Hướng tới tính chuyên nghiệp trong dịch vụ trợ giúp pháp lý
Chiều 20-9, thực hiện chương trình phiên họp thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa cho ý kiến dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi).
Khắc phục hạn chế, bất cập trong hoạt động trợ giúp pháp lý
Tờ trình của Chính phủ của dự án Luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ đứng trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, yêu cầu triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, nhiều đạo luật quan trọng mới được Quốc hội ban hành, nhiều chính sách cải cách được thông qua, trong đó có việc tăng cường cải cách pháp luật, cải cách tư pháp theo định hướng của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và yêu cầu chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, hoạt động trợ giúp pháp lý trợ giúp pháp lý đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Đó là diện người được trợ giúp pháp lý còn chưa đầy đủ.
Quy định về đối tượng được trợ giúp pháp lý chưa bảo đảm tính hợp lý, còn tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau do có sự thay đổi, bổ sung trong các chính sách an sinh xã hội quy định người được trợ giúp pháp lý cũng chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tiễn và tinh thần Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và các điều ước quốc tế liên quan khác mà Việt Nam là thành viên.
Mặt khác, khoảng cách trong việc tiếp cận pháp luật có sự chênh lệch, một số đối tượng khó khăn về tài chính không có điều kiện chi trả cho các dịch vụ pháp lý nhưng chưa được tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hoạt động trợ giúp pháp lý với bản chất là giúp đỡ các đối tượng yếu thế giải quyết các vụ việc cụ thể khi họ phải đối mặt với pháp luật chưa được quan tâm đúng mức.
Hoạt động trợ giúp pháp lý đang lẫn lộn với các hoạt động khác, nhiều lúc trợ giúp pháp lý được thực hiện một cách dàn trải, thậm chí còn mang tính chất phong trào. chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý nhiều lúc còn chưa được bảo đảm, chưa chuyên nghiệp. Chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý chưa được xã hội đánh giá cao, chưa ngang bằng với dịch vụ pháp lý có thu phí do luật sư cung cấp. Chất lượng một số vụ việc tham gia tố tụng còn yếu, chưa có nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý được thực hiện từ giai đoạn điều tra hình sự, vụ việc trợ giúp pháp lý tố tụng dân sự, tố tụng hành chính còn khá hạn chế...
Bộ trưởng nhấn mạnh sửa đổi Luật trợ giúp pháp lý nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong hoạt động trợ giúp pháp lý; tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển bền vững công tác trợ giúp pháp lý theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, xã hội nhằm cung cấp kịp thời dịch vụ pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý có nhu cầu, tạo bước chuyển biến căn bản, đột phá trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý; bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; đồng bộ với khuôn khổ pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) gồm 8 Chương, 49 Điều, quy định về người được trợ giúp pháp lý, tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý, hoạt động trợ giúp pháp lý, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Theo đó, việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật trợ giúp pháp lý.
Hướng tới tính chuyên nghiệp
Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật trợ giúp pháp lý nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động trợ giúp pháp lý; tạo khuôn khổ pháp lý cho công tác trợ giúp pháp lý phát triển theo hướng chuyên nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để cung cấp kịp thời dịch vụ pháp lý cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Xuất phát từ quan điểm thực hiện trợ giúp pháp lý cho những người không có khả năng tài chính thuê luật sư, để bảo đảm tính tương thích của hệ thống văn bản pháp luật, đồng thời tiếp tục thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo, người có công với cách mạng, dân tộc và chính sách an sinh khác, Điều 7: Người được trợ giúp pháp lý đã nêu cụ thể 8 đối tượng.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đối tượng được trợ giúp pháp lý liệt kê trong dự thảo tương đối đầy đủ nhưng không phải tất cả 8 đối tượng này đều thực sự khó khăn về tài chính hay có những khó khăn không thể tự mình giải quyết được. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần bổ sung thêm quy định các đối tượng phải thực sự khó khăn về tài chính hoặc có những khó khăn không thể tự mình giải quyết được thì sẽ được trợ giúp pháp lý.
Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc mở rộng người thuộc diện được trợ giúp pháp lý và cho rằng, quy định về đối tượng được trợ giúp pháp lý trong dự thảo Luật là chưa đầy đủ, không thống nhất và thực chất là thu hẹp hơn đối tượng được trợ giúp pháp lý so với các luật hiện hành.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết việc lựa chọn những người được trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 7 đã có sự cân nhắc kỹ về định hướng quy định đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý, phù hợp với bối cảnh điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trên cơ sở cân đối nguồn nhân lực và ngân sách, có tính toán đến nhu cầu của người được trợ giúp pháp lý để bảo đảm tính khả thi của pháp luật khi được ban hành và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới.
Băn khoăn thẩm quyền cấp Thẻ trợ giúp viên pháp lý
Dự thảo Luật quy định thẩm quyền cấp Thẻ trợ giúp viên pháp lý được thay đổi từ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh như hiện nay sang Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhằm khắc phục việc trợ giúp viên pháp lý chỉ hành nghề trong phạm vi địa phương, tạo sự độc lập tương đối cho trợ giúp viên pháp lý, nhất là trong các vụ việc hành chính với chính quyền địa phương, đồng thời đồng bộ với thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề luật sư.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Ban soạn thảo cần giải trình làm rõ căn cứ vì sao thẩm quyền cấp Thẻ trợ giúp viên pháp lý lại thay đổi từ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh như hiện nay sang Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Giải đáp câu hỏi này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay "tiêu chuẩn để thực hiện trợ giúp pháp lý hoạt động trong toàn quốc thì xem ra một người ở cơ quan Trung ương cấp thẻ này để hoạt động sẽ dễ dàng hơn".
Hơn nữa, Bộ trưởng nêu đây được coi như một nghề tư pháp. Nghề tư pháp như luật sư, công chứng viên, đấu giá viên hiện đang có quy định là người đứng đầu bộ chuyên ngành là Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp thẻ. Bộ trưởng cho rằng việc quy định Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Thẻ trợ giúp viên pháp lý cũng là đồng bộ, thống nhất với việc cấp thẻ hành nghề đối với các lĩnh vực khác.
Đồng quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc chuyển thẩm quyền cấp Thẻ trợ giúp viên pháp lý được thay đổi từ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh như hiện nay sang Bộ trưởng Bộ Tư pháp là không cần thiết vì trợ giúp viên pháp lý gắn với Trung tâm trợ giúp pháp lý ở địa phương, do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành lập, bảo đảm kinh phí, do đó việc giao cho Bộ trưởng là không cần thiết, bởi Bộ trưởng còn lo những việc đại sự chứ không nên cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý, Chủ tịch Quốc hội phân tích.
Thẩm tra dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, khác với hoạt động độc lập của luật sư, hoạt động của trợ giúp viên pháp lý được bảo đảm và chịu sự quản lý, kiểm tra, đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở địa phương. Nếu tổ chức do địa phương thành lập và bảo đảm hoạt động mà người làm việc trong tổ chức đó lại do Trung ương cấp Thẻ sẽ làm nảy sinh bất cập trong tổ chức và hoạt động. Vì vậy, sẽ hợp lý hơn nếu tiếp tục giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm quyền cấp Thẻ trợ giúp viên pháp lý như hiện nay.
Bên cạnh đó, hoạt động của trợ giúp viên pháp lý gắn liền với Trung tâm trợ giúp pháp lý, phạm vi hoạt động của trợ giúp viên pháp lý phụ thuộc vào tính chất vụ việc do Trung tâm giao giải quyết. Do đó, sẽ không thể có việc trợ giúp viên pháp lý hoạt động độc lập không gắn với một Trung tâm trợ giúp pháp lý và tự tiếp nhận công việc trợ giúp pháp lý như hoạt động của luật sư.
Theo dự kiến chương trình, ngày mai 21-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành phần lớn thời gian để cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng./.
Quốc hội Việt Nam - Đan Mạch tổ chức tọa đàm bàn tròn lần thứ 5  (20/09/2016)
Thủ tướng: Một môi trường tốt đang chờ đón các nhà đầu tư  (20/09/2016)
Brexit: Hệ quả và những tác động  (20/09/2016)
Việt Nam tích cực tham gia hoạt động của Phong trào Không liên kết  (20/09/2016)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 12 đến ngày 18-9-2016)  (20/09/2016)
Hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước  (20/09/2016)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên