Brexit: Hệ quả và những tác động

TS. Nguyễn Ngọc Trường Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc tế, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển, Phần Lan, Mê-hi-cô, Pê-ru và Pa-na-ma
21:36, ngày 20-09-2016

TCCS - Cục diện chính trị, kinh tế, ngoại giao của nước Anh và cả Liên minh châu Âu đang có sự thay đổi sâu sắc, nhanh chóng sau khi 51,9% người dân Anh, bằng cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6-2016, đã bỏ phiếu “rời khỏi EU” (Brexit). Đó là dòng nước ngược đối với xu thế liên kết và hội nhập khu vực trong dòng chảy toàn cầu hóa trên thế giới. Brexit tác động sâu rộng và thuận nghịch đối với nước Anh, EU và đối với quá trình phát triển của đời sống quốc tế.

Nguồn gốc sâu xa và nguyên nhân trực tiếp

Trước hết, sâu xa nhất, phải nói đến cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế xuất phát từ nước Mỹ, năm 2008 - 2009, tạo ra một “cơn co giật” của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Hệ thống tài chính Mỹ khủng hoảng trầm trọng kéo theo hệ thống tài chính nhiều quốc gia chao đảo. Thị trường chứng khoán toàn cầu xuống dốc không phanh, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, nhiều ngân hàng, công ty lớn phá sản.

Ở thời điểm đó đã diễn ra cuộc “đại phẫu thuật” đối với hệ thống kinh tế, chính trị thế giới. Nhiều nhà lãnh đạo các nước phát triển trên thế giới nhấn mạnh cần có luật pháp, chế tài, sự kiểm soát các thể chế thị trường, trừng phạt những sai trái và gian lận.

Nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng đó là thực hiện mô hình chủ nghĩa tự do mới với tư duy “thị trường sẽ tự điều tiết tất cả”. Mô hình kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào chi tiêu của các gia đình, sức tiêu thụ do tín dụng dẫn dắt, cho vay trả góp. Từ những năm 70 của thế kỷ trước cho đến năm 2005, số người Mỹ chuyển tiết kiệm thành đầu tư tăng từ 16% lên 50% nhằm kiếm lời hai chữ số, tạo ra “nền văn hóa đánh bạc” với thị trường.

Tiếp đó, cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp đã lan sang các nền kinh tế thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, I-ta-li-a... Nợ công của Pháp cuối tháng 3-2016 tương đương 97,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 40,7 tỷ ơ-rô so với quý IV-2015, nhưng vẫn được xem là “dưới ngưỡng theo quy định của EU”. Cuộc khủng hoảng nợ công này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trước hết là từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng không mang lại kết quả như mong muốn, khiến thâm hụt ngân sách tại một số quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu trở nên nặng nề vượt quá tầm, dẫn đến việc đi vay tiền để chi tiêu công, trong đó có chi tiêu cho phúc lợi xã hội. Giữa năm 2004, Hy Lạp chi tới 9 tỷ ơ-rô để tổ chức Đại hội thể thao Ô-lim-pic, biến Thế vận hội mùa hè 2004 trở thành kỳ Ô-lim-píc “đắt đỏ nhất” tại thời điểm đó, khiến nước này ngập chìm trong những khoản nợ công khổng lồ. Ô-lim-píc A-ten được coi là nguyên nhân trực tiếp đẩy Hy Lạp vào cuộc khủng hoảng nợ công. Đầu tháng 3-2012, tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch và Moody’s đồng loạt hạ xếp hạng tín nhiệm của Hy Lạp xuống loại “vỡ nợ”. Vào lúc cao trào của khủng hoảng nợ công Hy Lạp, người ta đề cập đến khả năng quốc gia này rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu, gọi tắt là Grexit.

Khó khăn kinh tế chính là nguyên nhân chủ yếu làm rạn nứt Liên minh châu Âu (EU). Trên lục địa châu Âu, cũng như tại Anh, có quan điểm rộng khắp rằng EU chưa phát huy được sức mạnh về kinh tế. Các lực lượng bảo thủ về chính trị đã trỗi dậy, làm xuất hiện chủ nghĩa hoài nghi châu Âu. Đó dường như là điểm khởi đầu của Brexit, lựa chọn phương án “ra đi”.

Thứ hai, trong bối cảnh EU đang thi hành chính sách “thắt lưng buộc bụng” chống chọi với sự đình trệ kinh tế và nợ công, từ giữa năm 2015, một cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử thế giới kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai với hàng triệu người Hồi giáo từ Trung Đông và Bắc Phi tràn vào châu Âu gây ra một cuộc khủng hoảng mới cho EU. Cuộc khủng hoảng này đặt ra những băn khoăn lớn về tính cộng đồng và năng lực xử lý các khủng hoảng của EU. Nhiều ý kiến cho rằng EU không bảo vệ được các thành viên của mình trước nạn di dân ồ ạt, bất hợp pháp; và quan trọng hơn, cuộc khủng hoảng này trở thành môi trường nuôi dưỡng những khuynh hướng chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cực hữu, vốn dễ nhận thấy trong đời sống chính trị châu Âu.

Nước Anh, với tư cách là thành viên EU, cũng buộc phải chấp nhận các hạn ngạch người nhập cư. Đại đa số người dân nước này không hài lòng với cách thức xử lý khủng hoảng nhập cư của EU. Một cuộc thăm dò dư luận ngày 6-9-2015 cho thấy, 43% số người dân Anh ủng hộ nước này rời khỏi EU. Trong số những người ủng hộ nước Anh tiếp tục ở lại EU, có 22% cho biết có thể thay đổi ý kiến nếu cuộc khủng hoảng di cư không được khắc phục. Họ còn cho rằng nước Anh đã phải chia sẻ một phần chủ quyền cho EU, điều này khiến Anh không còn là một quốc gia tự chủ, do đó, họ muốn nước Anh khôi phục thành một quốc gia độc lập và tự trị. Đối với vấn đề này, đại diện phe ủng hộ rời khỏi EU, Bộ trưởng Tư pháp Anh Mai-cơn Gô-vơ (Michael Gove) phát biểu một cách khái quát: “Đồng ơ-rô mang lại đau khổ cho người dân cuối cùng của châu Âu. Sự quản lý của EU khiến tỷ lệ thất nghiệp trên quy mô lớn khó có thể lay chuyển. Chính sách di cư của EU đã khuyến khích những kẻ buôn người, khiến người tị nạn liều lĩnh kết thành nhóm chạy sang biên giới chúng ta. Chính sách của EU không những không tạo cảm giác an toàn trên một thế giới đầy bất ổn, mà còn trở thành nguồn gốc gây hỗn loạn và mất ổn định”. Các cuộc khủng bố diễn ra liên tiếp tại Pháp, Bỉ gần đây là “giọt nước làm tràn ly” những bất mãn và lo ngại của người Anh.

Thứ ba, cơ cấu của EU cũng tạo ra nhiều vấn đề nghi ngại. Trong nhiều năm qua, EU được biết đến như là một tổ chức liên kết ở cấp độ khá cao so với các tổ chức khu vực khác. Trên giấy tờ, các tổ chức của EU tôn trọng nguyên tắc dân chủ về đại diện và trách nhiệm, quyền lập pháp được bảo đảm thông qua Quốc hội châu Âu - một tổ chức siêu quốc gia đầu tiên trên thế giới và Hội đồng châu Âu - cơ quan tập trung lãnh đạo các nhà nước và chính phủ thành viên. Nhưng thực chất, lãnh đạo châu Âu có phải là Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu hay Chủ tịch Hội đồng châu Âu không? Ủy ban châu Âu không phải là một chính phủ thực sự, Quốc hội châu Âu cũng không phải là một quốc hội đúng nghĩa. Các cơ chế tạo ra một hệ thống quy định lớn và nặng nề ở cấp độ châu Âu được cho là thiếu sự sâu sát. Một số nhà quan sát cho rằng, việc nhanh chóng thành lập một liên minh tiền tệ còn nhiều khiếm khuyết, thiết kế lỏng lẻo, giữa lúc trình độ phát triển của các thành viên không đồng đều là sai lầm đơn lẻ lớn nhất trong lịch sử hội nhập châu Âu. Hai mươi tám thành viên với nhiều tốc độ tăng trưởng khác nhau trở thành gánh nặng hơn là một lợi thế của Liên minh.

Thứ tư, các khoản đóng góp của một số nước thành viên cho EU cũng được xem là quá lớn. Anh là nước đóng góp cho ngân sách EU nhiều thứ hai, sau Đức. Đóng góp của nước Anh cho EU đã tăng gấp đôi vào năm 2014, với 34 tỷ bảng Anh. Câu hỏi đặt ra là, các khoản đóng góp lớn này liệu có được bù lại bằng những lợi ích mà người Anh nhận được? Rất nhiều người thuộc phe hoài nghi châu Âu cho rằng tư cách thành viên EU không mang lại lợi ích cho nước Anh mặc dù theo phân tích của Trung tâm cải cách châu Âu, tư cách này khiến kim ngạch thương mại giữa Anh với các nước EU khác tăng 55%, đồng thời nâng năng suất lao động và sản lượng kinh tế của nước Anh.

