TCCSĐT - Đó là một trong những nội dung chính được đề xuất tại Hội thảo về sự phát triển đồng bằng sông Cửu Long diễn ra tại thành phố Cần Thơ ngày 19-11-2016, do Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, Trường Đại học Soon Chun Hyang (Hàn Quốc) và Trường Đại học Cần Thơ phối hợp tổ chức.
Đến dự và phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Hyuk Lee bày tỏ vui mừng về sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trên nhiều lĩnh vực trong những năm gần đây. Hội thảo này là cơ hội để các doanh nghiệp, trường đại học Hàn Quốc có điều kiện tìm hiểu rõ hơn về những tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bằng sông Cửu Long, các khả năng tăng cường hợp tác đầu tư với các địa phương trong vùng trên nhiều lĩnh vực, qua đó góp phần phát triển bền vững vùng trọng điểm nông nghiệp, thủy sản của Việt Nam.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu nhất trí nhận định rằng ngoài thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản, là vùng nông sản lớn trong mạng lưới sản xuất toàn cầu với các sản phẩm chủ lực là lúa gạo, trái cây, tôm, cá tra, vùng đồng bằng sông Cửu Long còn có những tiềm năng phát triển mới rất cần được quan tâm đầu tư khai thác hợp lý. Đó là: năng lượng (điện sinh khối, điện gió, điện mặt trời), kinh tế biển, các tiềm năng phát triển du lịch,…

Về vị thế địa - kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long, Ủy viên chuyên trách kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Trần Hữu Hiệp nhấn mạnh đến 3 “cánh cửa” phát triển của vùng gồm: cổng trời (cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc và cảng hàng không quốc gia Rạch Giá, Cà Mau); cửa biển (740km bờ biển; các cảng biển Cần Thơ, Cái Cui, Mỹ Thới, An Thới, Dương Đông); cửa biên giới Tây Nam.

Ngoài ra, đồng bằng sông Cửu Long còn có cửa ngõ thông ra Biển Đông - là hành lang kinh tế biển của tiểu vùng sông Mê Kông; tiếp giáp với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; là tâm điểm của vòng tròn bán kính 500km tiếp giáp với hầu hết các quốc gia Đông Nam Á. Đó là những lợi thế rất lớn mở ra nhiều khả năng hợp tác quốc tế để phát triển.

PGS,TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ nhấn mạnh đến yêu cầu phải tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để tạo ra bước đột phá, phát triển mới về chất của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Kết quả hợp tác của Trường Đại học Cần Thơ với rất nhiều viện, trường của Hàn Quốc về đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi giảng viên, sinh viên nhiều năm qua là một minh chứng.

Đến nay, Trung tâm Hàn Quốc học, Viện Vua Sejong và Trung tâm Hàn ngữ đã đặt Văn phòng tại Đại học Cần Thơ và đang đi vào hoạt động ổn định, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Hàn cho sinh viên và các cán bộ, công chức, viên chức của các địa phương trong vùng. Gần đây, trường Đại học Cần Thơ cũng đã phối hợp với Công ty Teakwong của Hàn Quốc ở tỉnh Hậu Giang để tổ chức mô hình trường học - doanh nghiệp, nhằm đảm bảo tính kết nối và phù hợp giữa kết quả đào tạo của trường với nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đào tạo nguồn nhân lực của các địa phương,… theo nhận định của nhiều đại biểu, đồng bằng sông Cửu Long đang đối diện với nhiều thách thức, trở ngại, hạn chế sự phát triển bền vững trong thời gian tới.

Đáng quan ngại là tình trạng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông thủy, bộ còn nhiều yếu kém, bất cập; tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các công trình thủy điện từ thượng nguồn sông Mê Kông đe dọa đến an ninh nguồn nước và hệ sinh thái tự nhiên của vùng; chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản trị nhìn chung còn thấp; nhiều cơ chế, chính sách phát triển vùng chưa đồng bộ;…

Để phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, hội thảo nhất trí với đề xuất cần phải lựa chọn, xác định những ưu tiên để kêu gọi các nguồn lực hợp tác đầu tư trong và ngoài nước. Cụ thể là:

- Các địa phương trong vùng cần rà soát, chọn những nội dung cụ thể để hợp tác theo chiều sâu, có hiệu quả thiết thực, qua đó tạo ra cầu nối thu hút sự hợp tác của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

- Rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp, nhất là trong các lĩnh vực: chế tạo máy nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo quản và vận chuyển hàng hóa, nông sản sau thu hoạch, logistics,…

- Tăng cường hợp tác trong sản xuất và quản lý sản xuất nông nghiệp; nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị; đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật tiên tiến trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến, quản trị, kinh doanh du lịch,…

- Chú trọng hợp tác, liên kết vùng để thực hiện có hiệu quả đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng đồng bằng sông Cửu Long”, tạo ra các tuyến du lịch trải nghiệm đặc thù của vùng.

- Thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

- Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ với các tỉnh, thành trong vùng để thực hiện có hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế thí điểm liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng hợp tác xã kiểu mới./.