TCCSĐT - Sáng 15-12, tại Hải Dương, Ban Tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Hải Dương (01-01-1997 – 01-01-2017) tổ chức họp báo, thông tin công tác chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm và trao đổi, giải đáp những vấn đề mà đại diện các cơ quan báo chí nêu ra. Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì họp báo.


Quang cảnh buổi họp báo.
Tham dự họp báo có đại diện lãnh đạo các tiểu ban Ban Tổ chức lễ kỷ niệm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương, đại diện lãnh đạo và phóng viên các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

Tại buổi họp báo, đồng chí Nguyễn Văn Thông, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương cho biết: Hải Dương là vùng đất có lịch sử phát triển từ lâu đời, nằm ở đồng bằng Bắc Bộ, thuộc châu thổ sông Hồng; phía bắc giáp tỉnh Bắc Giang, phía Nam giáp tỉnh Thái Bình, phía Đông và Đông Nam giáp thành phố Hải Phòng, phía Tây và phía Tây Nam giáp tỉnh Hưng Yên, phía Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh, phía Tây Bắc giáp tỉnh Bắc Ninh. Hải Dương nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, cách Hải Phòng 45 km và cách Hà Nội 57 km. Diện tích tự nhiên là 1650,2 km2, dân số trên 1,7 triệu người.

Ngày 06-11-1996, tại kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa IX đã thông qua Nghị quyết về việc tách và điều chỉnh địa giới một số tỉnh, trong đó có Hải Hưng. Ngày 01-01-1997, tỉnh Hải Dương được tái lập. Trải qua nhiều lần hợp nhất, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính, đến nay tỉnh Hải Dương có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: thành phố Hải Dương, thị xã Chí Linh và 10 huyện (Nam Sách, Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà, Cẩm Giàng, Bình Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thanh Miện).

Khi mới được tái lập, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất kỹ thuật của nền kinh tế thấp kém; lao động thủ công là phổ biến, năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất thấp, giá thành sản phẩm cao, sức cạnh tranh yếu. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, thiếu vững chắc, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ còn thấp, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế và chưa đồng bộ, diện tích ruộng đất manh mún, phân tán đã làm hạn chế công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể chậm đổi mới, chưa ngang tầm với nhiệm vụ đặt ra. GDP bình quân đầu người thấp (năm 1997 là 365 USD), đời sống một bộ phận nhân dân rất khó khăn…

Trong 20 năm qua, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng liên tục qua các năm; bình quân giai đoạn 1997 - 2000 tăng 8,6 %; giai đoạn 2000 - 2005 tăng 10,8 %; giai đoạn 2005 - 2010 tăng 9,8%; giai đoạn 2010 - 2015 tăng 7,7 %. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2010-2015 năm đạt 40.730 tỷ đồng, riêng năm 2016, thu ngân sách trên địa bàn đạt 10.600 tỷ đồng, tăng hơn 26 lần so với năm 1997 (399,4 tỷ đồng), đưa Hải Dương trở thành một trong 16 tỉnh, thành phố trên cả nước tự cân đối được ngân sách. Thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/năm năm 2015.

Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ chuyển dịch từ 36% - 34% - 30% năm 1997 sang 15,9% - 52,5% - 31,6% năm 2015). Sau 20 năm, từ một tỉnh thuần nông, bước đầu đã hình thành rõ nét nền kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thông thoáng cùng với các cơ chế, chính sách ưu đãi, đã khuyến khích các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và quy mô, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, điện năng phát triển tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, các lĩnh vực giáo dục, y tế và các lĩnh vực xã hội khác từng bước được củng cố, phát triển, cơ bản đảm bảo sự hài hoà giữa phát triển kinh tế là trung tâm, phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần xã hội. Hệ thống chính trị được củng cố, chất lượng hoạt động được nâng lên; phương thức lãnh đạo, năng lực lãnh đạo của các cấp uỷ đảng từ tỉnh đến cơ sở được đổi mới, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển của tỉnh.

Với những thành tích đã đạt được, nhân dịp 20 năm tái lập tỉnh, Hải Dương vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Trao đổi, trả lời câu hỏi tại họp báo, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Hải Dương và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất sẽ diễn ra tại TP. Hải Dương ngày 24-12-2016. Đây là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương nhìn lại chặng đường đã qua, những gì đã làm được, chưa làm được để rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo.

Trong thời gian tới, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVI đã xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu, trong đó có những chỉ tiêu rất cao về phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi nỗ lực rất cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh. Mục tiêu tổng quát đề ra là phấn đấu xây dựng Hải Dương sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu đó, một trong những giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thay đổi đổi lề lối tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, tạo lập môi trường minh bạch, thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất – kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phấn đấu đến năm 2020, PCI của tỉnh nằm trong số 20 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước./.