Sáng 4-5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Thành ủy Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 190 năm ngày sinh Các Mác (5-5-1818 - 5-5-2008).

Các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước: Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trường trực Ban Bí thư; Tòng Thị Phóng, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội; lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương và Hà Nội đã dự Lễ kỷ niệm.

Trong diễn văn khai mạc, GS, TS Lê Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viên Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Cùng với Ph.Ăng ghen, C. Mác đã tổng kết sâu sắc toàn bộ lịch sử loài người, toàn bộ các thành tựu của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, toàn bộ lịch sử tư tưởng nhân loại, đặc biệt là nghiên cứu: tổng kết hàng núi tài liệu về chủ nghĩa tư bản, về thực tiễn phong trào công nhân. Hai ông đã kế thừa các tư tưởng tiên tiến của nhân loại thể hiện tập trung trong triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học cổ điển Anh, chủ nghĩa xã hội Pháp. Từ đó hai ông xây dựng nên các học thuyết, các hệ thống lý luận về phương pháp nhận thức và cải tạo thế giới, về giải phóng giai cấp công nhân đồng thời giải phóng toàn xã hội loài người khỏi mọi sự áp bức, bóc lột và mọi sự tha hoá, về cách mạng cộng sản chủ nghĩa, về xây dựng một xã hội ''trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người'' (Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản).

Các Mác là nhà khoa học thiên tài, đồng thời là nhà cách mạng vĩ đại, hai phẩm chất ấy thống nhất làm một trong con người của ông. Khoa học, đối với C.Mác là vũ khí đấu tranh cải tạo thế giới, bởi nó giải đáp kịp thời và chính xác những vấn đề bức xúc có ý nghĩa thời đại là tư tưởng tiên tiến của nhân loại đã nêu ra. “Sứ mệnh thật sự của Mác - như Ph.Ăng-ghen nói – là góp phần bằng cách này hay cách khác vào việc lật đổ xã hội tư bản chủ nghĩa, là tham gia vào sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản hiện đại mà C.Mác là người đầu tiên làm cho giai cấp ấy có ý thức về địa vị và yêu cầu của mình, có ý thức về những điều kiện để tự giải phóng''. Một sự nghiệp cách mạng và một sự nghiệp khoa học thư thế làm sao có thể không gây ra sự thù địch của những người bảo vệ trật tự tư bản.

Ở Việt Nam, qua thực tiễn hơn 20 năm đổi mới, nhận thức của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng được sáng rõ hơn. Đảng ta xác định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là ''phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần của xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh: đảm bảo vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử của hơn 20 năm đổi mới là sự khẳng định một lần nữa tính đúng đắn, sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tính đúng đắn của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội  của Đảng ta. Đại hội lần thứ X của Đảng, trên cơ sở tổng kết 20 năm đổi mới (l986-2006) đã khẳng định phải kiên định chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động của Đảng. Thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận, giải quyết đúng đắn những vấn đề do cuộc sống đặt ra”.

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương (khoá X) đã quyết định về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới. Trong nghị quyết đã chỉ ra nhiệm vụ công tác lý luận là phải nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin tư tưởng Hồ Chí Minh, làm rõ những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác – Lênin, những vấn đề cần bổ sung và phát triển cho phù hợp với thực tiễn đất nước và thời đại.

Thực hiện chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ X là Đảng cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và phát triển Cương lĩnh, mới đây Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương (khoá X) đã quyết định thành lập Tiểu ban tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, bổ sung và phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ mới. Cương lĩnh 1991 là thành tựu lý luận quan trọng của Đảng ta trong đó đã quán triệt sâu sắc tư tưởng biện chứng của C.Mác, những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin có giá trị định hướng và chỉ đạo to lớn đối với công cuộc đổi mới. Chúng ta tin tưởng rằng, qua đợt tổng kết này sẽ làm sáng tỏ hơn về lý luận và thực tiễn một số vấn đề chủ yếu về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, qua đó sẽ bổ sung và phát triển Cương lĩnh, thể hiện đầy đủ hơn trí tuệ của Đảng ta những kinh nghiệm ngày càng phong phú của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, cung cấp một số luận cứ khoa học cho việc chuẩn bị văn kiện Đại hội XI của Đảng.

Kết thúc bài phát biểu, GS, TS Lê Hữu Nghĩa nói, nắm vững phép biện chứng cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, phát triển học thuyết Mác trước đòi hỏi của cuộc sống là thể hiện sự trung thành của chúng ta đối với những tư tưởng khoa học và cách mạng của Mác, và đó là thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của chúng ta đối với người thầy vĩ đại Các Mác.