TCCSĐT - Ngày 28-10-2016, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội và thu chi ngân sách tháng 10 và 10 tháng của năm 2016. Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố tham dự và chủ trì Hội nghị.

Kinh tế phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài tăng trưởng ổn định

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở kế hoạch và đầu tư Thành phố cho biết: Trong 10 tháng đầu năm 2016, kinh tế của Thành phố tiếp tục tăng trưởng ổn định, đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu tăng cao hơn so với cùng kỳ (cà phê tăng 50%; máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 24,52%; hạt điều 11,61%;...), tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt khoảng 56.569,4 tỷ đồng, giảm 1,13 % so với tháng trước và tăng 2,72% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,8%),… góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của Thành phố.

Các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư cả trong và ngoài nước tiếp tục được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển thực tế của Thành phố, gắn với các chương trình xúc tiến của khu vực và quốc gia; nội dung các hoạt động đáp ứng được yêu cầu hội nhập của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp giữ vững và tiến tới phát triển sản xuất bền vững. Bởi vậy, Thành phố đã thu hút đầu tư nước ngoài và cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 668 dự án, tăng 44% so cùng kỳ với tổng vốn đầu tư đạt 798,7 triệu USD; 145 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 477,3 triệu USD. Ngoài ra, Thành phố cũng chấp thuận cho 1.469 trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp Thành phố với tổng vốn góp đăng ký khoảng 1,23 tỷ USD.

Với những kết quả đạt được đã góp phần vào tổng thu ngân sách Nhà nước (không tính ghi thu ghi chi) ước thực hiện 10 tháng đầu năm của Thành phố là 249.596,2 tỷ đồng, đạt 83,67% dự toán, tăng 10,38% so cùng kỳ, trong đó: Thu nội địa 156.104,38 tỷ đồng, đạt 87,9% dự toán, tăng 18,78% so cùng kỳ; thu từ dầu thô 11.491,82 tỷ đồng, đạt 63,14% dự toán, giảm 58,5% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 82.000 tỷ đồng, đạt 80% dự toán, tăng 9,25% so cùng kỳ.

Chống ngập vẫn là bài toán khó

Cũng tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, trong 10 tháng đầu năm 2016, Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung chỉ đạo giải quyết xử lý đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tình trạng “hễ mưa là ngập toàn Thành phố” và ô nhiễm môi trường luôn là thách thức, là bài toán chưa có lời giải.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố, trong tháng 10, Thành phố vẫn xuất hiện nhiều tuyến đường ngập nặng do mưa lớn vượt tần suất thiết kế cống, đặc biệt là tình trạng mưa lớn kết hợp triều cường. Và, điều đáng nói nữa là tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước, cửa xả, kênh rạch phổ biến, nhưng việc xử lý còn rất chậm đã ảnh hưởng đến khả năng thoát nước của tuyến cống hiện hữu, gây khó khăn đến đời sống người dân. Thế nhưng, tiến độ khắc phục các vị trí ảnh hưởng do thi công dự án và xử lý các điểm lấn chiếm kênh rạch, cửa xả còn rất chậm, cụ thể trong 10 tháng đầu năm đã khắc phục được 7/15 vị trí hệ thống thoát nước bị xâm hại gây ngập, xử lý được 7/65 vị trí lấn chiếm kênh rạch, đã xử lý được 3/93 vị trí lấn chiếm cống, đã xử lý được 5/106 trường hợp lấn chiếm hầm ga, đã xử lý được 10/68 vị trí lấn chiếm cửa xả. Chỉ tính riêng trong tháng 10-2016, Thành phố đã triển khai nạo vét 8,852 km cống các loại, 300 hầm ga, 1.000 máng thu nước, 2km kênh, rạch, cửa xả, sửa chữa 152 hầm ga, sửa chữa 207 miệng thu nước, thay 92 khuôn hầm ga và tính từ đầu năm đến nay đã thực hiện nạo vét được 488,262km/475,807 km cống các loại (đạt 103% so với kế hoạch năm 2016), duy tu 37,162 km/30,18km kênh, rạch, cửa xả (đạt 123% so với kế hoạch năm 2016).

Đối với việc xử lý ô nhiễm môi trường, theo báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố cho biết, hiện Thành phố đã hoàn thiện chương trình và kế hoạch giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020 theo các ý kiến góp ý. Khảo sát thực tế khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 để đẩy nhanh tiến độ di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại khu phố 4 và khu phố 5 phường Đông Hưng Thuận, quận 12; rà soát danh sách di dời do không phù hợp quy hoạch đợt 2 năm 2016. Xây dựng cơ chế phối hợp để giải quyết sự cố môi trường đối với bãi chôn lấp và khu liên hợp. Tăng cường giám sát, theo dõi, chỉ đạo kịp thời các giải pháp khắc phục ô nhiễm mùi hôi tại một số khu vực ở phía Nam Thành phố, làm việc với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) về việc tiếp nhận rác tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng, ngập lụt và ô nhiễm môi trường đang là rào cản đối với sự phát triển của Thành phố. Do vậy, Thành phố đang tập trung tìm giải pháp để khắc phục tình trạng trên. Bởi vậy, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết: “Về tình hình chống ngập, tôi đã giao cho các đồng chí Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đi kiểm tra thực tế các điểm ngập nặng. Và, bản thân tôi cũng đã đi thực tế cùng các ban ngành để kiểm tra cụ thể. Nhưng xin thưa rằng, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở đó”. Đồng chí lưu ý, “sau khi nghe trung tâm chống ngập báo cáo tình hình, chúng ta phải đi thực tế để chỉ đạo sát sao. Trung tâm chống ngập phải tổng hợp xem các đoàn công tác vừa qua đã làm được được điều gì, mang lại chuyển biến gì hay chưa?”. Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Thành Phong quyết định trong tháng 11, đồng chí sẽ chủ trì một buổi làm việc với các ban ngành, nhằm đánh giá hiệu quả các buổi đi công tác thực tế đã có các chỉ đạo như thế nào, kết quả chuyển biến ra sao?.

Chia sẻ về việc Thành phố chi rất nhiều kinh phí để chống ngập, nhưng kết quả chưa được như mong đợi, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng, việc chống ngập thời gian vừa qua có một điều cần rút kinh nghiệm, đó là sự đồng bộ trong các giải pháp. Đồng chí lấy ví dụ: “Hôm rồi tôi đi kiểm tra dự án chống ngập đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân thì thấy cùng với dự án đang triển khai thì cũng dự kiến triển khai những dự án khác, như vậy sự phối hợp phải đồng bộ. Về mặt hạ tầng nữa chứ không riêng gì việc chống ngập. Trong quản lý phải hết sức chú ý tính đồng bộ trong phát triển hạ tầng”./.