Lễ kỷ niệm 91 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2016) và lễ trao Giải báo chí quốc gia lần thứ X năm 2015 đã diễn ra tối 21-6 tại Hà Nội.

Đây là dịp để những người làm báo cả nước cùng ôn lại truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng và tôn vinh các nhà báo có tác phẩm báo chí xuất sắc trong năm 2015 với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới dự, phát biểu ý kiến và cùng đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao giải cho các tác giả, tác phẩm đạt giải A, Giải báo chí quốc gia lần thứ X.

Cùng dự sự kiện trọng đại nhất trong năm của những người làm báo cả nước có: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Tổng Biên tập báo Nhân Dân Thuận Hữu, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ. Ngoài ra còn có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, đại diện các tác giả đoạt giải Báo chí quốc gia 2015, các nhà báo lão thành, thân nhân gia đình các nhà báo liệt sĩ, cùng đông đảo đại diện giới báo chí cả nước.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tích xuất sắc, đóng góp to lớn của đội ngũ những người làm báo cả nước đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; chúc mừng các nhà báo vinh dự được trao Giải thưởng Báo chí quốc gia.

Chủ tịch nước nhấn mạnh với truyền thống hơn 90 năm đồng hành cùng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sự ủng hộ, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí nước nhà đã có bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng thể hiện tốt vai trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận báo chí cách mạng Việt Nam đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo và trở thành lực lượng xung kích tin cậy của Đảng, Nhà nước trong việc tuyên truyền, làm sáng tỏ tính đúng đắn, khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tích cực vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Báo chí cách mạng Việt Nam cũng kịp thời phản ánh sinh động thực tiễn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường an ninh, quốc phòng, đối ngoại, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Về nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam trong thời gian tới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ báo chí cách mạng Việt Nam phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về nội dung, vươn lên hiện đại về mô hình tổ chức hoạt động, về cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ,... không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, sức hấp dẫn với nhân dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp các mạng và xu thế hội nhập quốc tế.

Báo chí cũng cần tuyên truyền mạnh mẽ và sâu rộng Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực góp phần củng cố, tăng cường sự thống nhất về tư tưởng, chính trị trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân...; chú trọng tăng cường tuyên truyền, cổ vũ, động viên những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trên mọi lĩnh vực; tích cực phát hiện, góp phần đấu tranh, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các biểu hiện tiêu cực và tệ nạn xã hội; chủ động tham gia đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, phản bác kịp thời các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước,...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị báo chí cách mạng Việt Nam tập trung nâng cao chất lượng hoạt động thông tin đối ngoại, coi trọng tuyên truyền đối ngoại về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chính sách đối với đồng bào ở nước ngoài. Cùng đó, các cấp Hội Nhà báo cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ đoàn kết, tập hợp hội viên; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, khóa XII; tổ chức thực hiện nghiêm túc lời dạy của Người “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”. Vì vậy, mỗi người làm báo cần thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, không “uốn cong ngòi bút trước những cám dỗ, tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, nỗ lực phấn đấu là người chiến sĩ xung kích, kiên cường trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân”.

Tại buổi lễ, ngoài tám giải A, Ban tổ chức cũng đã trao 25 giải B, 40 giải C và 19 giải Khuyến khích cho các tác phẩm xuất sắc nhất. Theo đánh giá chung của Hội đồng Giải Báo chí quốc gia, chất lượng các tác phẩm dự thi được nâng cao và đồng đều, không có sự cách biệt quá lớn về chất lượng giữa các tác phẩm của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, nhất là mảng báo hình, báo in.

Các tác phẩm dự giải đáp ứng được các tiêu chí xét chọn, tập trung thể hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước trong năm 2015 với nhiều khó khăn, thử thách mới; phản ánh kịp thời, sinh động và đa dạng tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, nhất là bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Các tác phẩm cũng tập trung vào đề tài đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh với các thế lực thù địch, các hoạt động chống phá Nhà nước và chế độ; giới thiệu những nhân tố mới, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trong hoạt động kinh tế,...

Qua 10 năm tổ chức Giải báo chí quốc gia, năm nay có số tác phẩm và đơn vị tham dự Giải nhiều nhất với 1.660 tác phẩm của 169 đơn vị, cá nhân tham dự ở 11 loại giải. Giải năm nay có số Hội Nhà báo tỉnh, thành phố tham dự cao nhất tính từ Giải đầu tiên với 61/63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố tham gia. Số lượng cơ quan báo chí và cộng tác viên cũng đều tăng, trong đó có 207 cộng tác viên.

Trong số tám giải A, có một tác phẩm là của cộng tác viên. Năm nay cũng là năm thứ năm, Hội đồng Giải có cơ chế riêng đối với ảnh báo chí, cho phép tác giả gửi thẳng tác phẩm về Hội đồng Giải không qua tuyển chọn ở cơ sở. Số lượng tác phẩm ảnh dự thi năm nay đạt 113 tác phẩm, trong đó có 43 cá nhân gửi ảnh.

Giải báo chí quốc gia năm 2015 tiếp tục nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cấp Hội trong cả nước với 169 cấp hội, cá nhân của 61/63 Hội Nhà báo tỉnh/thành phố tham dự. Số lượng cơ quan báo chí và cộng tác viên cũng đều tăng, trong đó có 207 cộng tác viên. 142 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo đều là những tác phẩm tiêu biểu, có tính phát hiện, phản ánh sinh động mọi mặt của đời sống, trong đó tập trung phản ánh những vấn đề lớn của đất nước, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, có chất lượng tốt về hình thức thể hiện./.