Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 25-7 đến ngày 31-7-2016)
Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab còn nhiều bất đồng và chia rẽ
Ngày 25-7-2016, Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) lần thứ 27 với chủ đề “Hội nghị của hy vọng” diễn ra tại Thủ đô Nouakchott của Mauritania đã bế mạc sớm một ngày do lãnh đạo một số nước thành viên, trong đó có Ai Cập và Saudi Arabia, không tới dự. Theo nguồn tin từ AL, Tổng thống Ai Cập Abdul Fattah Al Sissi “bận với các kế hoạch trong nước”, trong khi Quốc vương Saudi Arabia Salman Bin Abdul Aziz không đến Mauritania vì lý do sức khỏe.
Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail kêu gọi cộng đồng các nước Arab nên có một chiến lược chung chống chủ nghĩa khủng bố. Ông nói thêm rằng những kẻ khủng bố đang “làm sai lệch” thông điệp hòa bình của đạo Hồi. Tổng thống nước chủ nhà Mauritania Mohamed Ould Abdel Aziz đã kịch liệt lên án “hành động bạo lực mù quáng” của các phần tử khủng bố cũng như “sự can thiệp từ bên ngoài” dẫn đến tình trạng bất ổn trong thế giới Arab. Các nhà lãnh đạo AL nhấn mạnh sự ủng hộ đối với sự nghiệp của người Palestine, đồng thời kêu gọi toàn khối Arab hành động trước các mối đe dọa chung và tiến tới một giải pháp chính trị cho các vấn đề khu vực, trong đó có xung đột ở Libya, Yemen, Somalia,... Trong cuộc họp cấp bộ trưởng ngày 24-7, các ngoại trưởng AL cũng kêu gọi một giải pháp cuối cùng cho cuộc xung đột Israel - Palestine và hoan nghênh sáng kiến của Ai Cập và Pháp nhằm giúp tái khởi động tiến trình hòa bình Trung Đông. Cuộc họp cấp bộ trưởng cũng đã cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa một số thành viên xung quanh mối quan hệ căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia, cũng như các hành động tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào người Kurd ở Iraq.
Các cuộc tấn công mạng - Thách thức không chỉ của riêng quốc gia nào
Nguy cơ tấn công mạng là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với an ninh quốc gia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Ngày 26-7-2016, giới chức Mỹ đã công bố một bản hướng dẫn mới phác thảo những biện pháp mà chính phủ nước này sẽ sử dụng để đối phó với các cuộc tấn công mạng nghiêm trọng. Phát biểu tại một hội nghị an ninh mạng, Cố vấn về chống khủng bố của Nhà Trắng Lisa Monaco cho biết, bản hướng dẫn trên sẽ lần đầu tiên cung cấp những chỉ dẫn công khai về những vai trò cụ thể mà các cơ quan liên bang như Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Bộ An ninh Nội vụ đảm nhận. Bản hướng dẫn cũng bao gồm một thang điểm 5, trong đó đưa ra cách phân loại mức độ nguy hiểm của một vụ tấn công mạng. Chính phủ Mỹ sẽ sử dụng các biện pháp trừng phạt để đối phó với những tin tặc đứng sau các vụ tấn công mạng nhằm vào hệ thống giao thông - vận tải hoặc mạng lưới điện lực của nước này. Ngoài ra, Washington đang phối hợp với các nước để thông qua các quy tắc về hành vi và hoạt động có trách nhiệm liên quan tới không gian mạng nhằm giảm thiểu các hoạt động tấn công hiểm ác. Theo thống kê, riêng trong tài khóa 2015 đã có hơn 77.000 “sự cố mạng” như trộm dữ liệu hay các lỗ hổng an ninh khác đã xảy ra với hệ thống mạng của các cơ quan Chính phủ Mỹ, tăng 10% so với năm trước. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã chính thức cảnh báo nguy cơ tấn công mạng là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với an ninh quốc gia.
Không phải chỉ riêng Mỹ, vấn đề an ninh mạng cũng đang là một thách thức đối với Liên bang Nga khi ngày 30-7, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã phát hiện virus gián điệp trong mạng máy tính của khoảng 20 tổ chức nhà nước và doanh nghiệp của nước này. FSB cùng các bộ, ngành đã tiến hành những biện pháp nhằm xác định tất cả các đơn vị bị nhiễm virus độc hại, cũng như khoanh vùng các mối đe dọa và giảm thiểu hậu quả do sự lây lan của virus này.
Sự lây lan của virus Zika vẫn chưa dừng lại
Các nhà khoa học dự báo trên thế
giới sẽ có 93,4 triệu người bị lây nhiễm loại virus nguy hiểm này trước
khi dịch chấm dứt. Ảnh minh họa: CNN
Ngày 28-7-2016, số liệu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cung cấp cho biết hiện có 67 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp nhiễm virus Zika. Như vậy, kể từ năm 2007, khi trường hợp đầu tiên nhiễm loại virus nguy hiểm này được phát hiện đến nay, chỉ tính riêng trong hai năm 2015 - 2016, Zika đã lây lan ra 64 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo WHO, kể từ tháng 2 năm nay, có 11 quốc gia công bố bằng chứng về sự lây truyền virus Zika từ người sang người, mà nguyên nhân có thể là do quan hệ tình dục. Trong đó các nhà khoa học ở bang Florida cũng đang nghiên cứu hai trường hợp nhiễm Zika mà không hề đến các vùng có dịch. Tại 14 quốc gia và vùng lãnh thổ khác, trong thông báo với WHO, cũng cho biết đã ghi nhận có những trường hợp trẻ sơ sinh đầu nhỏ hoặc những bất thường khác trong việc phát triển hệ thần kinh trung ương ở trẻ sơ sinh, do mẹ nhiễm virus Zika.
Theo kết quả nghiên cứu mới nhất do các nhà khoa học Mỹ, Anh và Thụy Điển thực hiện và được công bố trong tạp chí Nature Microbiolog, trên thế giới sẽ có 93,4 triệu người bị lây nhiễm loại virus nguy hiểm này trước khi dịch chấm dứt. Các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu lưu trữ về các căn bệnh có cùng nguồn gốc virus sốt vàng da với Zika như sốt xuất huyết Dengue và bệnh Chikungunya. Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng tổng hợp các dữ liệu phân tích mẫu máu của những bệnh nhân nhiễm virus Zika để dự đoán tỷ lệ lây nhiễm ở mức độ địa phương. Theo thông tin mới nhất được đăng tải trên tạp chí Cell số ra ngày 27-7, các nhà khoa học thuộc Đại học Washington (Mỹ) đã tìm thấy 6 loại kháng thể trong chuột thí nghiệm có thể giúp vô hiêu hóa và ngăn ngừa sự lây lan của virus Zika.
IMF bị chỉ trích vì quyết định tham gia cứu trợ Hy Lạp
Văn
phòng Đánh giá độc lập (IEO) của IMF cho biết, thể chế tài chính này đã
không yêu cầu thực hiện các biện pháp giảm nhẹ nợ như một phần trong
gói cứu trợ tài chính 2010 cho Hy Lạp. Ảnh: greece.greekreporter.com
Trong báo cáo công bố ngày 28-7-2016, Văn phòng Đánh giá độc lập (IEO) của IMF cho biết, thể chế tài chính này đã không yêu cầu thực hiện các biện pháp giảm nhẹ nợ như một phần trong gói cứu trợ tài chính 2010 cho Hy Lạp, bất chấp việc các chuyên gia cho rằng điều đó là then chốt đối với sự thành công của chương trình cứu trợ. Theo IEO, trong cuộc khủng hoảng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), ban lãnh đạo IMF đã không được thông tin đầy đủ và sử dụng quá ít cơ chế giám sát đối với những quyết định tạo gánh nặng lên nguồn quỹ của tổ chức này. IEO đặc biệt chỉ trích sự vội vàng của ban lãnh đạo IMF, do cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp Dominique Strauss-Kahn làm Tổng Giám đốc cho đến tháng 5-2011, khi tham gia Nhóm Bộ ba chủ nợ với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ủy ban châu Âu (EC) để cứu trợ Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha. Báo cáo cũng cho biết quyết định cho Hy Lạp vay nhiều hơn mức thông thường, được ban lãnh đạo IMF thông qua một cách vội vã, đã khiến những quốc gia không được hưởng sự linh hoạt này không hài lòng. Trong khi đó, quy trình này lại được lặp lại với Ireland và Bồ Đào Nha.
Theo đánh giá của IEO, ban lãnh đạo IMF, với truyền thống luôn do một người châu Âu đứng đầu và có “quan hệ mật thiết” với giới chức châu Âu, có thể dẫn tới “thiếu tinh tường” và thiếu tính độc lập khi đánh giá nguy cơ kinh tế trong các vấn đề nhạy cảm liên quan tới khu vực này. Trong vụ cứu trợ Hy Lạp, IEO cho rằng IMF đã để mất tính độc lập và khả năng đánh giá tình hình rõ ràng sau khi tham gia nhóm Bộ ba cứu trợ. Theo đó, thể chế này đã quá sẵn sàng chấp nhận theo quyết định của ECB và EC không tái cấu trúc khoản nợ khổng lồ của Hy Lạp, một yêu cầu có thể giúp giảm nhẹ gánh nặng tài chính của Athens, trước khi giải ngân gói cứu trợ 110 tỷ euro đầu tiên. IEO cũng cho rằng việc sắp xếp cho cách nhân viên IMF làm việc cùng với đội ngũ của các thể chế khác trong Nhóm Bộ ba là bất thường và khiến áp lực chính trị hiện hữu rõ ràng. IEO nhấn mạnh sự tín nhiệm đối với IMF là do năng lực kỹ thuật và sự độc lập của các nhân viên, do đó các giám đốc điều hành phải đảm bảo các công việc chuyên môn phải được tách khỏi ảnh hưởng chính trị. IEO cũng thừa nhận cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu khi đó là một thách thức khác thường và phức tạp và IMF lần đầu phải giải quyết tại các nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, theo IEO, việc tham gia Nhóm Bộ ba khiến IMF mất đi tính lanh lẹ đặc trưng của một tổ chức kiểm soát khủng hoảng./.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp xúc với cử tri Thành phố Hồ Chí Minh  (01/08/2016)
Thủ tướng trao quyết định bổ nhiệm các thành viên Chính phủ  (01/08/2016)
Bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng 2016  (01/08/2016)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay