Việt Nam - Trung Quốc: Nỗ lực thúc đẩy hợp tác thực chất đạt tiến triển mới, đem lại lợi ích thiết thực
Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam cũng tới thăm hỏi, gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và bà con Việt kiều, lưu học sinh Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.
Tại buổi hội kiến Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời thăm hỏi và lời chúc tốt đẹp của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã đạt được kể từ sau Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay; chúc nhân dân Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc do đồng chí Tập Cận Bình làm Tổng Bí thư sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn, xây dựng thành công nhà nước hiện đại xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam kiên trì các mục tiêu về nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát triển nhanh và bền vững, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, coi đây là chủ trương nhất quán, là lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng xã hội chủ nghĩa, cùng đang ở trong giai đoạn quan trọng của công cuộc đổi mới và cải cách mở cửa.
Hai Đảng, hai nước có lợi ích chung trong việc bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác để xây dựng và phát triển đất nước. Việc không ngừng củng cố và phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các nhà lãnh đạo tiền bối hai Đảng, hai nước dày công vun đắp, thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững không chỉ là trách nhiệm của các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai nước mà còn là nhân tố rất quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước tại mỗi nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu một số phương hướng lớn nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời gian tới, nhấn mạnh Việt Nam đặc biệt coi trọng việc tăng cường tin cậy chính trị, không ngừng củng cố và phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước; mong muốn cùng Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất đạt tiến triển mới, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Thủ tướng đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng trên biển, tuân thủ những thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, thúc đẩy các cơ chế đàm phán sớm có tiến triển thực chất, thực hiện tốt Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cố gắng sớm ký Bộ Quy tắc của các bên ở Biển Đông (COC), tích cực đóng góp cho việc ổn định tình hình, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Về hợp tác kinh tế - thương mại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam coi trọng mở rộng và nâng cao hiệu quả các mặt hợp tác cùng có lợi với Trung Quốc, hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam phù hợp với yêu cầu phát triển của cả hai bên. Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành của hai nước tích cực giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đưa quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại song phương bước vào giai đoạn phát triển chất lượng, hiệu quả, bền vững.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trân trọng nhắc lại lời mời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sang thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị cấp cao APEC trong năm 2017; khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang rất coi trọng lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình và sẽ sớm thăm Trung Quốc.
Phát biểu tại cuộc hội kiến, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiệt liệt hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Chính phủ Việt Nam sang thăm chính thức Trung Quốc; nhấn mạnh chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuyển lời thăm hỏi tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Việt Nam; bày tỏ tin tưởng và chúc Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong cuộc đổi mới và xây dựng đất nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc luôn coi trọng việc phát triển quan hệ với Việt Nam, sẵn sàng nỗ lực cùng Việt Nam nắm chắc xu thế phát triển quan hệ hai nước, duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, đẩy mạnh giao lưu nhân dân, kiểm soát tốt bất đồng, xử lý thỏa đáng tranh chấp, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam phát triển ổn định, bền vững và không ngừng đi vào chiều sâu.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc coi trọng thúc đẩy hợp tác cùng có lợi với Việt Nam, đề nghị hai bên phát huy vai trò của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Trung Quốc - Việt Nam trong việc điều phối, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác. Hai bên cần tăng cường kết nối chiến lược phát triển trong khuôn khổ “một vành đai - một con đường” với “hai hành lang, một vành đai kinh tế”; thúc đẩy hợp tác năng lực sản xuất, du lịch; sớm xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới và đẩy nhanh triển khai các dự án hợp tác trọng điểm giữa hai nước. Trung Quốc sẽ khuyến khích các doanh nghiệp có thực lực, trình độ công nghệ cao sang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và sẽ tích cực phối hợp với Việt Nam giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại trong hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước.
* Tại cuộc tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân (Chính hiệp) Trung Quốc Vương Gia Thụy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị đồng chí Vương Gia Thụy với tư cách là người có nhiều năm gắn bó với Việt Nam và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc , trên cương vị là Phó Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực trong việc củng cố và tăng cường tình hữu nghị truyền thống giữa các đoàn thể xã hội và các tầng lớp nhân hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc không ngừng phát triển ổn định, lành mạnh và đi vào chiều sâu, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Phó Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân toàn quốc Trung Quốc Vương Gia Thụy bày tỏ sẽ nỗ lực hết sức mình, không ngừng củng cố, vun đắp cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
* Cũng trong chiều 13-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thăm hỏi, gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và bà con Việt kiều, lưu học sinh Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.
Tại buổi gặp mặt, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi đã báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn về kết quả công tác của Đại sứ quán và tình hình của cộng đồng kiều bào, lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc. Theo đó, với trách nhiệm là cơ quan đại diện ngoại giao tại nước ngoài, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ duy trì, thúc đẩy tình hữu nghị truyền thống, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương nỗ lực phấn đấu của cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó, hoàn thành tốt nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác ngoại giao giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Thủ tướng cho rằng sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ ngoại giao, tình hữu nghị và mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện hai nước thời gian qua có sự đóng góp quan trọng và hiệu quả của cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng bà con Việt kiều tại Trung Quốc.
Thông tin về kết quả tốt đẹp của các cuộc hội đàm, hội kiến với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hai bên đã thống nhất tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, cùng nhau thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước đáp ứng mong muốn của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng điểm lại những kết quả chính về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và những biện pháp mạnh mẽ của Chính phủ thời gian qua đối với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế; đặc biệt là nỗ lực xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân. Chính phủ cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ việc cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong đó có các doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dặn dò và mong muốn tập thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và bà con Việt kiều tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ đối ngoại mà Đảng và Nhà nước giao phó; không ngừng thúc đẩy, đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn, vun đắp cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Thủ tướng cũng chúc các lưu học sinh Việt Nam có thành tích học tập tốt, hướng về quê hương, Tổ quốc, đóng góp thiết thực vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Tối cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự buổi giao lưu nghệ thuật đặc biệt Việt Nam - Trung Quốc, kết thúc các hoạt động tại Bắc Kinh. Dự kiến sáng 14-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Việt Nam sẽ rời Thủ đô Bắc Kinh, lên đường thăm Đặc khu hành chính Hong Kong, Trung Quốc.
* Trong chuyến công tác tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 10-9 đến ngày 15-9, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có cuộc gặp và làm việc với Thị trưởng Bắc Kinh Vương An Thuận vào ngày 13-9. Lãnh đạo hai thành phố đã thông tin lẫn nhau về tình hình kinh tế - xã hội và định hướng phát triển của hai thủ đô trong thời gian tới.
Hai bên thống nhất trong thời gian tới, thành phố Hà Nội và Bắc Kinh sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực: cử đoàn trao đổi thường kỳ giữa đoàn thanh niên hai thành phố để tăng cường giáo dục truyền thống hữu nghị giữa hai dân tộc; thúc đẩy hợp tác văn hóa, du lịch; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng, quy hoạch và quản lý đô thị; tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, hợp tác tài chính.
Thị trưởng Vương An Thuận cho biết Bắc Kinh có nhiều kinh nghiệm và sẵn sàng hợp tác với Hà Nội trong việc phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng hệ thống tầu điện ngầm; đồng thời Bắc Kinh cũng có 91 đại học, 300 viện nghiên cứu nên có thể hợp tác với Hà Nội trong lĩnh vực phát triển công nghệ cao.
Thị trưởng Vương An Thuận bày tỏ sẵn sàng kêu gọi các doanh nghiệp lớn, trong đó Bắc Kinh có 50 doanh nghiệp nằm trong tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới, nghiên cứu đầu tư vào Hà Nội.
Nhân dịp này, Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung gửi lời mời Thị trưởng Bắc Kinh Vương An Thuận sang thăm và làm việc tại Hà Nội trong thời gian thích hợp. Thị trưởng Vương An Thuận cảm ơn và vui vẻ nhận lời mời, đồng thời hứa sẽ thu xếp sang thăm và làm việc tại Hà Nội trong thời gian phù hợp./.
Hòa giải - một cốt cách văn hóa Hồ Chí Minh  (13/09/2016)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về ngân sách nhà nước  (13/09/2016)
Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Aichi ký Bản ghi nhớ về quan hệ hữu nghị và hợp tác  (13/09/2016)
Vùng Wallonie-Bruxelles tăng cường tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Việt Nam  (13/09/2016)
Việt Nam - Nga tăng cường hợp tác về tổ chức và xây dựng Đảng  (13/09/2016)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên