Nỗ lực vượt qua ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới
16:32, ngày 01-06-2009
Kỳ họp thứ năm, QH khóa XII khai mạc ngày 20-5, nay đã qua mười ngày làm việc. Qua báo cáo tổng hợp gần 2.500 ý kiến, kiến nghị của cử tri do Chủ tịch UBT.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Ðảm trình bày, cho thấy những băn khoăn, lo lắng, sự tin tưởng và mong đợi của nhân dân cả nước đối với kỳ họp QH, trong bối cảnh ảnh hưởng suy thoái kinh tế quốc tế dường như chưa dừng lại, động chạm đến cuộc sống, đến bữa cơm của từng gia đình.
Khủng hoảng kinh tế thế giới vốn được ví như một "cơn bão lớn" quét qua các châu lục, kéo lùi bước phát triển của nhiều nền kinh tế trụ cột trên thế giới. Nó cũng tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta. Cho nên, điều quan tâm lớn nhất của cử tri cũng như của đại biểu QH lúc này là tìm giải pháp đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, thách thức, vượt qua vùng ảnh hưởng của "cơn bão" này.
Gói kích cầu cần đến đúng địa chỉ
Con số tăng trưởng dương (3,1%) trong quý I năm nay, theo báo cáo của Chính phủ, đã tạo nên sự phấn khởi và hy vọng cho cả cử tri và đại biểu QH. Nhưng một số đại biểu vẫn ưu tư, bởi nhiều thách thức ở phía trước. "Trong điều kiện tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới đến nhanh, mạnh và khác với chúng ta dự đoán hoặc dự đoán chưa chính xác, đầy đủ, cộng với yếu kém chủ quan chưa khắc phục được bao nhiêu; khó khăn dồn vào quý I mà chúng ta đạt được như vậy là điều rất có ý nghĩa. Nhiều nhà kinh tế nổi tiếng, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế có vị thế đã đánh giá về kiềm chế lạm phát và giải pháp chống suy giảm kinh tế của Việt Nam là rất ấn tượng và đáng khích lệ" - đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) phát biểu. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo nguy cơ lạm phát có thể quay trở lại do những yếu kém tồn tại trong nền kinh tế và những mặt trái xuất hiện khi thực hiện gói kích cầu.
Gói kích thích kinh tế 17.000 tỷ đồng hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn ngân hàng cho các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không phân biệt thành phần kinh tế, đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, góp phần kiềm chế sự suy giảm kinh tế. Nhiều ý kiến đại biểu QH ghi nhận điều này. Song vấn đề là làm sao giám sát được việc sử dụng nguồn vốn, để đồng vốn đến được kịp thời, đúng địa chỉ. Theo đại biểu Bùi Văn Tỉnh (Hòa Bình), khoản ngân sách 17 nghìn tỷ đồng bù lãi suất còn mang tính cứu trợ hơn là kích cầu. Thực tế cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng sau thực hiện chính sách nói trên là khá thấp, có thể phần lớn số vốn này đã dùng vào việc đảo nợ, sớm quay lại hệ thống ngân hàng, không phải để tăng đầu tư mới cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận nguồn vốn nêu trên và càng không tạo ra việc làm mới. Vì vậy, cần có một cơ chế kiểm soát để bảo đảm mục tiêu của chính sách đã đề ra. Trả lời phỏng vấn của báo chí bên ngoài Hội trường, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, nếu chi tiêu hiệu quả gói kích cầu, sẽ thúc đẩy được tăng trưởng, bảo đảm cân đối vĩ mô và có thể kiểm soát được lạm phát. Nhưng nó sẽ phản tác dụng nếu chi tiêu không hiệu quả.
Vấn đề được nhắc đi nhắc lại trong các ý kiến thảo luận của đại biểu QH cả ở tổ và ở Hội trường, là kích cầu hướng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. "Việc thực hiện gói kích thích kinh tế cho nông nghiệp, nông thôn là khu vực có khả năng hấp thụ vốn và tạo được hiệu ứng tích cực nhanh nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai ở khu vực này gặp không ít khó khăn. Tôi nghĩ nếu triển khai các gói kích cầu ở khu vực này không hiệu quả thì toàn bộ gói kích thích kinh tế sẽ bị hạn chế" - ý kiến của đại biểu Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận). Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre) cho rằng, nông thôn với số dân chiếm hơn 70%, khi Chính phủ kích cầu đầu tư vào đây để thúc đẩy phát triển sản xuất cũng chính là kích cầu tiêu dùng dân cư. Bởi đó là một thị trường tiêu thụ hàng hóa rất lớn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ khác phát triển theo nguyên tắc "nước nổi thuyền nổi". Ðại biểu tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Lưu cho biết, qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, bà con phản ánh việc triển khai các gói kích cầu cho nông nghiệp, nông thôn ở nhiều nơi rất chậm, thủ tục phiền hà, trong khi nhu cầu vay vốn ưu đãi mua sắm vật tư, máy móc của nông dân rất lớn. Ông đề xuất phương án sử dụng một phần của gói kích cầu hỗ trợ cho nông dân thông qua hình thức Bảo hiểm nông nghiệp.
Ðiều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng
Trong Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp nhan đề "Chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội", Chính phủ đề nghị QH cho điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 từ khoảng 6,5% xuống còn khoảng 5%; điều chỉnh tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP từ 4,82% lên không quá 8%. Ðề xuất này nhận được sự quan tâm thảo luận của nhiều đại biểu QH. Ngay Ủy ban Kinh tế của QH trong báo cáo thẩm tra cũng thấy đây là nhiệm vụ khó khăn. Do tăng trưởng quý I chỉ đạt 3,1%, giả định GDP có tốc độ tăng dần qua mỗi quý, muốn đạt 5% cho cả năm thì phải có gia tốc tăng mỗi quý còn lại 1,3%, nghĩa là đến quý IV phải đạt 7%, là một thách thức lớn. Cho nên cần phải làm rõ cơ sở đề ra chỉ tiêu này. Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Thái Nguyên), khi đưa phương án bội chi không quá 8% GDP, thì vẫn tính GDP theo phương án cũ là 6,5%; còn nếu tính tổng GDP theo phương án tăng trưởng đã điều chỉnh là 5% thì mức bội chi sẽ lớn hơn. Ðại biểu này đề nghị điều chỉnh mức bội chi không quá 7%...
Một số đại biểu cho rằng, đưa ra gói kích thích kinh tế nhưng nếu hiệu quả sử dụng đồng vốn thấp sẽ làm chỉ số ICOR (hệ số sử dụng vốn) tăng lên, dẫn đến sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp. "Chỉ số ICOR của chúng ta cao hơn các nước trong khu vực và thế giới, là do suất đầu tư cao, khả năng hấp thụ của nền kinh tế còn thấp, giải ngân chậm và đầu tư chưa tập trung" - ý kiến của đại biểu Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Văn Thức. Cùng nêu vấn đề này, đại biểu Trần Văn Tuyết (Yên Bái) cho biết, năm 2007, hệ số ICOR của ta là 5,2; đến năm 2008 tăng lên 6,68, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế lại giảm từ 8,46% năm 2007 xuống 6,18% năm 2008. Vấn đề này được các nhà báo đặt ra với Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Võ Hồng Phúc trong giờ giải lao. Bộ trưởng khẳng định, Chính phủ đã tính kỹ khi đề nghị QH điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng còn 5%. Con số 5% là kết quả nghiên cứu và dự báo của bộ và của nhiều cơ quan nghiên cứu kinh tế. Về chỉ số ICOR, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng, trong khủng hoảng, không thể lấy chỉ số ICOR ngắn hạn để so sánh. Ðúng là chỉ số này của Việt Nam cao hơn trước, tuy nhiên ở những nước đang phát triển phải chú ý nhiều đến an sinh xã hội, mà khi đầu tư nhiều vào các vấn đề xã hội, khó bảo đảm ICOR thấp được.
Mục tiêu tạo 1,7 triệu việc làm mới
QH quyết năm nay giải quyết từ 1,5 đến 1,7 triệu việc làm, tôi không hình dung được việc này - đại biểu TP Hồ Chí Minh Trần Du Lịch lưu ý: Chỉ tiêu việc làm, thất nghiệp cực kỳ quan trọng về mặt kinh tế vĩ mô. Phải đánh giá rõ ràng năm nay thất nghiệp bao nhiêu % cũng như tạo được bao nhiêu việc làm mới. Nếu không đánh giá được thì chúng ta không quản lý được chính sách. Khi trao đổi ý kiến với các phóng viên, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho rằng, khi điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu tạo 1,7 triệu việc làm. Vấn đề quan trọng là đào tạo nghề, vì hiện nay tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn quá lớn, khó đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế. "Không thể vượt qua khủng hoảng, suy thoái kinh tế, nếu không giải quyết tốt vấn đề việc làm", đại biểu Nguyễn Huy Cận (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Những vấn đề liên quan người lao động hiện nay mới chỉ được xem xét ở khía cạnh xã hội. Lao động thực chất là yếu tố cực kỳ quan trọng của nền kinh tế.
Một số đại biểu QH băn khoăn trước hiện tượng lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam bằng visa du lịch mà chưa kiểm soát được. Theo ý kiến của Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nhiều năm qua chúng ta đã đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Chúng ta đang mở cửa, cho nên không thể nói không cho người nước ngoài vào làm việc được. Vấn đề là chúng ta đi đúng pháp luật thì họ đến đây cũng phải đúng pháp luật. Tại Hội trường QH, đại biểu Lê Thanh Phong (Lâm Ðồng) cho biết, dự án khai thác bô-xít a-lu-min ở Nhân Cơ trên địa bàn tỉnh hiện có 643 lao động là người Trung Quốc đang làm việc. Sau khi nhà máy hoàn thành, số lao động này sẽ rút về nước.
Vấn đề khai thác bô-xít ở Tây Nguyên thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội gần đây, nay lại được nêu lên qua ý kiến phát biểu của một số đại biểu. Sau khi được đề cập trong Báo cáo chung của Chính phủ trước QH, tối 22-5, Báo cáo riêng về vấn đề này đã được gửi tới từng vị đại biểu QH với những thông tin đầy đủ hơn. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên phát biểu ý kiến làm rõ những vấn đề mà các đại biểu QH quan tâm.
Chương trình kỳ họp dự kiến diễn ra trong thời gian một tháng. Cùng với việc xem xét các báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội, QH dự kiến thảo luận và thông qua 12 dự án luật và một nghị quyết; cho ý kiến vào sáu dự án luật khác. QH cũng tiến hành giám sát một số chuyên đề quan trọng. Trong bối cảnh hiện nay, các đại biểu QH ý thức rất rõ trách nhiệm nặng nề của mình trước cử tri và đất nước./.
Quản lý đất đai: Một nội dung của phiên họp Chính phủ sắp tới  (01/06/2009)
Chung quanh việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở  (01/06/2009)
Tuần làm việc thứ ba, Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII  (01/06/2009)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên