TCCSĐT - Ngày 09-7-2016, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã khép lại tại Thủ đô Warsaw của Ba Lan sau hai ngày làm việc.
Chính phủ Pháp tiếp tục “bỏ qua” Quốc hội để thông qua dự luật lao động mới

 

Thủ tướng Pháp Manuel Valls nhấn mạnh hành động của ông là vì “lợi ích chung” của nhân dân Pháp. Ảnh: AFP

Ngày 05-7-2016, trong lần xem xét thứ hai tại Quốc hội, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã một lần nữa sử dụng điều 49-3 trong Hiến pháp để thông qua dự luật lao động sửa đổi mà không cần Quốc hội bỏ phiếu thông qua. Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng M. Valls nhấn mạnh hành động của ông là vì “lợi ích chung” của nhân dân Pháp và là cần thiết để thúc đẩy thị trường lao động sau nhiều thập kỷ quốc gia này phải chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp cao. Theo đó, Luật Lao động mới tạo điều kiện cho các chủ sử dụng lao động trong tuyển dụng và sa thải nhân viên. Thống kê cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trên toàn nước Pháp đang ở mức 10%, tuy nhiên, tỷ lệ này ở lao động trẻ lại ở mức khá cao, gần 25%. Có tới hơn 3,5 triệu người tại Pháp đã đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp. Dự luật này sẽ được chuyển lại cho Thượng viện xem xét lần nữa, sau đó sẽ được trình trở lại Quốc hội vào cuối tháng này để xem xét lần cuối cùng.

Trong khi đó, những người phản đối dự luật lập luận rằng văn kiện trên đã đi quá xa, đe dọa các quyền cơ bản của người lao động vốn luôn được luật pháp nước này bảo vệ, thậm chí nhiều nghị sĩ thuộc Đảng Xã hội còn đe dọa tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của Thủ tướng M. Valls. Điều 49-3 trong Hiến pháp Pháp quy định một chính phủ cầm quyền được phép thông qua một dự luật mà không cần bỏ phiếu tại quốc hội. Tuy nhiên, trong trường hợp chính phủ viện tới điều khoản này thì quốc hội lại có quyền yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ.

Diễn đàn Kinh tế Ấn Độ - ASEAN lần thứ năm tại New Delhi

 

Diễn đàn Kinh tế Ấn Độ - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ năm tại New Delhi. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ


Ngày 08-7-2016, tại New Delhi, Diễn đàn Kinh tế Ấn Độ - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ năm đã diễn ra tại khách sạn Taj Mahal ở trung tâm Thủ đô của Ấn Độ. Diễn đàn lần này do Hiệp hội các phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ (ASSOCHAM) tổ chức và được xem là hoạt động đầu tiên hướng tới Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 14 và Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 11.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bí thư Phương Đông Bộ Ngoại giao Ấn Độ Preeti Saran cho biết mối quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ phát triển vững chắc từ chính sách hướng Đông được đề ra từ đầu những năm 1990 và giờ đây đã chuyển sang chính sách Hành động hướng Đông. Bà P. Saran cho biết thêm về lĩnh vực chính trị - an ninh, Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với ASEAN nhằm đối phó với khủng bố thông qua việc cải thiện chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật giữa hai bên,... Về lĩnh vực kinh tế và thương mại, bà P. Saran cho rằng khả năng ký kết một Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ tạo động lực rất lớn cho hợp tác kinh tế và thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo số liệu thống kê của ASSOCHAM, tổng thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN đã tăng hơn 3 lần, từ mức 21 tỷ USD trong giai đoạn năm 2005 -2006 lên 65 tỷ USD trong giai đoạn 2015 - 2016. Chủ tịch ASSOCHAM Sunil Kanoria nhận định trong những năm tới, việc Thỏa thuận Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) có hiệu lực và thuế quan áp dụng với nhiều mặt hàng được dỡ bỏ sẽ mang lại động lực lớn thúc đẩy lớn cho thương mại song phương.

NATO tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe tập thể

 

Hội nghị thượng đỉnh NATO đã chính thức khép lại với nhiều quyết định quan trọng. Ảnh: nato.int


Ngày 09-7-2016, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã khép lại tại Thủ đô Warsaw của Ba Lan sau hai ngày làm việc. Hội nghị thượng đỉnh lần này được đánh giá là hội nghị quan trọng nhất đối với Liên minh kể từ sau thời kỳ Chiến tranh lạnh. NATO cho rằng Liên minh này đang phải phải đối mặt với một môi trường an ninh ngày càng phức tạp, khó lường.

NATO đã thông qua quyết định triển khai bốn tiểu đoàn đa quốc gia do Mỹ, Anh, Đức và Canada dẫn đầu tại Ba Lan và ba nước vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva. Liên minh cũng quyết định mở rộng sự có mặt quân sự tại khu vực Biển Đen và Đông - Nam châu Âu với việc thành lập Lữ đoàn đa quốc gia Romania - Bulgaria nhằm duy trì thế cân bằng tại hai khu vực này. Tổ chức này cũng đã quyết định về việc vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tại châu Âu, cam kết tăng cường khả năng phòng thủ không gian mạng, đồng thời công nhận không gian mạng là lĩnh vực hoạt động mới. Các nhà lãnh đạo NATO đã quyết định hỗ trợ các nước đối tác nhằm duy trì hòa bình, trong đó có một thỏa thuận về đào tạo và xây dựng thể chế tại Iraq. Các nhà lãnh đạo cũng quyết định chia sẻ thông tin tình báo thu thập được từ các máy bay do thám của NATO cho Liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cũng như tăng cường sự hiện diện của lực lượng hải quân tại vùng biển Địa Trung Hải. Liên minh NATO và các nước đối tác cam kết duy trì Phái bộ tại Afghanistan sau năm 2016 và cung cấp tài chính khoảng 3 tỷ USD cho quốc gia này đến năm 2020. Hội nghị cũng đã đánh giá tình hình an ninh tại Ukraine, hoan nghênh kế hoạch cải cách của chính quyền Tổng thống Petro Poroshenko, và thông qua gói hỗ trợ toàn diện cho Ukraine nhằm giúp các định chế an ninh, quốc phòng nước này hoạt động có hiệu quả hơn. Đánh giá về kết quả Hội nghị, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, các nước thành viên và các nước đối tác đều bày tỏ quyết tâm thực hiện các quyết định thông qua tại Hội nghị.

Bộ trưởng Thương mại G20 thúc đẩy chiến lược tăng trưởng thương mại

 

Các bộ trưởng ra tuyên bố chung, nhấn mạnh thương mại nên duy trì là “động lực quan trọng” nhằm kích thích tăng trưởng toàn cầu. Ảnh: indianexpress.com


Ngày 10-7-2016, sau hai ngày nhóm họp tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Thượng Hải (Trung Quốc), các bộ trưởng đã ra tuyên bố chung, nhấn mạnh thương mại nên duy trì là “động lực quan trọng” nhằm kích thích tăng trưởng toàn cầu. Nhằm ngăn chặn đà suy giảm của nền kinh tế thế giới, các bộ trưởng cũng nhất trí cải thiện công tác quản trị thương mại toàn cầu để hướng tới nới lỏng và tự do hóa thương mại. Bên cạnh đó, hội nghị cam kết cắt giảm 15% chi phí thương mại, song không nêu rõ thời điểm. Các nền kinh tế G20 thừa nhận bảo hộ nền công nghiệp nội địa đang gia tăng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. G20 nhất trí phản đối bảo hộ thương mại và một lần nữa khẳng định không bổ sung các biện pháp bảo hộ mới cho đến năm 2018. Liên quan đến mối lo ngại về tình trạng dư thừa năng lực sản xuất của Trung Quốc trong ngành thép dẫn đến những tranh chấp thương mại với EU và Mỹ, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn cho biết các nền kinh tế G20 nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác toàn cầu để giải quyết thách thức do năng lực sản xuất dư thừa gây ra.

Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang dần phục hồi, song tình hình vẫn còn nhiều khó khăn phức tạp, thương mại toàn cầu tăng trưởng thấp, mức đầu tư không bằng giai đoạn trước khủng hoảng tài chính, trong khi vẫn chưa tìm ra động lực tăng trưởng bền vững mới cho kinh tế thế giới. Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G20 lần này là một trong các hoạt động lớn, mang ý nghĩa đặc biệt nhằm thúc đẩy hợp tác toàn diện trong lĩnh vực thương mại, đầu tư trên thế giới./.