Thứ năm, đó là hậu quả trực tiếp của việc điều hành cuộc trưng cầu dân ý ở Anh, với sự chia rẽ nội bộ của Chính phủ của Thủ tướng Đa-vít Ca-mê-rôn.

Brexit: Các hệ quả đối với nước Anh và EU và quan hệ hai bên

Đối với nước Anh, việc rời EU sẽ chịu một số hậu quả ngắn hạn và trung hạn, còn mức độ tác động dài hạn tùy thuộc vào những người hoài nghi hay lạc quan về EU. Song theo đánh giá chung, Anh là quốc gia bị thiệt hại nhiều nhất từ Brexit.

Trước hết, về ngắn hạn và trung hạn, Brexit sẽ tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Anh. Theo dự báo của Học viện kinh tế chính trị Luân-đôn, việc rời khỏi EU sẽ dẫn đến sự sụt giảm thương mại giữa Anh với các nước thành viên EU, thu nhập từ thuế trong nước Anh tăng lên, các nhà đầu tư nước ngoài rút lui, những nhân tố này gộp lại có thể khiến GDP của nước Anh giảm từ 3,1% đến 9,5% - tổn thất này nghiêm trọng hơn nhiều so với sự bùng nổ một cuộc khủng hoảng tài chính.

Thứ hai, sau mấy thập niên tham gia EU, việc ra khỏi EU buộc nước Anh phải thay đổi cuộc sống xã hội và diện mạo quốc gia của mình. Bà Tê-rê-xa May - nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử nước Anh, sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn và thách thức để điều hành đất nước thời hậu Brexit.

Thứ ba, với khu vực dịch vụ tài chính khá lớn, Anh được hưởng lợi rất nhiều từ tấm giấy thông hành tài chính cho phép các ngân hàng và doanh nghiệp tài chính khác của nước này hoạt động tại bất cứ đâu trong EU. Thành phố Luân-đôn cũng là nơi đặt trụ sở của Cơ quan ngân hàng châu Âu - cơ quan giám sát tài chính toàn EU. Việc rời khỏi EU có thể gây tác hại tới những dàn xếp này và làm dấy lên những nghi ngờ về tương lai của thành phố được coi là thủ đô tài chính của thế giới.

Đối với EU, người ta đang cố gắng hình dung ra một EU không có nước Anh. Liệu EU sẽ chặt chẽ hơn hay lỏng lẻo hơn? Sự hội nhập của châu Âu liệu có trở nên sâu sắc hơn như một tiến trình không thể đảo ngược?

Vào thời điểm hiện tại, Brexit đang tạo thêm áp lực cho Liên minh vốn đang chịu nhiều sức ép chưa từng thấy. Việc nước Anh rời khỏi EU khiến lòng tin, hình ảnh của EU - một liên minh gắn kết sau 1/4 thế kỷ không phải là bất khả xâm phạm, bị lung lay. Bên cạnh đó, sự tác động cũng như hậu quả kinh tế đối với châu Âu là rất khó dự báo. Sự nổi lên của các đảng chống lại EU là hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà hoạt định chính sách của Liên minh. Brexit có thể sẽ khởi động xu hướng ly tâm tại lục địa châu Âu, nhất là nếu Anh phát triển thịnh vượng bên ngoài EU. Theo tờ Thời báo Tài chính (Anh), một cuộc khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy, 61% số người dân Pháp có quan điểm không thích EU, tỷ lệ này cao hơn cả ở Anh. Theo một cuộc thăm dò gần đây nhất của Cơ quan thăm dò dư luận Eurobarometer đối với toàn bộ 28 nước thành viên, 43% số người được hỏi ý kiến cho rằng EU đang đi sai hướng so với 23% số người nói Liên minh này đang đi đúng đường. Trong các cuộc khảo sát khác, 48% số người I-ta-li-a ủng hộ rời khỏi EU. Tại Hy Lạp, tỷ lệ không ủng hộ cách thức điều hành kinh tế của EU là 92% trong khi tại I-ta-li-a, Pháp và Tây Ban Nha, tỷ lệ không ủng hộ cũng là hơn 60%. Tuy nhiên xu hướng chia tay EU có thể không phát triển thành trào lưu, nếu EU giải quyết được những vấn đề nội tại của mình, trước hết là kinh tế.

Trong lĩnh vực an ninh - phòng thủ, Brexit tạo ra một hiệu ứng quan trọng, một “cú huých” thúc đẩy nhanh tiến trình để EU đảm nhận trách nhiệm lớn hơn vì an ninh, an toàn của mình. Anh là một nước lớn về quân sự, nhưng dè dặt trong liên kết phòng thủ trong EU, phản đối việc thành lập “quân đội EU” và xu thế hội nhập quân sự sâu rộng hơn của Liên minh. Việc Anh rời Liên minh có thể thúc đẩy mạnh mẽ mục tiêu hợp tác quốc phòng mà các nước có ảnh hưởng lớn, như Pháp và Đức từ lâu vẫn mong muốn. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, lợi ích từ việc thiết lập bộ chỉ huy quân sự châu Âu và tìm kiếm thêm các nguồn tài chính cho các chiến dịch của EU, những điều đang bị Anh cản trở, sẽ không đáng là bao so với những thiệt hại của việc mất đi một thành viên cường quốc quân sự trọng yếu.

Các chuyên gia cho rằng, Chính sách An ninh và Phòng thủ chung (CSDP) của EU sẽ suy yếu do mất đi một trong các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới. Chưa đầy một tuần sau khi người Anh bỏ phiếu trưng cầu dân ý, ngày 28-6, Hội nghị Thượng đỉnh EU đã thông qua Chiến lược toàn cầu của EU, khẳng định EU cần tăng cường sức mạnh quân sự để bổ trợ cho quyền lực mềm của Liên minh, trong đó nêu rõ sự hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng phải trở thành chuẩn mực; châu Âu phải nhận trách nhiệm lớn hơn vì sự an toàn của mình, phải sẵn sàng đáp trả các nguy cơ và tự vệ trước các nguy cơ đó.

Đối với quan hệ Anh - EU, những diễn biến trên thực tế sau cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, dù không sống chung dưới một mái nhà EU nhưng cả hai phía đều cần những mối liên kết dưới dạng thức mới. Những cuộc thương lượng khó khăn đang chờ đón EU và Anh trong hai năm tới. Vấn đề cấp bách nhất đối với các lãnh đạo EU là Anh khởi động Điều 50 của Hiệp ước Li-xbon. EU đã chuẩn bị sẵn sàng để bắt đầu đàm phán nhưng Chính phủ mới của Anh thì chưa.

Báo kinh tế Les Echos (Pháp) nhận định, tân Thủ tướng Anh sẽ là người đoàn kết các phe phái trong Đảng Bảo Thủ cầm quyền, bởi bà T. May tuy là “người ủng hộ phe chống Brexit”, nhưng trên thực tế, lại là “người hoài nghi châu Âu”. Tờ Les Echos (Pháp) dự đoán, bà T. May sẽ thương thuyết rất quyết liệt với Brúc-xen. Nhiều khả năng nữ Thủ tướng mới của Anh sẽ theo đuổi chính sách “Brexit mềm”, tìm kiếm phương án đàm phán ưu tiên quyền tiếp cận thị trường chung đối với hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp Anh, đồng thời có quyền kiểm soát số người từ châu Âu vào nước Anh.

Không ai phủ nhận rằng EU là một tổ chức chưa hoàn hảo, nhưng hiện nay trên thế giới chưa có một liên minh nào hoàn hảo hơn EU. Trải qua nhiều thập niên liên kết, châu Âu đã trở nên thanh bình và cởi mở hơn bao giờ hết. Liên minh châu Âu đã phát triển một thị trường chung thông qua hệ thống luật pháp tiêu chuẩn áp dụng cho tất cả các nước thành viên nhằm bảo đảm sự tự do lưu thông của con người, hàng hóa, dịch vụ và vốn. Thành công ngoạn mục của EU suốt 25 năm qua trong việc hình thành nên một khu vực tự do đi lại là chưa từng có tiền lệ. Trả lời câu hỏi trong các cuộc thăm dò thông thường của Eurobarometer rằng EU đã mang lại điều quan trọng gì cho mỗi cá nhân, gần một nửa số người được hỏi trả lời rằng đó là “tự do đi lại, học tập và làm việc ở bất cứ đâu trong EU”.

Với việc nước Anh rời đi, EU trở thành một tổ chức thuần túy lục địa đứng trước một cơ hội lịch sử để đổi mới. Ít đi một thành viên không có nghĩa là không thể tốt thêm. Vẫn có nhiều hy vọng rằng, một EU sau Brexit có thể sẽ đoàn kết và hiệu quả hơn. Ngọn cờ của Liên minh bớt đi một ngôi sao nhưng vẫn nhiều sức hấp dẫn. Hiện nay, bên “cánh gà” EU, có 5 nước đang xin gia nhập là An-ba-ni, Mác-xê-đô-ni-a, Môn-tê-nê-grô, Xéc-bi-a và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, EU không chủ trương kết nạp thêm thành viên mới trước năm 2020 để có thời gian củng cố và tự đổi mới./.