợi ích của cử tri và nhân dân làm mục tiêu, phương châm hành động.
Chương trình kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, được sắp xếp tương đối khoa học, phân bổ thời gian cơ bản hợp lý; việc điều chỉnh chương trình linh động, kịp thời do có sự bổ sung nội dung mới.
Việc thảo luận ở tổ và tại hội trường bảo đảm tính dân chủ, khách quan, tạo điều kiện để nhiều đại biểu đóng góp ý kiến, nâng cao chất lượng thảo luận, nhất là việc tăng thời gian thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội từ 2,5 ngày lên 03 ngày đã đáp ứng được yêu cầu của đại biểu Quốc hội.
Việc tăng cường tranh luận và sự tham gia thảo luận tại hội trường của một số đại biểu Quốc hội là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội là điểm mới đáng ghi nhận; việc đăng ký phát biểu tranh luận đã được cải tiến, tạo không khí sôi nổi, có chất lượng và chiều sâu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo đã nêu lên một số hạn chế cần tiếp tục được rút kinh nghiệm qua Kỳ họp thứ 2. Đó là: tiến độ và chất lượng chuẩn bị một số dự án luật, nghị quyết chưa được như mong muốn, còn thể hiện sự chủ quan của cơ quan soạn thảo.
Nội dung của dự án luật sử dụng từ ngữ, khái niệm có tính chuyên môn nhưng không được giải thích hoặc giải thích không đầy đủ, gây khó hiểu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của cuộc sống.
Những vấn đề mới, nhạy cảm chưa có đánh giá toàn diện, khó thuyết phục đại biểu Quốc hội trong quá trình thảo luận, cho ý kiến.
Việc tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ của một số nội dung còn chậm, có nội dung không tiếp thu nhưng không được giải trình.
Thời gian gửi tài liệu còn chưa tuân thủ quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; một số tài liệu gửi sát kỳ họp nên đại biểu không có thời gian nghiên cứu sâu, không kịp tham khảo ý kiến các ban, ngành, nhân dân địa phương và đối tượng liên quan.
Vẫn còn tình trạng chất vấn dài, thậm chí nhắc lại nội dung đã có trong báo cáo gửi đại biểu hoặc nặng về bình luận, giải thích. Số lượng câu hỏi tại hội trường quá nhiều so với chất vấn bằng văn bản.
Nội dung trả lời chất vấn có lúc thiếu tập trung, né tránh, thiếu tính đối thoại, không xác định trách nhiệm cụ thể, chưa thỏa đáng và chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu Quốc hội cũng như nhân dân và cử tri cả nước.
Tờ trình về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV dự kiến Quốc hội làm việc 22,5 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào thứ hai, ngày 22-5-2017 và bế mạc vào thứ tư, ngày 21-6.
Theo thông lệ, đây là kỳ họp giữa năm nên Quốc hội thường tập trung chủ yếu vào công tác xây dựng pháp luật với việc xem xét, thông qua 13 dự án Luật, 1 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 8 dự án Luật.
Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2017.
Quốc hội dành một ngày tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016.
Đây là vấn đề “nóng” được người dân rất quan tâm vì thực tế, tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang tràn lan trên thị trường, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu tăng thời gian chất vấn để đại biểu có thêm thời gian tranh luận, làm rõ vấn đề nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự án Luật công an xã và dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được rút ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 2 để Chính phủ có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng dự án.
Vì vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan căn cứ tình hình chuẩn bị để sớm khẳng định việc có hay không trình 2 dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 3 tới.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015 và dự án Luật về hội, Quốc hội đã thống nhất chưa thông qua hai dự án luật này tại kỳ họp thứ 2, đồng thời sẽ tiếp tục xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 3; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.
Khắc phục tình trạng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thiếu sự thống nhất về thể thức
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Tờ trình về dự thảo Nghị quyết quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Tờ trình nêu rõ thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được giao quy định chi tiết về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Việc ban hành quy định về kỹ thuật và thể thức văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm sự chuẩn mực và thống nhất về hình thức của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước với Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan, khắc phục tình trạng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thiếu sự thống nhất về thể thức hiện nay.
Các quy định của Nghị quyết cũng sẽ định hướng, là khuôn mẫu cho việc trình bày các văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; phục vụ công tác giảng dạy trong các nhà trường từ bậc phổ thông đến bậc đại học và phục vụ các chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước...
Dự thảo được xây dựng trên nguyên tắc: Bảo đảm phù hợp, thực hiện đúng các quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các quy định khác của pháp luật có liên quan; cụ thể hóa quy định tại khoản 4 Điều 8 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bảo đảm quy định thống nhất về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và các chủ thể khác có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quy định chi tiết và hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước; bảo đảm kế thừa những quy định còn phù hợp của Nghị quyết 1139/2007/UBTVQH11 ban hành Quy chế về kỹ thuật trình bày dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sửa đổi, bổ sung một số quy định không còn phù hợp, còn thiếu hoặc chưa cụ thể…
Dự thảo Nghị quyết gồm 4 chương, 44 điều
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành, các nguyên tắc xây dựng dự thảo Nghị quyết như đã được nêu trong Tờ trình của Văn phòng Quốc hội.
Theo nhận định của Ủy ban, nội dung điều chỉnh tại dự thảo Nghị quyết này không phải các vấn đề về chính sách mà thuần túy là những quy định về kỹ thuật văn bản trong việc trình bày các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước nhằm bảo đảm sự chuẩn mực, thống nhất về hình thức của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Do đó, cần có sự thống nhất trong quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của tất cả các chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản bao gồm Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước và cả Chính phủ cũng như các chủ thể khác có thẩm quyền./.
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 12 đến ngày 18-12-2016)  (19/12/2016)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 12-12 đến ngày 18-12-2016)  (19/12/2016)
Phát huy các nguồn lực tôn giáo góp phần xây dựng, phát triển đất nước  (19/12/2016)
Hội thảo tổng kết Dự án VNM8P05 và vận động xây dựng đáp ứng đa ngành với phòng, chống bạo lực gia đình  (19/12/2016)
Các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến  (19/12/2016)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên