TCCSĐT - Một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đó là Đảng ta đã làm tốt công tác vận động, tập hợp quần chúng trong một mặt trận thống nhất, kết hợp đúng đắn giữa xây dựng lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang, tạo sức mạnh to lớn cho cuộc Tổng khởi nghĩa.

Xây dựng lực lượng chính trị

Nhận thức rõ vai trò của quần chúng nhân dân là một trong những yếu tố quyết định thành công hay thất bại nên ngay sau khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng, tập hợp các lực lượng yêu nước tham gia cách mạng.

Từ xác định “vô sản giai cấp và nông dân là hai động lực chánh”(1) ngay trong Chánh cương vắn tắt đã nhấn mạnh: “Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa c.m đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến… Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, v.v. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp”(2). Bản Luận cương Chính trị cũng xác định vô sản giai cấp là “động lực chánh và rất mạnh của cách mạng ở Đông Dương”(3).

Tháng 11-1939, Hội nghị Trung ương 6 của Đảng nhấn mạnh phải mở rộng và nâng cao tinh thần dân tộc, làm cho mỗi người trong các giai cấp có ý thức về sự tồn vong của dân tộc và sự liên quan mật thiết của vận mạng dân tộc với lợi ích cá nhân; đặt quyền lợi dân tộc lên trên các quyền lợi khác, bao gồm cả tầng lớp tiểu tư sản và tư sản bản xứ còn có ít nhiều tinh thần chống đế quốc. Như vậy, từ Luận cương chính trị năm 1930, đến Hội nghị Trung ương 6 năm 1939, Đảng ta đã có sự phát triển nhận thức về vai trò của quần chúng nhân dân.

Tháng 5-1941, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra nghị quyết về đoàn kết toàn dân tộc, tạo cơ sở để thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất, lấy tên là Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Mục tiêu của Mặt trận Việt Minh là “Chủ trương liên hiệp hết thảy các từng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở”(4). Từ năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi: “Dân ta phải mau mau tổ chức lại. Nông dân phải vào “Nông dân Cứu quốc hội”. Thanh niên phải vào “Thanh niên Cứu quốc hội”. Phụ nữ vào “Phụ nữ Cứu quốc hội”. Trẻ con vào “Nhi đồng Cứu quốc hội”. Công nhân vào “Công nhân Cứu quốc hội”. Binh lính vào “Binh lính Cứu quốc hội”. Các bậc phú hào, văn sĩ vào “Việt Nam Cứu quốc hội”. Những hội ấy do Việt Nam độc lập đồng minh lãnh đạo. Người có tiền giúp tiền, kẻ có sức giúp sức. Đồng tâm hợp lực. Muôn người một lòng. Nhân cơ hội này mà khôi phục lại Tổ quốc, mà làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập”(5). Với chủ trương đó, Mặt trận Việt Minh đã nhanh chóng thu hút được đông đảo các lực lượng xã hội, và với các hình thức tổ chức phù hợp với từng thành phần, đối tượng, Mặt trận Việt Minh đã xây dựng được cơ sở rộng khắp ở cả vùng nông thôn và đô thị, ở cả trong nước và nước ngoài. Ở Vân Nam (Trung Quốc), Hội Giải phóng Việt Nam cũng được thành lập, đến cuối năm 1942 cũng đã trở thành một bộ phận của Mặt trận Việt Minh. Các tổ chức này đều có cơ cấu từ Trung ương xuống các địa phương, thu hút được mọi lứa tuổi, mọi thành phần xã hội, trở thành lực lượng quan trọng cho cuộc Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước.

Phát triển lực lượng vũ trang

Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp từ ngày 25 đến ngày 28-02-1943, tại Võng La, Đông Anh đã quyết định mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất và chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang. Từ nhận định: ở Đông Dương hiện nay thiếu một phong trào cách mạng quốc gia tư sản và phong trào thanh niên học sinh nên cuộc cách mạng ở Đông Dương vẫn hẹp hòi, có tính cách công nông hơn là tính cách toàn dân tộc, Hội nghị đã đề ra chủ trương tập hợp, đoàn kết tất cả các thành phần, đảng phái, các nhóm yêu nước chưa gia nhập Mặt trận Việt Minh thông qua công tác vận động. Đến cuối năm 1944, Đảng Cộng sản Việt Nam và Mặt trận Việt Minh đã xây dựng được một lực lượng cách mạng hùng hậu, thực sự là một “đạo quân chính trị”. Cũng từ đây, cuộc đấu tranh đã được nâng lên một hình thức mới, từ đấu tranh chính trị lên đấu tranh vũ trang. Dấu mốc là ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam đã được thành lập. Hình thành và phát triển từ lực lượng chính trị của quần chúng, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã phát triển thành lực lượng vũ trang nhân dân: “Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác.

Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Bắc chí Nam, khắp đất nước Việt Nam (Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân). Sau một thời gian, ngày 15-5-1945 Việt Nam giải phóng quân được thành lập trên cơ sở thống nhất cứu quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ diễn ra từ ngày 15 đến ngày 20-3-1945 đã nhấn mạnh: “Trong những vùng đủ điều kiện địa hình, cơ sở quần chúng, lương thực, về lực lượng so sánh giữa ta và địch, chúng ta phải xây dựng những căn cứ kháng Nhật. Thí dụ như vùng rừng núi bán nguyệt xung quanh trung châu Bắc Kỳ, dãy Trường Sơn và các vùng đầm ao Nam Kỳ… Những căn cứ địa ấy là những bàn đạp cho cuộc Tổng khởi nghĩa và là cái mầm của nước Việt Nam độc lập, tự do ngày mai”(6). Trên tinh thần đó, 7 chiến khu chống Nhật đã hình thành trong cả nước, trong đó 4 khu ở Bắc bộ, 2 khu ở Trung bộ, 1 khu ở Nam bộ. Ngày 04-6-1945, Khu Giải phóng Việt Bắc cũng được hình thành với tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên.

Như vậy, cả hai lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang đã phát triển mạnh mẽ ở các địa phương và tích cực chuẩn bị mọi mặt cho một cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Ngày 16-4-1945, Tổng bộ Việt Minh lập ra Ủy ban Dân tộc giải phóng, tổ chức các lớp huấn luyện, tập dượt cho nhân dân nắm chính quyền.

Phối hợp hai lực lượng, tạo thành sức mạnh to lớn cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền

Vận dụng một cách khoa học và sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin về con đường bạo lực trong cách mạng vô sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định con đường cách mạng Việt Nam là khởi nghĩa vũ trang, toàn dân đánh giặc, là bạo lực của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng cả hai lực lượng: lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân, và hai hình thức đấu tranh cơ bản: đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang. Trong đó, lực lượng chính trị được coi là lực lượng cơ bản, nền tảng của cách mạng, đồng thời là cơ sở để xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang quân đội nhân dân. Chính vì vậy, lực lượng chính trị mạnh thì lực lượng vũ trang mạnh. Cơ sở lực lượng chính trị quần chúng càng rộng khắp thì lực lượng vũ trang càng được đùm bọc, nuôi dưỡng, tiếp sức, càng nhanh chóng trưởng thành, trở thành lực lượng đi đầu trong đấu tranh vũ trang và Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Chủ trương phối hợp hai lực lượng được thể hiện rõ trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân: “Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt các đội vũ trang của địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên”. Như vậy, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân đã có hạt nhân vũ trang, qua đó, củng cố thêm lòng tin của quần chúng nhân dân vào thắng lợi của cuộc đấu tranh cách mạng, vào sự lãnh đạo của Đảng. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Đảng ta huy động được sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, thực hiện thành công cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám.

Từ chỗ biết chuẩn bị lực lượng từ trước, biết phát huy sức mạnh của cả dân tộc đúng lúc, đúng thời điểm, Đảng ta đã thực hiện thành công cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã kịp thời ban hành Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, trong đó xác định kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương lúc này là phát-xít Nhật và nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng Mặt trận Việt Minh để đoàn kết, vận động, tập hợp nhân dân tham gia cao trào kháng Nhật, cứu nước. Trong thời kỳ này, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, đề ra các khẩu hiệu đấu tranh thích hợp, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn cách mạng. Đồng thời, phát động phong trào “Phá kho thóc để giải quyết nạn đói”, cứu dân, để nhân dân lao động - “những người cùng khổ” thấy rằng, muốn giành quyền sống thì nhất thiết phải đoàn kết dưới ngọn cờ Việt Minh, đấu tranh đánh đổ ách thống trị của phát-xít Nhật và bè lũ tay sai.

Với sức mạnh đoàn kết và tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, hàng chục triệu hội viên, từ đủ các tầng lớp sĩ, nông, công, thương, binh từ miền xuôi đến miền ngược, từ người Kinh đến các dân tộc anh em, đông đảo quần chúng nhân dân đã đáp lại lời kêu gọi của Đảng, của Ủy ban giải phóng dân tộc, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vùng lên tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa trên toàn quốc. Ngày 14-8-1945, khởi nghĩa đầu tiên và thắng lợi tại Quảng Ngãi; ngày 19-8, khởi nghĩa và giành chính quyền ở Thủ đô Hà Nội; ngày 23-8, diễn ra ở Huế buộc địch phải đầu hàng, vua Bảo Đại thoái vị, đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền nhà nước phong kiến ở Việt Nam. Như vậy, chỉ trong vòng 15 ngày (từ 14 đến 28-8-1945), “Bắc - Trung - Nam khắp ba miền toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền về ta”, cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đã thành công, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Thắng lợi này khẳng định vai trò to lớn của quần chúng nhân dân, trở thành một kinh nghiệm quý giá, đặc sắc về công tác vận động, tập hợp quần chúng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Có thể thấy, trong thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, việc chuẩn bị lực lượng, từ lực lượng chính trị đến lực lượng vũ trang đủ mạnh để kịp thời tiến hành tổng khởi nghĩa đúng lúc có vai trò đặc biệt quan trọng. Đường lối đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang đã trở thành định hướng quan trọng cho cả một quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam, mà kết quả là thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945./.

-------------------------------------------

(1) Văn kiện Đảng, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 2, tr. 94

(2) Văn kiện Đảng, Sđd, t. 2, tr. 4

(3) Văn kiện Đảng, Sđd, t. 2, tr. 97

(4) Văn kiện Đảng, Sđd, t. 7, tr. 149

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, t. 3, tr. 246

(6) Văn kiện Quân sự của Đảng, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1969, t.1, tr. 284