Đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến sự cố môi trường biển
Sự cố ô nhiễm môi trường biển ở các tỉnh miền Trung thời gian qua, vấn đề ứng phó với thảm họa môi trường và thiên tai, lựa chọn các dự án đầu tư, phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước... là những nội dung được các đại biểu đặc biệt quan tâm trong phiên thảo luận về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016, diễn ra ngày 29-7 - ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Trần Văn Kón phát biểu ý kiến |
Cần có giải pháp trung và dài hạn cho nền kinh tế
Đại biểu Phạm Phú Quốc (Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá báo cáo của Chính phủ đã thể hiện bức tranh chung về tình hình kinh tế, xã hội. Những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, nhất là mục tiêu xây dựng quốc gia khởi nghiệp, Chính phủ kiến tạo hành động, liêm chính, phục vụ đã khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, tác động tích cực đến nền kinh tế.
Đại biểu thể hiện sự đồng tình đối với các giải pháp Chính phủ đưa ra, trong đó tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ xuất khẩu, với các giải pháp trung và dài hạn về biến đổi khí hậu để chủ động đưa ra sinh kế cho người dân. Không nên đặt mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá mà cần quan tâm đến chất lượng tăng trưởng.
Để phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm và các năm tiếp theo, đại biểu kiến nghị cần tập trung vào ba lĩnh vực: đầu tư công, chính sách tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, phải xóa bỏ cơ chế xin-cho trong đầu tư công, tăng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm về ngân sách cho chính quyền địa phương, tạo điều kiện về cơ chế để địa phương khai thác nguồn thu cho đầu tư; cần có chính sách minh bạch về cơ chế và trách nhiệm rõ ràng, minh bạch giữa nhà nước và nhà đầu tư trong thực hiện dự án hợp tác công tư (PPP).
Về chính sách tài chính, cần củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại, giải quyết căn cơ vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo, quản lý điều hành yếu kém dẫn đến rủi ro, đồng thời phát triển đồng bộ thị trường vốn trung và dài hạn thông qua thị trường chứng khoán.
Theo đại biểu, các tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước phải tiến hành nhanh cổ phần hóa để thoái vốn nhà nước, nhanh chóng xây dựng mô hình đại diện chủ sở hữu vốn, quản lý vốn nhà nước, đồng thời sử dụng nguồn vốn này để tái cơ cấu kinh tế, tránh phân tán nguồn vốn. Bên cạnh đó, khuyến khích các thành phần kinh tế, các tập đoàn kinh tế mạnh dẫn dắt nền kinh tế, tạo nên thương hiệu quốc gia.
Nhìn nhận sau khi Chính phủ mới được kiện toàn, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ cả ở tầm tư duy, quan điểm, kỷ luật thực thi và chương trình hành động, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng dường như đang có một làn gió mới của cải cách được hình thành, niềm tin vào môi trường kinh doanh lại một lần nữa được khơi dậy.
Báo cáo của Chính phủ đã nêu khá đầy đủ những việc Chính phủ đã làm và những tác động tích cực đến môi trường kinh doanh. Nhất trí với những nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, đại biểu đề nghị Quốc hội ủng hộ quan điểm của Chính phủ là lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho tăng trưởng. Không chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng bằng mọi giá trong chỉ đạo, điều hành. Quốc hội tạo điều kiện cho Chính phủ tập trung hóa giải các nút thắt: Chi tiêu chính phủ, nợ công, nợ xấu, cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách thủ tục hành chính…
Đại biểu đề nghị Quốc hội khuyến khích và ủng hộ Chính phủ trong việc thực hiện những mô hình đột phá trong phát triển kinh tế ở các địa phương: Các đặc khu kinh tế, các cơ chế thí điểm, cơ chế đặc thù, thực hiện chính quyền điện tử, thành lập các trung tâm dịch vụ hành chính công, các cơ quan xúc tiến và hỗ trợ đầu tư độc lập đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo cấp ủy và chính quyền địa phương, các dự án nâng cấp trụ sở, phương tiện làm việc của các cơ quan chính quyền theo phương thức “Đầu tư tư-Sử dụng công” và đẩy mạnh việc xã hội hóa trong đầu tư phát triển, mở rộng các dịch vụ công ở mọi cấp chính quyền. Nhiều đề xuất khác đã được đại biểu đưa ra để tạo động lực thúc đẩy cải cách hành chính, cải cách thể chế một cách thiết thực.
Nêu những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho môi trường đầu tư, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã tập trung nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, coi việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ khó khăn thúc đẩy phát triển doanh nghiệp là động lực chủ yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt là sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc thay đổi quan điểm quản lý nhà nước là từ quản lý sang phục vụ và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là thay đổi lớn và chắc chắn, trong thời gian tới sẽ có các cải thiện cho môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Ngoài tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ chỉ đạo thực hiện các giải pháp để giảm các chi phí cho doanh nghiệp, theo đó đang xem xét các khả năng để giảm các lãi suất cho vay; rà soát và kiểm soát 20% phí giao thông đường bộ; thực hiện cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và các doanh nghiệp xuất khẩu; chỉ đạo các cơ quan liên quan không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự.
Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, các Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương hàng tháng thực hiện đối thoại trực tiếp và thực chất đối với doanh nghiệp, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo thông lệ Quốc tế; trong đó tập trung cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính về thuế, giảm thời gian kê khai và nộp thuế, hoàn thuế và nộp bảo hiểm xã hội; cải cách thủ tục hải quan, nhất là các quy định về kiểm tra chuyên ngành, rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí thời gian đi lại đối với doanh nghiệp...
Chính phủ đã chỉ đạo nhanh chóng hoàn thiện Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Luật quy hoạch để sớm trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới. Cùng với đó, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ tiếp tục rà soát, cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh; rà soát các rào cản không còn phù hợp, cản trở đầu tư kinh doanh...
Xây dựng một Chính phủ kiến tạo hành động
Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), nhân tố hàng đầu quyết định một quốc gia phát triển thịnh vượng là thể chế. Việt Nam chưa phải là một nước phát triển nhưng cũng không phải là một nước kém phát triển, bởi vậy thể chế của Việt Nam đang đan xen những yếu tố tích cực và yếu tố trì trệ, điều đáng lo ngại là những yếu tố trì trệ đang có xu hướng phình ra. Cải thiện và hoàn thiện thể chế là vấn đề bức xúc nhất. Trong ba đột phá chiến lược, Chính phủ xác định cải cách thể chế là đột phá đầu tiên, đó là bước đi đúng. Chính phủ đã và đang có nhiều nỗ lực trong quá trình này và thời gian qua những nỗ lực đó đã được thể hiện một cách quyết liệt hơn. Việc Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính, đồng thời gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, chỉ đạo sát việc cụ thể hóa các luật, ban hành đúng thời hạn các Nghị định về đầu tư kinh doanh, kiên quyết loại bỏ tình trạng giấy phép “con”, loại bỏ cơ chế xin-cho... được coi là dấu hiệu tốt giữa tư duy, lời nói và hành động của Thủ tướng, các thành viên Chính phủ.
Để xu hướng này phát triển, đại biểu đề nghị Chính phủ trong quá trình xây dựng, thực hiện các Nghị định về điều kiện kinh doanh, cần thường xuyên rà soát, kiểm tra để tiếp tục loại bỏ các rào cản, loại bỏ tình trạng lồng các điều kiện của giấy phép “con” trong thông tư vào nghị định, điều mà người dân thường nói là nâng giấy phép “con” lên thành giấy phép “cha”, đồng thời ngăn chặn tình trạng ra các giấy phép “con” mới; có cơ chế rõ ràng, xử lý nghiêm về trách nhiệm pháp lý với các chủ thể “đẻ” ra giấy phép “con".
Đại biểu mong muốn Chính phủ tiếp tục nhanh chóng và mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực hiện việc kiểm tra, rà soát các chương trình đầu tư hàng ngàn tỷ đồng nhưng hoạt động kém hiệu quả mà lâu nay dư luận hết sức quan tâm. Đầu tư không hiệu quả từ tiền của người dân đóng thuế là có lỗi lớn với dân, làm suy giảm niềm tin của người dân, đại biểu Tô Văn Tám nói.
Điểm qua một số dự án nghìn tỷ nhưng hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ, bỏ hoang, đại biểu xót xa nói: “Thử so sánh hàng ngàn tỷ đồng đầu tư lãng phí, không hiệu quả, trong khi hàng triệu người dân đang nhọc nhằn mưu sinh hàng ngày và chỉ cần có thêm vài trăm nghìn đồng một tháng là có cơ hội cải thiện cuộc sống sẽ thấy nó khổng lồ như thế nào?”.
Đại đề nghị qua rà soát, kiểm tra để chấn chỉnh lại quá trình đầu tư, lấp những lỗ hổng trong quá trình đầu tư, đồng thời xác định rõ trách nhiệm pháp lý của quá trình thẩm định, phê duyệt đầu tư, trách nhiệm của tập thể, cá nhân đến đâu, từ đó xử lý thỏa đáng.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đánh giá cao sự nhập cuộc của cán bộ lãnh đạo mới nhận nhiệm vụ là quyết liệt, kịp thời thực hiện những nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong lãnh đạo, điều hành của một số ngành, lĩnh vực thời gian qua còn một số vụ việc hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân như xử lý vi phạm an toàn thực phẩm, xử lý ô nhiễm môi trường chưa triệt để. Nguyên nhân những hạn chế này, chủ quan là chủ yếu. Đó là do năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới công tác quản lý nhà nước. Báo cáo của Chính phủ phải có một giải pháp riêng về nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, nhất là trong giai đoạn hiện nay, với kỳ vọng của Thủ tướng là xây dựng một Chính phủ liêm chính, hành động, trong sạch.
Xác định trách nhiệm người đứng đầu
Chính phủ cần bổ sung giải pháp xác định trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống lãng phí, tiêu cực tham nhũng là ý kiến của đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên).
Theo đại biểu, đề cao trách nhiệm người đứng đầu là khẩu hiệu khá phổ biến, thường xuyên xuất hiện trong nhiều lĩnh vực thời gian qua. Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã chỉ rõ cơ chế xác định trách nhiệm người đứng đầu, cơ quan quản lý Nhà nước các cấp và người đứng đầu cấp ủy Đảng cùng cấp chưa rõ, là một nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ trong quản lý Nhà nước và tiêu cực tham nhũng.
Đại biểu nêu rõ chỉ có xác định trách nhiệm người đứng đầu mới nâng cao được chất lượng của hệ thống, cải thiện nhanh môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; có cơ sở thực tiễn để hoàn thiện cơ chế quản lý, hạn chế và đẩy lùi tiêu cực liên quan đến tổ chức cán bộ, hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Việc chưa xác định rõ trách nhiệm là một phần thể hiện sự lúng túng, sự phân định thiếu rạch ròi giữa lãnh đạo tập thể và cá nhân chịu trách nhiệm. Đây là kẽ hở để tồn tại việc “thành công là của tôi còn thất bại là của chúng ta”.
Đại biểu Tường chỉ ra rằng người đứng đầu một số địa phương, cơ quan, đơn vị quyền hạn rất lớn, quyết định toàn bộ mọi vấn đề trong phạm vi địa phương, ngành, nhưng sau khi “có vấn đề”, thậm chí rất nghiêm trọng, thì trách nhiệm chưa tương thích với quyền hạn đó. Sự không tương thích giữa quyền và trách nhiệm dẫn đến nhiều hệ lụy, đầu tiên là việc lạm quyền và đùn đẩy trách nhiệm cho tập thể hoặc cho người khác.
Đại biểu nhìn nhận: Khi quyền, lợi luôn gắn liền với nhau mà trách nhiệm không rõ tất yếu xảy ra tiêu cực trong thực thi công vụ. Tiêu cực xảy ra ở chính người đứng đầu sẽ sinh sôi, nảy nở nhanh hơn trong đời sống xã hội. Đây cũng là cơ sở lý giải tham nhũng, lãng phí là một trong bốn nguy cơ được xác định hàng chục năm qua. Cần có tổng kết và sớm điều chỉnh quy định về trách nhiệm người đứng đầu để đáp ứng yêu cầu quản lý trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, đại biểu Phan Văn Tường kiến nghị.
Đại biểu Phan Ngọc Thọ (Thừa Thiên-Huế) cho rằng cải cách hành chính là nền tảng quan trọng để tạo lập, nâng cao, cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư cũng như tạo năng lực cạnh tranh, là giải pháp quan trọng để phòng chống tham nhũng và lãng phí. Cải cách hành chính phải đi vào thực chất với mục tiêu xuyên suốt là cải cách hành chính gắn với công nghệ thông tin và áp dụng các quy chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001 với phương châm quyết liệt và kiên trì. Một trong những nút thắt của cải cách hành chính là bộ máy và con người.
Thời gian tới, Chính phủ, Bộ Nội vụ cần rà soát các mô hình đã được triển khai ở các cơ quan, địa phương để sớm đúc kết và nhân rộng mô hình này. Cần có giải pháp đổi mới phương thức đánh giá đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước theo hướng đánh giá đa chiều, điểm số hóa kết quả đánh giá cán bộ công chức theo nguyên tắc người dân, doanh nghiệp, thủ trưởng... có thể đánh giá và điểm số hóa cho cán bộ, công chức.
Giải trình về các biện pháp chống thất thoát lãng phí và nâng cao hiệu quả đầu tư công, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định trong thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để chấn chỉnh công tác này, ví dụ Chỉ thị 1792, sau đó được luật hóa thành Luật Đầu tư công năm 2014. Kể từ khi ban hành Chỉ thị 1792, tình hình thực hiện đầu tư công cũng đạt được một số kết quả nhất định... Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc quản lý đầu tư công còn những hạn chế tồn tại: Việc triển khai, chấp hành pháp luật của một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm; chưa chấp hành đầy đủ các quy định về bố trí vốn, theo dõi đánh giá kế hoạch, chương trình thực hiện chưa tốt; chất lượng chuẩn bị chưa tốt; việc kiểm soát quy mô dự án, định mức, đơn giá chưa chặt chẽ... dẫn đến tổng mức đầu tư cao hơn so với thực tế làm thất thoát lãng phí cũng như khó khăn trong bố trí vốn. Các định mức đơn giá còn lỏng lẻo dẫn đến tổng mức đầu tư cao hơn...
Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý đầu tư công; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật. Tất cả các vướng mắc tồn tại và giải pháp đã được cụ thể hóa trong Luật Đầu tư công. Vấn đề cốt lõi và quan trọng nhất là tổ chức thực hiện. Chính phủ và các bộ ngành, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về các vấn đề đầu tư công và các quy định nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hệ lụy từ sự cố môi trường biển
Đặc biệt quan tâm đến sự cố ô nhiễm môi trường biển ở các tỉnh miền Trung thời gian qua, các đại biểu cho rằng Việt Nam có hệ thống quản lý nhà nước với nhiều tổ chức, nhiều cơ quan, có bộ máy tổ chức chặt chẽ ở các cấp và vấn đề môi trường luôn được Đảng, Chính phủ, Quốc hội quan tâm, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường thời gian qua vẫn diễn ra khắp nơi, điển hình là sự cố môi trường biển miền Trung do Công ty Formosa gây ra, làm ảnh hưởng xấu và tác động lớn đến đời sống nhân dân, đến an ninh trật tự xã hội và lòng tin của người dân. Ảnh hưởng của sự cố môi trường này là rất nặng nề và hết sức nghiêm trọng, kéo lùi sự phát triển của địa phương, làm kinh tế điêu đứng, lòng dân không yên.
Đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình) cho biết cử tri rất quan tâm đến việc làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức đã để xảy ra sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng vừa qua. Cần coi đây là bài học lớn và sâu sắc trong thu hút đầu tư, ứng phó với thảm họa môi trường và thiên tai, trong phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, bảo đảm sự bền vững của đất nước, tránh tình trạng lúng túng, thiếu nhạy bén như thời gian qua.
Theo đại biểu, nhân dân và cử tri đề nghị sớm thực hiện các quy định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ đối với người dân trong vùng bị thiệt hại và các khu vực liên quan, nhanh chóng giải quyết những khó khăn của người dân về việc làm và thu nhập, ổn định đời sống một cách căn cơ. Những tác động của sự cố môi trường do Formosa gây ra là toàn diện, nghiêm trọng, khó khắc phục và ảnh hưởng lâu dài, cần công khai, minh bạch cái gì của dân được đền bù, cái gì cần sự hỗ trợ của nhà nước, cái gì được nhà nước đầu tư để giải quyết sự cố vừa qua.
“Liên tiếp trong thời gian gần đây phát hiện các sai phạm của Formosa, đẩy sự cố này lên mức độ nguy hại hơn, cần sớm xử lý một cách kiên quyết với các hành vi này, các cơ quan chức năng cần khẩn trương làm rõ, trả lời khi nào đánh cá vùng lộng (vùng gần bờ) được, khi nào bà con nhân dân ăn cá và hải sản được, khi nào môi trường biển an toàn được. Đúng là chúng ta vừa cần tôm cá, vừa cần thép nhưng có cần Formosa đến 70 năm không?” – đại biểu Trần Công Thuật đặt vấn đề.
Đưa ý kiến, người dân 4 tỉnh miền Trung vẫn chờ câu trả lời cho câu hỏi bao giờ biển lại trong lành như xưa, liệu các sự cố có còn tiếp diễn nữa không, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng nếu như câu hỏi đó không có câu khẳng định, cần xem lại sự tồn tại của dự án này.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổng kiểm tra, rà soát lại tất cả các công trình, dự án đã hoạt động, đang và sẽ đầu tư, nhất là những dự án nhà máy ven sông, ven biển trong vấn đề xử lý chất thải, kiên quyết và mạnh tay hơn nữa đối với những nhà máy không đảm bảo việc xử lý chất thải gây ô nhiễm, kể cả biện pháp dừng đầu tư hoặc chấm dứt hoạt động. “Chúng ta không đánh đổi tương lai để lấy hiện tại, cử tri đánh giá cao thái độ của Thủ tướng rằng không vì kinh tế mà phá hoại môi trường", đại biểu nói.
Cùng mối quan tâm trên, các đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), Phan Ngọc Thọ (Thừa Thiên-Huế) cho rằng thảm họa môi trường biển liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, phạm vi và đối tượng bị ảnh hưởng lớn. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần mở rộng đối tượng thống kê thiệt hại trên tất cả lĩnh vực để có đền bù thỏa đáng; chỉ đạo các bộ, ngành giám sát chặt chẽ các hoạt động của Formosa để bảo đảm việc sản xuất của công ty này không gây hậu quả tương tự trong tương lai; đồng thời khôi phục lại hệ sinh thái ven bờ để sớm công bố, trả lại môi trường biển, ngư trường cho ngư dân đánh bắt, mưu sinh cũng như nguồn hải sản đánh bắt ở khu vực này.
Việc quan trọng Quốc hội cần làm không chỉ tìm ra câu trả lời rõ ràng, minh bạch về trách nhiệm liên quan đến sai phạm của Formosa, mà còn phải nhanh chóng rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật để ngăn chặn từ đầu những nhà đầu tư đe dọa đến đời sống của nhân dân và cơ chế xử lý trách nhiệm của cá nhân, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề xuất.
Báo cáo về vụ việc vi phạm nghiêm trọng của doanh nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ đến nay, phía Formosa đã hoàn thành cam kết chuyển số tiền bồi thường ban đầu là 250 triệu USD. Các công việc bồi thường cho người dân đã được Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương tiến hành xử phạt các hành vi sai phạm hành chính đối với Formosa, cụ thể là 53 sai phạm kèm theo kế hoạch toàn diện về khắc phục những sai phạm của Formosa, từ vấn đề chuyển đổi công nghệ cho đến hoàn thiện lại hệ thống xử lý nước thải, khí thải và chất thải.
Đồng thời, Bộ triển khai hệ thống ứng phó với sự cố môi trường, như: hồ sinh học, chỉ định sinh học để chứa lượng nước trước khi thải ra biển khoảng 7 ngày, có hệ thống quan trắc trực tuyến để giám sát tất cả chỉ tiêu liên quan đến ô nhiễm môi trường biển.
Ngay từ khi có sự cố, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành đã điều tra đánh giá nguyên nhân, mức độ ô nhiễm môi trường, vấn đề suy thoái các hệ sinh thái môi trường biển. Cho đến nay, các điều tra nghiên cứu này đã và đang được tiến hành hết sức bài bản, hệ thống và khoa học. Bước đầu đã có các thông tin đưa ra, dự kiến khoảng ngày 15-8, sẽ đưa ra hội đồng có sự tham gia của các nhà khoa học để đánh giá về mức độ ô nhiễm hiện nay; các giải pháp cụ thể để khắc phục nếu ô nhiễm còn tồn tại; phục hồi các hệ sinh thái môi trường...
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng một dự án để giám sát và quan trắc chất lượng môi trường biển toàn miền Trung, mở rộng ra Thanh Hóa và đến Đà Nẵng. Hệ thống này sẽ chủ động cung cấp thông tin cho người dân; tạo môi trường minh bạch đối với tất cả các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn. Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có dự án liên quan sử dụng kinh phí bồi thường để phục hồi các hệ sinh thái biển, trên cơ sở có những đánh giá cụ thể và giải pháp.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nêu rõ sự cố Formosa đã tạo ra một tiền lệ mới đối với công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường, đặc biệt liên quan đến vấn đề quy chuẩn, đánh giá tác động môi trường, các quy trình giám sát chuyên đề, cũng như việc thanh tra, kiểm tra.
Tham gia giải trình, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm Bộ và các ngành, đặc biệt 4 tỉnh bị thiệt hại đã sớm đề xuất với Thủ tướng ban hành quyết định hỗ trợ trước mắt qua Quyết định 772 và sau đó có quyết định điều chỉnh bổ sung thêm thời gian 6 tháng nhằm hỗ trợ ngư dân vùng bị ảnh hưởng. Thủ tướng giao Bộ thực hiện đề án hỗ trợ thiệt hại, Bộ đã gửi đến các tỉnh để thống kê thiệt hại với các đối tượng hành nghề khai thác thủy sản, lĩnh vực nuôi trồng và làm muối, các ngành nghề khác bị thiệt hại, gửi về Bộ trước ngày 15-8 để kịp trình đề án xin ý kiến Thủ tướng. Ngoài ra, Bộ cũng đang chuẩn bị đề án phục hồi, tái tạo nguồn lợi hải sản và các hệ sinh thái ven biển bị ảnh hưởng của sự cố môi trường tại 4 tỉnh.
Tái cơ cấu nền nông nghiệp
Đề cập đến những thách thức mà "vựa lúa" Đồng bằng sông Cửu Long đang phải gánh chịu, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nêu rõ theo kịch bản biến đổi khí hậu, đây là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thực tế, điều này đã xảy ra, để lại hậu quả rất khắc nghiệt: 11/13 tỉnh bị ảnh hưởng, 9/13 tỉnh công bố thiên tai; 52 nghìn ha đất trồng lúa bị mất trắng. Nhiều diện tích hoa màu, cây ăn trái bị mất trắng, nhiều km bờ biển, bờ sông bị sạt lở; đời sống nhân dân đã khó khăn càng thêm chồng chất khó khăn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Nguyễn Xuân Cường phát biểu ý kiến |
Dự báo thời gian tới, tác động của biến đổi khí hậu sẽ ngày càng nặng nề hơn, nhưng cử tri lại rất bất an trước thực trạng đê bao chống xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long còn quá ít.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ ưu tiên sớm bố trí đủ nguồn lực để đầu tư cho các công trình cấp bách ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các công trình ở vùng biển tây, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng là bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Bên cạnh đó, Chính phủ sớm chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương sớm quy hoạch lại đồng bằng sông Cửu Long để hướng dẫn nông dân trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp với từng vùng, tránh cảnh nuôi trồng tự phát như thời gian qua.
Đồng ý kiến với đại biểu Bé, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đề nghị Chính phủ quan tâm tái cơ cấu nền nông nghiệp trong bối cảnh ảnh hưởng biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Để giúp các tỉnh phục hồi kinh tế 6 tháng cuối năm 2016 và các năm tiếp theo, Chính phủ cần tập trung giải quyết khó khăn trước mắt trong sản xuất nông nghiệp.
Ngoài việc hỗ trợ để ổn định sinh hoạt, đời sống người dân, cần nghiên cứu giống, kỹ thuật để chuyển đổi nhanh giống cây trồng ít sử dụng nước, triển khai chuỗi sản xuất, liên kết để tiêu thụ sản phẩm. Cần có các giải pháp ngăn ngập mặn, trữ nguồn nước ngọt, kiện toàn hệ thống thủy lợi; rà soát lại quy trình sản xuất, phân định rõ các vùng sản xuất, quản lý quy hoạch, định hướng sản xuất gắn với thị trường, tránh tình trạng sản xuất trên một vùng nhưng ảnh hưởng lẫn nhau.
