TCCSĐT - Sáng 20-9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu - địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu, nhất là xâm nhập mặn trong thời gian gần đây.

 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
làm việc với cán bộ lãnh đạo đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu

Trong số 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu là tỉnh có diện tích đứng thứ 6, dân số đứng thứ 11.

Với đặc thù là nơi hội tụ của nhiều dòng văn hóa, đặc biệt là sự giao thoa giữa 3 dòng văn hóa của người Kinh, người Khmer và người Hoa đã tạo nên cho vùng đất Bạc Liêu một diện mạo văn hóa riêng và là địa danh thu hút đông đảo khách du lịch tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Bạc Liêu cũng chính là nơi sản sinh ra bản “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu, một trong những cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ.

Thời gian qua, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã đưa ngành nghề nuôi trồng thủy sản lên thành mũi nhọn kinh tế nông nghiệp số 1, trên cả trồng lúa tại Bạc Liêu. Tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm của tỉnh đạt 5,09%.

Bạc Liêu có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long với gần 1.280km2, tương đương gần một nửa diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Năm nay, dù tác động xấu từ biến đổi khí hậu, nhưng dự tính, xuất khẩu thủy sản của Bạc Liêu cũng vẫn đạt 3,2 tỷ USD.

Bạc Liêu có sản lượng tôm đứng thứ hai cả nước, sau Cà Mau với khoảng 105.000 tấn/năm, mang lại giá trị kinh tế khoảng 500 triệu USD/năm với nhiều mô hình nuôi đa dạng như thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh cải tiến, tôm-lúa, tôm-rừng…

Tỉnh còn có những mô hình nuôi tôm công nghệ cao hàng đầu quốc gia và có thứ hạng cao ở Đông Nam Á. Bạc Liêu cũng là trung tâm sản xuất tôm giống của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Tuy nhiên, Bạc Liêu vẫn là tỉnh nghèo, thu ngân sách đạt dưới 2000 tỷ nhưng mức chi 3600 tỷ, trung ương đang phải hỗ trợ cho tỉnh.

Do kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, với trên 45,7%, nên đợt nắng hạn, xâm nhâp mặn kéo dài đã dẫn đến thiệt hại 1.300 hécta lúa, 14.000 hécta tôm của Bạc Liêu.

Đây là một phần nguyên nhân quan trọng dẫn đến nguồn nguyên liệu thủy sản xuất khẩu thiếu nghiêm trọng.

Biến đổi khí hậu cũng tác động đến diêm nghiệp của tỉnh; trong khi đó, xuất khẩu gạo của tỉnh gặp khó do cạnh tranh từ Thái Lan, Ấn Độ.

Tại buổi làm việc, tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho tỉnh thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm với diện tích giai đoạn 1 là 200 hécta.

Đây là bước đi nhằm đưa Bạc Liêu trở thành Trung tâm sản xuất tôm thâm canh Việt Nam và xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam.

Nếu có mô hình này, sản lượng tôm có thể tăng gấp 10 lần so với trước, năng suất từ 10-15 tấn lên 100 đến 150 tấn/hécta.

Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ có các giải pháp tổng thể ứng phó với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ kinh phí nạo vét một số tuyến kênh trục, kênh cấp 1 dẫn nước chính để phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Tỉnh cũng đề nghị Thủ tướng hỗ trợ diêm nghiệp do mưa trái mùa, thiệt hại cho diêm dân.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng cho rằng, Bạc Liêu có lối đi, cách làm khá rõ nét để phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu với nhiều giải pháp đáng ghi nhận.

Tỉnh đã có nhiều cố gắng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nỗ lực thu ngân sách, thu hút vốn đầu tư FDI; có vùng nuôi tôm công nghệ cao; công tác an sinh xã hội đảm bảo.

Tuy nhiên Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn xây dựng cơ bản, thúc đẩy khởi nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển.

Thủ tướng tán thành việc quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nuôi tôm trở thành lĩnh vực kinh tế nông nghiệp chủ đạo của tỉnh.

Thủ tướng đề nghị Bạc Liêu cần có giải pháp lâu dài và trước mắt trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì đưa ra các giải pháp tổng thể ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Bạc Liêu nói riêng, trong đó có các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu về trung hạn.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, Thủ tướng yêu cầu Bạc Liêu đẩy mạnh công tác giải quyết mặt bằng cho các dự án chế biến sâu, dự án công nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tính toán giảm sản lượng muối, chỉ giữ lại ngành muối truyền thống có thị trường tiêu thụ tốt, tránh sản xuất ra không bán được hoặc hiệu quả thấp.

Đối với các đề nghị của Bạc Liêu về hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tại phối hợp với tỉnh nghiên cứu tìm các nguồn vốn, thay vì trông chờ vào vốn ngân sách.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ cần quan tâm hỗ trợ Bạc Liêu thu hút được các dự án động lực thúc đẩy kinh tế của tỉnh.

* Sáng cùng ngày, phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Cà Mau tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Cà Mau cần có những quyết sách mạnh mẽ, cải cách toàn diện, phấn đấu đưa Cà Mau trở thành tỉnh khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
làm việc với cán bộ lãnh đạo đạo chủ chốt tỉnh Cà Mau

Nhấn mạnh đến vị trí địa chính trị của Cà Mau - Đất Mũi, vùng đất phên giậu cực Nam Tổ quốc, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành phối hợp chặt chẽ với Cà Mau để có những giải pháp toàn diện, đồng bộ hỗ trợ Cà Mau khắc phục khó khăn, nhất là biến đổi khí hậu để phát huy nội lực, vươn lên phát triển kinh tế - xã hội.

Đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ trong nuôi trồng thủy sản của Cà Mau với những doanh nghiệp Việt Nam đứng vào tầm cỡ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này, Thủ tướng cho rằng, đây là thế mạnh vượt trội, là ưu thế và mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh. Thủ tướng cũng biểu dương thành tích của Cà Mau trong bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Tỉnh cũng luôn thực hiện tốt các chỉ đạo, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước nhất là trong xây dựng nông thôn mới.

Đề cập đến hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Cà Mau tái cơ cấu toàn diện và hiệu quả hơn nữa ngành kinh tế nông nghiệp theo hướng quy hoạch rõ hơn các sản phẩm hàng hóa; chú trọng các mặt hàng nông thủy sản chất lượng và giá trị kinh tế cao. Thủ tướng đề nghị Cà Mau xây dựng quy hoạch vùng nuôi tôm số 1 của cả nước, có công nghệ nuôi tôm sạch, hiệu quả cao để tăng sức cạnh tranh.

Ngoài ra, Cà Mau còn phải xây dựng tốt quy hoạch ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; tiếp tục duy trì thành tích xây dựng nông thôn mới; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng lưu ý Cà Mau bảo đảm tốt an ninh cho ngư dân yên tâm hành nghề đánh bắt thủy hải sản; tiếp tục hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy khởi nghiệp, tăng số lượng doanh nghiệp trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng tán thành về mặt chủ trương việc sớm đầu tư xây dựng các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, trước mắt là khắc phục và giảm thiểu hậu quả tình trạng hạn hán xâm nhập mặn; đảm bảo tốt nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trong tỉnh.

Là mảnh đất phì nhiêu cực Nam Tổ quốc, Cà Mau có lợi thế rất lớn trong nuôi trồng thủy sản, đây cũng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và hiện đang là địa phương dẫn đầu cả nước về nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản trong nhiều năm qua.

Với 3 mặt giáp biển, bờ biển dài 254km, Cà Mau có ngư trường rộng trên 100.000km2, có nhiều nguồn lợi thủy sản nên nghề khai thác thủy sản trên biển rất phát triển. Ngành kinh tế thủy hải sản đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế lớn nhất ở Cà Mau; góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất cho nông dân ở các vùng ven biển và nông thôn; đồng thời cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu. Cà Mau trở thành tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thủy sản cao nhất nước, đem lại nguồn thu ngoại tệ cho nước nhà.

Bên cạnh đó, nhờ thực hiện tương đối hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp 6 ngành hàng nông sản chủ lực, Cà Mau là địa phương có thành tích khá tốt trong xây dựng nông thôn mới bình quân mỗi xã đạt 13,3/19 tiêu chí nông thôn mới mặc dù do ảnh hưởng từ đợt hạn mặn vừa qua đã làm 53.000ha lúa trên địa bàn bị thiệt hại hoàn toàn.

Tuy nhiên, những tồn tại của Cà Mau hiện là tốc độ cải cách hành chính với thứ hạng 59 trong cả nước. Dưới tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, hai tuyến sườn Đông và sườn Tây Cà Mau, khu vực Mũi Cà Mau bị sụt lở rất nhiều. Tỉnh đã phải ứng phó bằng cách xây kè để ngăn sụt lún. Thực trạng này cũng nhận được sự chia sẻ của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương tại buổi làm việc và thống nhất cần tiến hành đánh giá chi tiết để có giải pháp khắc phục sớm trong thời gian tới./.