TCCSĐT - Đó là yêu cầu của đồng chí Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội nghị tổng kết 4 năm (2012 - 2016) thi hành Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo trên địa bàn Thành phố được tổ chức vào ngày 04-11-2016.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, trong 4 năm thi hành Luật Khiếu nại, toàn Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận 20.571 đơn khiếu nại, trong đó có 11.205 đơn thuộc thẩm quyền và đã giải quyết 11.034/11.205 đơn, đạt 89,7%. Thông qua công tác tổng hợp, nhìn chung nội dung khiếu nại chủ yếu tập trung vào công tác quy hoạch, thu hồi đất và bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để thực hiện các dự án; khiếu nại về việc cấp hoặc thu hồi hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khiếu nại quyết định xử phạt hành chính… Qua đó, các cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý với kết quả khiếu nại (đối với khiếu nại đúng và đúng một phần) đã khôi phục quyền lợi chính đáng cho người dân hơn 53,5 tỷ đồng và hơn 2.290 m2 đất; kiến nghị thu hồi cho nhà nước số tiền hơn 14 tỷ đồng. Với việc phân tích tính chất đúng sai, kết quả khiếu nại cho thấy có 7,6% đơn khiếu nại đúng, có 80,8% đơn khiếu nại sai và 11,6% đơn khiếu nại đúng một phần.

Đối với việc thi hành Luật Tố cáo, từ tháng 7-2012 đến tháng 7-2016, toàn Thành phố đã nhận được 3.830 đơn, trong đó có 1.251 đơn thuộc thẩm quyền, đã giải quyết 1.097/1.251 đơn (đạt 87,7%). Thông qua công tác phân tích tính chất đúng, sai trong kết quả tố cáo cho thấy 7,6% tố cáo đúng và 76,3% đơn tố cáo sai. Nội dung tố cáo thường tập trung vào những hành vi vi phạm quy định pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là trong lĩnh vực quản lý sử dụng đất, xây dựng, cấp phép với biểu hiện như bao che, vòi vĩnh, nhũng nhiễu, thực hiện nhiệm vụ trái pháp luật. Qua kết quả giải quyết tố cáo đã xử lý hành chính 19 người, kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 175 triệu đồng và 144m2 đất; đồng thời trả cho công dân 102 triệu đồng.

Đánh giá về những mặt còn hạn chế, Hội nghị đã phân tích, với tỷ lệ 7,6% đơn khiếu nại đúng, 11,6% đơn khiếu nại đúng một phần cho thấy, một số quận, huyện chưa thật sự quan tâm đến công tác giải quyết khiếu nại; chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quá trình quản lý nhà nước; chưa kịp thời phát hiện những chính sách bất cập, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân để kiến nghị điều chỉnh hoặc chưa mạnh dạn đề xuất các giải pháp, vận dụng hợp tình, hợp lý các quy định trong giải quyết cho người dân nhằm góp phần hạn chế việc tiếp tục khiếu nại. Đáng chú ý là, trong quá trình triển khai Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo đã bộc lộ những hạn chế, không phù hợp với sự phát triển các quan hệ xã hội, làm cho các quy định của Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo trở nên lạc hậu, ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả giải quyết. Nhiều quy định của luật chưa phù hợp, đồng bộ với quy định của Luật Tố tụng hành chính. Trong khi đó, nhận thức của người dân về Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo có lúc, có nơi chưa đầy đủ, toàn diện nên dễ gây ra bức xúc khi không được đáp ứng yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo dễ bị lôi kéo, kích động,… Vấn đề cần lưu ý nữa là, nhận thức về tầm quan trọng, về trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân của cán bộ công chức còn bất cập nên việc áp dụng, thi hành các quy định chưa chính xác, chưa kịp thời, hạn chế phát huy hiệu quả các quy định của Luật Tố cáo và Luật Khiếu nại.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Huỳnh Cách Mạng nhận định: Trong 4 năm qua, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Thành phố đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức các cấp, các ngành về thực hành dân chủ, xây dựng phát triển phải gắn liền với ổn định chính trị và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mọi công dân, tổ chức. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được các ngành quan tâm, chú trọng với nhiều giải pháp hiệu quả. Tuy nhiên, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo tại một số quận, huyện còn hạn chế; việc áp dụng pháp luật khi giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đúng và đầy đủ; công tác dân vận chính quyền trong giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được chú trọng thực hiện nên người dân không đồng tình và tiếu tục khiếu nại, tố cáo.

Để công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian tới đạt kết quả tốt hơn nữa, đồng chí Huỳnh Cách Mạng yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện tiếp tục nâng cao vai trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nhất là vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành và trực tiếp tiếp công dân, giải quyết các vụ việc khiếu nại theo thẩm quyền. Các sở ngành, quận, huyện kịp thời cập nhật, niêm yết công khai các quy trình, thủ tục, văn bản pháp luật; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy được tính chủ động sáng tạo của các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, các sở, ban, ngành, địa phương phải chủ động kiểm tra, tăng cường công tác tiếp công dân để giải quyết hiệu quả khiếu nại, tố cáo; nắm chắc tình hình khiếu nại đông người để có kế hoạch giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở với tinh thần đảm bảo hạn chế tối đa tình trạng đơn giải quyết tồn đọng, kéo dài, quá hạn, vượt cấp và công tác giải quyết khiếu nại đúng quy định pháp luật./.