Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 05 đến ngày 11-9-2016
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 26/CT-TTg về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thường xuyên phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trong đó chú trọng đến các yêu cầu, nội dung, giải pháp về công tác cán bộ trong Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Các bộ, ngành, địa phương rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị; quán triệt, triển khai đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cấp trên. Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác cụ thể trên cơ sở nhiệm vụ được giao và nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; đánh giá đúng chất lượng, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở sắp xếp, điều chuyển, bố trí nhân sự phù hợp với vị trí việc làm để nâng cao hiệu quả hoạt động; kiên quyết thực hiện tinh giản số công chức, viên chức năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của pháp luật.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan hành chính nhà nước.
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục cấp các loại giấy phép, đăng ký tài sản, đăng ký kinh doanh, xuất nhập cảnh, thuế, hải quan, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký hộ khẩu, tuyển sinh, công chứng, chứng thực, khám chữa bệnh...
Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thực thi nhiệm vụ, công vụ phải tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền. Nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc; phải đeo thẻ công chức, viên chức, nhân viên khi thực hiện nhiệm vụ.
Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của người cán bộ, công chức, viên chức; không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng; thực hiện đúng quy định trong văn hóa hội họp; không hút thuốc lá trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường; nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực; không được vào casino đánh bạc dưới mọi hình thức.
Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 27/CT-TTg về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu các cơ quan nhà nước cần xác định rõ những nội dung cần làm, tập trung vào việc đổi mới phong cách, tác phong công tác, tôn trọng dân, gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với nhân dân; chống bệnh thành tích, hình thức; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong công việc, "nói đi đôi với làm". Tập trung chỉ đạo, giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà nhân dân quan tâm.
Triển khai thực hiện học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo phương châm “trên trước, dưới sau”; “trong trước, ngoài sau”, kết hợp việc tổ chức học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ chính trị của đơn vị, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả mọi hoạt động, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực tham ô, tham nhũng; tích cực đổi mới công tác quản lý nhà nước, quy định rõ trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu, của từng cán bộ, công chức, viên chức.
Rà soát, xây dựng, công bố và tổ chức thực hiện các chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Xây dựng và nhân rộng những điển hình tiên tiến, phù hợp với đặc điểm hoạt động của từng bộ, ngành, địa phương. Kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được đánh giá hằng năm, gắn với đánh giá thực hiện nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương và mỗi đơn vị.
Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ. Theo đó, bộ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về một hoặc một số ngành, lĩnh vực và dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc. Việc tổ chức và hoạt động của bộ thực hiện theo nguyên tắc phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của bộ, bộ trưởng; đề cao trách nhiệm của bộ trưởng trong mọi hoạt động của bộ; tổ chức bộ máy của bộ theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; chỉ thành lập tổ chức mới khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật; phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ bảo đảm không chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ; công khai, minh bạch và hiện đại hóa hoạt động của bộ.
Nghị định dành Chương II với 11 điều quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ về: Pháp luật; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; hợp tác quốc tế; cải cách hành chính; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực; doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế tập thể, tư nhân khác; hội, tổ chức phi Chính phủ; tổ chức bộ máy, biên chế công chức và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; về cán bộ, công chức, viên chức; kiểm tra, thanh tra; quản lý tài chính, tài sản.
Về cải cách hành chính, bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực cho chính quyền địa phương; quyết định phân cấp hoặc ủy quyền cho chính quyền địa phương thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của bộ; quyết định và tổ chức thực hiện kế hoạch cải cách hành chính, công khai thủ tục hành chính thuộc ngành, lĩnh vực; quyết định phân cấp hoặc ủy quyền cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của bộ; cải cách tổ chức bộ máy của bộ bảo đảm tinh gọn, hợp lý, giảm đầu mối, bao quát đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ theo phân công của Chính phủ.
Về quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực, bộ trình Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách về cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công; thực hiện xã hội hóa các hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực quản lý; trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực; danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý.
Bộ cũng có nhiệm vụ trình Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ và các chương trình, chiến lược định hướng phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, các loại hình kinh tế tập thể, tư nhân khác thuộc các thành phần kinh tế trong ngành, lĩnh vực. Kiểm tra việc thực hiện các quy định đối với ngành, nghề kinh doanh, dịch vụ có điều kiện theo quy định của pháp luật và xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền.
Cơ cấu tổ chức của bộ gồm: Vụ; Văn phòng; Thanh tra; Cục (nếu có); Tổng cục (nếu có); đơn vị sự nghiệp công lập. Các đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng bộ, gồm: Các đơn vị nghiên cứu chiến lược, chính sách về ngành, lĩnh vực; Báo, tạp chí; Trung tâm Thông tin; Trường hoặc Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Học viện thuộc bộ.
Nghị định nêu rõ, không tổ chức phòng trong vụ. Riêng trường hợp vụ có nhiều mảng công tác hoặc khối lượng công việc lớn, bộ trình Chính phủ quyết định số lượng phòng trong vụ tại Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ.
Tăng cường hiệu quả phối hợp công tác Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ
Chiều 09-9, Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ đã có buổi làm việc nhằm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả công tác tư pháp và tăng cường hiệu quả phối hợp công tác giữa hai bộ, ngành trong thời gian tới…
Thay mặt Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá, trong thời qua, Bộ Tư pháp đã cùng các bộ, ngành, trong đó có Bộ Nội vụ nỗ lực hoàn thành khối lượng lớn công việc nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách phục vụ phát triển đất nước. Trong 8 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã thẩm định 272 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 6 văn bản do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng; đã kiểm tra gần 2.000 văn bản, trong đó có 11 văn bản do Bộ Nội vụ chủ trì.
Bộ Nội vụ đã phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Tư pháp để hoàn thành sớm việc chuẩn hóa danh mục thủ tục hành chính, ban hành 8 Quyết định công bố thủ tục hành chính; phê duyệt phương án đơn giản hóa nhóm thủ tục hành chính về tuyển dụng, nâng ngạch công chức.
Bên cạnh những kết quả trên, lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng cho biết, công tác tư pháp trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, cần sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa của Bộ Nội vụ. Đề cập đến một số giải pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị hai bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong việc kiện toàn tổ chức pháp chế; Bộ Nội vụ tiếp tục quan tâm, phối hợp về vấn đề biên chế và kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành Tư pháp trong tình hình Bộ, ngành Tư pháp được tăng cường chức năng, nhiệm vụ như hiện nay. Đặc biệt là việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế giao biên chế cho hệ thống thi hành án dân sự tương thích với việc giao biên chế cho ngành Kiểm sát và Tòa án hàng năm, vì hệ thống thi hành án dân sự nằm trong “dòng chảy” sau của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trước mắt, xem xét không cắt giảm biên chế theo lộ trình giảm 1,5% biên chế hành chính hàng năm.
Nhất trí cho rằng việc cắt giảm biên chế không nên “cào bằng” mà cần có sự linh động cho phù hợp với từng bộ, ngành, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị lãnh đạo một số đơn vị của hai Bộ cùng đánh giá về những khó khăn trong công tác thi hành án dân sự để xác định rõ nguyên nhân. Nếu đúng là do thiếu cán bộ thì Bộ Nội vụ sẽ có những kiến nghị, giải pháp tháo gỡ phù hợp.
Từ kinh nghiệm của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân gợi ý: “Để giải quyết khó khăn trong công tác biên chế, có thể tăng cường phân cấp quản lý hoặc giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp…”.
Đánh giá cao hiệu quả của buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long và Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, trong những năm tới, hai Bộ sẽ tiếp tục có những buổi làm việc, trao đổi nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi bộ, hướng tới cùng xây dựng một Chính phủ kiến tạo và một ngành tư pháp vững mạnh.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực Tài chính
Trong tháng 8-2016, ngành Tài chính đã tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực tài chính và đạt được được nhiều kết quả tích cực.
Là cơ quan đi đầu trong công tác cải cách hành chính, từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã chủ động, tích cực rà soát, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đối với lĩnh vực Hải quan: Tiếp tục triển khai mở rộng Cơ chế một cửa Quốc gia và một cửa ASEAN, đến nay đã kết nối chính thức với 10/14 bộ. Ngoài thủ tục thông quan hàng hóa, 33 thủ tục hành chính của 10 bộ còn lại đã được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa Quốc gia. Về cơ chế một cửa ASEAN, ngành Hải quan đã thành lập 9 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tại 07 địa phương.
Đối với lĩnh vực thuế: Tính đến ngày 19-8-2016, hệ thống khai thuế điện tử và nộp thuế điện tử đã được triển khai trên toàn quốc; với trên 550 nghìn doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử trên tổng số 552 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 99,6%, số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận đến nay là trên 33,4 triệu hồ sơ. Đối với dịch vụ nộp thuế điện tử, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là gần 530 nghìn doanh nghiệp trên 552 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 95,7%.
Đối với hệ thống Kho bạc Nhà nước: Đã tổ chức triển khai thí điểm thực hiện thủ tục giao dịch điện tử đối với dịch vụ công trên Cổng thông tin Kho bạc Nhà nước theo Quyết định số 2704/QĐ-BTC ngày 17-12-2015 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương từ đầu năm 2016. Trong thời gian tới, Kho bạc Nhà nước sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng tốt nhất các yêu cầu cải cách quản lý ngân quỹ, đặc biệt là hiện đại hóa hệ thống thanh toán, xây dựng các phần mềm nghiệp vụ như dự báo luồng tiền, đầu tư ngân quỹ…
Đối với lĩnh vực chứng khoán: Ngành Chứng khoán đang tích cực triển khai thực hiện 04 dự án, gồm: An toàn bảo mật hệ thống công nghệ thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Phát triển hệ thống công bố thông tin trên thị trường chứng khoán; Lưu trữ ngành chứng khoán; và Triển khai hệ thống giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán. Các dự án này được kỳ vọng sẽ giúp hiện đại hóa ngành Chứng khoán, bảo vệ nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển ổn định và bền vững.
Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN; mở rộng phối hợp thu ngân sách nhà nước với các ngân hàng thương mại và nâng cấp các hệ thống công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, triển khai Kế hoạch phát triển, vận hành hệ thống cổng thông tin điện tử ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế cung cấp, sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử; ký kết hợp đồng “Nâng cấp Hệ thống thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu để kết nối với Hệ thống VNACCS/VCIS”..../.
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 05-9 đến ngày 11-9-2016)  (12/09/2016)
Về vấn đề đạo đức của cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng Đảng  (12/09/2016)
Về vấn đề đạo đức của cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng Đảng  (12/09/2016)
Về vấn đề đạo đức của cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng Đảng  (12/09/2016)
Việt Nam đứng thứ 7 trong ASEAN về năng lực cạnh tranh  (11/09/2016)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên