Tọa đàm “Quan hệ Ấn Độ-Việt Nam: Quá khứ vẻ vang hướng tới tương lai huy hoàng" đã diễn ra tại hội trường lớn Thư viện quốc gia, thành phố Kolkata, bang Tây Bengal, Ấn Độ. Buổi tọa đàm do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Thư viện quốc gia và Ủy ban đoàn kết Ấn-Việt bang Tây Bengal tổ chức.
Tham dự tọa đàm có Công sứ Trần Quang Tuyến, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Giám đốc điều hành Thư viện quốc gia, tiến sỹ Arun Kumar Chakraborty, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn-Việt bang Tây Begal Geetesh Sharma, Giám đốc Bảo tàng điêu khắc Chăm thành phố Đà Nẵng và khoảng hơn 60 học giả và khách mời.

Phát biểu mở đầu, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn-Việt bang Tây Begal Geetesh Sharma đã điểm lại một số dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống và gắn kết văn hóa lâu đời giữa Ấn Độ và Việt Nam.

Ông Sharma gợi nhớ lại tình cảm của người dân thành phố Kolkata nói riêng và Ấn Độ nói chung dành cho đất nước Việt Nam khi nhắc đến khẩu hiệu “Tên tôi, tên anh, Việt Nam, Việt Nam” từng được hô vang trong các cuộc biểu tình lịch sử những năm 1970 để thể hiện tinh thần đoàn kết với nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại.

Theo ông Sharma, khẩu hiệu này sẽ đi cùng năm tháng và là một minh chứng cho sự đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc trong quá khứ cũng như công cuộc đổi mới và phát triển đất nước hiện nay. Ông cho rằng quan hệ Ấn Độ-Việt Nam còn nhiều tiềm năng, thế mạnh để cùng hợp tác và phát triển, trong đó hợp tác văn hóa đóng vai trò là cầu nối để thúc đẩy và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác.

Giám đốc Thư viện quốc gia Kolkata, tiến sỹ Arun Kumar Chakraborty đánh giá cao việc tổ chức buổi tọa đàm cũng như hàng loạt các hoạt động trao đổi, giao lưu văn hóa giữa hai nước trong thời gian gần đây, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ông Arun Kumar cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ, hợp tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ trong việc cung cấp các đầu sách mới giới thiệu về những thành tựu trong phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam để trưng bày trong “Góc sách Việt Nam” tại Thư viện quốc gia, qua đó góp phần thúc đẩy nghiên cứu và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, nhất là sinh viên và giới trẻ.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Công sứ Trần Quang Tuyến nhấn mạnh hợp tác văn hóa là một trong 5 trụ cột quan trọng của mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.

Việc Ấn Độ thúc đẩy triển khai chính sách “Hành động hướng Đông” cùng với đó quan hệ song phương đã nâng lên tầm đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hai bên khai thác các tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác, cả kể về chiều rộng và chiều sâu.

Công sứ Trần Quang Tuyến cho biết hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (7/1/1972-7/1/2017) và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đang xây dựng kế hoạch tổ chức hàng loạt các sự kiện văn hóa tại thành phố Kolkata và thủ đô New Delhi trong thời gian tới như tổ chức Tuần lễ phim, triển lãm tranh....

Đây là sẽ là những sự kiện quan trọng góp phần thúc đẩy hợp tác, giao lưu văn hóa, nghệ thuật và nhân dân giữa hai nước.

Tham luận tại buổi tọa đàm tiến sỹ Syed Tanveer Narseen thuộc Đại học Burdwan đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ với Việt Nam, đồng thời dẫn lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng rằng mối quan hệ giữa hai nước “trong sáng như bầu trời không một gợn mây."

Bà Syed Tanveer Narseen cho rằng Ấn Độ luôn đánh giá cao quan hệ hợp tác và coi Việt Nam là một trụ cột trong chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác với các quốc gia khu vực Đông Nam Á và xa hơn.

Nhiều bài tham luận của các nhà nghiên cứu, học giả tập trung đánh giá về mối quan hệ hợp tác Ấn Độ-Việt Nam, cho rằng hai nước vốn có quan hệ lịch sử văn minh lâu đời với sự gắn kết của văn hóa Đạo Phật và đạo Hindu. Lãnh tụ vĩ đại của hai dân tộc, nhà văn hóa thế giới Hồ Chí Minh và Jawaharlal Nehru đặt nền tảng vững chắc cho quan hệ hợp tác giữa hai nước và mối quan hệ đó tiếp tục được vun đắp và ngày càng phát triển, trong đó có lĩnh vực văn hóa.

Cuối buổi tọa đàm, đoàn chủ tọa cùng các học giả và khách mời đã tham dự lễ ra mắt cuốn sách “ Da Nang: The city of Wonder” (Đà Nẵng: Thành phố của những điều kỳ diệu”) của Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn-Việt Geetesh Sharma.

Nội dung cuốn sách ghi lại tâm sự, cảm nhận của chính tác giả về những ấn tượng trong sự đổi mới và phát triển của thành phố Đà Nẵng sau hơn 20 năm, kể từ khi tác giả có chuyến thăm lần đầu tiên tới thành phố này. Đây là một trong số hàng chục cuốn sách viết về Việt Nam bằng tiếng Anh của ông Geetesh Sharma, thể hiện tình cảm yêu quý và mến phục đất nước, con người Việt Nam.

Kết thúc tọa đàm, các đại biểu tham dự đã được thưởng thức các bài hát, điệu nhảy truyền thống của người dân thành phố Kolkata ca ngợi tình đoàn kết và yêu chuộng hòa bình như mong muốn của nhân dân trên toàn thế giới nói chung cũng như Ấn Độ-Việt Nam nói riêng./.