Bầu cử Duma Quốc gia Nga: lòng tin từ các cử tri

Tuấn Phương (tổng hợp)
18:52, ngày 18-09-2016

TCCSĐT - Năm năm một lần, hàng triệu cử tri Nga sẽ đi bầu cử Duma Quốc gia hay còn gọi là Hạ viện Nga. Năm nay, cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 9 thay vì tháng 12, với hơn 110 triệu cử tri trên cả nước Nga để bầu ra tổng cộng 450 ghế quốc hội.

 
 Bầu cử Duma Quốc gia Nga khóa VII. Ảnh: vtv.vn

Diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn trong suốt năm 2015 do giá dầu giảm cũng như do hệ quả từ lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraina, cuộc bầu cử được coi là “phép thử lòng tin” của cử tri Nga đối với Đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất cũng như đối với Tổng thống Vladimir Putin.

Hệ thống bầu cử hỗn hợp

Ngày 17-6, Tổng thống V. Putin đã ký sắc lệnh ấn định thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Duma Quốc gia khóa VII vào ngày 18-9-2016, sớm hơn dự kiến 3 tháng. Đây cũng là thời điểm các chiến dịch vận động tranh cử chính thức được bắt đầu. Việc bỏ phiếu bầu vào Duma Quốc gia khóa VII sẽ diễn ra trong một ngày. Tổng thống V. Putin cũng đã giao nhiệm vụ cho Cơ quan an ninh liên bang (FSB) bảo vệ cuộc bầu cử. Theo đó, FSB có nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ cuộc bầu cử Duma Quốc gia khỏi sự can thiệp của nước ngoài; mặt khác, ngăn chặn và bắt giữ những kẻ thù bên trong đang tìm cách kích động chủ nghĩa dân tộc, bài ngoại, cực đoan, chia rẽ xã hội Nga.

Nét mới của cuộc bầu cử vào Duma Quốc gia Nga lần này là lần đầu tiên kể từ năm 2003, cuộc bầu cử Quốc hội tại Nga quay lại hệ thống bầu cử hỗn hợp, nghĩa là trong số 450 đại biểu, 50% sẽ được bầu theo cơ chế đại diện theo tỷ lệ giữa các đảng, 50% còn lại được bầu chọn trực tiếp theo các khu vực bầu cử.

Việc quay lại hệ thống bầu cử trước đây khiến số lượng các đảng phái chính trị đủ điều kiện tham gia chạy đua giành ghế đại diện trong Hạ viện khóa mới tăng lên con số 14. Mặc dù số lượng đảng phái chính trị tăng vọt, nhưng theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất, các “gương mặt” mới ít có khả năng vượt qua được ngưỡng tối thiểu bắt buộc 5% số phiếu ủng hộ của cử tri. Trong khi đó, các chính đảng truyền thống như Đảng Nước Nga thống nhất (UR) có cơ hội giành được nhiều ghế nhất với sự ủng hộ là từ 39% đến 41%. Đảng UR kỳ vọng vào những ứng cử viên “độc lập” được bầu không phải theo danh sách đảng phái chính trị mà theo chế độ bầu cử đa số. Sau khi thắng cử, những đại biểu này sẽ gia nhập UR giúp chính đảng cầm quyền ở Nga tiếp tục duy trì vị thế của mình tại cơ quan lập pháp. Tuy nhiên, với việc dự đoán chỉ có khoảng 41% số ứng cử viên ủng hộ so với khóa trước là 53,7% cho thấy, những khó khăn kinh tế trong nước do giá dầu tụt giảm, bị bao vây cấm vận làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân, đặc biệt là những người hưu trí, những người có thu nhập thấp đang tác động mạnh mẽ vào uy tín của Đảng UR và tạo cơ hội cho các đảng chính trị khác tham gia vào Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021. Theo giới quan sát, Đảng Dân chủ - Tự do Nga (LDPR) được dự báo sẽ đạt với khoảng 10% - 11% số cử tri ủng hộ, trong khi đó, Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) là khoảng 9%, Đảng Nước Nga công bằng (SR) là 5% số phiếu ủng hộ của cử tri Nga.

Ngày 18-9, khoảng 95.000 điểm bỏ phiếu mở cửa từ 8h00 đến 20h00 (giờ Moscow), bảo đảm mọi điều kiện an ninh và trật tự để cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình; trừ tại một số vùng như Kamchatka và Chukotka, các điểm bỏ phiếu đã hoạt động từ 23h00 ngày 17-9. Cũng trong ngày này, cử tri còn bầu ra thống đốc của 9 khu vực, đại biểu hội đồng lập pháp của 39 chủ thể, khoảng 5.000 thành phố cũng bỏ phiếu bầu người đứng đầu. Ủy ban bầu cử trung ương Nga đánh giá, đây là đợt bầu cử quy mô lớn nhất trong lịch sử nước Nga hiện đại.

Giành phiếu bầu

Có thể thấy, năm 2015 là một năm đặc biệt khó khăn đối với nền kinh tế Nga, chủ yếu do giá dầu thế giới - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga - giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong hơn một thập niên qua và các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với nước này liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine.

Những áp lực ở trong và ngoài nước khiến bức tranh kinh tế của Nga năm 2015 khá u ám. Do năng lượng lâu nay vẫn được coi là “trái tim” của nền kinh tế Nga nên khi giá dầu toàn cầu tuột dốc, từ 100 USD/thùng hồi đầu năm 2014 xuống còn khoảng 35 USD/thùng thời điểm cuối năm 2015, nền kinh tế Nga vốn quá phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu dầu đã bị thiệt hại nghiêm trọng. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow càng khiến cho tình hình thêm trầm trọng khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính, những biện pháp này có thể khiến Nga bị thiệt hại khoảng 9% GDP trong trung hạn.

Cuộc khủng hoảng kinh tế cũng khiến đồng nội tệ của Nga mất giá tới 72,2% so với đồng USD tính từ tháng 3-2014 đến tháng 12-2015. Nga buộc phải giảm nhập khẩu các mặt hàng và tìm kiếm các mặt hàng khác để thay thế trong chương trình quốc gia thay thế hàng nhập khẩu.

Đối mặt với bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa, Tổng thống Nga V. Putin đã kêu gọi cải thiện cơ cấu kinh tế, nâng cao công tác quản lý và thu hút đầu tư nước ngoài. Hưởng ứng lời kêu gọi này, tháng 01-2015, Thủ tướng Nga D. Medvedev đã ký “gói chống khủng hoảng” có hiệu lực 1 năm trị giá 2,3 nghìn tỷ ruble (30 tỷ USD) để bình ổn nền kinh tế trong nước. “Gói chống khủng hoảng” đã đạt được những hiệu quả đầu tiên khi các chỉ số kinh tế của nước này tiếp tục được cải thiện trong quý IV-2015 và nền kinh tế Nga đã có dấu hiệu phục hồi. Bên cạnh việc đa dạng hóa cơ cấu nền kinh tế, từng bước thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào xuất khẩu dầu, năm 2015, Chính phủ Nga tiếp tục đẩy mạnh “chính sách hướng Đông”, tích cực hợp tác với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi hiện chiếm tới 1/4 tỷ trọng kinh tế thế giới, triển khai và mở rộng các dự án hợp tác kinh tế giữa các nước Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và ASEAN, cũng như đề xuất thiết lập đối tác kinh tế thương mại giữa ba tổ chức này. Có thể kể tới những kết quả của chính sách này như việc xây dựng khu vực thương mại tự do giữa EAES mà Nga là thành viên chủ chốt với Việt Nam, Nga và Trung Quốc thực hiện hàng loạt dự án liên kết kinh tế giá trị lớn và thu hút đầu tư vào vùng Viễn Đông, Nga và Ấn Độ triển khai các biện pháp tăng cường hợp tác thương mại, năng lượng... Những bước đi trên đã phần nào giúp Moscow phá thế cô lập về kinh tế và giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và EU liên tục áp đặt với Nga. Kinh tế Nga đã vượt đáy khủng hoảng khi hoạt động sản xuất công nghiệp và tỷ giá hối đoái của đồng ruble dần ổn định, lạm phát giảm dần, xuất khẩu vượt nhập khẩu 126,3 tỷ USD cho dù kim ngạch chung giảm, đặc biệt tình trạng thất thoát vốn đã bị hạn chế đáng kể so với năm 2014.

Các dấu hiệu tích cực trên cho thấy nền kinh tế Nga phần nào đã qua giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng, tuy nhiên những khó khăn vẫn chưa hết. GDP năm 2016 của Nga được dự báo giảm 1,9% trước khi có thể dần phục hồi từ năm 2017. Theo giới chuyên gia, trong giai đoạn 2014 - 2017, Nga mất khoảng 600 tỷ USD do giá dầu toàn cầu giảm và lệnh cấm vận từ phương Tây. Để thích nghi với tình hình mới, Chính phủ Nga đã liên tục cắt giảm chi tiêu công, giảm các khoản trợ cấp xã hội, khiến đời sống của người dân càng thêm chật vật. Tỷ lệ thất nghiệp cao, thu nhập thực tế của người dân giảm mạnh, trong khi số người nghèo tiếp tục tăng lên chóng mặt. Cơ quan Thống kê liên bang Nga (Rostat) cho biết, trong quý I-2016, số người có thu nhập thấp hơn mức sống tối thiểu đã tăng lên tới 22,7 triệu người, cao hơn nhiều so với mức 14,4 triệu người trong cùng kỳ năm ngoái.

Bộ đôi lãnh đạo - Thủ tướng D. Medvedev và Tổng thống V. Putin - đã đặt mục tiêu nhanh chóng vực dậy nước Nga vĩ đại, vốn bị suy yếu nghiêm trọng vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, từng bước giành lại vị thế siêu cường thế giới. Đảng UR luôn được cử tri Nga “trao trọn” niềm tin và trở thành chính đảng cầm quyền trong suốt hơn một thập niên qua. Thế nhưng, những thành tựu tích góp được dường như vẫn chưa thể giúp nền kinh tế Nga vượt qua hoàn toàn tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi Tổng thống V. Putin lên cầm quyền vào năm 1999.

Trước những khó khăn chồng chất như vậy, không khó hiểu khi tỷ lệ cử tri ủng hộ UR giảm sút. Theo kết quả thăm dò dư luận do Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga (VTsIOM) công bố ngày 12-9, thời điểm kết thúc chiến dịch tranh cử, UR sẽ tiếp tục giành chiến thắng và chiếm nhiều ghế trong Duma Quốc gia khóa mới, tuy nhiên không tạo được phe đa số tuyệt đối tại Hạ viện.

Ngoài bài toán vực dậy nền kinh tế quốc gia, Tổng thống V. Putin cũng đưa ra chính sách đối ngoại nhằm khẳng định sức mạnh của Nga trên chính trường quốc tế, thuyết phục sự ủng hộ từ các cử tri. Phát biểu tại Hội nghị các đại sứ và đại diện ngoại giao của Nga ở nước ngoài diễn ra ngày 30-6 tại Moscow, Tổng thống V. Putin nhấn mạnh sự đa dạng và phức tạp của các vấn đề quốc tế, những thách thức và nguy cơ mà Nga đang phải đương đầu, đòi hỏi phải thường xuyên điều chỉnh chính sách ngoại giao liên quan đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế, nhân đạo và thông tin. Tổng thống V. Putin nêu rõ, Chiến lược đối ngoại có điều chỉnh của Nga sẽ hướng tới việc bảo đảm hòa bình quốc tế và ổn định, thiết lập trật tự thế giới công bằng và dân chủ trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc. Ngành ngoại giao Nga đóng góp vào việc giải quyết và ngăn chặn các cuộc xung đột và điểm nóng, trước hết là ở khu vực biên giới Nga, cũng như củng cố chủ quyền và bảo vệ lợi ích của Nhà nước Liên bang Nga. Theo đó, nước Nga thúc đẩy việc hình thành môi trường hợp tác và hữu nghị với các nước để phát triển nước Nga thành quốc gia dân chủ pháp quyền với một nền kinh tế thị trường có định hướng về mặt xã hội.

Về an ninh, Tổng thống V. Putin nhấn mạnh nguy cơ xung đột trên thế giới không giảm mà đang gia tăng, chỉ có thể tránh được xung đột bùng phát trên cơ sở đối thoại và hợp tác. Cộng đồng quốc tế cần phải tiến tới xây dựng trật tự thế giới công bằng hơn dựa trên các nguyên tắc trách nhiệm tập thể và an ninh thống nhất không chia cắt. Thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau và thách thức trước các quốc gia phần lớn là thách thức chung. Chỉ có hợp tác, nhân nhượng lẫn nhau mới có thể giải quyết được các vấn đề phức tạp.

Và một trong những quyết định của Chính phủ Nga đang được các cử tri Nga theo dõi, đó là vai trò của Nga trong việc hóa giải cuộc khủng hoảng Syria kéo dài hơn 4 năm qua. Từ tháng 9-2015 khi Nga tuyên bố đưa quân tới Syria để tiêu diệt lực lượng Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đến nay, những bước đi mạnh mẽ, chủ động và bất ngờ của Nga đã giúp cuộc khủng hoảng tìm ra được một phần lối thoát. Ngay cả khi tuyên bố rút các lực lượng quân sự chủ yếu ra khỏi Syria do đã “hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra tại Syria” hồi tháng 3-2016, Nga vẫn nỗ lực trong việc tìm kiếm các giải pháp cùng cộng đồng quốc tế chấm dứt cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông này. Ngày 17-9, Chính phủ Nga tuyên bố sẵn sàng gia hạn lệnh ngừng bắn tại Syria thêm 72 giờ đồng hồ sau thỏa thuận lệnh ngừng bắn đạt được có hiệu lực từ ngày 12 đến ngày 18-9 cũng là một trong những động thái thu hút sự quan tâm về vai trò của nước Nga đối với an ninh toàn cầu từ các cử tri trong những ngày này để đưa ra quyết định phiếu bầu của họ.

Giới phân tích cho rằng, cuộc bầu cử Đuma quốc gia Nga khóa VII không chỉ là “phép thử lòng tin” của cử tri đối với Đảng UR cầm quyền, mà còn đối với cả cá nhân Tổng thống V. Putin. Bởi vì, kết quả bầu cử sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết định của Tổng thống V. Putin liệu có tái tranh cử vào năm 2018 hay không. Các kết quả thăm dò ngoài phòng bỏ phiếu đầu tiên sẽ được công bố vào 21h00 giờ cùng ngày theo giờ Moscow, trong khi kết quả sơ bộ sẽ được Ủy ban bầu cử Trung ương thông báo đến cử tri vào 10h00 sáng 19-9-2016./.