Chính phủ cần có chính sách tận dụng chức năng tạo tăng trưởng kép của ngành nông nghiệp, tạo điều kiện tăng trưởng lĩnh vực chế biến và thương mại hàng hóa nông sản theo chuỗi giá trị, đạt chất lượng, quy mô, xây dựng thương hiệu riêng; hoàn thiện các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, coi đây là yếu tố quyết định tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chính phủ cũng cần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; quy định mức thuế phù hợp với từng hạn mức để khuyến khích tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh ngày càng quyết liệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết đã có những chủ trương khá đồng bộ, có Nghị quyết của Trung ương, các chiến lược quy hoạch và kịch bản về biến đổi khí hậu lần thứ ba trên cơ sở cập nhật diễn biến mới đây nhất của toàn cầu. Chính phủ thông qua hợp tác quốc tế đã huy động sự đóng góp của các quốc gia và các tổ chức quốc tế.
Đặc biệt, Đồng bằng sông Cửu Long đã huy động Chính phủ và chuyên gia Hà Lan xây dựng và quy hoạch Chiến lược đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và sinh kế cho người dân.
Chính phủ cũng đã huy động ngân hàng Thế giới huy động 200 triệu đô ban đầu cho dự án toàn diện về thích ứng biến đổi khí hậu và sinh kế cho người dân, tiếp cận theo hướng đi mới. Vấn đề đồng bằng sông Cửu Long đã được nhìn nhận trong những giải pháp cấp bách trước mắt cũng như tầm nhìn dài hạn trong việc xây dựng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững hơn.
Giải trình ý kiến của các đại biểu, nêu quan điểm tất yếu phải tái cơ cấu nông nghiệp và một số kết quả đạt được trong 3 năm qua, song Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thừa nhận về tổng thể, các sản phẩm chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, cho giá trị thấp, tiêu thụ bấp bênh, giá trị gia tăng thấp, đòi hỏi phải có sự quyết liệt hơn, đặc biệt ở các vùng trọng điểm đang bị tác động kép bởi biến đổi khí hậu như đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung bộ.
Tới đây, Bộ sẽ cùng với các tỉnh rà soát điều chỉnh quy hoạch theo hướng phát huy sản phẩm lợi thế vùng gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, gắn với nhu cầu thị trường, trên cơ sở đó đề xuất đầu tư hạ tầng một cách căn cơ theo yêu cầu của sản xuất mới. Trong nông nghiệp phải tính đến đối tượng và giải pháp nông nghiệp tiết kiệm nhất.
Theo Tư lệnh ngành Nông nghiệp, hiện cả nước có 12 triệu hộ nông dân trong khi các hình thức tổ chức sản xuất tập trung rất ít, chỉ có 3.000 doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp, 1.000 hợp tác xã kiểu mới, không có doanh nghiệp trụ cột trong chuỗi liên kết với nông dân qua tổ chức hợp tác xã nên rất khó hình thành vùng sản xuất lớn tập trung. Bộ sẽ cùng VCCI và các địa phương bàn giải pháp, tham mưu sớm hoàn thiện các chính sách kêu gọi được nhiều doanh nghiệp và hình thành nhiều hợp tác xã trong khu vực nông nghiệp.
Bộ trưởng cũng đề cập các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp từ nay đến cuối năm, trong đó tập trung phát triển lĩnh vực thủy sản, nuôi lợn, mở rộng diện tích trồng lúa Thu Đông, có các giải pháp phòng chống thiên tai.../.
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình đề ra  (29/07/2016)
Phải có trách nhiệm trước cử tri khi bấm nút thông qua luật  (29/07/2016)
Tăng cường hợp tác văn hóa, du lịch giữa Việt Nam và Thái Lan  (29/07/2016)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt đại biểu người dân tộc thiểu số  (29/07/2016)
Quốc hội thảo luận quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014  (29/07/2016)
Lời Tuyên thệ - Điểm tựa niềm tin của nhân dân cả nước  (29/07/2016)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam